Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh tham gia thảo luận tại Hội trường về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).
EmailPrintAa
17:58 29/05/2017

Sáng nay, 29/5, sau khi Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật. Đại biểu Lê Anh Tuấn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội( ĐBQH Đoàn Hà Tĩnh) đã tham gia phát biểu.

 

Tại buổi thảo luận, đại biểu Lê Anh Tuấn bày tỏ sự nhất trí cao với báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, tuy nhiên để góp ý hoàn thiện cho dự thảo Luật đại biểu  nhấn mạnh  3 nhóm vấn đề cụ thể sau đây:

 

Thứ nhất, đề nghị cần rà soát lại các quy định về phạm vi tài sản công và phân loại tài sản công trong dự thảo để bảo đảm tránh xung đột pháp luật với các Luật chuyên ngành khác có liên quan nhất là Luật doanh nghiệp.

Đại biểu Lê Anh Tuấn Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh phát biểu thảo luận tại Hội trường

 

Điều 3, Khoản 1, định nghĩa về tài sản công và Điều 4 Khoản 4 phân loại tài sản công có quy định về tài sản công phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Quy định này có phần mâu thuẫn với Điều 36 của Luật doanh nghiệp 2014. Theo đó tài sản góp vốn và doanh nghiệp kể cả tài sản có nguồn gốc ngân sách đề phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp.

 

Về mặt pháp lý, là tài sản thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp. Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ tài sản công phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có bao gồm tài sản góp vốn vào doanh nghiệp hay không và nếu có thì xử lý mâu thuẫn với Điều 36 của Luật doanh nghiệp như thế nào?

 

Liên quan đến vấn đề này, đề nghị rà soát lại quy định mang tính nguyên tắc về việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh liên kết và bảo đảm yêu cầu không làm mất quyền sở hữu về tài sản của nhà nước được quy định tại Điều 54, Khoản 2, Điểm c, và Điều 57, Khoản 2 của dự thảo.

 

Thứ hai, cần cân nhắc quy định cho phép các cơ quan nhà nước được sử dụng khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng và mục đích cho thuê khai thác theo Điều 35 của dự thảo vì một số lý do sau đây:

 

Tài sản công tại cơ quan nhà nước chủ yếu là các tài sản phục vụ công tác quản lý của nhà nước. Vì vậy, cần phải bảo đảm việc quản lý, sử dụng tiết kiệm đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức không được cho thuê kinh doanh dịch vụ, liên doanh liên kết nhất là trụ sở làm việc, phương tiện đi lại, trang thiết bị. Việc quy định theo hướng cho phép cơ quan nhà nước được sử dụng hội trường, phương tiện vận tải chưa sử dụng hết công suất cho cơ quan nhà nước khác, đơn vị lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị xã hội sử dụng chung theo đúng mục đích và được thu một khoản kinh phí để bù đắp kinh phí theo Quy định tại Điều 35, Khoản 4 là mâu thuẫn với các nguyên tắc quản lý sử dụng tài sản công được quy định tại Điều 7, Khoản 4 của dự thảo. Việc cho thuê khai thác vận hành tại cơ quan Nhà nước hoặc thuê đơn vị có chức năng thực hiện quản lý vận hành theo quy định tại Điều 36, Khoản 1, Điểm c của dự thảo không phù hợp với mọi cơ quan Nhà nước trước yêu cầu bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật công tác hiện nay.

 

Vấn đề thứ ba, cần cân nhắc luật hóa cho phép tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích sản xuất kinh doanh dịch vụ, cho thuê liên doanh liên kết quy định từ Điều 54 đến Điều 57 của dự thảo vì một số lý do sau đây: Mục tiêu thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập là thực hiện các hoạt động sự nghiệp với ngân sách do Nhà nước đài thọ. Việc cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản chưa sử dụng hết công năng để cho thuê khai thác góp vốn kinh doanh do cơ chế thị trường như là để hợp pháp hóa thực tiễn đang diễn ra hiện nay. Mặc dù, có những ưu điểm nhưng trên thực tế sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu chính khi thành lập các đơn vị này, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học.

 

Hơn nữa,  theo đại biểu thì việc sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập vào các mục địch này chịu sự ảnh hưởng bởi các quy luật thị trường và có khả năng bị mất vốn do kinh doanh thua lỗ ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó, còn có khả năng ảnh hưởng đến uy tín nếu tài sản góp vốn là thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập, trừ trường hợp góp vốn liên doanh liên kết thì việc hạch toán từ hoạt động cho thuê khai thác của các đơn vị sự nghiệp công lập là rất khó theo dõi và quản lý theo phương diện quản lý nhà nước. Quy định tại Điều 54, Khoản 5 của dự thảo theo đó sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước trích lập quỹ chi trả các chi phí liên quan thì phần còn lại đơn vị sự nghiệp công lập phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước. Theo đại biểu về vấn đề này, quan trọng là cần thiết lập một cơ chế tài chính hiệu quả cùng với quy trình giám sát chặt chẽ nguồn  thu chi từ việc cho thuê khai thác tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập. Như vậy mới có thể có được phần còn lại này để nộp lại vào ngân sách nhà nước, vì trên thực tế hiện nay rất hiếm có trường hợp nào như vậy.

 

Việc sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh dịch vụ cũng cần được cân nhắc thận trọng vì sẽ xung đột với nhiều các quy định pháp luật hiện hành khác có liên quan. Đại biểu cho rằng giải pháp cho vấn đề này là cần rà soát đánh giá đúng thực trạng phân loại các đơn vị sự nghiệp công lập, nếu đơn vị nào đủ điều kiện sớm chuyển sang quản lý hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. 


    Ý kiến bạn đọc