Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh tham gia thảo luận tại Tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng
EmailPrintAa
02:25 27/05/2017

Chiều nay 26/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụngvà dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng. Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn, đại biểu Lê Anh Tuấn và đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đã tham gia phát biểu.

Theo báo cáo của Chính phủ, sau gần 4 năm triển khai thực hiện Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam”(VAMC) ban hành kèm theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013, đến nay, việc xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD đã đạt được một số kết quả nhất định như:  các TCTD đã xây dựng và triển khai phương án xử lý nợ xấu, tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng, trong 04 năm (từ 2012-2016), toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 611,59 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

 

Kết quả xử lý nợ xấu đã góp phần giúp các TCTD mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, ngành chiến lược theo định hướng tái cấu trúc nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.  VAMC bước đầu góp phần xử lý nợ xấu. Tính đến cuối năm 2016, VAMC đã cùng với các TCTD xử lý được 50.139 tỷ đồng nợ xấu trong tổng số 245.924 tỷ đồng nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt. Từ việc xử lý nợ xấu của các TCTD cũng được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua quá trình thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD.  NHNN đã triển khai đồng bộ một số giải pháp phòng ngừa nợ xấu, kiểm soát nâng cao chất lượng tín dụng.

 

Bên cạnh kết quả nêu trên, quá trình xử lý nợ xấu đến nay các đại biểu cho rằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ. Quá trình tổng kết cho thấy một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là do cơ chế, chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của các TCTD, quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn nhiều bất cập làm hạn chế hiệu quả của việc xử lý nợ xấu v.v. Do đó, nợ xấu được ví như "cục máu đông" trong cơ thể, cần được khai thông thì mới thúc đẩy nền kinh tế phát triển được.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh  Nguyễn Văn Sơn phát biểu

 

Vì vậy, các đại biểu thống nhất cao là Quốc hội cần phải ban hành nghị quyết và sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng là cần thiết và cấp bách. Nội dung Nghị quyết cần cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội về xử lý nợ xấu, bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD, VAMC; khắc phục các vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm. Nghị quyết là một văn bản chuyên ngành để xử lý nợ xấu nhằm xử lý triệt để, hiệu quả nợ xấu của ngành ngân hàng. Các nội dung liên quan đến xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm cần được ưu tiên thực hiện theo quy định của Nghị quyết này. Ngoài ra, Nghị quyết cần phải tham khảo kinh nghiệm của một số nước để chọn lọc những kinh nghiệm hay, áp dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

 

Để nghị quyết đảm bảo tính pháp lý và chặt chẽ, đại biểu nguyễn Văn Sơn đề nghị: Cần quy định cụ thể thời hiệu và "chốt "những khoản nợ xấu phát sinh từ trước đến 31/12/2016 thì được áp dụng nghị quyết này để xử lý, nhằm tránh tình trạng lạm dụng cơ chế, chính sách và biến nghị quyết thành" chổ dựa" cho các ngân hàng làm gia tăng thêm nợ xấu. Mặt khác, cần bổ sung vào nghị quyết quy định rõ hiệu lực thời gian áp dụng để xử lý nợ xấu trong một chu kỳ kinh tế 5 năm hoặc theo nhiệm kỳ nhà nước( từ 2016 -2020). Tromg thời gian đó, phải xử lý dứt điểm nợ xấu, tránh tình trạng kéo dài ảnh hưởng đến nền kinh tế của đất nước. Ngoài ra, cần quy định cụ thể hàng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình, kết quả xử lý nợ xấu để Quốc hội và cử tri giám sát, theo dõi.


    Ý kiến bạn đọc