QH thảo luận Báo cáo công tác nhiệm kỳ
EmailPrintAa
07:08 29/03/2016

Ngày 28.3, QH thảo luận tại hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ Khóa XIII của QH, các cơ quan của QH nhiệm kỳ Khóa XIII (2011-2016); Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng kiểm toán Nhà nước.

Kết luận thảo luận tại hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ Khóa XIII của QH, các cơ quan của QH nhiệm kỳ Khóa XIII (2011-2016); Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng kiểm toán Nhà nước, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh: trong ngày hôm nay, có 43 ĐBQH đăng ký phát biểu ý kiến. Ý kiến của các vị ĐBQH phát biểu sôi nổi, thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm. Các vị ĐBQH cho rằng các báo cáo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, phản ánh đầy đủ, khá toàn diện hoạt động của QH và Kiểm toán nhà nước. Các vị ĐBQH đã phân tích, đánh giá và làm rõ hơn các kết quả, thành tựu đã đạt được, cũng như phân tích, chỉ rõ ra những hạn chế, bất cập, xác định rõ nguyên nhân, kết quả đạt được, nhất là nguyên nhân các hạn chế, bất cập của QH và Kiểm toán nhà nước. Phân tích và đề xuất các bài học kinh nghiệm, giải pháp để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH, Kiểm toán nhà nước thời gian tới đây.

Chủ tịch QH Uông Chu Lưu khẳng định, UBTVQH sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến các ĐBQH, chỉnh lý, hoàn thiện nội dung các báo cáo.

ĐBQH Trần Đình Long (Đăk Nông): Thời gian eo hẹp, lực lượng mỏng, đòi hỏi chất lượng cao là khó

Đại biểu Trần Đình Long cho rằng, trong quá trình làm luật, nên tôn trọng thực tế khách quan, tôn trọng yêu cầu của xã hội để ĐBQH thực sự quyết định, không bị nhầm lẫn và cũng không bỏ qua những yếu tố quan trọng của từng dự án luật.

ĐBQH Trần Đình Long (Đăk Nông) Nguồn: quochoi.vn

Về hoạt động giám sát, đặc biệt là giám sát ban hành văn bản, có một yêu cầu: khi ban hành Luật ra, mọi người cùng dễ đọc, dễ biết, dễ hiểu, dễ làm, quy định phải cụ thể. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống và quản lý điều hành liên tục thay đổi. Nhưng luật thì quy định như đóng đinh. Từ đó dẫn đến chuyện luật phải sửa thường xuyên. Theo đại biểu Trần Đình Long, lẽ ra thì luật chỉ quy định khung và trong quá trình quản lý điều hành Chính phủ sẽ quy định chi tiết cụ thể theo tình hình thì luật mới có “tuổi thọ cao”. Nên việc giao cho Chính phủ cũng cần linh hoạt. Nếu chúng ta còn quan điểm cho rằng, luật là phải chi tiết, đọc phải hiểu và phải thực hiện ngay thì việc sửa đổi hay tuổi thọ của luật ngắn là điều tất yếu.

Đánh giá về những nguyên nhân hạn chế, đại biểu Trần Đình Long cho rằng, trong một nhiệm kỳ mà chúng ta đặt ra yêu cầu thời gian họp ngắn, khối lượng công việc thì nhiều, đòi hỏi chất lượng mọi việc phải cao. Có những cơ quan của Bộ chuẩn bị 5- 7 văn bản, có những cơ quan chuẩn bị 2- 3 bộ luật đồ sộ. Cơ quan QH cũng chủ trì, tiếp thu, chỉnh lý cũng chừng ấy văn bản với thời gian thì eo hẹp nên đòi hỏi có chất lượng là khó có thể thực hiện.

Bên cạnh đó, ĐBQH quá ít, đại biểu cán bộ chuyên trách càng ít, cán bộ công chức phục vụ cho khối chuyên môn của QH thì không đáng kể, không bằng một Cục của một Bộ thì làm sao quán xuyến hết, tham mưu đầy đủ, cho sâu, cho sắc vấn đề của cả đất nước.

“Nếu ta còn giữ nguyên hệ thống tổ chức của QH với số lượng ĐBQH chuyên trách như hôm nay và đội ngũ cán bộ công chức như hiện nay thì dù có yêu cầu, có mong muốn đến cỡ nào thì khó mà làm được”, đại biểu Long nhận xét.

ĐBQH Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên): “Chính sách ở xa, quan nha ở gần”

ĐBQH Đỗ Mạnh Hùng cho biết, trong lĩnh vực giám sát chính sách là đúng, nhưng như một số cử tri nhận xét “Chính sách thì ở xa mà quan nha thì ở gần”. Vì vậy, điều mà người dân mong muốn chính là hoạt động giám sát của QH giúp giải quyết được những bức xúc cụ thể, những phản ánh, kiến nghị cụ thể.

ĐBQH Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) Nguồn: quochoi.vn

Mặt khác, theo quy định của pháp luật, giám sát của QH có 5 cấp độ: thứ nhất, giám sát tối cao của QH,  giám sát của UBTVQH, giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, giám sát của Đoàn ĐBQH, giám sát của ĐBQH. Theo đó, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, 4 cấp độ của giám sát đầu QH, UBTVQH, HĐDT các Ủy ban và đoàn ĐBQH thì tương đối có cơ chế được định hướng và định hình tương đối rõ và cũng có hiệu quả. Nhưng giám sát của cá nhân ĐBQH hoặc một số ĐBQH thì chưa được phát huy. Nguyên nhân của vấn đề này là cơ chế, khung pháp lý để cho cá nhân ĐBQH có thể tổ chức hoạt động giám sát của mình là chưa rõ.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đã đưa ra dẫn chứng cho vấn đề trên là khi giám sát của QH, UBTVQH, HĐDT các Ủy ban hoặc đoàn ĐBQH bắt đầu thì có các văn bản rất cần thiết được ban hành như nghị quyết hoặc là quyết định của thành lập đoàn giám sát hay là kế hoạch giám sát rồi các văn bản yêu cầu các cơ quan được giám sát, các cá nhân tổ chức được giám sát phải thực hiện lịch và nội dung giám sát. Tuy nhiên, nếu một ĐBQH muốn giám sát thì nhiều đồng chí, nhiều đại biểu cũng lúng túng là chưa biết bắt đầu từ đâu, ai ra quyết định, ai hỗ trợ giúp đỡ mình trong hoạt động giám sát đó. Cho nên, tôi nghĩ kết hợp hai điều này thì chúng ta sẽ xử lý tốt cả vấn đề phát huy vai trò giám sát của cá nhân ĐBQH và dư địa về giám sát cụ thể. Trong giám sát của QH theo chức năng thẩm quyền, theo điều kiện nên có phân công dư địa để tổ chức giám sát sao cho có hiệu quả.

