Quản lý chặt việc khai thác khoáng sản, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nhà nước
EmailPrintAa
08:05 13/05/2015

Sáng ngày 12/5/2015, Đoàn giám sát “Công tác quản lý quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh” đã tổ chức làm việc với huyện Thạch Hà và các đơn vị liên quan. Đồng chí Nguyễn Trí Lạc - Trưởng Đoàn giám sát, Trưởng ban Kinh tế & Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc.
Đoàn giám sát đi thực tế tại khu vực khai thác đá tại núi Nam Giới, xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà

Huyện Thạch Hà có tổng diện tích đất tự nhiên là 35.503,78ha; địa hình chia cắt bởi ba hệ thống sông Nghèn, Rào Cái và sông Cày nên hình thành 3 vùng địa hình khá rõ rệt là đồng bằng, bán sơn địa, ven biển. Trên địa bàn huyện có nhiều loại khoáng sản quý và có quy mô lơn như: Sắt tại xã Thạch Khê, đá xây dựng tại các xã Thạch Hải, Thạch Bàn, Thạch Đỉnh; Ilmenit tại các xã Thạch Văn, Thạch Trị; Mangan tại xã Bắc Sơn, Thạch Xuân; sét gạch ngói ở Thạch Điền, Phù Việt… Hiện trên địa bàn huyện đang triển khai các dự án lớn về khai thác mỏ sắt Thạch Khê, khai thác đá xây dựng tại Thạch Hải.

Qua làm việc, Ban cho rằng việc quản lý, quy hoạch và thăm dò, khai thác, ​sử dụng khoáng sản trên địa bàn huyện Thạch Hà được thực hiện khá bài bản, hiệu quả, cụ thể như sau:

Việc quản lý nhà nước về khoáng sản từ tuyên truyền, ban hành văn bản quản lý đến việc tổ chức thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản được thực hiện tương đối đồng bộ, tích cực. Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản: Tính từ năm 2010 đến nay, huyện đã tổ chức 10 lớp tập huấn cho cán bộ cốt cán của huyện, xã, thị trấn về Luật khoáng sản năm 1996; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khoáng sản năm 2005, Luật khoáng sản 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Do luôn đa dạng hóa hình thức, nội dung tuyên truyền nên nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, các tổ chức kinh doanh trên địa bàn huyện ngày càng được nâng lên một cách rõ rệt. Bên cạnh đó huyện đã ban hành nhiều công văn, công điện để  tăng cường công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn. Đối với công tác phối hợp tổ chức quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản, huyện Thạch Hà đã phối hợp với Sở Xây dựng, Tài nguyên môi trường và các đơn vị liên quan rà soát, đề xuất các vùng quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản, vùng không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Qua đó, huyện đã quy hoạch 9 mỏ vật liệu xây dựng, diện tích 108 ha; 4 khu vụ không đấu giá quyền khai ​thác với diện tích 24,4ha. Tính từ năm 2010 đến nay, có tổng số 22 mỏ được cấp phép khai thác khoáng sản trong đó có 1 mỏ sắt, 3 mỏ đá, 2 mỏ sét, 2 mỏ cát, 14 mỏ đất. Hiện nay có 7 mỏ đang hoạt động khai thác khoảng sán. Nhìn chung, các doanh nghiệp khai thác thực hiện nghĩa vụ tài chính đầy đủ về thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường; công tác bảo vệ môi trường và an toàn lao động được các đơn vị thực hiện khá nghiêm túc.

Việc quản lý nhà nước về đất đai và bảo vệ môi trường được triển khai hiệu quả. Trước khi doanh nghiệp tỏ chức khai thác, chế biến khoáng sản đều tiến hành các thủ tục: giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, thuê đất đúng quy định pháp luật. Trong tổng số 22 mỏ được cấp phép, 8 mỏ có hợp đồng thuê đất, diện tích 28,69ha (không tính mỏ sắt Thạch Khê), 1 mỏ đang tiến hành thủ tục theo quy định pháp luật. Các mỏ vật liệu xây dựng trước khi khai thác đều có bản đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường…

Đối với việc thực hiện trách nhiệm xã hội của đơn vị khai thác đối với cộng đồng nơi khai thác được thực hiện tốt. Việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất bị thu hồi để thực hiện dự án được thực hiện đầy đủ, đạt được sự đồng thuận của nhân dân; các chính sách bồi thường được thực hiện công khai, minh bạch. Hiện các mỏ khai thác tại các xã Thạch Bàn, Thạch Hải đã giải quyết việc làm cho 120 con em địa phương, thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người và đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ. Ngoài ra các đoanh nghiệp thường xuyên hỗ trợ các địa phương xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, công trình công cộng.

Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản được quan tâm chỉ đạo; huyện thường xuyên phối hợp với các sở liên quan, phòng cảnh sát môi trường công an tỉnh để kiểm tra, xử lý thường xuyên.

Tại cuộc làm việc, các đại biểu tham dự đều thống nhất cho rằng: hiện nay trên địa bàn tỉnh nói chung việc khai thác khoáng sản trái phép, nhất là việc lợi dụng cải tạo vườn, đồi để khai thác khoáng sản trái phép còn diễn biến phức tạp; việc khai thác khoáng sản có phép và không phép đã và đang tác động lớn đến môi trường sinh thái; đối với dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê và các dự án khác đang triển khai trên địa bàn khi đã có quy hoạch, giải phóng mặt bằng thì cần có phương án tái định cư cho nhân dân vùng bị ảnh hướng ngay không nên để kéo dài để nhân dân ổn định cuộc sống. Đối với việc khai thác đá tại núi Nam Giới là liên quan đến rừng phòng hộ, theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh giao doanh nghiệp chưa thực hiện hoạt động khai thác tại vùng phòng hộ…


Đồng chí Nguyễn Trí Lạc - Trưởng Ban Kinh tế & Ngân sách phát biểu tại xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, đồng chí Trưởng Đoàn giám sát đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của huyện Thạch Hà trong công tác quản lý, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn. Đồng chí xin chia sẻ những khó khăn, vướng mắc hiện nay của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn. Đồng thời đề nghị, huyện Thạch Hà, các đơn vị liên quan thời gian tới cần lưu ý một số vấn đề sau: cần có sự thống nhất về số liệu thu phí, lệ phí giữa báo cáo của doanh nghiệp và các đơn vị quản lý; các doanh nghiệp, đơn vị khai thác khoáng sản cần có sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý để thực hiện việc khai thác khoáng sản đúng quy định pháp luật; công ty cổ phần xây dựng 1 Hà Tĩnh cần tuân thủ quyết định của tỉnh về việc tạm dừng khai thác tại vùng rừng phòng hộ của núi Nam Giới; huyện Thạch Hà cần tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý khai thác khoáng sản trên địa bản; chính quyên địa phương có mỏ khai thác cần có sự quản lý chặt chẽ hơn nữa đối với các đơn vị đang khai thác khoáng sản.


    Ý kiến bạn đọc