Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVI (Cử tri huyện Thạch Hà, Can Lộc,Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh).
EmailPrintAa
16:25 06/06/2013

Câu hỏi: 

Những năm gần đây, con em được đào tạo tại các trường đại học, nhất là ngành sư phạm sau khi ra trường không có việc làm, ảnh hưởng lớn đến đời sống và tâm tư của nhân dân. Việc ban hành chính sách, kế hoạch đào tạo nghề cho lực lượng lao động chưa có việc làm ở nông thôn phải sát với nhu cầu của thị trường lao động; cần quan tâm tích cực hơn nữa vấn đề việc làm cho người dân vùng tái định cư 

 

Trả lời:

*. Về con em được đào tạo nhưng không có việc làm:

Theo quy định việc tuyển dụng công chức, viên chức phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao. Đối với ngành giáo dục, 03 năm gần đây do số lượng giáo viên dôi dư nhiều so với quy định (năm học 2010 - 2011 dôi dư 426 biên chế, năm học 2011 - 2012 dôi dư 643 biên chế , năm học 2012 - 2013 dôi dư 1.148 biên chế), do đó theo quy định các đơn vị không được tổ chức tuyển dụng mới; để từng bước giảm bớt số lượng giáo viên dôi dư, tỉnh có chủ trương không tuyển dụng mới mà chỉ tiến hành điều chuyển, cân đối giữa các đơn vị trường học trong phạm vi tỉnh, điều chuyển giữa các cấp học (đối với các bộ môn chung) do đó cơ hội có việc làm đối với những em tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp ngành sư phạm chưa được thực hiện.

Do số lượng học sinh của các cấp học những năm gần đây giảm, dự báo những năm tiếp theo còn tiếp tục giảm (tỷ lệ sinh hàng năm giảm, xu hướng chuyển dịch lao động, do sáp nhập trường, lớp), nên hàng năm số lượng giáo viên trong biên chế tiếp tục dôi dư.

Để từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giáo viên, tỉnh đang đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với công chức, viên chức (để giải quyết chế độ, chính sách cho những giáo viên chưa đạt chuẩn; do sức khỏe yếu, năng lực công tác hạn chế; dôi dư theo cơ cấu bộ môn). Khi giải quyết cơ bản tình trạng dôi dư, cơ cấu các bộ môn thiếu giáo viên theo quy định, tỉnh sẽ xem xét có thể cho tuyển dụng mới giáo viên đối với những bộ môn thiếu, tuyển mới để thay thế những người về hưu, chưa đạt chuẩn theo quy định hoặc nghỉ do sức khỏe yếu, năng lực yếu.

Việc tạo điều kiện cho con em có việc làm sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hay đào tạo nghề là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, do đó cần tăng cường giáo dục, định hướng, tư vấn cho con em nhận thức đúng đắn lựa chọn theo học những ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân, nhu cầu xã hội đang cần và dự báo tương lai sẽ cần để khi ra trường các em có nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm.

*. Về ban hành chính sách, kế hoạch đào tạo nghề cho người lao động:

          Hội đồng nhân dân tỉnh kỳ họp thứ 14 khoá XV đã ban hành Nghị quyết số 96/2008/NQ-HĐND ngày 10/12/2008 phê duyệt Đề án đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực lao động kỹ thuật giai đoạn 2009-2015, đáp ứng nhu cầu lao động kỹ thuật cho các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Tháng 12/2010, Sở LĐ-TB và XH đã phối hợp các địa phương, đơn vị tổ chức điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các huyện, thành phố, thị xã; công tác điều tra được thực hiện từ các thôn, xóm, từng hộ gia đình. Kết quả điều tra, toàn tỉnh có 127.251 người có nhu cầu được đào tạo nghề với 112 nghề đăng ký; chiếm 22% tổng số lao động ở khu vực nông thôn; trong đó, nhóm nghề nông nghiệp, lâm nghiệp: 81.578 người, chiếm 64,1%; thương mại - dịch vụ: 39.149 người, chiếm 30,8%; công nghiệp - xây dựng: 6.524 người, chiếm 5,1%.

