ĐBQH Hà Tĩnh: Quy hoạch chiến lược, phải có chính sách đột phá tạo động lực phát triển giáo dục nghề nghiệp
EmailPrintAa
15:39 07/01/2023

Sáng nay 07/01, kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội - Bùi Thị Quỳnh Thơ đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Tĩnh tham gia phát biểu đề xuất một số giải pháp nâng cáo hiệu quả, đảm bảo tính đồng bộ của Quy hoạch
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Trước đó, vào sáng ngày 05/01, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiều cùng ngày, Quốc hội đã tiền hành thảo luận tại tổ nội dung này.

Thảo luận tại Hội trường, Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội - Bùi Thị Quỳnh Thơ thồng nhất với nội dung báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế và đánh giá Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được chuẩn bị công phu, khối lượng lớn, đầy đủ hồ sơ, kết cấu bám sát quy định tại Điều 22 nội dung quy hoạch tổng thể Quốc gia của Luật Quy hoạch bao quát được hầu hết các không gian kinh tế, ngành nghề, lĩnh vực, vùng lãnh thổ. Đồng thời, đại biểu cũng cho rằng nhiều nội dung quy hoạch còn mang tính định hướng chung chung, thiếu cụ thể chi tiết, sẽ khó trong quá trình triển khai.

ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ, Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu

Đối với quy hoạch lĩnh vực Tài chính, Ngân hàng, đại biểu cho rằng nên tập trung xây dựng và phát triển một số trung tâm tài chính mang tầm khu vực và quốc tế; cơ cấu lại thị trường tài chính với các mục tiêu cụ thể, như thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán phải đạt ở quy mô nào, chất lượng ra sao; cơ sở hạ tầng tài chính phải được đầu tư đồng bộ, hiện đại theo xu hướng của quốc tế về tài chính toàn diện, công nghệ tài chính,…

Đối với giáo dục nghề nghiệp, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nhận định nhiều cơ sở hiện rất thiếu đội ngũ giáo viên có kỹ năng nghề cao, cơ sở vật chất không đảm bảo cho việc đào tạo các ngành kỹ thuật; một số ngành nặng nhọc, mang tính kỹ thuật cao ngày càng ít người đăng ký học, trong lúc nhu cầu xã hội lại rất cần nguồn nhân lực đối với những lĩnh vực này. Từ đó đại biểu cho rằng cần đánh giá sâu thực trạng đào tạo, nhu cầu nhân lực ở các lĩnh vực, ở các vùng miền. Đồng thời, đề nghị không nên dàn trải các ngành này ở tất cả các trường, các khu vực mà cần có quy hoạch chiến lược và chính sách đột phá tạo động lực phát triển các mô hình giáo dục nghề nghiệp.

Đại biểu cho rằng đào tạo nguồn nhân lực phải đáp ứng chuẩn đầu ra, vì vậy đề xuất Ban soạn thảo cân nhắc định hướng đào tạo nghề theo hướng các ngành, nghề khó, mang tính kỹ thuật cao, đòi hỏi chất lượng người học tốt, thì cần tập trung đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học.

Toàn cảnh phiên thảo luận

Đối với giáo dục đào tạo, đại biểu thống nhất cách phân tầng các cơ sở giáo dục đại học theo 3 tầng: Cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng và định hướng thực hành; đồng thời đại biểu chỉ ra ở nước ta hiện nay, trừ một số trường đại học chuyên ngành mang tính ứng dụng và thực hành (chủ yếu các trường kỹ thuật, sư phạm và y khoa và một số khác) đào tạo kỹ năng nghề, còn hầu hết chủ yếu đào tạo nặng về học thuật, việc rèn nghề nhiều khi chưa được quan tâm đúng mức.

Đại biểu cũng cho rằng cần thiết phải có quy hoạch cụ thể mô hình phân tầng đối với giáo dục đại học, theo đó tăng tỷ trọng các cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng và định hướng thực hành, đại biểu dẫn chứng mô hình một số quốc gia phát triển đang áp dụng, như ở Đức với hơn 400 cơ sở giáo dục đại học, có tới trên 55% trường đại học khoa học ứng dụng, chỉ 30% trường đại học nghiên cứu, còn 15% trường âm nhạc và nghệ thuật; tại Hà Lan trên 77% số trường là đại học khoa học ứng dụng.

Từ đó, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề xuất cần định hướng, giải pháp quy hoạch đại học cũng nên quan tâm đến việc quy hoạch ngành đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học, đảm bảo không thừa, thiếu cục bộ các ngành nghề đào tạo; phân bổ, đầu tư các cơ sở giáo dục đại học một cách đồng bộ giữa các vùng, miền trong đó có trường đại học công lập và đại học tư. Đối với trường đại học công lập cũng cần có chiến lược phát triển các trường đại học địa phương, đảm bảo cân đối giữa các vùng, miền, đào tạo phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội các vùng và địa phương.

Sau khi các đại biểu phát biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Đình Trọng - Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc