Đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Tĩnh tham gia thảo luận kinh tế - xã hội
EmailPrintAa
16:41 04/11/2015

Tại kỳ họp thứ 10, QH khoá XIII, Quốc hội đã dành 2 ngày (2-3/11) để thảo luận về kinh tế - xã hội. Tham gia thảo luận tại Hội trường đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Phúc thuộc Đoàn Hà Tĩnh đã có bài phát biểu. Thông tin đại biểu nhân dân Hà Tĩnh lược đăng nội dung như sau:

Tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu đã khẳng định Hà Tĩnh sau một nhiệm kỳ (2010-2015) đã phát triển vượt bậc. Cụ thể, sau 5 năm khu kinh tế Vũng Áng được đầu tư trên 10 tỷ đô la Mỹ, là khu kinh tế trọng điểm quốc gia hướng tới tầm quốc tế; thu ngân sách trên địa bàn Hà Tĩnh tăng từ 1.200 tỷ đồng năm 2010 lên khoảng 15 nghìn tỷ đồng năm 2015, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 17 triệu đồng năm 2011 lên 43 triệu đồng năm 2015; đường giao thông bao gồm quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, giao thông nông thôn được đầu tư đồng bộ và khá hoàn chỉnh. Nhà ở cho người có công, cho các hộ nghèo ở vùng lõi đã được triển khai giải quyết; các bệnh viện đã được tăng cường đầu tư trang thiết bị; kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn của tỉnh và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở nông thôn…

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng điều đáng lo là kinh tế - xã hội cả nước phát triển đang chậm, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh còn thấp, phát triển chưa bền vững không đồng đều giữa các vùng miền. So với các nước trong khu vực và trên thế giới thì có nhiều lĩnh vực tụt hậu không chỉ là nguy cơ mà đã trở thành hiện hữu. Có lĩnh vực chúng ta đứng hàng đầu thế giới về lượng nhưng tụt hậu về chất, về thương hiệu như sản xuất và xuất khẩu lúa gạo thì chúng ta không có thương hiệu nào trên thế giới mặc dù xuất khẩu đứng nhì thế giới.


Đại biểu Nguyễn Văn Phúc tham gia thảo luận tại hội trường

Đặc biệt đại biểu đề nghị cần phải đánh giá thất thoát, lãng phí nguồn lực của đất nước và nhận thấy: Thất thoát lãng phí vẫn còn nghiêm trọng. Theo Ngân hàng thế giới thì thất thoát thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra đến 5% GDP hàng năm, ngoài ra phải chi ra 780 triệu đô la để điều trị các bệnh do ô nhiễm môi trường. Mỗi năm tăng thêm 150 nghìn người mắc bệnh ung thư, trong đó có 75 nghìn người chết; 9 nghìn người chết do ô nhiễm nguồn nước; 4.300 người chết do bụi than. Ngoài ra, thiệt hại hàng năm khoảng 2 tỷ đô la Mỹ do phân bón giả, chất lượng kém.

Để chuẩn bị cho phiên chất vấn tới đây, đại biểu đã gửi thư cho 19 bộ, cơ quan trung ương đề nghị cung cấp thông tin chính thức về những thiệt hại, thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực do bộ, cơ quan trung ương quản lý. Tuy nhiên, đại biểu cho biết, trong những văn bản trả lời nhận được cho đến nay không nhân thấy hoặc khó nhận thấy những thất thoát, lãng phí nghiêm trọng mà văn kiện đại hội Đảng lần thứ XII đã nêu.

Đại biểu tán thành với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo của Ủy ban kinh tế và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về những nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, yếu kém trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt đại biểu tâm đắc khi Báo cáo của Chính phủ cho rằng nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhiều lĩnh vực chưa đủ rõ và còn khác nhau nên việc xây dựng thể chế, chính sách nhiều mặt còn lúng túng, thiếu nhất quán, chưa thật phù hợp với kinh tế thị trường, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Đề cập về việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và các luật mới ban hành, đại biểu nhấn mạnh: “Quốc hội chúng ta đã ban hành Hiến pháp mới năm 2013, tiếp đó đã ban hành các luật để cụ thể hóa và triển khai Hiến pháp, nhất là trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh có Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp. Vừa rồi Đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu dự Hội nghị tại Liên hợp quốc; thăm và làm việc với Quốc hội Hoa Kỳ, các nghị sỹ, các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nhân Hoa kỳ đánh giá rất cao bản Hiến pháp mới cũng như Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp của chúng ta. Thế nhưng ở trong nước việc triển khai hai luật này còn rất chậm và khó khăn. Cụ thể, chậm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành. Bộ Kế hoạch Đầu tư căn cứ vào luật đề nghị bỏ 3.300 điều kiện kinh doanh từ ngày 1 tháng 7 năm 2015, nhưng các bộ, ngành, địa phương không những không muốn bỏ mà còn tiếp tục ban hành hàng loạt điều kiện kinh doanh mới. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19, ngày 12 tháng 3 năm 2015 về cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu nâng hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam ngang bằng các quốc gia ASEAN 6 và ASEAN 4. Nhưng sau 6 tháng, theo yêu cầu của Chính phủ, chỉ có 4 cơ quan, tổ chức ở Trung ương có 3 địa phương báo cáo kết quả thực hiện. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta vẫn tiếp tục gặp nhiều rào cản, khó khăn, chi phí tuân thủ, giá thành sản phẩm, chi phí của nền kinh tế vẫn rất cao, rất khó cạnh tranh trong hội nhập…

Vì vậy, Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh và quyết liệt triển khai thi hành Hiến pháp mới năm 2013, các luật đã được Quốc hội thông qua để tiếp tục cải cách, đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo động lực đưa đất nước ta phát triển nhanh hơn nữa, bền vững hơn nữa.


    Ý kiến bạn đọc