Với hoạt động kiểm toán, Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nhận thấy, báo cáo của Tổng kiểm toán đã nêu được những mặt được và những mặt chưa được. Tuy nhiên, trong phần đánh giá hạn chế thì Tổng kiểm toán có nêu 3 hạn chế, nhưng đây mới là những hạn chế của nội bộ ngành kiểm toán. Theo đó, những hạn chế này cần được phải đánh giá rộng hơn, tức là đánh giá việc thực thi pháp luật của lĩnh vực kiểm toán. Từ suy nghĩ như vậy, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đề xuất hai ý: Thứ nhất, thực hiện kiến nghị kiểm toán tôi cho là còn thấp. Theo báo cáo của Tổng kiểm toán nếu tính cả nhiệm kỳ tỷ lệ thực hiện các kiến nghị của kiểm toán về tài chính về ngân sách chỉ được 55%. Nếu đánh giá lịch sử 21 năm của Tổng kiểm toán thì tỷ lệ này là 55%, còn đánh giá theo nhiệm kỳ thì tỷ lệ này khá hơn là 65%. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, dù 55%, hay 65% thì tỷ lệ này vẫn chưa đạt yêu cầu, có lẽ cũng cần phải tìm hiểu nguyên nhân, một là ý thức thực thi pháp luật của một số cấp, một số bộ ngành chưa thật tốt, chưa đạt yêu cầu. Hai là, chúng ta chưa có chế tài mạnh để xử lý những cơ quan, những tổ chức không thực hiện nghiêm kiến nghị của kiểm toán. Vì thế đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đề nghị, cần phải bổ sung điểm thiếu, những điểm còn chưa rõ hoặc là chế tài chưa mạnh trong việc xử lý các kiến nghị của kiểm toán. Vấn đề nữa, một số lĩnh vực rất nhạy cảm còn nhiều dư luận bức xúc và nhiều ĐBQH đang băn khoăn như lĩnh vực đầu tư công, nợ công hoặc chất lượng một số dự án, công trình chưa đạt yêu cầu dường như chúng ta còn ít các cuộc kiển toán ở những lĩnh vực này.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đề nghị trong nhiệm kỳ tới, kiểm toán cũng nên ưu tiên một số lĩnh vực trong đó có những lĩnh vực mà ĐBQH nêu vấn đề hoặc dư luận xã hội bức xúc đặc biệt là việc sử dụng và hiệu quả sử dụng vốn vay, bội chi ngân sách và hiệu quả sử dụng tiền do bội chi ngân sách rồi chất lượng một số công trình để làm rõ, có thêm thông tin cho ĐBQH và cho cử tri góp phần giải quyết việc đó.

Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang): Phải có dũng khí mới dám làm, dám quyết

“Có những vấn đề khúc mắc mà QH phải kiên quyết, dũng khí mới dám làm, mới dám quyết định.”- đại biểu Nguyễn Văn Tiên nhấn mạnh khi đánh giá cao Báo cáo công tác nhiệm kỳ QH Khóa XIII.

Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) Nguồn: quochoi.vn

Đại biểu đề nghị bổ sung vào Báo cáo:

Thứ nhất, QH khóa này đã khuyến khích tạo điều kiện đặc biệt là nhiều ĐBQH hoạt động rất tích cực để chúng ta giải oan được cho các vụ án oan. Đây có công rất lớn của ĐBQH cũng như của QH. Vì vậy, cần phải bổ sung rõ nội dung này.

Hai là, QH khóa này cũng có nhiều điểm mạnh, nhưng trong báo cáo chưa thể hiện rõ. Đó là chính sách, các định hướng của Chính phủ trong các dự án trình sang QH nhưng đến khi thông qua, QH quyết lại theo hướng khác. Các nhà nghiên cứu có thể lấy dẫn chứng cái này nêu ra một kinh nghiệm để cho khóa sau khi QH quyết định các dự án luật. 

Sang khóa tới, theo đại biểu Tiên, QH cần quan tâm:

Thứ nhất, phân công thẩm tra các dự án luật. Vì có những ủy ban thẩm tra quá nhiều luật, có ủy ban thì ít. Có nhiệm kỳ, có ủy ban làm đến 8-9 luật, mỗi đồng chí Phó chủ nhiệm, Ủy viên chuyên trách làm 1 -2 luật, không có sức làm. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng.

Hai là, khuyến khích các đại biểu đề xuất luật nhưng đề xuất luật ngắn gọn.

Thứ ba, kiên định ủng hộ những đổi mới, kiên quyết của QH. Phải có dũng khí thì mới làm được cái này nếu không thì khó bảo vệ được định hướng. Điều này rất quan trọng vì vì lợi ích chung, vì lợi ích dân tộc.

Thứ tư, chúng ta nên khuyến khích đại biểu đi cơ sở. Hiện có vấn đề về giám sát. Ủy ban Về các vấn đề xã hội mỗi năm giám sát 4 lần, và có 5 nhóm thuộc ngành y tế nhưng chỉ giám sát một lần thì bao nhiêu vấn đề ngổn ngang trong cộng đồng như vậy mà chúng ta hạn chế. Khuyến khích đại biểu đi cơ sở nhưng việc giám sát đương nhiên phải có hiệu quả không gây phiền hà cho địa phương. Có như vậy thì mới gắn với thực tế chứ không người ta bảo QH ngồi trong phòng lạnh tranh cãi thì cũng rất khó khăn, không gắn với cử tri.

Việc tiếp xúc cử tri cũng phải cải tiến vì hiện các Đoàn ĐBQH tiếp xúc cử tri dưới nhiều hình thức rất khác nhau.

ĐBQH Nguyễn Quốc Bình (TP Hà Nội): Xem xét xây dựng đề án QH điện tử

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình cho rằng, báo cáo đã đánh giá khá đầy đủ, sâu sắc toàn diện vai trò của QH với tư cách cơ quan đại biểu cao nhất của dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. QH Khóa XIII đã có đổi mới căn bản về phương thức hoạt động, phù hợp với tình hình thực tế phát triển và cải cách đổi mới của đất nước, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ mà nhân dân giao phó.

ĐBQH Nguyễn Quốc Bình (TP Hà Nội) Nguồn: quochoi.vn

Trên cơ sở hoạt động của QH nhiệm kỳ vừa qua, đại biểu Nguyễn Quốc Bình đề nghị QH quan tâm đến một số nội dung:

Một là, mọi hoạt động của QH nói chung, các cơ quan của QH, đoàn ĐBQH luôn gắn với sự lãnh đạo, đường lối đổi mới của Đảng trên tất cả các lĩnh vực để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình. Do vậy, sự phối hợp tốt hơn nữa giữa các chủ thể cơ cấu của QH với Chính phủ, MTTQ, các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở trung ương và địa phương góp phần cho QH thực hiện tốt hơn các chức năng của mình.

Hai là, gắn bó mật thiết với cử tri, liên hệ thường xuyên với cử tri không chỉ là nhiệm vụ của ĐBQH đã được pháp luật quy định mà còn là yêu cầu bức thiết của các ĐBQH và các đoàn ĐBQH nắm bắt được thực tiễn, ý chí, nguyện vọng của cử tri, làm tròn trách nhiệm đại biểu nhân dân. Ý kiến cử tri là kênh thông tin quan trọng cho ĐBQH và đoàn ĐBQH trong quá trình hoạt động, qua đó góp phần thể chế hóa vào các văn bản của pháp luật. Đề nghị QH tiếp tục quan tâm cải tiến phương pháp và chỉ đạo sát sao hoạt động của 63 đoàn ĐBQH để tạo điều kiện cho các vị ĐBQH luôn gắn bó với cử tri, bảo đảm hiệu quả hoạt động cao hơn nữa.

Ba là, QH đang trong tiến trình kiện toàn QH, bầu QH Khóa XIV, QH đều thấy rõ vai trò, chất lượng của ĐBQH ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hoạt động của QH. Đề nghị QH cần đánh giá sâu sắc và cụ thể hơn các ĐBQH Khóa XIII, mạnh dạn đề xuất các đại biểu đủ tiêu chuẩn, chất lượng tái cử Khóa XIV, bảo đảm cơ cấu tái cử theo cơ cấu đề ra. Trước hết cần coi trọng năng lực của đại biểu ứng cử viên để khi trở thành ĐBQH họ sẽ chủ động sáng tạo xây dựng kế hoạch và hành động hoàn thành vai trò, nhiệm vụ đại biểu của dân.

Bốn là, tiếp tục không ngừng cải tiến nội dung, phương thức tổ chức hoạt động trên các lĩnh vực, đặc biệt nâng cao vai trò, trách nhiệm của ĐBQH chuyên trách. Coi trọng giám sát để pháp luật sớm vào cuộc sống. Cải tiến cách làm luật bằng nhiều hình thức thích hợp, tận dụng tối đa trí tuệ của các chuyên gia tư vấn. Các dự án luật gửi xin ý kiến của ĐBQH, các đoàn ĐBQH cần phải gửi sớm, chỉ đạo các cơ quan soạn thảo khi trình thông qua dự án luật phải trình luôn dự thảo văn bản hướng dẫn. QH chỉ xem xét thông qua một dự án luật khi có đầy đủ dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành, tránh tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn hoặc văn bản hướng dẫn lại mâu thuẫn với luật, làm cho luật khi ban hành chậm vào cuộc sống.

