Cần có cơ chế xử lý nghiêm các trường hợp chậm, trốn đóng BHXH
EmailPrintAa
08:31 23/10/2021

Tiếp tục ngày làm việc thứ 3, Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, chiều 21/10/2021 tại điểm cầu tỉnh Hà Tĩnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia điều hành phiên thảo luận tổ về tình hình thực hiện chính sách chế độ bảo hiểm xã hội( BHXH); báo cáo quản lý sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế(BHYT), tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019 - 2020
Phó  Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ; các vị đại biểu Quốc hội bầu tại địa phương và đại diện các sở, ngành liên quan cùng dự

Theo báo cáo, đến nay, Chính phủ đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19. Đối tượng tham gia BHXH tiếp tục giữ được đà tăng. Tuy nhiên các báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ: Số người tham gia BHXH mặc dù có tăng nhưng số người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN giảm, số tiền chậm đóng BHXH tiếp tục tăng so với năm 2019. Dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng đến thu quỹ BHXH, BHYT. Vẫn còn tình trạng thiếu kinh phí thanh toán khám chữa bệnh y tế những tháng cuối năm ở một số địa phương. Chất lượng khám chữa bệnh BHYT chưa được như mong đợi…

Thảo luận tại tổ, các đại biểu cơ bản nhất trí với các báo cáo của Chính phủ trình tại Quốc hội. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, báo cáo cần phân tích rõ hơn những nguyên nhân của hạn chế để đề ra được giải pháp tổng thể trong thực hiện chính sách về BHXH, BHYT.

Đại biểu tham dự phiên thảo luận tại Tổ

Về chính sách, chế độ BHXH, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, Luật BHYT để quy định chức năng thanh tra chuyên ngành đầy đủ cho cơ quan BHXH.

Sửa đổi quy định của Luật BHXH như điều chỉnh tỷ lệ % tính lương hưu hàng tháng đối với đối tượng tham gia BHXH tự nguyện giữa nam và nữ; đồng thời, khuyến khích các địa phương có cơ chế để hỗ trợ thêm một phần mức đóng BHXH tự nguyện...

Sửa đổi, bổ sung Luật BHXH 2014 về điều kiện thụ hưởng một số chế độ BHXH. Theo đó, về điều kiện hưởng chế độ thai sản, đề nghị sửa thành "phải đóng đủ 12 tháng trở lên, trường hợp chưa đóng đủ 12 tháng thì sẽ được truy lĩnh khi đã tham gia đủ 12 tháng”. Điều chỉnh điều kiện về thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm tham gia (từ 20 năm xuống 15 năm).

Đối với chính sách BHYT, các đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh đề nghị Bộ Y tế kịp thời hướng dẫn về cách tính chi phí khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh tăng/giảm của năm quyết toán so với năm trước liền kề. Ngoài ra, việc xây dựng quỹ BHXH đã đến lúc cần tính đến phương án để bảo đảm sự an toàn cho quỹ BHXH một cách lâu dài, bền vững. Đồng thời, đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến chất lượng hoạt động khám chữa bệnh BHYT…

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu phát biểu thảo luận

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu đề nghị Chính phủ có hướng dẫn cụ thể và quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị và cá nhân liên quan để sớm thực hiện nội dung theo quy định tại điểm g, khoản 2, Điều 2, Luật BHXH năm 2014.

Xem xét, sửa đổi Nghị định 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó quy định việc cộng nối để tính hưởng chế độ của đối tượng có thời gian tham gia quân đội đảm bảo phù hợp và bình đẳng giữa người tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện…

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia phát biểu

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cũng đề nghị: Hiện nay, chế tài xử phạt đối với đơn vị trốn BHXH chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng nợ đọng, trốn BHXH kéo dài và chưa có giải pháp triệt để. Việc nợ đọng BHXH làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người lao động. Hiện nay, để giải quyết vấn đề này, Chính phủ cần có cơ chế phối hợp giữa các ngành hữu quan, đặc biệt là ngành Thuế trong thực hiện các quy định về chính sách BHXH. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, BHYT để quản lý các đối tượng tham gia cũng như quản lý việc thu chi BHXH, BHYT...

Nguyễn Hoa

    Ý kiến bạn đọc