Thống nhất phương án xử lý, giải quyết dứt điểm việc chi trả bồi thường, khắc phục sự cố môi trường biển
EmailPrintAa
13:47 11/04/2017

Sáng ngày 11/4/2017, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh làm việc với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và các ngành liên quan để nghe báo cáo tình hình, kết quả thực hiện việc chi trả tiền bồi thường, khắc phục sự cố môi trường biển. Đồng chí Trần Viết Hậu - Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có lãnh đạo các Ban và Văn phòng HĐND tỉnh; lãnh đạo và thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan.
Đồng chí Đỗ Khoa Văn, Giám đốc Sở KHCN
 

Hà Tĩnh có 6.489 tàu cá, 1.545ha nuôi trồng thủy sản (ao, hồ, bãi triều), 27.022m3 nuôi lồng bè, 127ha sản xuất muối, 47.960 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi sự cố môi trường biển, với giá trị thiệt hại kê khai bước đầu là 1.591,77 tỷ đồng (chưa bao gồm thiệt hại của hàng hải sản tồn kho); ngay sau khi sự cố môi trường xảy ra, UBND tỉnh đã triển khai các nội dung liên quan đến hỗ trợ khẩn cấp ổn định đời sống, khôi phục sản xuất cho nhân dân và kê khai, bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho các đối tượng bị ảnh hưởng trên địa bàn. Tính đến ngày 10/4/2017, tỉnh đã phê duyệt giá trị thiệt hại được bồi thường, hỗ trợ là 1.171,255 tỷ đồng; chi trả cho các đối tượng  1.022,8 tỷ đồng (đạt 86% số kinh phí TW cấp).

Đối với công tác khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, đến nay đã hoàn thành việc hỗ trợ 6.240,484 tấn gạo cho 19.247 hộ, 67.988 số khẩu; hỗ trợ 23.066,5 triệu đồng cho 5.012 chủ tàu, thuyền theo chính sách của Trung ương; hỗ trợ 100% phí mua 2.847 thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ 02 năm học phí cho học sinh vùng bị ảnh hưởng; hỗ trợ 125 triệu đồng lập 25 cửa hàng kinh doanh hải sản an toàn; hỗ trợ 561,28 triệu đồng (50%) chi phí tiền điện cho 35 cơ sở đông lạnh tạm trữ hải sản từ tháng 4 đến tháng 9/2016; hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn ngân hàng cho các tổ chức vay vốn để mua muối cho diêm dân từ ngày 01/6/2016 đến 30/9/2016; hỗ trợ đóng mới 36 tàu cá trên 90CV, cải hoán 06 tàu cá lên trên 90CV theo chính sách riêng của tỉnh.

Đồng chí Lê Trần Sáng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch
 

Nhìn chung, hiện nay việc nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản trên địa bàn cơ bản đã hoạt động bình thường; lượng tàu thuyền đánh bắt đã tăng; sản lượng hải sản khai thác được thu mua và tiêu thụ ổn định; đã có 79,23ha/103,68ha diện tích muối có thể sản xuất được; hoạt động kinh doanh bán buôn, bán lẻ thủy sản tại chợ đã hoạt động trở lại, người tiêu dùng đã quay lại tiêu thụ các sản phẩm hải sản biển; các khu du lịch biển và các vùng phụ cận tiếp tục phục vụ khách du lịch, đã thực hiện xúc tiến đầu tư và triển khai một số dự án lớn về du lịch biển và tập trung các giải pháp để phát triển du lịch trong năm 2017. 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai việc chi trả bồi thường, khắc phục sự cố môi trường biển còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể: Về bồi thường, hỗ trợ thủy, hải sản tồn kho, gặp khó khăn trong việc xác định giá thu mua, việc xuất trình hóa đơn, chứng từ thu mua hải sản của các cơ sở; các đối tượng bị thiệt hại nhưng chưa thuộc diện bồi thường, hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số1880/QĐ-TTg. Về bồi thường nuôi trồng thủy sản, vướng mắc về cơ sở xác định hải sản chết 70%; chưa rõ khái niệm hải sản chết do ảnh hưởng trực tiếp sự cố môi trường hay do ảnh hưởng gián tiếp của sự cố môi trường... Về đối tượng, định mức bồi thường, một số đối tượng thiệt hại được xác định trong Văn bản số 6851/BNN-TCTS nhưng không thuộc đối tượng bồi thường được quy định tại Quyết định số 1880/QĐ-TTg, số 309/QĐ-TTg; chưa có tiêu chí, quy định cụ thể để xác định danh mục các ngành nghề lao động có tính chất đơn giản, không thường xuyên và có thu nhập chính; chưa quy định tiêu chí, cơ sở để xác định lao động làm việc trong các cửa hàng ăn uống phục vụ khách du lịch…

Đồng chí Đoàn Đình Anh, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh
 

Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu tham dự yêu cầu Sở NNPTNT và các sở, ngành liên quan làm rõ một số vấn đề về: việc khôi phục, phát triển sản xuất, ổn định đời sống cho người dân bị ảnh hưởng trên địa bàn tỉnh; những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho các đối tượng; công tác tiêu hủy hải sản đông lạnh đã kiểm kê; số lượng lao động không thường xuyên và thu nhập chính trên địa bàn; chính sách hỗ trợ cho các đối tượng lao động trực tiếp và gián tiếp tại các nhà hàng, khách sạn phục vụ khách du lịch bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển; việc xử lý nợ vay ngân hàng và kết quả cho vay mới để thu mua hải sản, muối, đóng mới tàu cá, hỗ trợ ngành nghề… nhằm khôi phục sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi nghề cho các đối tượng bị ảnh hưởng; công tác kiểm nghiệm an toàn thực phẩm đối với hải sản và hỗ trợ bảo hiểm y tế…; đồng thời đề nghị rà soát, chủ động tham mưu, kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp và phương án cụ thể để thống nhất phương án xử lý, giải quyết dứt điểm, hoàn thành việc chi trả tiền bồi thường, khắc phục sự cố môi trường biển trong thời gian sớm nhất để ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh và đảm bảo an ninh trật tự.

Đồng chí Trần Viết Hậu, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh kết luận cuộc làm việc
 

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, đồng chí Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng, kết quả thực hiện việc chi trả tiền bồi thường, khắc phục sự số môi trường biển mà sở và các ngành đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời tổng hợp các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự và thống nhất một số nội dung đã thảo luận. Đối với những kiến nghị đề xuất của sở và các ngành liên quan, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp và có kiến nghị lên cấp có thẩm quyền.


    Ý kiến bạn đọc