Chất vấn nhiều vấn đề trên lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo
EmailPrintAa
10:00 17/07/2019

Sau khi kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Công thương, Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Hà Tĩnh Khóa XVII bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Trung Dũng trả lời chất vấn

Mở đầu phần trả lời chất vấn của mình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Trần Trung Dũng đã trình bày về công tác quy hoạch và triển khai thực hiện mạng lưới cơ sở giáo dục ngoài công lập. Theo đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 21 trường ngoài công lập (14 mầm non, 1 tiểu học, 4 trường trung học phổ thông, phổ thông nhiều cấp có 2 trường); chủ yếu tập trung tại thành phố Hà Tĩnh (9 trường, trong đó có 7 trường mầm non, 2 trường phổ thông nhiều cấp). Tuy nhiên, hiện tại tỉnh chưa có quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập. Trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan tham mưu các cấp về quản lý nhà nước về giáo dục (sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục và Đào tạo), Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan liên quan.

Đại biểu Đoàn Đình Anh, Tổ đại biểu huyện Cẩm Xuyên chất vấn

Đối với hoạt đông thu và công tác quản lý các khoản thu trong trường học trên địa bàn tỉnh, hiện nay các trường học chỉ được thu 2 khoản thu bắt buộc gồm học phí, bảo hiểm y tế; các khoản được thu, được nhận do tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp hoặc có yêu cầu nhà trường cung cấp dịch vụ còn lại như: Thu hoạt động giáo dục kỷ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; thu tổ chức ăn bán trú, học thêm; đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT chuyên và không chuyên; tiếp nhận tài trợ. Ngoài ra, một số khoản trước đây do nhà trường thu, nay chuyển sang cơ quan khác thực hiện như xã hội hóa giáo dục, đồng phục học sinh, quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Nhìn chung trong năm học 2018-2019, các trường học thực hiện việc thu, quản lý, sử dụng các khoản được thu cơ bản đúng quy định, góp phần phục vụ dạy học.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt, Tổ đại biểu thành phố Hà Tĩnh

Tuy nhiên, công tác thu cũng còn một số bất cập như: Việc tiếp nhận tài trợ hiệu quả chưa cao; việc huy động đóng góp của Nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng các trường học thực hiện theo Nghị định số 24/1999/NĐ-CP của Chính phủ khó thực hiện do Nghị định chỉ quy định việc xây dựng cơ sở hạ tầng (trong đó có trường học) thuộc xã, thị trấn, do vậy, đối với các trường thuộc phường, các trường liên xã, trường trung học phổ thông không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định. Đối tượng huy động theo Nghị định số 24/1999/NĐ-CP của Chính phủ là nhân dân, trong khi đối tượng thu hưởng trực tiếp chỉ là bộ phận có con đang theo học nên thực tế là khó thực hiện.

Chủ tọa kỳ họp

Do đó, thời gian tới để thực hiện tốt việc quản lý các khoản thu trong trường học cần thực hiện tốt Quyết định số 37/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh; ban hành Hướng dẫn chi tiết việc vận động, tiếp nhận tài trợ theo quy định tại Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xây dựng phương án và trình Hội đồng nhân dân tỉnh (tại Kỳ họp gần nhất) để điều chỉnh mức thu học phí giáo dục mầm non và phổ thông…

Tổ Thư ký kỳ họp

Cho rằng việc giao chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 là cơ bản phù hợp với quy mô và điều kiện đáp ứng của các trường THPT; Giám đốc Sở GDĐT Trần Trung Dũng cũng đề xuất một số giải pháp thời gian tới như: Tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập theo lộ trình thực hiện Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh; tiếp tục nghiên cứu phương thức tổ chức tuyển sinh đúng quy định của Bộ GD&ĐT theo hướng học sinh lớp 9 vào học lớp 10 THPT công lập phải qua thi và xem xét việc quy định điểm sàn tuyển sinh đầu vào lớp 10 THPT công lập.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt, Tổ đại biểu thành phố Hà Tĩnh băn khoăn đề nghị Giám đốc Sở trao đổi thêm về điểm chuẩn đầu vào THPT năm học 2019-2020; điểm chuẩn có gì khác so với các năm trước và đề nghị đánh giá rõ hơn về chất lượng đầu vào? Một số trường tuyển sinh đầu vào điểm rất thấp, cần lý giải rõ hơn về vấn đề này? Đề nghị chia sẽ thêm về phân bổ chỉ tiêu của các Trường THPT ở các địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thế Hoàn, Tổ đại biểu huyện Lộc Hà