Trên cơ sở kết quả điều tra, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1952/QĐ-UBND ngày 20/6/2011 về việc phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020; mục tiêu đến năm 2020 sẽ đào tạo nghề cho 150.000 người, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 là 70.000 người, giai đoạn 2016 - 2020 là 80.000 người.

Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó người lao động học được hỗ trợ chi phí học nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 03 tháng theo các mức sau:

- Lao động thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác được hỗ trợ tối đa 03 triệu đồng/người/khóa; hỗ trợ tiền ăn với mức 15.000 đồng/ngày thực học/người; hỗ trợ tiền đi lại với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khoá học (đối với người học nghề xa nơi cư trú từ 15 km trở lên);

-Lao động nông thôn thuộc diện hộ cậnnghèođược hỗ trợ tối đa 2,5triệu đồng/người/khóa;

- Lao động nông thôn khácđược hỗ trợ tối đa 02 triệu đồng/người/khóa.

Ngoài ra, Quyết định số 20/2011/QĐ-UBND ngày 19/7/2011 của UBND tỉnh về thành lập Quỹ hỗ trợ đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm và ổn định đời sống cho người dân bị thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; quy định: Học sinh, sinh viên thuộc diện hộ gia đình bị thu hồi trên 30% đất sản xuất được hỗ trợ chi phí đào tạo tối đa 05 triệu đồng/người/khoá học.

* Về xây dựng kế hoạch đào tạo:

- Căn cứ vào điều kiện của bản thân và nhu cầu thị trường lao động, người lao động làm đơn xin đăng ký học nghề, trong đó nêu cụ thể tên nghề đăng ký học, thời gian đào tạo; trên cơ sở đó, chính quyền cấp xã, cấp huyện tổng hợp và xác nhận danh sách đăng ký học nghề gửi về Sở LĐ-TB và XH và cơ sở dạy nghề.

- Căn cứ danh sách đăng ký học nghề của các huyện, thành phố, thị xã và năng lực đào tạo của các cơ sở dạy nghề, Sở LĐ-TB và XH xây dựng kế hoạch, phân bổ chỉ tiêu, số lượng và cho phép các đơn vị tổ chức đào tạo.

Với sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp; Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, kế hoạch đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn, đặc biệt là lực lượng lao động chưa có việc làm ở nông thôn. Từ năm 2010-2012, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 73.965 lao động, trong đó: Cao đẳng và trung cấp nghề 6.211 người, giải quyết việc làm 87.468 người, trong đó xuất khẩu lao động 16.878 người, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, thực tế một bộ phận người lao động lựa chọn ngành, nghề chưa phù hợp với thị trường lao động và quy hoạch sản xuất tại địa phương, một số chưa tìm kiếm, tự giải quyết được việc làm. Chủ yếu do các nguyên nhân sau:

+ Một số cấp uỷ Đảng, chính quyền chưa nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức; chưa có chỉ tiêu, giải pháp cụ thể về đào tạo nghề gắn với việc làm và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của địa phương. Đội ngũ tư vấn chọn nghề, giải quyết việc làm tại cơ sở còn thiếu và yếu về nghiệp vụ.

+ Nhận thức của người dân về lợi ích, sự cần thiết của học nghề còn hạn chế nên chưa quan tâm đầu tư đến việc học nghề.

+ Tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến phát triển sản xuất và các dự án trên địa bàn tỉnh đang ở giai đoạn xây dựng cơ bản nên nhu cầu sử dụng lao động giảm sút; việc huy động, vay vốn cho đầu tư sản xuất gặp nhiều khó khăn.

+ Chất lượng chương trình dạy nghề tại một số đơn vị, một số nghề chưa cao; việc ban hành chương trình dạy nghề một số chưa đảm bảo theo quy định; nguồn kinh phí hàng năm chậm gây ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo.