Năm là, cần tạo ra một thiết chế quan hệ điều hành trong QH để có một sự trao đổi và xử lý thường xuyên giữa ĐBQH với ĐBQH, giữa ĐBQH với các đoàn ĐBQH, với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của QH, giữa ĐBQH với các cơ quan của QH, với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, giữa ĐBQH và các cơ quan QH với cử tri cả nước. Có như vậy mới tạo ra QH thực sự cải cách, thực hiện được các chức năng một cách kịp thời, khoa học, đạt hiệu quả cao nhất. Điều này chỉ có thể giải quyết được khi tiến hành triển khai xây dựng, áp dụng đề án QH điện tử. Đề nghị QH xem xét xây dựng đề án QH điện tử và có kế hoạch triển khai trong nhiệm kỳ tới.

ĐBQH Nguyễn Anh Sơn (Nam Định): còn nợ với cử tri...

Tán thành với báo cáo của QH về đánh giá những mặt đã làm được của QH Khóa XIII, đại biểu Nguyễn Anh Sơn đã nêu lên những hạn chế, tồn tại, những “món nợ” của QH Khóa XIII đối với nhân dân.

ĐBQH Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) Nguồn: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn cho biết, cử tri cho rằng QH Khóa XIII nói rất nhiều, rất mạnh về phòng chống tham nhũng nhưng hiệu quả thì chưa đạt được bao nhiêu, tham nhũng vẫn còn đó và càng ngày càng phát triển thêm. “Đây là món nợ của QH đối với cử tri cả nước”- đại biểu Sơn suy tư.

ĐBQH Nguyễn Anh Sơn (Nam Định): còn nợ với cử tri...
Tán thành với báo cáo của QH về đánh giá những mặt đã làm được của QH Khóa XIII, đại biểu Nguyễn Anh Sơn đã nêu lên những hạn chế, tồn tại, những “món nợ” của QH Khóa XIII đối với nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn cho biết, cử tri cho rằng QH Khóa XIII nói rất nhiều, rất mạnh về phòng chống tham nhũng nhưng hiệu quả thì chưa đạt được bao nhiêu, tham nhũng vẫn còn đó và càng ngày càng phát triển thêm. “Đây là món nợ của QH đối với cử tri cả nước”- đại biểu Sơn suy tư.

14.00': QH tiếp tục làm việc tại hội trường


Ảnh: Quang Khánh

* Tại phiên thảo luận sáng nay, 28.3, đã có 26 ý kiến góp ý của ĐBQH về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ của QH Khóa XIII. Các ý kiến đóng góp thể hiện trí tuệ, trách nhiệm, tâm huyết, cụ thể, sâu sắc, phân tích, đánh giá kết quả hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Thành tựu nổi bật của nhiệm kỳ Khóa XIII là QH đã ban hành Hiến pháp năm 2013 và thông qua tổng cộng 222 bộ luật, luật, nghị quyết và pháp lệnh, trong đó có nhiều đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước; bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đối ngoại và hội nhập quốc tế... Qua đó, đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Bên cạnh đó, ĐBQH có cách nhìn thẳng thắn, trách nhiệm về vai trò của ĐBQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, QH và còn rất nhiều mắc nợ với cử tri, đất nước. Từ đó, ĐBQH phân tích, đề xuất một số giải pháp để QH khóa sau nâng cao chất lượng hoạt động trên các lĩnh vực.

Thử thách của nhiệm kỳ tới đặt ra rất lớn, đòi hỏi QH và toàn thể bộ máy nhà nước phải vận hành trơn tru hơn, quyết liệt hơn, chính xác hơn, hiệu quả hơn để ứng phó với những biến động của tình hình mới, trong đó có trách nhiệm của mỗi ĐBQH.

ĐBQH Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh): 7 nỗi lo, 3 mong ước của nhân dân

Đại biểu Võ Thị Dung cho rằng, báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của QH Khóa XIII cần có riêng một nội dung đánh giá riêng về mối quan hệ của QH, của ĐBQH với cử tri, nhân dân cả nước. Trong đó, làm rõ ưu điểm và hạn chế, tồn và kinh nghiệm cho nhiệm kỳ tới. Đề nghị cần phải nhìn nhận vai trò của nhân dân đóng góp vào thành quả của QH, của đất nước trong nhiệm kỳ vừa qua. Đồng thời, tổng kết của QH cần đề cập đến nỗi lo và mong ước của nhân dân và nhìn lại QH đã giải quyết vấn đề đó như thế nào.

ĐBQH Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) Nguồn: quochoi.vn

Nhiệm kỳ vừa qua nổi lên 7 nỗi lo và 3 mong ước của nhân dân cả nước.

Thứ nhất là nỗi lo về ngoại xâm. Việc ngang nhiên xâm chiếm biển đảo của nước ta. Đảng, nhà nước chúng ta đã có chủ trương đấu tranh kiên quyết, kiên trì bằng biện pháp hòa bình nhưng họ ngàng càng lấn tới, đây là nỗi lo lớn về đại sự quốc gia.

Nỗi lo thứ 2 là nỗi lo nội xâm. Quốc nạn tham nhũng lớn nhỏ, tham nhũng vặt ngày càng gia tăng, ăn sâu vào suy nghĩ nhiều người. Việc gì cũng phải lót tay, phong bì, phải lại quả, gây ra một nếp sống nguy hại cho xã hội. Tình trạng lãng phí, đó cũng là quốc nạn gắn với tham nhũng, làm cản trở quá trình đi lên của đất nước.

Nỗi lo thứ 3 là nỗi lo về suy thoái đạo đức xã hội. Đạo đức giả ngày càng lấn át đạo đức thật, chủ nghĩa thực dụng ngày càng phổ biến trong một bộ phận xã hội. Tính tham lam, ích kỷ, tệ lừa đảo, dối trá, cướp giật, giết người, mất an toàn thực phẩm… đang tạo ra sự bất an cho nhân dân.

Thứ 4 là nỗi lo về tụt hậu kinh tế. Năng suất lao động lao động, tài nguyên cạn kiệt, đổi mới kinh tế chưa theo kịp sự phát triển của thế giới.

Nỗi lo thứ 5 là nỗi lo về nợ công quốc gia quá cao, chưa có biện pháp giải quyết căn cơ, ảnh hưởng lâu dài đến phát triển kinh tế và đời sống người dân. Lo bội chi ngân sách lớn và triền miên do còn tiêu xài quá đà, lãng phí chưa chịu dừng.

Nỗi lo thứ 6 là nỗi lo văn hóa dân tộc đang bị mai một, xuống cấp. Con người thiếu hụt văn hóa thì làm sao xã hội có được văn hóa.

Nỗi lo thứ 7, là nỗi lo thiếu kỷ cương trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, dẫn đến tùy tiện, buông lỏng, qua loa trong thực hiện dẫn đến làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật làm trật tự xã hội suy yếu và mất dần động lực phát triển.

Về mong ước, nhân dân mong ước bộ máy nhà nước, chính quyền các cấp thật sự tinh hoa trí tuệ, thật sự tận tụy, thật sự liêm chính; xã hội dân chủ kỷ cương, an bình; văn hóa dân tộc được duy trì, phát triển bền vững, đất nước thanh bình, phát triển.

QH phải trách nhiệm mạnh mẽ hơn nữa, gắn chặt hơn nữa với nỗi lo thường trực và mong ước chính đáng của nhân dân. Công khai hơn nữa toàn bộ hoạt động của QH để nhân dân có niềm tin và đó sẽ là động lực mạnh mẽ để xã hội và đất nước chúng ta phát triển.

ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Tôi không nhắc lại những đánh giá tích cực của QH thời gian qua

ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) Ảnh: Quang Khánh

Nếu chúng ta chỉ theo tuyến tính ngày hôm nay hơn ngày hôm qua và ngày mai sẽ hơn ngày hôm nay thì chúng ta mới nhìn một cách phiến diện. Nếu ai trải qua hai kỳ QH, thì thấy được những thay đổi, những tiến bộ tích cực qua mỗi nhiệm kỳ. Điều quan trọng hơn là chúng ta có theo kịp với sự phát triển của đất nước, với nhu cầu của đời sống và nguyện vọng của dân hay không. Thước đo nhiệm kỳ này chúng ta hoàn thành 100 luật trong khi nhiệm trước chỉ là một nửa, điều này rất đáng ghi nhận. Nhưng luật có đi vào cuộc sống không? Chỉ có người dân là người thụ hưởng thành quả của QH vừa là người chịu đựng những hậu quả sai sót của QH mới là người đánh giá tích cực nhất, đúng đắn nhất. Tuy nhiên, việc đánh giá là không đơn giản. Ngay trong báo cáo hay phát biểu thì chỗ này thì nhân dân rất tin tưởng, chỗ kia người dân rất băn khoăn... Hình như QH chưa có một cơ chế để đánh giá được cử tri của mình mà tương tác giữa QH và cử tri mới là điều quan trọng nhất. Tôi mong trong thời gian tới, bên cạnh MTTQ ngày càng nâng cao vai trò phản biện, bên cạnh hoạt động của truyền thông ngày càng tích cực hơn thì QH cần phải có những kênh khoa học để thực sự đánh giá những kết quả, hiệu quả hoạt động của mình.

Vấn đề đối ngoại, đây là vấn đề quan trọng, đa dạng về hình thái. Có rất nhiều hoạt động lớn của QH có thể người dân chưa hiểu hết, chưa thấy hết như chúng ta tổ chức nhiều hoạt động quốc tế rất lớn có uy tín... nhưng một trong những vấn đề thiết thực nhất của người dân là hoạt động ngoại giao ấy tác động trực tiếp đến người dân, làm sao để đi biển an tâm không ai đàn áp, làm sao để biển không còn “gợn sóng”, làm sao để chúng ta bảo tồn chủ quyền đất nước. Vấn đề này, người dân vẫn chưa hài lòng. Với tư cách là cơ quan đại diện cao nhất của người dân nhưng chúng ta phản ứng tôi cho là chậm. QH chính là lĩnh vực ngoại giao nhân dân cao nhất và trải nghiệm lịch sử cho thấy. 

ĐBQH Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh): Khái quát “4 hơn”

ĐBQH Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) Ảnh: Quang Khánh

Hoan ngênh báo cáo tổng kết của Chủ tịch QH đã tổng kết một cách toàn diện trách nhiệm của QH sau một nhiệm kỳ, đại biểu Trần Du Lịch cho biết, về những kết quả nhiệm kỳ đạt được, qua ý kiến cử tri, đại biểu khái quát lại thành bốn chứ hơn (“tức là hơn ở đây là so với chính mình, không phải so với ai”- đại biểu giải thích). Theo đó, cái hơn thứ nhất là QH Khóa XIII đã đổi mới mạnh mẽ hơn. Cái hơn thứ hai, dân chủ hơn trong thảo luận và ra các quyết sách. Cái hơn thứ ba là trách nhiệm hơn với cử tri trong việc thực hiện cái quyền và trách nhiệm của QH. Cái hơn thứ tư, được cử tri tín nhiệm nhiều hơn.

Đi vào phân tích các hạn chế, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh, QH rất nhiều quyền. Nếu căn cứ với luật và hiến pháp thì dường như QH quyết định tất cả những vấn đề lớn, căn cứ vào luật thì Chính phủ không có dư địa nhiều trong việc quyết định các chính sách. QH cũng nêu nhiều vấn đề tồn tại của đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Trách nhiệm của QH chia sẻ những tồn tại đó như thế nào, tôi nêu vấn đề này để rút kinh nghiệm cho nhiệm kỳ sau và tôi cũng tự vấn lại mình với trách nhiệm của ĐBQH.

“Ví dụ, chúng ta nêu tồn tại trong vấn đề ban hành pháp luật nhiệm kỳ XIII, luật ra nhưng đi vào cuộc sống phải chờ đợi văn bản dưới luật và thực thi hiệu lực của luật rất giảm. Nhiệm kỳ XIII chúng ta làm rất công phu, thành quả ban hành hơn 100 bộ luật và đạo luật. Nhưng trong nhiệm kỳ này để luật đi vào cuộc sống chúng ta cần gần 5.000 văn bản dưới luật, trong đó gần 4.000 thông tư và thông tư liên tịch. Nguyên nhân ở đâu? Chúng ta có cải tiến nhưng tình trạng luật khung, luật ống vẫn còn tồn tại, làm cho hiệu lực của luật giảm, với cử tri đây là trách nhiệm của QH.”- đại biểu Trần Du lịch khẳng định.

Thứ hai, theo đại biểu Trần Du Lịch, chúng ta nêu nhiều về nợ công, về bội chi, nhưng tất cả những việc đó đều QH quyết. Thậm chí chi vượt chúng ta vẫn quyết toán. Như vậy, trách nhiệm của QH và ĐBQH trong vấn đề giải quyết bài toán quyết định về ngân sách thế nào, chính sách thế nào, chúng ta cũng chia sẻ.

“Hay vấn đề tăng biên chế bộ máy. Chúng ta xem lại hầu như những luật đã ban hành đều đẻ ra thêm bộ máy. Như năm nay, nếu triển khai Luật tổ chức chính quyền địa phương chúng ta tăng chừng nào. Nhiều khi ban hành luật chúng ta có chính sách nhưng chưa bao giờ tính toán xem lấy nguồn lực nào để thực thi chính sách đó”. Đại biểu kiến nghị, khi QH ban hành chính sách phải tính toán kỹ lấy đâu, nguồn lực nào để thực thi, còn nếu không, không ban hành.

Về công tác giám sát, cử tri hoan nghênh giám sát tối cao. Nếu giám sát vấn đề khiếu nại của dân thì theo đại biểu, nên trực tiếp đối thoại với người khiếu nại, chứ không phải chỉ nghe cơ quan nhà nước báo cáo. Nếu trực tiếp đối thoại từng việc cụ thể như vậy, Ban Dân nguyện nếu làm được việc như vậy, nhiều vụ việc kiến nghị nên cụ thể nhưng chúng ta giám sát chung mà không đi cụ thể. Những vấn đề như vậy, đại biểu Lịch cho rằng, nên rút kinh nghiệm cho nhiệm kỳ sau.

Về các kiến nghị gửi nhiệm kỳ sau, đại biểu Trần Du Lịch đề cập cụ thể: Thứ nhất, chúng ta nói nhiều đến đại biểu chuyên trách, nhưng tính chuyên nghiệp mới là quan trọng. Chuyên trách không chuyên nghiệp, nay thay, mai đổi là không hiệu quả. Đây là vấn đề phải xem xét, tính toán kỹ và đặc biệt nếu tiếp tục công chức hóa đại biểu chuyên trách như đang làm thì chỉ tăng bộ máy nặng nề, không phải tăng hiệu quả.

