Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh và Lãnh đạo tỉnh làm việc Bộ Công Thương tại Thủ đô Hà Nội
EmailPrintAa
10:23 27/03/2013

Đến nay, bên lề kỳ họp Quốc hội tại Thủ đô Hà Nội, Đoàn ĐBQH, các đồng chi lãnh đạo tỉnh và một số sở, ngành liên quan đã tích cực làm việc 4 cuộc với các Bộ, Ngành Trung ương, các Tập đoàn, Tổng công ty thành công tốt đẹp. Những hoạt động này có ý nghĩa to lớn về chính trị, kinh tế và xã hội và hết sức thiết thực, hiệu quả góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội tỉnh nhà tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Thông tin HĐND Hà Tĩnh đăng tải nội dung cuộc làm việc

 Chiều ngày 7/11, tại Bộ Công Thương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi làm việc với Bộ Công Thương về lĩnh vực quản lý nhà nước về công thương và chú trọng bàn về một số dự án  trọng điểm về Công nghiệp trên địa bàn và các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Hà Tĩnh.

 

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi làm việc với Bộ, ban, ngành Trung ương bên lề cuộc họp QH khóa XIII

 

Chủ trì buổi làm việc có đồng chí Vũ Huy Hoàng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương cùng các đồng chi lãnh đạo Tổng cục năng lượng, Vụ Công nghiệp nặng, Vụ Công nghiệp nhẹ, Vụ Kế hoạch, Cục công nghiệp địa phương và lãnh đạo Văn phòng Bộ. về phía tỉnh ta có đồng chí Võ Kim Cự, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND Tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu quốc hội Hà Tĩnh và các vị đại biểu quốc hội tỉnh, đồng chí Trần Minh Kỳ, Phó chủ tịch UBND Tỉnh và Lãnh đạo Sở Công Thương.

 

Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh báo cáo tình hình quản lý nhà nước về các lĩnh vực điện năng, khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến sợi, sản xuất Bia, nước giải khát, đầu tư phát triển cụm công nghiệp, công tác khuyến công,  phát triển hạ tầng thương mại nông thôn và kinh tế cửa khẩu, căn cứ các ý kiến phát biểu của các đồng chí Lãnh đạo các Vụ, Tổng cục, Cục, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng kết luận như sau:

 

 Bộ Công Thương đánh giá cao những kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh trong thời gian qua, đặc biệt là công tác kêu gọi đầu tư trong nước và nước ngoài, bằng những nỗ lực của mình, đã tranh thủ được sự hỗ trợ của Chính phủ và giúp đỡ các Bộ, ngành Trung ương. Trong điều kiện là một tỉnh còn nhiều khó khăn, Hà Tĩnh đã từng bước đổi mới và có những chuyển biến rõ nét trong phát triển kinh tế nói chung, công nghiệp và thương mại nói riêng. Đặc biệt các dự án lớn có tầm chiến lược Quốc gia  như dự án khu Liên hợp sắt thép, Nhiệt điện, Cảng biển nước sâu Sơn Dương v.v. Những kết quả quan trọng này sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho Tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2011 và các năm tiếp theo. Góp phần phát triển kinh tế -xã hội khu vực và cả nước.

 

 Về các kiến nghị, đề xuất  của tỉnh, Bộ trưởng nhấn mạnh: Hiện nay Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, Ngành liên quan đang tập trung chỉ đạo để xây dựng Hà Tĩnh trở thành một trong những Trung tâm Công nghiệp chẳng những của khu vực Bắc Trung bộ mà còn của cả nước trong thời gian tới. Bộ Công Thương khẳng định đây là những dự án Công nghiệp mang tầm chiến lược Quốc gia do vậy các Bộ, Ngành và Chính phủ, đặc biệt là vai trò của Bộ Công Thương có trách nhiệm chỉ đạo và cùng với tỉnh từng bước có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Bộ trưởng cho ý kiến cụ thể về từng Dự án như sau:

 

*Đối  với Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương – Formosa.

Dự án có tiến độ triển khai tương đối tốt so với các dự án khác, mặc dù có quy mô rất lớn, số vốn đầu tư lớn, có nhiều dự án hợp phần thành một tổ hợp công nghiệp mà tốc độ triển khai nhanh đó là quyết tâm của nhà đầu tư, các cấp chính quyền của tỉnh và sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ mới có kết quả như hôm nay. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư không tránh khỏi những khó khăn phát sinh đó là:

 Với dự án của Formosa:Những vấn đề thuộc trách nhiệm của tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh phải đôn đốc, quan tâm như công tác rà phá bom mìn, nước cho sản xuất, để nhà đầu tư không quan ngại về tiến độ, giá cả đầu tư xây dựng công trình. Bộ Công Thương đã có công văn đề nghị tỉnh Hà Tĩnh quan tâm và coi đây là hạng mục hết sức quan trọng, bảo đảm cho điều kiện sản xuất thép của khu liên hợp gang, thép Formosa

 

*Về lĩnh vực điện

 Dự án đấu nối điện 1.500MW là dự án lớn chia ra 10 tổ máy. Bộ Công Thương cho rằng đây là việc chung của Bộ, do vậy Bộ có trách nhiệm chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và nhà đầu tư bàn bạc, tìm ra phương án phù hợp nhất để  nhằm giảm tải cho lưới điện quốc gia, Bộ chịu trách nhiệm giải quyết việc này và báo cáo Thủ tướng Chính phủ với phương án tối ưu nhất để đặt sự yên tâm tin tưởng cho nhà đầu tư và sẽ bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến 2030 (tổng sơ đồ VII) như Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (tổng sơ đồ 6) đã làm.

 

Đối với nhiệt điện Vũng Áng 1:Bộ Công Thương đánh giá cao các nhà thầu LILAMA và Tập đoàn dầu khí, Bộ sẽ chỉ đạo EVN và Tổng công ty truyền tải điện quốc gia về phương án đấu nối để cuối quý I năm 2012 tổ máy số 1 sẽ phát điện vào lưới điện quốc gia.

 Đối với nhiệt điện Vũng Áng 2: Đây là dự án BOT còn đang vướng cam kết bảo lãnh của Chính phủ về cân đối ngoại tệ, đến nay đã có chỉ đạo theo khung của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ trao đổi với tổ hợp Vasco sớm có hợp đồng BOT và các hợp đồng liên doanh khác để tiến độ của nhà máy được đẩy nhanh.

 

*Về lĩnh vực khoáng sản

 Đối với mỏ sắt Thạch Khê: Bộ Công Thương cho rằng việc đầu tiên là phải tái cơ cấu Công ty cổ phần do các cổ đông góp vốn quá ít và sẽ bàn bạc với Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Thép Việt Nam  tìm cổ đông mới. Đối với Nhà máy liên hợp luyện thép của liên doanh với Tập đoàn Tata (Ấn Độ), Bộ Công Thương sẽ đề xuất cho dự án khu vực này theo hướng hợp lý, trong đó lưu ý về việc xác định cụ thể nguồn nguyên liệu và khả năng tiêu thụ sản phẩm, môi trường, điện, nước và tái cơ cấu Công ty cổ phần theo hướng Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã đề xuất, không loại trừ khả năng liên doanh với đối tác bên ngoài như Tập đoàn thép KoBe (Nhật Bản) để nâng hệ số thu hồi quặng cao lên, khối lượng bóc đất thấp, tầng khai thác không sâu và đôn đốc triển khai trong thời gian gần nhất nhằm đạt được mục tiêu chế biến sâu quặng sắt Thạch Khê(  xây dựng nhà máy chế biến phôi và thép tại Hà Tĩnh).

 

 Đối với dự án nhà máy cọc sợi Vinatex và nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh: Bộ Công Thương cho rằng cả 2 dự án này đều chậm tiến độ nguyên nhân do năng lực của nhà thầu và tình hình mưa lũ xảy ra bất thường, trong khi đó Chính phủ chưa có quyết định điều chỉnh đơn giá đấu thầu. Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo Tổng công ty cổ phần Rượu - Bia - NGK Sài Gòn đẩy nhanh tiến độ để nhà máy đi vào hoạt động  cuối quý I năm 2012.

 *Về phát triển hạ tầng chợ và kinh tế cửa khẩu.

 Theo chương trình hỗ trợ có mục tiêu từ năm 2009 đến nay, hàng năm Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi vốn hỗ trợ xây dựng các hạng  mục chợ, đường giao thông, cho các địa phương. Trên cơ sở các danh mục đầu tư phát triển chợ do Sở Công Thương lập, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cân nhắc bố trí vốn đề đầu tư hạng mục cụ thể.

 

 Bộ Công Thương nhất trí ủng hộ về việc tổ chức Hội chợ Quốc tế tại cửa khẩu Cầu Treo năm 2012.

 

*Về đầu tư phát triển cụm công nghiệp và khuyến công.

 Về đầu tư phát triển cụm công nghiệp:Thực hiện Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và thẩm định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 -2015, Bộ Công Thương ủng hộ và sẽ đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối vốn ở mức cao nhất có thể được, để hỗ trợ tối đa công tác xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp đối với các tỉnh còn nhiều khó khăn trong đó có tỉnh Hà Tĩnh.

 

Về công tác khuyến công:Hàng năm Cục Công nghiệp địa phương,  hướng dẫn Sở Công Thương lập kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia,  xây dựng đề án cụ thể gửi Cục Công nghiệp địa phương, trên cơ sở đó sẽ cân đối ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn này đối với tỉnh.

 

Việc ủy quyền cho Ban quản lý cửa khẩu Cầu Treo cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO) nếu số lượng nhiều thì Bộ Công Thương sẽ xem xét và ủy quyền.

 

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin các cuộc làm việc tiếp theo.


    Ý kiến bạn đọc