Phối hợp rà soát, kiểm tra đảm bảo an toàn hồ đập trên địa bàn huyện Hương Khê
EmailPrintAa
10:15 05/06/2019

Chiều 4/6, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh có cuộc giám sát chuyên đề về Công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý công trình đê điều, hồ đập giai đoạn 2016-2019 tại huyện Hương Khê.

Đồng chí Trần Viết Hậu - Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc

Huyện Hương Khê hiện có 157 công trình hồ, đập thủy lợi với tổng dung tích trên 45,53 triệu m3 nước, trong đó 16 hồ dung tích lớn trên 1 triệu m3, còn lại các hồ chứa có dung tích từ 0,05 triệu đến <1,0 triệu m3. Ngoài ra, còn có hơn 40 hồ chứa nhỏ có dung tích dưới 0,05 triệu m3 nước do Nhân dân địa phương tự ngăn các khe, suối nhỏ để cấp nước cho một số diện tích cục bộ. Huyện đang triển khai sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Đá Bàn (xã Hương Đô); đập Bắc (xã Phú Gia) và hồ Thùng Trứa (xã Hương Trạch).

Khảo sát thực tế tại đập Khe Trường (xã Hương Thủy)

...hệ thống thủy lợi Khe Con, đập Họ Võ (xã Hương Giang)

Hiện tại, Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Hà Tĩnh quản lý, khai thác và bảo vệ 22 hồ, đập thủy lợi (chiếm 13,4%), chủ yếu là các hồ có dung tích >1 triệu m3 nước và hồ chứa có chiều cao đập trên 12m. Các HTX DVNN quản lý 135 hồ chứa còn lại (chiếm 86,6%), chủ yếu là các hồ có dung tích <1 triệu m3 nước và hồ chứa có chiều cao đập dưới 12m.

Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Lê Ngọc Huấn tiếp thu, giải trình tại cuộc làm việc

Nhìn chung, theo chức năng nhiệm vụ được giao và phân cấp, các đơn vị quản lý thủy nông trên địa bàn đã có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp trong công tác quản lý nhà nước và vận hành, khai thác công trình thủy lợi; đảm bảo cấp nước một cách hiệu quả và tiết kiệm nước. Hàng năm, UBND huyện đều thành lập các đoàn kiểm tra để làm việc với các xã, thị trấn về công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành lang an toàn hồ đập

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế cho thấy: hầu hết là đập đất đồng chất, phần lớn được xây dựng trong điều kiện vật tư khó khăn, thi công bằng thủ công và cơ giới kết hợp thủ công, đến nay đã bộc lộ nhiều nguy cơ, mất an toàn cao. Có nhiều hồ chứa đỉnh đập chỉ cao hơn cao trình tràn xã lũ từ 0,5 đến 1,0m, khi xảy ra mưa, lũ là nước đã tràn qua đỉnh đập nguy cơ làm vỡ đập là rất lớn, như: Đập Ông Vờm, xã Lộc Yên; đập MaKa, xã Hương Giang; đập Nhà Tàu, xã Hương Trạch... Ngoài ra, có đến 42 đập bị thấm thân đập, vai đập và nền đập; nhiều hồ bằng đất đã bị hư hỏng, xuống cấp.

Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh Đoàn Đình Anh đề nghị rà soát lại hiệu quả hoạt động của các công trình, phân loại, đánh giá để quy hoạch hợp lý

Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi Trần Đức Thịnh đề nghị rà soát lại các công trình hồ, đập bị hư hỏng để nâng cấp sửa chữa đảm bảo an toàn cũng như cấp nước phục vụ sản xuất

Phát biểu tại cuộc làm việc, Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh và các đại biểu tham dự đánh giá cao những kết quả đạt được của huyện trong công tác quản lý công trình đê điều, hồ đập thời gian qua. Qua đó, lưu ý quan tâm: rà soát, kiểm tra mức độ an toàn của các công trình hồ đập để xem xét nâng cấp, sửa chữa đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình đã được phê duyệt; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành lang an toàn hồ đập; rà soát lại danh mục các hồ đập để đưa vào quy hoạch, xem xét thứ tự ưu tiên đảm bảo đầu tư hiệu quả.

Ngoài ra, đề nghị huyện bổ sung thêm vào báo cáo công tác quản lý tuyến kênh, kè sông trên địa bàn và chỉnh sửa thống nhất số liệu.

Trước đó, Đoàn giám sát đã đi kiểm tra thực địa tại đập Khe Trường ở xã Hương Thủy; hệ thống thủy lợi Khe Con, đập Họ Võ ở xã Hương Giang; đập Họ và hệ thống kênh sông Tiêm.

Viết Dũng

    Ý kiến bạn đọc