Thứ hai, chúng ta làm giám sát rất nhiều, kể cả giám sát tối cao tại hội trường nhưng đề nghị phát huy vai trò của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban trong vấn đề giải trình đối với từng vấn đề chính sách mà cử tri quan tâm. “Chúng ta mời Bộ trưởng tới một ban để làm rõ chính sách, quan điểm và thực thi nhẹ nhàng, không ồn ào nhưng rất hiệu quả. Đây là kết quả của các Ủy ban phải hoạt động”.- Đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Thứ ba, để luật và quyết sách đúng nên thảo luận đề nghị Chủ tọa khi điều hành chọn vấn đề và thảo luận đến cùng, chỉ có thể tranh luận.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh): Quan điểm học dân, vì dân, tôn trọng nhân dân của Đảng đã được QH, ĐBQH quán triệt và chuyển nó thành các hoạt động thực tiễn

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm, báo cáo của QH có sự đánh giá khá toàn diện, sâu sắc, bám sát thực tiễn và rút ra được những bài học rất quý báu, các hoạt động lập hiến, lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động giám sát vì vậy hoạt động ngày càng hiệu quả. QH gần dân hơn, có sự gắn bó với nhân dân hơn. Tôi cảm nhận được qua ý kiến của cử tri ngày càng tin tưởng vào QH. Để có được thành tựu này có rất nhiều nguyên nhân, trong đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề cập 2 trong các nguyên nhân.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) Ảnh: Quang Khánh

Một là, quan điểm học dân, vì dân, tôn trọng nhân dân của Đảng đã được QH, ĐBQH quán triệt và chuyển nó thành các hoạt động thực tiễn của mình. Điều này cho thấy qua các diễn đàn của QH, trong thực tiễn thì có ưu điểm và có khuyết điểm, từ các diễn đàn của QH, hoạt động của QH, hoạt động của từng ĐBQH thì nhưng ưu điểm, khuyết điểm đều được bộc lộ và cử tri rất tinh tế để nhận diện ra được điều đó ở từng ĐBQH và từng hoat động của QH.

Hai là, các phiên họp của UBTVQH và các vị chủ tọa của các phiên họp của QH đã rất nỗ lực, có phương pháp để tạo ra một không gian, không khí, tinh thần dân chủ trong các hoạt động của QH, đặc biệt là tại các kỳ họp, các diễn đàn, các phiên thảo luận tại hội trường của QH. Nhiều ĐBQH đã nắm bắt được cơ hội đó, đã phát huy được tinh thần dân chủ, phát huy được trí tuệ của mình trong tham gia vào các hoạt động và trí tuệ của ĐBQH đã được phát huy trong các phiên thảo luận, trong tranh luận.. Từ đó đi đến được những đồng thuận thực chất hơn, các quyết định của QH được cử tri đánh giá cao hơn.

Bên cạnh những thành tựu vẫn còn nhiều vấn đề mà cử tri rất ưu tư và chưa hài lòng về một số hoạt động của QH cũng như đại biểu. Hai trong những vấn đề đó mà theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, cử tri phản ánh nhiều nhất và cũng mong muốn chuyển tải đến QH đó là những vấn đề búc xúc của nhân dân hay là những vấn đề qua trọng của đất nước đưa ra thảo luận thì có một số vấn đề cử tri thấy rằng sự đi đến cùng của QH, của ĐBQH chưa mạnh mẽ. Hai là cử tri thấy hoạt động giám sát có nhiều tiến bộ nhưng chưa được như cử tri mong muốn, nhiều vấn đề cử tri muốn QH giám sát nhiều hơn, cụ thể hơn và hiệu lực, hiệu quả giám sát phải mạnh mẽ hơn, đi vào cuộc sống hơn.

ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng): Nhiều dự thảo luật gửi muộn, đại biểu không đủ thời gian để nghiên cứu

Về vị trí, vai trò của ĐBQH với cử tri, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, QH còn nặng về cơ cấu nhưng ĐBQH vẫn chưa thực sự phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của cử tri nơi cư trú, nơi đại biểu ứng cử. Để nâng cao chất lượng, vị trí, vai trò của ĐBQH thì đại biểu phải gắn bó chặt chẽ với cử tri nơi mình ứng cử và phải làm được những gì cho cử tri nơi mình ứng cử.

ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) Ảnh: Quang Khánh

Về xây dựng luật pháp, theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, chúng ta xây dựng nhiều đạo luật, nhưng tình hình vẫn phức tạp, khó khăn. Điều này chứng tỏ vẫn còn nhiều luật chưa đi vào cuộc sống, không gắn bó với thực tiễn. Chính vì thế một số đạo luật mới ban hành hoặc chưa có hiệu lực đã phải sửa. Để nâng cao chất lượng soạn thảo luật cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, trách nhiệm của QH. Nhiều dự thảo luật gửi đại biểu rất muộn, trong thời gian ngắn, đại biểu không đủ thời gian để nghiên cứu.
Về hoạt động giám sát, QH Khóa XIII đã đạt nhiều kết quả, song cử tri vẫn còn băn khoăn. Giám sát chủ trương, đường lối là đúng, nhưng cũng cần đi vào cụ thể. Cử tri rất mong QH cần giải quyết các công việc cụ thể, từ đó tạo ra phản ứng dây chuyền tích cực, mạnh mẽ đến việc khác.

ĐBQH Lê Nam (Thanh Hóa): Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ như một bức tranh đẹp, tuy nhiên... vẫn bao trăn trở ưu tư, còn nhiều nợ dân nợ nước

ĐBQH Lê Nam (Thanh Hóa) Ảnh: Quang Khánh

Tôi đồng tình với báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của QH Khóa XIII được Chủ tịch QH trình bày tại kỳ họp. Có thể nói trên cả 3 mặt: lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao, QH Khóa XIII đã có nhiều nỗ lực với những kết quả rất rõ ràng, không chỉ giải quyết những vấn đề bức xúc của đất nước hôm nay và còn đặt nền móng lâu dài cho xây dựng và phát triển cho những năm tiếp theo.

Là nhiệm kỳ được ban hành Hiến pháp mới, đó là nhiệm vụ nặng nề và là cơ hội hiếm có để QH Khóa XIII và các ĐBQH thực hiện vai trò lịch sử. Khóa XIII cũng là nhiệm kỳ QH ban hành một khối lượng pháp luật đồ sộ với hàng trăm bộ luật và luật đã cơ bản hoàn thiện thể chế nhằm đưa hiến pháp vào cuộc sống và triển khai các chủ trương của Đảng; là nhiệm kỳ mà đất nước có nhiều thời cơ nhất là tạo ra môi trường quốc tế thuận lợi, tạo nên nguồn lực to lớn và lòng yêu nước vô tận của nhân dân.

Nhưng những thách thức trong nhiệm kỳ cũng rất nặng nề: đó là cuộc đổi mới lần thứ nhất được khởi xướng năm 1986 của Đảng ta đến nay đã không còn dư địa; những vấn đề bức xúc khi bảo vệ chủ quyền trên biển đông đã thử thách bản lĩnh của ĐBQH và cả QH; những vấn đề bức xúc về an sinh xã hội, đấu tranh phòng chống tham nhũng…

Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ QH Khóa XIII như một bức tranh đẹp cũng có phần lãng mạn, tuy nhiên sau mỗi lần rời nghị trường vẫn bao trăn trở ưu tư, còn nhiều nợ dân nợ nước. Trong xây dựng pháp luật dường như vai trò của QH và ĐBQH chỉ ở khâu cuối cùng, nhiều mong đợi của nhân dân, nhiều bức xúc của cuộc sống nhiều trí tuệ và tâm huyết đã không được đưa vào pháp luật. Nhân dân lo lắng về thực trạng nhờn luật và có một bộ phận trong xã hội vẫn tự cho mình đứng trên pháp luật.

“Tôi nhớ lần xây dựng Luật Đất đai, rất nhiều ĐBQH tha thiết đề nghị nên có chính sách điều chỉnh trong giao đất nông nghiệp, nên thừa nhận sở hữu đối với đất sổ đỏ của người dân nhưng đã không được chấp nhận đến khi giám sát việc nông dân bỏ ruộng và bỏ ruộng… chúng tôi mới thấm câu ca đã có từ lâu : Đại biểu phát biểu thì rất hay nhưng tiếp thu thì rất gay nên xin giữ như dự thảo.”- đại biểu Lê Nam chia sẻ.

Trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao, QH đã làm được rất nhiều vấn đề có những công việc rất tốt, dù trong báo cáo này không thấy khen ai và cũng chẳng thấy chê ai. Nhưng bức tranh tổng kết nhiệm kỳ có xung đột không? Một miền Tây Nam bộ vốn trù phú và hiền hòa đang lùi dần vào dĩ vãng, một Tây Nguyên đang khô khốc vào tháng 3…, thanh niên Việt Nam hình như ngày càng còi cọc và biển đông vẫn chưa ngừng gợn sóng.

“Tôi đề nghị những trăn trở, âu lo đó cần được thể hiện đầu đủ hơn trong tổng kết nhiệm kỳ này, dù chỉ còn ý nghĩa là bàn giao lại cho QH Khóa sau.”- đại biểu Lê Nam nói.

ĐBQH Nguyễn Văn Tuyết (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu): QH cần dứt khoát với những dự luật chưa bảo đảm chất lượng

Về thực hiện chức năng lập pháp của QH: ĐBQH nhiệm kỳ Khóa XIII có vinh dự lớn trong việc đóng góp xây dựng Hiến pháp 2013. QH đã hoàn thành trọng trách ban hành Hiến pháp 2013 và cơ bản cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp vào đạo luật về tổ chức bộ máy Nhà nước. Hơn 2 năm từ khi Hiến pháp ra đời, QH đã thông qua gần 70 đạo luật hầu hết liên quan đến đời sống KT – XH, nếu ở kỳ họp này QH thông qua được 7 đạo luật nữa thì nhiệm kỳ QH này QH đã tổng thể ban hành được Hiến pháp 2013 và 107 Bộ luật và luật. Đây là số lượng lớn nhất từ trước đến nay.

ĐBQH Nguyễn Văn Tuyết (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết cũng nêu một số hạn chế: thường xuyên phải điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh chưa được khắc phục; việc chuẩn bị một số dự án luật chưa bảo đảm tiến độ và chất lượng để trình QH; công tác ban hành văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành vẫn yếu. Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết cho rằng, điều này đã được nhiều ĐBQH đề cập đến, hạn chế này đã được nêu trong quá trình thảo luận và ở các nhiệm kỳ trước nhưng việc khắc phục còn rất chậm.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết cũng nhất trí với những nguyên nhân của những hạn chế nêu lên trong báo cáo, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quá trình xây dựng luật, văn bản chưa phát huy được tối đa, nhất là cơ quan chủ trì, cơ quan tham gia soạn thảo trong việc chuẩn bị trình, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện và dự thảo để trình thông qua. Còn nguyên nhân quan trọng nữa, đó là chưa có biện pháp xử lý kiên quyết trách nhiệm của người đứng đầu, việc khen chê làm chưa tốt.

Bên cạnh đó, cùng với hoạt động lập pháp quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động giám sát của QH cũng đã có nhiều đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.

Trong nhiệm kỳ QH Khóa XIII có điểm đặc biệt là việc tái giám sát được tiến hành thường xuyên, đặc biệt là tại Kỳ họp thứ 10 QH đã tiến hành chất vấn toàn khóa đối với những người đứng đầu các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện những Nghị quyết của QH. Tại phiện họp này, Chủ tịch QH, Thủ tướng, 3 Phó thủ tướng và 16 Bộ trưởng, trưởng ngành, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC đã trả lời, đối thoại với ĐBQH. Đây là sự đổi mới có hiệu quả, phát huy tính dân chủ sâu rộng, nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn của các chức danh, của các cơ quan Nhà nước được QH bầu hoặc phê chuẩn. Hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH thời gian qua làm khá tốt.

Trên cơ sở về các đánh giá những kết quả đạt được, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết kiến nghị một số giải pháp trong nhiệm kỳ tới: Cần có biện pháp xử lý với những trường hợp không bảo đảm chất lượng, tiến độ trình và thông qua dự án luật. Phải thực hiện nghiêm quy trình xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh theo quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan soạn thảo, cần công khai mình bạch khen chê rõ ràng, QH cần dứt khoát với những dự luật chưa bảo đảm chất lượng…

ĐBQH Trương Thị Huệ (Thái Nguyên): Chất vấn là phải truy được trách nhiệm những khâu nào làm chưa tốt

Tôi thống nhất cao với báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của QH Khóa XIII do Chủ tịch QH trình bày trước QH, báo cáo ngắn gọn, rõ, khái quát được kết quả hoạt động của QH tại nhiệm kỳ, đồng thời báo cáo cũng thăng thắn chỉ ra những vấn đề còn hạn chế và trách nhiệm của QH trước cử tri và nhân dân.

ĐBQH Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) Ảnh: Lâm Hiển

Cá nhân tôi đánh giá cao tâm huyết và trách nhiệm của Chủ tịch QH với vai trò là trung tâm điều hành để ĐBQH, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH hoạt động ngày càng chất lượng và hiệu quả hơn. Đặc biệt từ kỳ họp thứ nhất của QH đến nay càng về sau cử tri đánh giá không khí kỳ họp càng dân chủ, thẳng thắn, rộng mở hơn.

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được như trong báo cáo đã nêu, tôi tham gia làm rõ một số hạn chế với mong muốn góp phần giúp QH Khóa XIV rút kinh nghiệm hoạt động tốt hơn.

Như về công tác xây dựng luật. Việc thường xuyên điều chỉnh chương trình xây dựng luật, việc chậm gửi dự thảo luật để đại biểu nghiên cứu và đoàn ĐBQH lấy ý kiến xây dựng luật mặc dù có tiến bộ nhưng trong kỳ họp nào cũng xảy ra việc ban hành luật nhưng trong đó có nhiều điều khoản chưa cụ thể, dẫn đến luật phải chờ nghị định, nghị định chờ thông tư hướng dẫn đã tạo ra khoảng trống pháp luật, tạo cơ hội cho hiện tượng lách luật và dẫn đến nhiều hệ lụy. Ví dụ có nhiều trường hợp thủ kho to hơn thủ trưởng tức là nghi định to hơn luật, thông tư to hơn nghị định, thậm chí thông tư không đúng với nghị định; hay có trường hợp luật, pháp lệnh quy định những trường hợp rất nhân văn, được cử tri đồng tình ủng hộ cao như Luật Người cao tuổi, Pháp lệnh người có công nhưng khi tổ chức thực hiện lại không bảo đảm nguồn lực.

“Tất cả những tồn tại hạn chế như tôi phân tích ở trên là nguyên nhân dẫn đến luật ban hành nhưng chậm, thậm chí một điều khoản không đi vào cuộc sống từ đó”- đại biểu Trương Thị Huệ nói.

Về hoạt động giám sát, hoạt động giám sát tối cao và chất vấn trong nhiệm kỳ đã được QH tiếp tục đổi mới chú trọng nhiều đến chất lượng, song vẫn còn nhiều hạn chế như trong báo cáo nêu khá rõ. Theo tôi có hai vấn đề là hoạt động giám sát cần phải khắc phục.

Một là, trong nhiệm kỳ qua QH, UBTVQH, HDDT và các Ủy ban của QH đã thực hiện nhiều cuộc giám sát. Nhưng có những đoàn giám sát còn mang tính hình thức, tức là xuống địa phương chỉ nghe báo cáo phát biểu trao đi đổi lại một buổi là xong mà chưa chú trọng chưa kết hợp với giám sát việc cụ thể, do đó hiệu quả từ kết quả giám sát còn bị hạn chế, cử tri thường mong muốn sau mỗi cuộc giám sát, bên cạnh việc đề nghị kiến nghị về chính sách pháp luật, về tổ chức thực hiện thì phải chỉ ra được những vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giám sát. Như vậy giám sát mới toàn diện, mới nghiêm minh sâu sắc và rõ ràng.

