Cần tổng kết và đánh giá việc thực hiện thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng
EmailPrintAa
10:40 26/05/2020

Cần tổng kết, đánh giá việc thực Nghị quyết 580/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng và đề nghị chỉ hợp nhất Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh - Đó là ý kiến của Phó Trưởng đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn tại phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội diễn ra vào sáng 26/5/2020 (Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV).

Sau khi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này.

Tiếp đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật. Luật Tổ chức Quốc hội được ban hành năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Sau gần 03 năm thi hành, nhiều quy định của Luật đã đem lại những kết quả tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, trước yêu cầu thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và Nghị quyết số 18-NQ/TW thì cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội. Nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật tập trung vào một số vấn đề liên quan đến việc kiện toàn tổ chức bộ máy, quy định cụ thể số lượng cấp phó và Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; sắp xếp, kiện toàn bộ máy giúp việc của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương để thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế nâng cao hiệu lực, hiệu quả.

Phó Trưởng đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội


Phát biểu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn đồng tình cao với dự án Luật. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi một số vấn đề cụ thể như sau:

Thứ nhất, về đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (Điều 23, Điều 43) . Đại biểu đồng tình với tiếp thu, giải trình của Ban soạn thảo quy định “Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là bốn mươi phần trăm (40%)”. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu cơ chế dành tỷ lệ nhất định (khoảng 3% - 5%) cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đủ điều kiện về sức khỏe, có kinh nghiệm, năng lực công tác, trí tuệ và uy tín, bản lĩnh có thể tham gia làm ĐBQH hoạt động chuyên trách mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Thứ hai, về phụ cấp và các chế độ đảm bảo hoạt động cho ĐBQH (Điều 41, Điều 42) . Đại biểu đề nghị chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, xây dựng bảng lương phù hợp với chức vụ, vị trí việc làm tại các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, bảo đảm đáp ứng điều kiện hoạt động cho ĐBQH, đặc biệt là ĐBQH hoạt động chuyên trách và thu hút được người có uy tín, năng lực, trình độ về công tác, làm việc tại Quốc hội.

Các vị đại biểu Quốc hội Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh trao đổi với khách mời bên lề phiên họp

Thứ ba, về quản lý ĐBQH chuyên trách và tổ chức bộ máy giúp việc của Đoàn đại biểu Quốc hội (khoản 4 Điều 43) . Trên cơ sở 4 lần nhập tách (giữa văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND), đại biểu đề nghị cần có đánh giá tổng kết, nghiên cứu kỹ, thực hiện một cách khoa học, bài bản, để đảm bảo tính ổn định và mang tính hệ thống, không để xảy ra tình trạng nhập rồi tách, rồi lại sáp nhập trong các năm vừa qua. Đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần có tổng kết đánh giá việc thực nghị quyết 580/UBTVQH về thí điểm hợp nhất 3 văn phòng và đề nghị chỉ hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND. Quốc hội cũng cần khẳng định rõ vị thế, vai trò của bộ máy giúp việc nhằm nâng cao vị thế cho Đoàn ĐBQH tại các địa phương.

Thứ tư, đại biểu đề nghị nâng cấp các Ban thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện) thành cơ quan chuyên môn của Quốc hội trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội nhằm khẳng định, nâng cao vị thế và chất lượng hoạt động của các cơ quan dân cử, bảo đảm Quốc hội thực sự là cư quan đại biểu dân cử cao nhất của Nhân dân.

Chiều nay, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Nhóm PV

    Ý kiến bạn đọc