Hà Tĩnh là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về sáp nhập đơn vị hành chính
EmailPrintAa
20:35 29/04/2022

Sáng ngày 29/4/2022, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021” do Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh làm Trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh
Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng; Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Hồng Lĩnh, Đặng Ngọc Sơn, Lê Ngọc Châu; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ cùng một số lãnh đạo sở, ban, ngành cấp tỉnh tiếp, làm việc với đoàn

Báo cáo tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho biết: Việc thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh được tiến hành trên cơ sở được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trung ương, sự đồng thuận cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã nghiêm túc, quyết liệt triển khai thực hiện theo quy định, hướng dẫn. Quá trình thực hiện, địa phương đã chú trọng đến công tác dân vận, tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức và đặc biệt là Nhân dân tại các đơn vị thực hiện sắp xếp đồng thuận chủ trương sắp xếp của Đảng, Nhà nước và đã được sự ủng hộ rất cao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn báo cáo tóm tắt việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 trên địa bàn tỉnh

Theo UBND tỉnh, sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các ĐVHC cấp xã tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019-2021, Hà Tĩnh đã thực hiện sắp xếp, sáp nhập 80 ĐVHC cấp xã, hình thành 34 đơn vị mới, giảm 46 ĐVHC cấp xã.. Đến nay, Hà Tĩnh đã giải quyết chế độ, chính sách cho gần 600 cán bộ, công chức; hơn 400 người hoạt động không chuyên trách cấp xã; số còn lại 152 cán bộ, công chức và 52 người hoạt động không chuyên trách cấp xã tiếp tục giải quyết.

Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Văn Ngọc làm rõ thêm nội dung các thành viên đoàn giám sát quan tâm về cơ chế, nguồn lực cho các xã sau sáp nhập; sẽ có sự tính toán và tùy thuộc vào việc cân đối các nguồn lực để hỗ trợ thêm cho các xã sau sáp nhập

Qua sắp xếp, tỉnh Hà Tĩnh nhận thấy còn một số khó khăn, như: Số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã sắp xếp chưa đạt 100% theo quy định của Trung ương; một số ĐVHC cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp vẫn chưa bảo đảm đủ các tiêu chuẩn theo quy định; một số trường hợp việc bố trí trụ sở của đơn vị mới không phù hợp, không thuận lợi cho công việc giao dịch của Nhân dân trên địa bàn (nhất là tại các đơn vị miền núi, địa hình rộng);… Việc sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư khi thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp xã gắn với công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 còn gặp nhiều khó khăn; đặc biệt là trong bối cảnh địa phương đang triển khai thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và thực hiện chủ trương bố trí công an chính quy về công tác tại địa bàn cấp xã, dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư.

Giám đốc Sở Nội vụ Phan Thị Tố Hoa: Sáp nhập ĐVHC cấp xã là cơ hội để lựa chọn đội ngũ cán bộ có uy tín, vững về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công việc tại xã mới. Hà Tĩnh đang tiếp tục giải quyết cán bộ dôi dư theo hướng chuyển sang vị trí phù hợp khi có người nghỉ hưu hoặc chuyển sang cân đối tại các địa phương không thực hiện sáp nhập

Tỉnh Hà Tĩnh đề nghị sớm có chủ trương, định hướng và kịp thời hướng dẫn địa phương về việc sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2022-2030, đối với những ĐVHC đã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 hoặc những ĐVHC có yếu tố đặc thù không thể thực hiện việc sắp xếp đề nghị không thực hiện việc sắp xếp trong giai đoạn 2022-2026; có quy định chung về chính sách xử lý cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp ĐVHC cấp xã; hỗ trợ kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cho các địa phương… Đồng thời, sớm sửa đổi Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25.5.2016 về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC cho phù hợp với thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2022-2030.