Hai về hoạt động chất vấn, đây là hoạt động giám sát hiệu nhất được cử tri và nhân dân quan tâm theo dõi. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất của chất vấn là phải truy được trách nhiệm. Tôi cho rằng, khâu này ta làm chưa tốt. Kiểm lại hàng ngàn câu chất vấn trực tiếp và bằng văn bản của ĐBQH câu trả lời về trách nhiệm ít được trả lời. Có thể vì vậy cho nên hàng loạt các vụ việc nào phá rừng làm biệt thự trái phép, nào ký túc xã vài trăm tỷ bị bỏ hoang, nhà mày hàng nghìn tỷ thành sắt vụn…, đằng sau những vụ việc đó là câu hỏi trách nhiệm mà cử tri muốn có được câu trả lời nhanh chóng rõ ràng. Vẫn biết việc quy trách nhiệm là không dễ song đó là trách nhiệm của QH, Chính phủ, của chính quyền địa phương và của từng ĐBQH. Đó là thực trạng mà chúng ta phải tìm cách khắc phục vì nếu tổ chức, cá nhân làm chưa tốt làm sai lại không phải chịu trách nhiệm thì chính là kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm.

ĐBQH Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng): Vinh dự này là của QH

5 năm 1 nhiệm kỳ trôi qua để trong lòng đại biểu Trần Khắc Tâm cảm giác vừa tự hào, vừa trăn trở. Tự hào, là đại biểu được vinh dự cùng gần 500 đại biểu bấm nút thông qua Hiến pháp năm 2013. Bản hiến pháp như một dấu son của nhiệm kỳ QH Khóa XIII khắc ghi vào lịch sử. Bởi đó là bản Hiến văn bảo vệ quyền con người, quyền công dân; Hiến văn đặt nền tảng cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền hiện đại, hội nhập. Nhìn vào số lượng hơn 70 luật được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới trong hơn 2 năm sau khi có Hiến pháp 2013 mới thấy được khối lượng công việc khổng lồ mà QH đã thực hiện. Đại biểu Trần Khắc Tâm khẳng định, vinh dự này là của QH, đồng thời bày tỏ sự biết ơn và cảm ơn đến các ĐBQH, các thành viên Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, UBTVQH- những người gánh trên vai trách nhiệm nặng nề nhất, gian khó nhất mà cử tri giao phó.

ĐBQH Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) Ảnh: Quang Khánh

5 năm là quãng thời gian vừa ngắn lại vừa dài, ngắn là khi chúng ta mặc dù đã cố gắng và nỗ lực nhưng QH mà cụ thể là từng ĐBQH vẫn chưa đáp ứng đầy đủ những gửi gắm, mong muốn, kỳ vọng, yêu cầu của cử tri. Dài là khi những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội được cử tri nêu hoài, nêu mãi, kỳ họp sau nói tiếp kỳ họp trước mà chưa được giải quyết rốt ráo khiến cử tri nản lòng mà đại biểu thì có cảm giác lực bất tòng tâm.
Về kinh tế xã hội, đại biểu Trần Khắc Tâm cho rằng, nhiệm kỳ vừa qua thành công trong việc cầm cự, đối phó với tình hình, vượt qua thử thách khó khăn, khắc nghiệt, tìm lại sự ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội ở mức tối thiểu. Nhưng, chúng ta lại chưa thành công trong cơ chế, chính sách bứt phá, đột phá đưa đất nước tiến nhanh bằng bạn bằng bè. Một quốc gia phát triển nhanh hay chậm, mạnh hay yếu là do chất lượng thể chế quyết định. Chúng ta có một bản Hiến pháp tốt, QH cũng đã nỗ lực hoàn thiện thể chế nhưng thể chế tốt hay không không chỉ phụ thuộc vào đường lối chính sách pháp luật mà chủ yếu còn phụ thuộc vào người thực hiện. Chủ trương rất hay, pháp luật rất đúng nhưng người thực hiện năng lực yếu, đạo đức kém thì những lẽ hay, lẽ đúng ấy cũng rất khó đi vào thực tiễn. Những khó khăn, trở ngại trong thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mới đây là một điển hình.
Theo đại biểu Trần Khắc Tâm, nhiệm vụ căn bản nhất, cấp bách nhất của nhiệm kỳ tới là thực hiện cải cách bộ máy. Đất nước ta sớm khắc phục với tồn tại, hạn chế hay không, có hội nhập thành công hay không, có phát triển bền vững hay không phụ thuộc vào việc chúng ta có thể chế tốt và có bộ máy chỉ đạo, điều hành đủ tâm, đủ tầm hay không. Một bộ máy còn những chỗ chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ thì bộ máy ấy sẽ còn tình trạng dẫm chân lên nhau, khó đạt hiệu năng, hiệu quả cao nhất. Một hệ thống chính trị và một bộ máy cồng kềnh, đồ sộ, không tinh giản được biên chế thì sẽ không tiến hành cải cách được chế độ tiền lương, khó chống được tình trạng tham nhũng, cửa quyền.
Đặc biệt, đại biểu Trần Khắc Tâm đề nghị báo cáo tổng kết nhấn mạnh bài học về dân chủ.  Theo đại biểu, nếu cán bộ là cái gốc của mỗi công việc thì dân chủ là cái gốc để giải quyết mỗi vấn đề. Có dân chủ mới có đồng thuận, có đồng thuận mới có đoàn kết, có đoàn kết mới có sức mạnh, có sức mạnh mới có thành công.
Cho rằng những thử thách của nhiệm kỳ tới là không hề nhỏ, đòi hỏi QH và toàn thể bộ máy nhà nước phải vận hành trơn tru hơn, quyết liệt hơn, chính xác hơn, hiệu quả hơn để ứng phó với tình hình, đại biểu Trần Khắc Tâm  hi vọng, cùng với sự thành công của Đại hội Đảng XII, cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp tới đây thực sự dân chủ, lựa chọn được đội ngũ tốt nhất, tạo ra nhiệm kỳ niềm hứng khởi cho nhiệm kỳ mới bắt đầu.

ĐBQH Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ): QH Khóa XIII đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được nhân dân giao phó

ĐBQH Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cho biết, QH Khóa XIII đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được nhân dân giao phó. Cử tri đánh giá cao nỗ lực hoạt động của QH và các Ủy ban của QH… nhất là trong hoạt động lập Hiến, lập pháp, hoạt động chất vấn, hoạt động giám sát, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh QH bầu, phê chuẩn...

ĐBQH Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) Ảnh: Quang Khánh

Cử tri chưa hài lòng với một số ĐBQH ít phát biểu, chưa phản ánh hết tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Cử tri tiếp tục phê bình luật ban hành nhưng chờ thông tư, nghị định hướng dẫn, làm chậm đi vào cuộc sống. Việc hội nhập chưa hiệu quả ngoài trách nhiệm của Chính phủ, còn có trách nhiệm của QH. Còn không ít kiến nghị sau giám sát chưa được thực hiện, gây bức xúc.

QH quyết định ngân sách nhưng để bội chi, nợ công cao, gây có nguy cơ mất an toàn tài chính quốc gia. Chất lượng ĐBQH có vai trò quyết định đến chất lượng hoạt động của QH, hoạt động của QH sẽ mạnh lên không còn hình thức.

