Phiên họp trực tuyến kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV tiếp tục thảo luận sôi nỗi
EmailPrintAa
13:51 25/10/2021

Tiếp tục ngày làm việc thứ 6, kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV, sáng 25/10/2021 tại điểm cầu tỉnh Hà Tĩnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia điều hành phiên thảo luận trực tuyến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và thảo luận ở tổ về Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Cùng dự có Đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng Hà Thọ Bình, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu IV; Đại biểu Quốc hội Phan Thị Nguyệt Thu, Tỉnh ủy viên, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh; Ban Pháp chế HĐND tỉnh và lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Tại buổi thảo luận đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự là cần thiết nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn chính sách, pháp luật tố tụng hình sự, đảm bảo yêu cầu đòi hỏi của công tác điều tra, xử lý tội phạm với lộ trình hội nhập của đất nước.

Một số đại biểu nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 146 theo hướng bổ sung nhiệm vụ của Công an xã trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác tin tội phạm là hết sức cần thiết và phù hợp. Với quy định tại Luật Công an Nhân dân hiện nay thì lực lượng Công an xã là có thể đáp ứng được yêu cầu thực thi nhiệm vụ này. Hiện nay, các xã đã được bố trí khoảng 45 nghìn Công an chính quy để đảm nhiệm chức danh Công an xã. Trong đó, trên 50% số Công an xã có trình độ đại học, trên 71% từng làm công tác điều tra hoặc làm công tác điều tra hình sự. Như vậy, nguồn nhân lực của của Công an xã đủ khả năng đáp ứng cho việc bổ sung nhiệm vụ trong việc tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

Đại biểu các tỉnh, thành cho rằng, từ thực tiễn hiện nay một số tố giác tin báo về tội phạm hết thời hạn giải quyết nhưng cơ quan điều tra không đủ căn cứ ra quyết định khởi tố, không khởi tố, cũng không có căn cứ tạm đình chỉ giải quyết theo khoản 1, Điều 148, Bộ luật Tố tụng hình sự. Với những lý do như người bị tố giác không ở nơi cư trú, không biết họ ở đâu, việc triệu tập lấy lời khai các vấn đề liên quan đến nội dung tố giác không thực hiện được dẫn đến lúng túng trong thực tiễn. Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung thêm căn cứ tạm đình chỉ giải quyết tố giác tin báo tội phạm trong trường hợp không thể triệu tập lấy lời khai vấn đề có liên quan đến tố giác để cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ giải quyết đúng đắn, đầy đủ các tố giác và tin báo.

Đại biểu Trần Đình Gia, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận

Tham gia thảo luận tại kỳ họp, đại biểu Trần Đình Gia, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh: Về  khoản 1, Điều 37 dự thảo luật, quy định: “Khi bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe cho trường hợp chết của người khác thì phải được người đó đồng ý bằng văn bản, trong đó ghi rõ số tiền bảo hiểm và người thụ hưởng”.

Thực tế hiện nay trên thị trường đang có rất nhiều gói bảo hiểm sức khỏe  rủi ro tử vong mà bên mua bảo hiểm là tổ chức, doanh nghiệp mua cho người lao động, có nhiều doanh nghiệp với số lượng người lao động rất lớn. Do đó, việc yêu cầu có sự đồng ý bằng văn bản của hàng trăm, hàng nghìn người lao động thì chủ doanh nghiệp mới được giao ký kết hợp đồng bảo hiểm sức khỏe là bất khả thi và gián tiếp, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, cho nên đề xuất chỉ giới hạn quy định này áp dụng đối với nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ.

Đề xuất bổ sung trường hợp người thụ hưởng do người được bảo hiểm chỉ định bên cạnh trường hợp do bên bảo hiểm chỉ định tại khoản 13, Điều 4 của dự thảo.

Khoản 13, Điều 4 của dự thảo quy định: “Người thụ hưởng là tổ chức, cá nhân được bên mua bảo hiểm chỉ định để nhận tiền bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp hợp đồng bảo hiểm nhóm”. Tuy nhiên, bên cạnh trường hợp người thụ hưởng do bên mua bảo hiểm chỉ định (thường áp dụng với bảo hiểm nhân thọ) thì còn trường hợp người thụ hưởng do người được bảo hiểm chỉ định. Ví dụ: Trong hợp đồng bảo hiểm tài sản, bên mua bảo hiểm là người thuê tài sản, người được bảo hiểm là chủ sở hữu tài sản, chủ sở hữu tài sản muốn chỉ định ngân hàng (hoặc tổ chức tài chính cho chủ sở hữu vay tiền mua tài sản) là người thụ hưởng.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Nội

Tiếp đó, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị xem xét, thắt chặt trong việc cấp phép hoạt động cho các tư vấn viên bảo hiểm của các công ty bảo hiểm; đồng thời có quy định chặt chẽ hơn trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm liên kết với ngân hàng (kênh Bancas); tránh tình trạng ép khách hàng mua Bảo hiểm mới giải ngân vốn vay, hay đánh tráo khái niệm “Gửi tiết kiệm” và “Tham gia Bảo hiểm”.

Dự thảo Luật quy định thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ từ ngày 01/7/2023, nghĩa là khoảng 01 năm sau khi Luật được Quốc hội thông qua, trong khi các dự thảo nghị định hướng dẫn đã được soạn thảo đầy đủ và trình Quốc hội kèm theo hồ sơ dự án Luật. Như vậy, thời gian có hiệu lực như quy định của dự thảo Luật là quá chậm so với các luật khác, thường chỉ sau khoảng 06 tháng kể từ thời điểm Quốc hội thông qua, trừ các dự án Luật có tính phức tạp. Do đó đề xuất với cơ quan soạn thảo rút ngắn thời gian có hiệu lực của Luật để Luật kịp thời áp dụng vào đời sống xã hội.

Nguyễn Hoa

    Ý kiến bạn đọc