Tiếp tục tranh thủ nguồn lực, thu hút các dự án đầu tư cho tỉnh nhà
EmailPrintAa
15:33 10/04/2017

Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề về “Công tác tổ chức, thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức của các đơn vị sự nghiệp công lập”, ngày 7/04/2017, Ban Pháp chế đã làm việc với Ban quản lý (BQL) các dự án xây dựng cơ bản ngành nông nghiệp và BQL các dự án ODA ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng chí Nguyễn Trọng Nhiệu, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Pháp chế chủ trì cuộc làm việc.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nhiệu, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc
 

BQL các dự án xây dựng cơ bản ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN &PTNT) hiện có 35 người trong đó có 30 hợp đồng lao động, 4 phòng chuyên môn, 5 lãnh đạo. Sau 4 năm đi và hoạt động, BQL cơ bản thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ quản lý; cơ cấu tổ chức bộ máy của đơn vị và các phòng chuyên môn cơ bản hợp lý. Đơn vị đã và đang quản lý 23 dự án, trong đó có 11 dự án đã hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng, 2 dự án đã hoàn thành giai đoạn 1, chưa bàn giao và đang xúc tiến giai đoạn 2 là 2 dự án, 5 dự án đang triển khai dở và 5 dự án đang xúc tiến đầu tư.

Đồng chí Nguyễn Xuân Hành, Trưởng ban quản lý các dự án xây dựng cơ bản ngành NNPTNT
Đồng chí Nguyễn Xuân Hoan, Trưởng ban quản lý các dự án ODA ngành NNPTNT

Qua 4 năm hoạt động, BQL còn có một số khó khăn, vướng mắc như: năng lực cán bộ chưa đồng đều, một số chưa có nhiều kinh nghiệm; sau hợp nhất các BQL dự án số lượng cán bộ tăng lên nhưng cơ sở vật chất vừa thiếu, vừa xuống cấp; nguồn kinh phí hoạt động của đơn vị có nhiều khó khăn vì nhiều dự án khi bàn giao khối lượng nhưng kinh phí đã sử dụng hết do đó Ban bị mất cân đối về tài chính, khó khăn trong trả lương, các chế độ đối với người lao động; các dự án do Ban quản lý chủ yếu sử dụng vốn ngân sách nên các dự án nói chung đều chậm, không đủ vốn thực hiện, một số dự án đã bàn giao nhưng chưa được quyết toán; một số địa phương chậm trong đền bù, giải phóng mặt bằng; chất lượng nhà thầu, công tác phối hợp với các phòng chuyên môn thuộc Cục, Sở nên việc giải quyết thủ tục còn chậm…

BQL các dự án ODA ngành NN &PTNT hiện có 59 cán bộ công chức, viên chức, trong đó có 5 biên chế, 54 lao động hợp đồng, 4 phòng chuyên môn. Sau 4 năm hoạt động, cơ cấu bộ máy cơ bản ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đồng chí Nguyễn Huy Lợi, Phó Giám đốc Sở NNPTNT
Đồng chí Nguyễn Văn Hổ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

Hiện BQL các dự án ODA ngành NN &PTNT được giao quản lý 6 dự án và 1 chương trình gồm các dự án: PTNT tổng hợp các tỉnh miền Trung - Khoản vay bổ sung; quản lý rủi ro thiên tai (WB5); nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; cấp nước sách và vệ sinh môi trường nông thôn vùng miền Trung tỉnh Hà Tĩnh; phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ Hà Tĩnh (Jica2); hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp và chương trình hợp tác của LHQ về “giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và tăng cường trữ lượng các bon rừng tại Việt Nam”.

Qua làm việc BQL các dự án ODA ngành NN & PTNT đề nghị tỉnh bổ trí đủ nguồn vốn đối ứng để trả  lương, duy trì các hoạt động của dự án và thực hiện các công tác khác theo quy định của các Hiệp định vay; bố trí nguồn vốn ODA để đảm bảo thực hiện các dự án theo đúng tiến độ; việc sáp nhập các BQL dự án cần có cân nhắc kỹ để có sự tương đồng về chức năng nhiệm vụ để việc quản lý hiệu quả hơn.

Đồng chí Bùi Nhân Sâm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh
Đồng chí Nguyễn Huy Hùng, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh

Phát biểu tại cuộc làm việc, các đại biểu tham dự đề nghị các BQL dự án làm rõ một số vấn đề như: căn cứ pháp lý để thành lập các BQL ngoài NQ 26/2011/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, Quyết định của UBND tỉnh và các căn cứ có phù hợp với các văn bản của Trung ương ban hành; việc thu chi ngân sách, tự chủ về tài chính, nhân sự, mô hình tổ chức hoạt động; trách nhiệm của các BQL trong thực hiện Nghị định 108/NĐ-CP của Chính phủ; việc thực hiện chế độ người lao động trong tinh giảm biên chế, chính sách đối với các cán bộ đã phục vụ các dự án nhiều năm nhưng chưa được biên chế; quá trình phối hợp giữa các BQL với các địa phương có công trình, dự án; kinh phí đối ứng trong thực hiện các dự án và chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án các BQL đã triển khai…

Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nhiệu, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Pháp chế chia sẻ với những khó khăn của các BQl và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các BQL trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, các dự án triển khai trên địa bàn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống, thu nhập người dân. Đồng thời, trong thời gian tới các BQL cần thực hiện tốt một số điểm như: tiếp tục tranh thủ các nguồn đầu tư, thu hút dự án đầu tư cho tỉnh nhà; tăng cường quản lý các dự án đã và đang triển khai, đôn đốc tiến độ các dự án, giải quyết kịp thời nợ xây dựng cơ bản cho các doanh nghiệp; kịp thời giải quyết chế độ cho người lao động; Sở NN & PTNT cần chú ý trong việc hoàn thiện cơ sở vật chất, bổ sung trang, thiết bị phục vụ cho các BQL dự án; Sở Nội vụ cần tham mưu để kiện toàn ổn định cơ bản về tổ chức các BQL để tiếp tục thu hút các nguồn lực đầu tư trên địa bàn tỉnh nhà. Đối với các kiến nghị của các BQL, Đoàn giám sát tiếp thu, tổng hợp để trình HĐND trong thời gian gần nhất.


    Ý kiến bạn đọc