ĐBQH Hà Tĩnh: Cân nhắc kỹ lưỡng việc tách Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ
EmailPrintAa
14:05 16/11/2020

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn - Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng tại phiên thảo luận Hội trường Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) sáng 16/11.

Tham gia thảo luận, Đại biểu Nguyễn Văn Sơn cho rằng không nên tách Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, thay vào đó cần đánh giá đầy đủ tác động, hoàn thiện Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) như vậy sẽ phù hợp với thực tiễn và được sự đồng tình của Nhân dân. Theo đại biểu những năm 2010 trở về trước các phương tiện giao thông lưu thông chưa nhiều, thế nhưng mỗi năm có 12.000 đến 13.000 nghìn vụ tai nạn giao thông. Hiện nay, số lượng các phương tiện giao thông ngày càng tăng, tuy nhiên do việc đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện số vụ tai nạn giao thông trong các năm gần đây, có dấu hiệu giảm.

Đại biểu cho rằng vấn đề trật tự an toàn giao thông đường bộ có mối quan hệ chặt chẽ, gắn liền với việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông, quản lý phương tiện, quản lý người điều khiển phương tiện, quản lý hoạt động vận tải vẫn đang được điều chỉnh tại Luật Giao thông đường bộ và các Luật khác. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ và Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét để các Dự án Luật sau khi ban hành bao hàm được các nội dung liên quan và đồng bộ hóa, phối hợp với các Luật khác để không tạo vướng mắc khi triển khai thực hiện.

Việc đảm bảo An toàn giao thông (Đường bộ, Đường sắt, Đường hàng không, Đường hàng hải và Đường thuỷ nội địa) được hiểu là vận hành thuận lợi và giảm thiểu tai nạn. Trong Luật Giao thông đường bộ hiện nay đã quy định chi tiết để điều chỉnh cả 03 nhóm này và mục tiêu hướng đến là đảm bảo an toàn giao thông. Từ phân tích trên có thể thấy An toàn giao thông là mục tiêu hướng đến, chứ bản thân nó không phải là một lĩnh vực riêng. Do đó, Phó Trưởng đoàn phụ trách đoàn cho rằng việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là cần thiết, và đề nghị Chính phủ và cơ quan soạn thảo nghiên cứu, để hoàn thiện nên lồng ghép việc đảm bảo an toàn trật tự giao thông vào Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Đồng thời cần lấy ý kiến của Quốc hội, việc tách Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ hay không. Từ đó, để hoàn thiện việc phân công, phân cấp quản lý nhà nước, các thiết chế, đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe.

Cuối cùng, đại biểu Nguyễn Văn Sơn cho rằng hiện nay việc quản lý, vận hành công nghệ mới đào tạo, sát hạch giấy phép lái Bộ Giao thông Vận tải đang thực hiện tốt. Tuy nhiên vẫn còn có xuất hiện bằng giả giấy phép lái xe, do đó cần có sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ của Thanh tra để xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật. Ban soạn thảo nghiên cứu theo hướng mô hình ngành GTVT cấp giấy phép lái xe, ngành Công an kiểm tra, giám sát, phù hợp với nguyên tắc đảm bảo việc giám sát giữa các thiết chế, tránh việc một cơ quan thực hiện cũng như kiểm tra thực hiện.

Hữu Quý - Trần Nhung

    Ý kiến bạn đọc