Bên cạnh đó, Trung ương cần kịp thời chỉ đạo, có văn bản thống nhất thực hiện liên quan đến nội dung xác định đơn vị miền núi, vùng cao; ban hành văn bản hướng dẫn về giải quyết số cán bộ, công chức dôi dư; sắp xếp mạng lưới y tế, trường học, cơ sở vật chất hạ tầng như trụ sở các ĐVHC sau sắp xếp một cách đồng bộ. Có các chính sách ưu tiên trên lĩnh vực kinh tế - xã hội đối với các đơn vị thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, nhằm khuyến khích việc sắp xếp đơn vị hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị này ổn định và phát triển (như giải quyết cán bộ công chức dôi dư đến năm 2025 phải đảm bảo quy định, sau sắp xếp phải đảm bảo quy mô diện tích, dân số theo quy định…)

Theo các thành viên Đoàn giám sát, việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã tại địa phương góp phần tinh gọn bộ máy, bảo đảm quy mô ĐVHC phù hợp với năng lực quản lý trong giai đoạn hiện nay; tinh giản, cơ cấu lại và lựa chọn, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn của từng vị trí việc làm. Nhiều xã sau khi sáp nhập đã huy động được nhiều nguồn lực xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, hệ thống giáo dục, y tế được sắp xếp, kiện toàn, nâng cao chất lượng góp phần phục vụ nhân dân được tốt hơn; đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân… Tuy nhiên, trước những khó khăn gặp phải trong sắp xếp, nhiều ý kiến Đoàn giám sát cũng đề nghị địa phương làm rõ những vướng mắc trong việc bố trí, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức; những cản trở trong việc xử lý dôi dư cán bộ và có đề xuất giải pháp khắc phục…; xử lý trụ sở, cơ sở vật chất hợp lý tránh lãnh phí;…

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải: Việc ổn định tư tưởng cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân trước khi thực hiện sáp nhập được Hà Tĩnh quan tâm, đặt lên hàng đầu. Đến nay, các xã mới đã đi vào ổn định, các tầng lớp nhân dân đồng thuận, KT-XH đang trên đà phát triển

Tại cuộc làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải cho biết: Việc ổn định tư tưởng cho cán bộ và các tầng lớp Nhân dân trước khi thực hiện sáp nhập được Hà Tĩnh quan tâm, đặt lên hàng đầu. Đến nay, các xã mới đã đi vào ổn định, các tầng lớp nhân dân đồng thuận, kinh tế - xã hội đang trên đà phát triển. Trước khi sáp nhập, các tiêu chí trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại một số xã trên địa bàn Hà Tĩnh đạt thấp, tuy nhiên, cùng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, hiện nay, Hà Tĩnh chỉ còn lại 8 xã chưa về đích nông thôn mới và đang quyết tâm hoàn thành trong năm nay.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng đề xuất: Trên cơ sở đánh giá những ưu điểm, hạn chế của quá trình sáp nhập, Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thống nhất triển khai thực hiện

Bí thư Tỉnh ủy , Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng đề xuất: Trên cơ sở đánh giá những ưu điểm, hạn chế của quá trình sáp nhập, Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thống nhất triển khai thực hiện; ban hành phương án giải quyết chế độ cho cán bộ dôi dư cũng như hướng xử lý tài sản dôi dư sau sáp nhập; cần sắp xếp mạng lưới cơ sở vật chất về y tế, giáo dục sau sáp nhập đồng bộ hơn; cân nhắc kỹ việc tiếp tục sáp nhập ĐVHC trong thời gian tới.

Đối với việc sáp nhập ĐVHC cấp xã cần căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương; có trụ sở làm việc cho đội ngũ công an xã để thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo ANTT tại cơ sở.

Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại cuộc làm việc, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhận định, tỉnh Hà Tĩnh là địa phương đi đầu trong việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã, với tinh thần chủ động, thể hiện quyết tâm cao của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về sắp xếp ĐVHC…Đồng thời, chia sẻ với những khó khăn của địa phương, Trưởng Ban công tác đề nghị đề nghị Hà Tĩnh tiếp tục quan tâm làm tốt việc quy hoạch phát triển địa phương mang tính lâu dài để làm tiền đề cho việc sắp xếp, bố trí các đơn vị hành chính trong các năm tiếp theo…

Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết, Đoàn giám sát sẽ đưa vào tổng hợp chung để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để việc sắp xếp các đơn vị hành chính trong giai đoạn tới đạt hiệu quả cao hơn.

Nguyễn Hoa

    Ý kiến bạn đọc