Đại biểu Nguyễn Văn Sơn Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phát biểu thảo luận tại hội trường |
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn đồng tình cao với Báo cáo của Chính phủ về bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019 và Báo cáo Thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội. Với kết quả quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực, đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu chủ yếu với 9 chỉ tiêu vượt là kết quả hết sức có ý nghĩa. Cùng với với việc xác định năm 2019 là năm “bứt phá” để hoàn thành kế hoạch KTXH giai đoạn 2016 – 2020 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Chính phủ và các địa phương đã tích cực, mạnh mẽ, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; tập trung, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải quyết những vấn đề cấp bách, thúc đẩy triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đối ngoại tiếp tục mở rộng … Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2019 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả nổi trên các lĩnh vực như Báo cáo của Chính phủ trình bày.
Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đồng tình cao 3 nhóm tồn tại, khó khăn và thách thức khá thẳng thắn của Chính phủ đã đánh giá, đồng thời nhấn mạnh một số hạn chế, bất cập như: Công tác quy hoạch, kế hoạch chưa đảm bảo yêu cầu thực tiễn, nhiều bất cập, hệ luỵ; quản lý đất đai thiếu chặt chẽ; sử dụng đất sai mục đích, chậm tiến độ chưa được xử lý kịp thời; các dự án yếu kém, thua lỗ chậm xử lý; thâm hụt ngân sách cao; giá điện, xăng tăng ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, kinh doanh; sốt đất ảo ở nhiều nơi; xử lý chất thải rắn, ô nhiễm môi trường tiềm ẩn ở nhiều nơi; dịch tả lợn châu Phi lan rộng;…
Bộ máy, tổ chức các cấp, các ngành còn cồng kềnh, chồng chéo chức năng nhiệm vụ; quy mô địa giới hành chính không còn phù hợp với xu thế phát triển; phương thức quản lý đổi mới còn chậm;… Về văn hoá, nhức nhối bạo lực học đường, xâm hại trẻ em; suy thoái về đạo đức, lối sống; nhiều vấn đề trên lĩnh vực giáo dục chậm được xử lý; lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng; đầu tư các dự án du lịch, văn hoá, tâm linh thiếu kiểm soát và tính minh bạch chưa cao;…
Về an ninh, trật tự, Đại biểu nhấn mạnh lạm dụng rượu, bia, ma túy gây tai nạn giao thông và phạm tội nghiêm trọng; vận chuyển, buôn bán ma tuý tổng hợp khối lượng khủng; mang thai hộ, buôn bán phụ nữ, trẻ em; kinh doanh đa cấp, lừa đảo tài chính, tín dụng đen diễn ra tinh vi và quy mô lớn;…
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn đồng tình cao với 07 nhóm giải pháp chủ yếu của Chính phủ đã báo cáo, cũng như ý kiến của các vị Đại biểu quốc hội khác đã phát biểu; đồng thời, tham gia một số vấn đề để Chính phủ quan tâm triển khai trong thời gian tới:
Về công tác quy hoạch , Đại biểu nhấn mạnh Luật Quy hoạch có hiệu lực từ 1/1/2019, Nghị định hướng dẫn có hiệu lực từ ngày 3/5/2019, để chuẩn bị tốt cho việc hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tổng thể toàn quốc cũng như của các địa phương trong nhiệm kỳ tới, Đại biểu đề nghị Chính phủ cần ban hành ngay các văn bản hướng dẫn, tích cực chỉ đạo, bố trí nguồn lực và kịp thời phê duyệt Quy hoạch tỉnh cho các địa phương, gắn với tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, đáp ứng tiến độ xây dựng dự thảo Nghị quyết trình Đại hội Đảng và Hội đồng nhân dân các cấp, .
