Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính cuối cùng là của Tòa án
EmailPrintAa
08:47 31/01/2013

Việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính thực chất là các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước; Do đó, việc thực hiện các biện pháp này cần được Tòa án quyết định theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ, bảo đảm khách quan, thận trọng, chính xác. Trong điều kiện hiện nay, có thể chưa thực hiện được việc chuyển giao ngay cho Tòa án thẩm quyền này, song cho ý kiến về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính tại Phiên họp thứ Ba, các Ủy viên UBTVQH cho rằng, cần bảo đảm quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính cuối cùng vẫn phải là của Tòa án…

Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng: Trách nhiệm rõ ràng, minh bạch sẽ thuyết phục được QH

Việc giao cho tòa án thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính là nội dung rất quan trọng. UBTVQH cũng đã cân nhắc thận trọng. Nên trình QH xem xét cả hai phương án để QH thảo luận, trong đó cần nêu rõ lộ trình chuẩn bị của tòa án để sau khi luật có hiệu lực thì có thể thực hiện được. Cần làm rõ cả các nội dung về giao cho tòa án sử dụng các nội dung và ý kiến của Hội đồng tư vấn như thế nào, phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn trong việc hỗ trợ Tòa án giải quyết các vi phạm trong lĩnh vực hành chính ra sao... Làm được vấn đề này, tôi cho rằng cũng phát huy được dân chủ. Nếu đưa ra giải quyết tại tòa án, người dân có quyền kháng cáo, có quyền kháng nghị, rồi điều kiện cơ sở vật chất để bảo đảm cho việc xét xử... cần thuyết trình rõ hơn để QH xem xét.

Việc chủ trương giao cho các thành phố trung tâm, các thành phố trực thuộc Trung ương tăng mức xử phạt hành chính là vấn đề lớn. Trước đây, từ những năm 1988, Hội đồng Nhà nước đã quy định giao cho Hội đồng Nhân dân quyết định. Nhưng sau đó lại giao lại cho UBTVQH hướng dẫn về mức phạt đối với các thành phố. Hiện cũng có ý kiến đề nghị nên giao cho Hội đồng Nhân dân quyết định vì Hội đồng Nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước địa phương, Hội đồng Nhân dân quyết định thì sẽ chịu trách nhiệm trước nhân dân và chắc chắn việc giám sát thực hiện cũng sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nội dung này cũng liên quan đến thẩm quyền nên cần chuẩn bị các phương án để trình QH quyết định.

Từ nay đến Kỳ họp thứ Hai, tôi đề nghị Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan phối hợp rà soát, bảo đảm tính thống nhất của các quy định trong dự thảo Luật này với hệ thống pháp luật hiện nay để khi luật được thông qua vận hành cho đồng bộ. Đặc biệt là đề cao trách nhiệm người thi hành công vụ được ghi trong luật này. Cần bảo đảm sự trong sáng và tinh thần trách nhiệm rõ ràng, minh bạch. Nếu được như thế thì tốt, chắc chắn sẽ có sức thuyết phục trước QH.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu: Chúng ta có đủ cơ sở để thực hiện

Vấn đề rất cơ bản của dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính là giao Tòa án thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Chúng ta mong muốn đi đến pháp luật công khai, minh bạch và công bằng. Tuy nhiên, theo Báo cáo của Chính phủ thì các điều kiện để thực hiện việc giao tòa án thẩm quyền này hiện nay chưa chuẩn bị kịp cả về con người, cơ sở vật chất và hiện cũng chưa thay đổi được thẩm quyền quyết định của Tòa án các cấp vì chưa đủ điều kiện triển khai. Nếu làm ngay có thể chưa thực sự khả thi, nhưng định hướng là phải làm được việc này để bảo đảm đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm sự tiến bộ của luật pháp nước ta cũng như thực thi luật pháp quốc tế trong quá trình hội nhập... Cần bàn kỹ, rất sâu vấn đề này.

