Việc triển khai tốt các nghị quyết của Quốc Hội mang lại những hiệu quả tích cực đối với nền kinh tế Hà Tĩnh
EmailPrintAa
16:09 24/01/2024

Sáng 24/1/2024, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đã làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị liên quan về việc triển khai giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà chủ trì cuộc giám sát.
Cùng dự có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ, thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan, đại diện chủ đầu tư dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh

Tại cuộc giám sát, đại biểu đã nghe đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo như sau: Hà Tĩnh tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ trong bối cảnh có nhiều yếu tố không thuận lợi nhưng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành linh hoạt, chủ động của cấp ủy, chính quyền các cấp, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh có xu hướng phục hồi và phát triển tốt. Hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 – 2023 đều đạt và vượt so với kế hoạch. Năm 2022, có 19/26 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; năm 2023, có 26/28 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phan Thành Biển báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Hà Tĩnh về tăng trưởng kinh tế năm 2022 – 2023 đạt khá, trong đó năm 2023 đạt 8,05%, đứng thứ 15 cả nước. Các tổ chức tín dụng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như tiết giảm chi phí, giảm chi tiêu, cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng. Kết quả thực hiện chính sách trong năm 2022, 2023 trên toàn tỉnh đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân ước tính 1.208 tỷ đồng.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã triển khai 4 chương trình tín dụng chính sách tại Nghị quyết số 11/NQ-CP. Dư nợ cho vay đối với các chương trình trên là 929,58 tỷ đồng, đạt 100% so với kế hoạch dư nợ 2022 và 2023 được giao. Đơn vị cũng thực hiện hỗ trợ lãi suất cho 66.537 lượt khách hàng với doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất là 2.876 tỷ đồng, số tiền lãi đã hỗ trợ đến ngày 31/10/2023 – thời điểm kết thúc chương trình, đạt 56,37 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Khắc Trung - Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) - chủ đầu tư 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 thông tin liên quan tới quá trình triển khai thi công dự án

Cũng tại cuộc giám sát, các chủ dự án trên địa bàn Hà Tĩnh,  theo đề xuất Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo cấp có thẩm quyền thống nhất, bố trí vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho 4 dự án, gồm: đường từ quốc lộ 12C đi khu liên hợp gang thép Formosa; kè bảo vệ bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ; dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 4 bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế tuyến huyện; đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo 19 trạm y tế tuyến xã. Đến nay, 4 dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư và đang triển khai thi công. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh đối với khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga phát biểu.

Về thực hiện Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2022 và Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, hiện trên địa bàn tỉnh có 4 dự án thành phần cao tốc thuộc giai đoạn 1 – đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt và giai đoạn 2 – các đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng, Vũng áng – Bùng.

Với đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt, Hà Tĩnh đã hoàn thành công tác GPMB, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai dự án.

Với 3 dự án thành phần của giai đoạn 2 có tổng chiều dài 102,38 km, tỉnh đã tập trung quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong triển khai công tác GPMB phục vụ thi công dự án và đã bàn giao trên 98% mặt bằng phục vụ thi công dự án.

HĐND tỉnh quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng theo thẩm quyền đối với 147,15 ha đất rừng và 47,22 ha đất lúa để thực hiện các khu tái định cư, nghĩa trang, mỏ vật liệu, bãi đổ thải; tỉnh hoàn thành 26/30 khu tái định cư; giải ngân nguồn vốn GPMB đạt 2.438,07/2.693,54 tỷ đồng (đạt 91%)... Việc áp dụng cơ chế đặc thù đã giúp rút ngắn thời gian, quy trình thực hiện các dự án tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật, góp phần đẩy nhanh tiến độ GPMB tại các địa phương ảnh hưởng bởi dự án. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình triển khai thủ tục cấp phép các mỏ VLXD phục vụ thi công cao tốc.

Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đưa ra các giải pháp, đồng thời có một số kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ.

Tại cuộc giám sát, đại biểu các sở, ban, ngành liên quan đã báo cáo, làm rõ một số vấn đề mà đoàn giám sát quan tâm liên quan đến thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu  Hà làm rõ một số nội dung mà thành viên đoàn giám sát quan tâm

Phát biểu tại cuộc giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà khẳng định: Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các kế hoạch, lồng ghép việc thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 43/2022/QH15 vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của tỉnh. Dưới sự chỉ đạo, điều hành sát sao, quyết liệt, linh hoạt của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương đã nỗ lực, quyết tâm vượt khó và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; tạo động lực bứt phá cho những năm tiếp theo. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Phó Chủ tịch UBNĐ tỉnh Trần Báu Hà cũng làm rõ một số nội dung mà thành viên đoàn giám sát quan tâm và các nhiệm vụ trọng tâm được UBND tỉnh xác định triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia kết luận cuộc giám sát

Kết luận cuộc giám sát, thay mặt đoàn giám sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của UBND tỉnh cùng các sở, ngành và đơn vị liên quan về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai hiệu quả các nghị quyết đã mang lại những hiệu quả tích cực đối với nền kinh tế tỉnh nhà, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Đối với các ý kiến, kiến nghị của UBND tỉnh, các sở, ngành và đơn vị liên quan, đoàn giám sát sẽ xem xét, tiếp thu và hoàn thiện báo cáo trước khi gửi tới Ban Thường vụ Quốc hội.

Nguyễn Hoa

    Ý kiến bạn đọc