Về việc hiện nay dịch tả lợn Châu Phi đang lan rộng, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp , Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ cần tập trung hơn nữa, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, dập dịch. Cùng với đó, cần xây dựng ngay một kịch bản phòng, chống và nhất là có chính sách cụ thể, đồng bộ hỗ trợ dập dịch, khắc phục hậu quả, tái đàn, phục hồi sản xuất, kinh doanh giúp người chăn nuôi ổn định và phát triển.
Về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/NQ-UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Đại biểu Nguyễn Văn Sơn đề nghị phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của giai đoạn 2019 – 2020, cần có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, tạo được sự thống nhất trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, và phải sớm hoàn thành trước thềm Đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.
Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIII, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cũng đã đề xuất vấn đề sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; sau đó, năm 2011 Hà Tĩnh đã mạnh dạn trình HĐND tỉnh phê duyệt Đề án sắp xếp, kiện toàn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, ban quản lý dự án và tổ chức Hội (Nghị quyết 26/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/2011), quá trình triển khai đã cho thấy hiệu quả rất lớn, nhất việc là đã nhập hàng ngàn thôn xóm, giảm đội ngủ cán bộ cấp cơ sở, tiết kiệm hàng năm hơn 40 tỷ đồng, góp phần nâng cao phụ cấp cho cán bộ. |
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ TNMT và các cơ quan liên quan cần quan tâm một số việc: (1). Cần kịp thời ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể, tạo hành lang pháp lý và cơ chế cụ thể để các địa phương thuận lợi cho việc triển khai thực hiện sao cho việc sắp xếp phải căn bản, cách làm phù hợp, nơi đã rõ, có điều kiện thuận lợi thì làm trước; phù hợp với quy hoạch tổng thể, yêu cầu phát triển; bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý - tự nhiên, cộng đồng dân cư. (2). Cần ban hành cơ chế, chính sách đồng bộ để giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức có liên quan và có lộ trình bố trí, sắp xếp hợp lý, bảo đảm đúng số lượng quy định; vừa đảm bảo đồng thuận, ổn định chính trị trước đại hội, bầu cử. Tính toán số tiền tiết kiệm được qua việc tinh giảm để sử dụng vào chế độ đãi ngộ, động viên cho các đội ngũ cán bộ, công chức thôi việc. (3). Chú trọng đến việc bố trí cơ sở hạ tầng cho xã sau sắp xếp thuận lợi cho người dân trong giao dịch.
Đối chiếu quy định, Hà Tĩnh là tỉnh thuộc diện bắt buộc sắp xếp cao nhất cả nước (chiếm 10%), có 01 đơn vị hành chính cấp huyện và 63 xã (chiếm tỷ lệ 24%) thuộc diện bắt buộc sắp xếp (sáp nhập). Hiện nay, Hà Tĩnh đang quyết liệt phấn đấu trong năm 2019 sẽ thực hiện sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 50 xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp, 20 xã liên quan, 10 xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp. Sau sắp xếp sẽ giảm 47 xã và hình thành 33 xã mới và có 624 cán bộ, công chức dôi dư. Hà Tĩnh đang tập trung cao độ, quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, địa phương rà soát cụ thể để xây dựng phương án sắp xếp vừa đảm bảo đúng quy định, vừa phù hợp với thực tiễn của địa phương. |
Đối với cơ sở hạ tầng dôi dư sau sáp nhập, cần có hướng dẫn quản lý, sử dụng, khai thác, chuyển đổi, thanh lý, xây dựng kế hoạch giải quyết cơ sở hạ tầng dư
thừa, tránh lãng phí./.
Tin mới cập nhật
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bế mạc kỳ họp thứ 8 ( 01/12)
- Bế mạc kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV ( 30/11)
- ĐBQH Hà Tĩnh - Nỗ lực làm tròn trọng trách người đại biểu dân cử ( 30/11)
- Đảm bảo hiệu lực, hiệu quả đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ( 29/11)
- Ông Lê Quang Tùng làm Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ( 29/11)
- Ông Lê Quang Tùng làm Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ( 28/11)