- Tiếp tục thực hiện Quỹ hỗ trợ dạy nghề, việc làm: UBND tỉnh đã thành lập Hội đồng Quản lý Quỹ và Tổ giúp việc; ban hành Quy chế làm việc; tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp; thống kê nhu cầu học nghề của người dân để lập kế hoạch bố trí kinh phí, in ấn, phát hành thẻ học nghề; chỉ đạo các trường dạy nghề, các trung tâm dạy nghề hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tổ chức tuyển sinh, đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp; hiện tại Quỹ đã được bố trí 13 tỷ đồng để hoạt động (3 tỷ đồng năm 2012 và 10 tỷ đồng năm 2013).

Tuy vậy, việc tổ chức triển khai các hoạt động của Quỹ hỗ trợ dạy nghề, việc làm hiện nay đang gặp một số khó khăn như sau:

+ Do tình hình suy thoái kinh tế, cắt giảm đầu tư đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án; vì vậy nguồn kinh phí bố trí công tác đào tạo, chuyển đổi nghề không đạt kế hoạch. Ngay cả các dự án được bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cũng không triển khai theo kế hoạch phê duyệt, mà chi trả trực tiếp bằng tiền mặt cho các hộ dân (Dự án Formosa đã chi trả trực tiếp cho người dân 46 tỷ đồng).

+Nhu cầu về đào tạo, chuyển đổi nghề, bố trí việc làm của người dân đang còn rất lớn. Các công trình, dự án đang trong giai đoạn đầu tư nên chưa có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn; đối với các nhà thầu, tuy có đăng ký tuyển dụng lao động của địa phương, nhưng yêu cầu trình độ, thời gian và kinh nghiệm công tác, nên lao động tại các vùng dự án không cạnh tranh được với các địa phương khác.

Để đảm bảo thực hiện tốt công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho người dân, đề nghị sở, ngành liên quan, HĐND, UBND các huyện, thành phố, thị xã quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho người dân tại các vùng ảnh hưởng dự án; bố trí nguồn kinh phí trong các dự án đền bù, giải phóng mặt bằng cho công tác đào tạo, chuyển đổi nghề và chuyển về Quỹ hỗ trợ dạy nghề, việc làm để triển khai thực hiện, tránh tình trạng chi trả trực tiếp cho người dân.

Đối với các doanh nghiệp cần quan tâm bố trí một phần kinh phí cho công tác dạy nghề, tuyển dụng lao động; thông báo kịp thời, chính xác nhu cầu tuyển dụng lao động hàng năm để có kế hoạch đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp.

Đối với cơ sở dạy nghề cần tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, chính quyền địa phương trong việc nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động và nhu cầu học nghề của người dân để lên kế hoạch tuyển sinh, đào tạo gắn với giải quyết việc làm.

*. Về tạo việc làm cho người dân tái định cư

- Từ năm 2010 đến 2012 đã bố trí việc làm, chuyển đổi nghề cho 6.534 người/15.917 người, bằng 40% tổng nhu cầu của người dân, trong đó:

+ Huyện Kỳ Anh 3.621 người/7.926 người, bằng 46% nhu cầu (bố trí việc làm tại Khu kinh tế Vũng Áng 858 người; xuất khẩu lao động 885 người; tự bố trí việc làm, chuyển đổi nghề 1.878 người).

+ Huyện Thạch Hà 1.818 người/4.816 người, bằng 38% tổng nhu cầu người dân (xuất khẩu lao động 715 người, làm việc ngoại tỉnh 572 người, tự chuyển đổi ngành nghề 531 người).

+ KKT cửa khẩu Quốc tế cầu treo 312 người; các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các dự án khác trên địa bàn tỉnh 623 người.

- Phối hợp Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Cung ứng nhân lực KKT Vũng Áng, các tập đoàn, tổng công ty trong việc tuyển dụng lao động; từ năm 2012 đến nay đã tuyển dụng hơn 565 lao động trong tỉnh vào làm việc (đang giới thiệu 613 người lao động tham gia phỏng vấn), trong đó có 273 người dân bị thu hồi đất.

 


    Ý kiến bạn đọc