Đại biểu Đoàn Đình Anh, Tổ đại biểu huyện Cẩm Xuyên chất vấn thêm về vấn đề việc phát triển giáo dục ngoài công lập, xin đồng chí cho biết việc cấp phép đầu tư, xây dựng, hoạt động của các nhà trường có điều gì bất cập, nếu có xử lý vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Trần Nhật Tân, Tổ đại biểu huyện Thạch Hà

Trả lời câu hỏi nêu trên, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết: cách tuyển sinh năm nay không đủ thì xét, nếu đủ thì thực hiện thi. Thời gian tới nghiên cứu phương án phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục. Đối với việc đầu vào thấp, có liên quan gì đến việc giao chỉ tiêu không? Giám đốc Sở cho biết chỉ giao tiêu phù hợp với địa bàn từng tỉnh, ưu tiên các học sinh vùng miền núi (Vũ Quang, Hương Sơn). Về việc phát triển ngoài công lập, Giám đốc Sở cho rằng hoàn toàn tùy thuộc vào nhà đầu tư, việc cấp phép hoạt động theo chuyên môn đánh giá hiện tại không có gì bất cập; phù hợp với nhu cầu người dân.

Đại biểu Nguyễn Trí Lạc, Tổ đại biểu huyện Vũ Quang

Không đồng tình với việc phân luồng học sinh, đại biểu Nguyễn Thế Hoàn, Tổ đại biểu huyện Lộc Hà cho rằng cần xem xét kỹ vấn đề này. Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt, Tổ đại biểu thành phố trao đổi thêm về các vấn đề: Việc phân bổ chỉ tiêu của các Trường THPT ở các địa phương? Chỉ tiêu này có thay đổi không và thay đổi như thế nào? điểm đầu vào của trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà) thấp hơn nhiều so với các năm học trước, nguyên nhân vì sao? Việc tăng, giảm chỉ tiêu của các trường căn cứ như thế nào? Đại biểu Đoàn Đình Anh tiếp tục đề nghị khẩn trương phê duyệt Đề án sắp xếp hệ thống trường mầm non, phố thông trên địa bàn; quy hoạch và triển khai thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ngoài công lập, đảm bảo cân đối, phù hợp với tình hình thực tiễn. Đại biểu Nguyễn Trí Lạc, Tổ đại biểu huyện Vũ Quang cho rằng Chính phủ không đồng ý với việc xóa bỏ các Trung tâm GD nghề nghiệp và GDTX cấp huyện nhưng hiện nay trên địa bàn có nhiều huyện tự giải thể các trung tâm này. Việc hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng ở các xã như thế nào?

Giám đốc Sở Tài chính Hà Văn Trọng giải trình thêm về việc bố trí ngân sách cho trung tâm học tập cộng đồng

Tham gia giải trình các vấn đề nêu trên Giám đốc Sở Tài chính Hà Văn Trọng cho biết thêm: Hiện có 3/13 huyện, thị đã bố trí ngân sách cho trung tâm học tập cộng đồng; thời gian tới Sở Tài chính tiếp tục chỉ đạo các huyện, thị tiếp tục bố trí ngân sách để trung tâm học tập cộng đồng; rà soát hiệu quả trung tâm này.

Sau phần chất vấn và trả lời chất vấn của Sở GDĐT, kỳ họp tiếp tục nghe Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh thay mặt UBND tỉnh tiếp thu, giải trình các vấn đề đại biểu chất vấn.

Nhóm PV

    Ý kiến bạn đọc