Về vấn đề giao Chính phủ quy định mức phạt tiền cao hơn tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương, tôi nhất trí nên cho phép áp dụng đối với Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hải Phòng. Đây là yêu cầu của thực tiễn và chúng ta có đủ cơ sở để thực hiện. Nhưng điều tôi lo lắng là người thi hành công vụ có thực hiện được như mong muốn của chúng ta không? Nếu chúng ta cứ nâng mức phạt tiền lên cao, nhưng lại coi nhẹ công tác giáo dục pháp luật thì cũng không phải là giải pháp tốt. Việc xử lý vi phạm hành chính phải kết hợp nhiều giải pháp, vừa giáo dục pháp luật, đội ngũ cán bộ thi hành công vụ phải nghiêm minh, bước đầu chúng ta nâng mức phạt tiền lên nhưng rồi dần dần cũng phải giảm, chứ không thể cứ phạt tiền mãi được. Mức phạt tiền dự thảo Luật đưa ra cũng rất cao. Tôi tán thành phải điều chỉnh mức xử phạt nhưng cũng thấy băn khoăn. Cơ sở tính toán như thế nào mà dự thảo Luật đưa ra quy định mức xử phạt cao như thế? Cần nghiên cứu xem quy định này khi được áp dụng sẽ có tác dụng lại như thế nào để cân nhắc và tính toán thận trọng hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện: Cách làm có thể khác, nhưng quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính cuối cùng vẫn là của Tòa án

Các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành gồm 4 biện pháp chính là: giáo dục tại xã, phường; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục và đưa vào cơ sở chữa bệnh. Trước kia chúng ta có thêm một hình thức nữa là hình thức tập trung cải tạo hành chính. Nhưng trong những năm gần đây biện pháp tập trung cải tạo hành chính không được áp dụng nữa. Bản chất những biện pháp này đúng là tước một phần quyền tự do của con người. Tôi rất đồng tình với Tờ trình của Chính phủ. Việc giao cho Tòa án thẩm quyền xem xét quyết định áp dụng xử lý hành chính theo thủ tục tư pháp hoàn toàn phù hợp với chủ trương lớn của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách bộ máy nhà nước trong điều kiện và tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tờ trình của Chính phủ cũng nói rằng: tuy nhiên đây là vấn đề lớn mà việc thực thi cần phải có thời gian để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai thực hiện. Tức là về thực tế thì thấy việc giao Tòa án thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính là đúng rồi, chỉ có điều là, điều kiện triển khai thực hiện khó nên không làm. Tôi đề nghị, phải cân nhắc giữa điều kiện khó nên không làm được với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế để thống nhất nên tiếp nhận phương án nào.

Đã là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và định hướng lớn trong cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền, tôi nghĩ, khó nhiều quá thì ta phải chịu chứ khó thì phải cố gắng làm. Tôi tán thành quan điểm trong tình hình thực tiễn của nước ta hiện nay, cuối cùng vẫn đi đến mục đích là do tòa án giải quyết nhưng cách làm có thể khác với nước ngoài. Tôi hoàn toàn đồng ý với cách làm là trình tự, thủ tục xét duyệt các hồ sơ để thực hiện 4 biện pháp ở đây là phải thành lập Hội đồng tư vấn tùy theo từng cấp, gồm Chủ tịch Hội đồng tư vấn là một Phó Chủ tịch của Ủy ban nhân dân tùy theo từng loại việc, có thể là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, hay cấp tỉnh; thành viên là thường trực Ban giám đốc công an cấp tỉnh, hay cấp huyện tùy loại việc Giám đốc Sở tư pháp, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện Hội luật gia cùng cấp và đại diện các tổ chức xã hội có liên quan. Khi xem xét đưa một người thực hiện các biện pháp xử lý hành chính thì làm từ cơ sở trở lên, xã, phường đề nghị lên. Nếu giao thẳng cho Tòa án, tôi nghĩ chắc là không kỹ càng bằng hồ sơ do Hội đồng tư vấn làm. Từ trước tới nay, Hội đồng tư vấn từ xã, phường, huyện, quận người ta làm rất kỹ mà điều này phù hợp với lòng dân ở địa phương ấy là đưa những người này vào tập trung cải tạo chỉ có về mặt pháp lý là chúng ta làm sao hợp pháp hóa nó thôi. Tôi đề nghị, vẫn tiến hành và thành lập Hội đồng tư vấn, Hội đồng này cũng có thẩm quyền lập hồ sơ, quyết định có áp dụng một trong bốn biện pháp hành chính hay không? Sau 3 ngày, kể từ ngày kết thúc cuộc họp Hội đồng tư vấn, Hội đồng phải gửi biên bản cuộc họp kèm theo hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính cụ thể đến Tòa án chứ không phải là gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, hoặc cấp tỉnh như hiện nay. Như vậy vẫn bảo đảm quyết định cuối cùng về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính vẫn là của Tòa án. Với cách làm như vậy sẽ tư pháp hóa được những việc liên quan đến việc tước bỏ một phần quyền tự do của con người và dư luận quốc tế cũng không thể phàn nàn chúng ta vào đâu được.

Nguồn Báo Đại biểu nhân dân


    Ý kiến bạn đọc