Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh tham gia thảo luận Dự án Luật Kiến trúc
EmailPrintAa
22:20 08/11/2018

Sáng 08/11, tại buổi thảo luận tại tổ về Dự án Luật Kiến trúc, đại biểu Đặng Quốc Khánh (Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh) và đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh) đã tham gia nhiều ý kiến góp phần bổ sung, hoàn thiện và nâng cao tính khả thi của dự án Luật này
Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh phát biểu thảo luận

Tham gia thảo luận, đại biểu Đặng Quốc Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cho rằng kiến trúc luôn gắn với thực tiễn, gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển lịch sử nhân loại. Do đó xây dựng Luật Kiến trúc phải đáp ứng yêu cầu phát triển của thời đại và tránh rơi vào tình trạng bị lai căng, cóp nhặt và thiếu bản sắc. Đồng thời phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, với sự phát triển của kinh tế - xã hội.

Thứ hai, đại biểu đề nghị nên đưa vào Luật các quy định khung về kiến trúc song cũng cần tạo điều kiện có “độ mở” để các kiến trúc sư phát huy được khả năng sáng tạo của mình. Lý giải về đề xuất này, đại biểu cho rằng kiến trúc là tác phẩm nghệ thuật vừa thể hiện giá trị thẩm mỹ và gắn với ý tưởng sáng tạo của kiến trúc sư và gắn với bản chất của một công trình, để khi nhìn vào công trình người ta sẽ nhận ra đó là công trình gì. Qua đó, đại biểu nhấn mạnh kiến trúc không chỉ thể hiện bản sắc của văn hóa dân tộc mà còn phải thể hiện được sự sáng tạo.

Thứ ba, đại biểu cho rằng quy định về thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc tại Điều 14 của dự án Luật còn chung chung, chưa quy định rõ những loại công trình nào cần phải thi tuyển và những loại công trình nào không cần thi tuyển. Đại biểu dẫn chứng thực tế hiện nay có rất nhiều loại công trình khác nhau, có những công trình cần phải thi tuyển như bảo tàng, quảng trường.v.v.. nhưng cũng có những loại công trình không cần thiết phải thi tuyển như trường học, trạm xá.v.v.. mà chỉ cần dựa trên mẫu thiết kế để tiến hành thi công. Tránh lãng phí về thời gian và công sức, kinh phí.

Thứ tư, đại biểu nhận xét các quy địnhvề chuyên ngành kiến trúc trong dự thảo Luật còn ít, chủ yếu là các quy định quản lý và hành nghề kiến trúc.Cụ thể, cần bổ sung các quy định về kiến trúc đô thị, kiến trúc nông thôn, kiến trúc gắn với vùng miền, kiến trúc gắn biến đổi khí hậu…

Thứ năm, về phần quy chế kiến trúc, theo đại biểu dự thảo Luật còn quy định chung chung. Đại biểu cũng đã phân tích quy chế kiến trúc là việc cụ thể hóa vấn đề quy hoạch, thiết kế đô thị. Như vậy, muốn thiết kế được công trình thì trước hết phải làm xong quy hoạch, từ đó mới thiết kế được màu sắc, tỉ lệ, mặt đứng, chiều cao và bản sắc của công trình. Đồng thời từ bản thiết kế đó sẽ hình thành quy chế về chuyên môn, quy chế về quản lý nhà nước.

Thứ sáu, đại biểu đề nghị không nên quy định Hội đồng kiến trúc Quốc gia vào dự thảo Luật. Thực tế, Hội đồng kiến trúc Quốc gia và Hội đồng kiến trúc cấp tỉnh hoạt động không hiệu quả. Đại biểu cho rằng nên để Hội đồng thi tuyển kiến trúc chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn. Hội đồng thi tuyển kiến trúc tùy thuộc vào từng công trình, có thể thành lập Hội đồng thi tuyển kiến trúc cấp tỉnh do Chủ tịch tỉnh thành lập, Hội đồng thi tuyển kiến trúc Quốc gia do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập.

Và cuối cùng, liên quan đến vấn đề hành nghề kiến trúc (chương III) và vấn đề trách nhiệm quản lý nhà nước (chương IV), đại biểu cho rằng dự thảo Luật quy định quá cụ thể, quá nhiều vấn đề chi tiết, thậm chí là có những quy định không cần thiết. Ví dụ như quy định về hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ xin cấp hành nghề kiến trúc gồm có đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc kèm theo 02 ảnh màu cỡ 4x6 cm.v.v… Không những thế, đại biểu cũng khẳng định trong thực tế những người không học kiến trúc vẫn có thể vẽ nên công trình kiến trúc và công trình này vẫn đảm bảo các yếu tố kỹ thuật như nhà kiến trúc Trần Trọng Nghĩa, Vũ Huy Nhật….Vì vậy theo đại biểu tư cách hành nghề không nên gắn vào một cá nhân mà nên gắn vào tập thể.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu

Cũng tại buổi thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh) đã thể hiện sự đồng tình cao với những ý kiến góp ý của đồng chí Trưởng đoàn đồng thời bổ sung thêm một vài ý kiến cụ thể.

Thứ nhất, đại biểu cho rằng cần thiết phải ban hành Luật Kiến trúc và việc ban hành Luật cần xem xét, rà soát lại phạm vi điều chỉnh tránh chồng chéo với các nội dung mà Luật khác đã quy định. Đồng thời, mở rộng phạm vi điều chỉnh, bao quát toàn bộ các lĩnh vực để nâng cao tầm ảnh hưởng của dự án Luật này.

Thứ hai, về quản lý kiến trúc, ngoài quản lý nhà nước đề nghị quy định rõ vấn đề quản lý công trình, quản lý kiến trúc sư, quản lý bản quyền.

Thứ ba, đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng được hành nghề kiến trúc sư với những tiêu chí, điều kiện cụ thể không chỉ bằng cấp đào tạo.

Bằng tâm huyết và trách nhiệm của bản thân, các đại biểu đã tham gia những ý kiến góp ý thiết thực và là nền tảng để xây dựng, hoàn thiện dựán Luật Kiến trúc đảm bảo tính khả thi sau khi luật ban hành.

Thúy An

    Ý kiến bạn đọc