ĐBQH Trần Minh Diệu (Quảng Bình): Báo cáo chuẩn bị công phu, đề cập toàn diện các hoạt động của QH trong cả nhiệm kỳ

Mở đầu phiên thảo luận góp ý Báo cáo công tác nhiệm kỳ của QH, ĐBQH Trần Minh Diệu (Quảng Bình) đồng tình với báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của QH. ĐBQH Trần Minh Diệu (Quảng Bình) cho rằng, Báo cáo chuẩn bị công phu, đề cập toàn diện các hoạt động của QH trong cả nhiệm kỳ có tính chất khái quát cao, khẳng định được những kết quả to lớn và quan trọng trong hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Báo cáo cũng nêu lên được những hạn chế, tồn tại trong nhiệm kỳ hoạt động; đồng thời, rút ra được những bài học ý nghĩa sâu sắc trong nhiệm kỳ tới. Để làm rõ thêm về báo cáo, đại biểu Trần Minh Diệu tham gia mấy vấn đề:

ĐBQH Trần Minh Diệu (Quảng Bình) Nguồn: quochoi.vn

Về hoạt động giám sát của QH, đại biểu Trần Minh Diệu đồng tình với việc đánh giá cao về kết quả hoạt động giám sát tối cao của QH thông qua chất vấn tại kỳ họp, thông qua việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu và phê chuẩn, đặc biệt thông qua giám sát chuyên đề về các vấn đề bức xúc và cấp thiết trong đời sống xã hội như thực hiện chính sách pháp luật về môi trường, vấn đề quy hoạch phát triển thủy điện, đầu tư công, đầu tư cho nông nghiệp, nông dân nông thôn… Hoạt động giám sát tối cao của QH góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động chung của QH, được nhân dân và cử tri cả nước quan tâm theo dõi và đánh giá cao. Bên cạnh những kết quả giám sát rất tốt của QH thì các hoạt động giám sát khác của HDDT và các ủy ban của QH và các đoàn ĐBQH còn nhiều tồn tại và hạn chế. Nội dung giám sát dàn trải, cách thức tổ chức chồng chéo, thiếu khoa học, báo cáo kết quả giám sát không có điều kiện để trình ra tại các kỳ họp QH, không được QH xem xét, thảo luận và đương nhiên ít được ĐBQH quan tâm nghiên cứu. Theo đó hiệu lực và hiệu quả giám sát của HDDT và các ủy ban của QH nói chung là chưa cao.

Đại biểu Trần Minh Diệu cũng cho rằng, nhìn chung các kỳ họp của QH đã diễn ra thành công với tinh thần đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm, đúng quy định của pháp luật. Công tác điều hành kỳ họp cũng có nhiều đổi mới, vừa bảo đảm đúng nguyên tắc, vừa linh hoạt, hài hòa trong việc xử lý các tình huống, các mối quan hệ, phát huy được tinh thần trách nhiệm của các ĐBQH và của các chủ thể tham gia kỳ họp. Theo đó, về cơ bản các quyết định của QH đều được thẩm tra, xem xét kỹ lưỡng, đúng quy trình, thảo luận dân chủ công khai, hầu hết đạt được phiếu thống nhất cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Tuy vậy tại các kỳ họp của QH vẫn còn một số tồn tại hạn chế. Một là, về kết quả thảo luận ở các tổ đại biểu. Qua theo dõi với cách làm như vừa qua, việc thảo luận ý kiến tại tổ của các đại biểu là vấn đề cần được xem xét và bổ sung điều chỉnh các khái niệm thường dùng để thể hiện sự đồng tình, hay không đồng tình hay ý kiến khác trong quá trình thảo luận như có ý kiến, có một số ý kiến, có nhiều ý kiến, có đa số ý kiến… được phản ánh trong kết quả tổng hợp là rất quan trọng, nó sẽ là định hướng cho quá trình xem xét và quyết định của QH. Thế nhưng cách tổng hợp, cách hiểu, cách sử dụng các khái niệm nói trên còn thiếu chính xác và chưa thống nhất. Ví dụ số liệu tổng hợp không đúng với thực tế với số đại biểu tham gia hoặc số liệu đúng nhưng không phản ánh đúng thực chất vấn đề mà đại biểu tham gia. Từ những băn khoăn nói trên đề nghị ban thư ký kỳ họp cần có một nghiên cứu bài bản về quy trình và phương pháp tổng hợp ý kiến thảo luận của đại biểu theo hướng bảo đảm thống nhất và chính xác các loại ý kiến thảo luận tại tổ, thông qua đó để định hướng cho quá trình thảo luận tại hội trường có chất lượng cao hơn.

Hai là, về cách thức xin ý kiến của ĐBQH về những vấn đề còn ý kiến khác nhau. Đây là vấn đề quan trọng cần nghiên cứu để điều chỉnh từ khâu thiết kế nội dung để lấy ý kiến đến việc tổ chức lấy ý kiến, việc kiểm phiếu và tổng hợp ý kiến của đại biểu. Cụ thể, thiết kế nội dung lấy ý kiến phải khách quan và đúng với yêu cầu của QH đặt ra, việc tổ chức lấy ý kiến phải đầy đủ, nghiêm túc, tại chỗ và trực tiếp bằng phiếu kín; việc tổ chức kiểm phiếu và ý kiến của đại biểu cũng phải được QH chỉ định phân công thức hiện theo đúng nguyên tắc và phải chịu trách nhiệm về độ chính xác của quá trình tổng hợp thông tin.

Tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ và lấy ý kiến đại biểu đối với những trường hợp còn nhiều ý kiến khác nhau là những vấn đề liên quan đến tính khách quan, dân chủ và minh bạch trong hoạt động của QH, khắc phục được những tồn tại nói trên là sẽ có thêm những đổi mới cần thiết nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của QH trong nhiệm kỳ tới.

8.00’: Phiên thảo luận bắt đầu

  Ảnh: Quang Khánh

QH Khóa XIII triển khai khối lượng lớn công việc về lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát tối cao

>> Xem toàn văn Báo cáo công tác nhiệm kỳ Khóa XIII của QH

Trước đó, sáng 22.3, Trình bày dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ Khóa XIII của QH, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết, trong 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam, QH, các cơ quan của QH, từng ĐBQH đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với Chủ tịch Nước, Chính phủ, Ủy ban TƯMTTQVN, TANDTC, VKSNDTC, các ngành, các cấp và các cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai khối lượng lớn công việc về lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát tối cao; góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Nhiệm kỳ QH Khóa XIII, QH đã thông qua tổng cộng 222 bộ luật, luật, nghị quyết và pháp lệnh. Trong đó, thành tựu nổi bật của nhiệm kỳ là QH đã làm tròn trọng trách ban hành Hiến pháp năm 2013 và căn bản hoàn thành việc cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp trong các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước; bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, QH đã kịp thời quyết định các chính sách mang tính quốc kế dân sinh, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của đất nước. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, QH đã có nhiều quyết sách đồng bộ để ứng phó kịp thời; thực hiện chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thận trọng, linh hoạt. Nhiều quyết sách giải quyết kịp thời những bức xúc từ cuộc sống như công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện; tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng chống tội phạm; tăng lương cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách còn khó khăn... được đông đảo cử tri hoan nghênh.

Hoạt động giám sát của QH có nhiều đổi mới, tạo sự chuyển động mạnh mẽ trong hoạt động của toàn bộ bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở. QH đã thực hiện quyền giám sát của mình để bảo đảm luật pháp, các nghị quyết của QH được tuân thủ, đi vào thực tiễn cuộc sống, đồng thời đặt ra những vấn đề nổi lên trong đời sống KT - XH, những bất cập về chính sách, pháp luật, từ đó cùng Chính phủ, các Bộ, ngành đánh giá thực tiễn, làm rõ nguyên nhân, bàn giải pháp khắc phục kịp thời những hạn chế, khó khăn trong thực tiễn.

Nhiều hoạt động đối ngoại song phương, đa phương của Quốc hội cũng được đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt với nghị viện các nước và các tổ chức quốc tế, đưa các mối quan hệ này phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. QH đã tham gia, phát huy vai trò tích cực, có trách nhiệm tại các diễn đàn liên nghị viện thế giới và khu vực, góp phần vào duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy đối thoại và hợp tác. Bên cạnh những đóng góp tích cực thúc đẩy các trọng tâm ưu tiên của ASEAN trong việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 và xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2015, QH đã đăng cai tổ chức thành công Đại hội đồng lần thứ 132 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-132).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Báo cáo công tác nhiệm kỳ Khóa XIII của QH cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động lập pháp vẫn còn không ít hạn chế. Việc thường xuyên phải điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa được khắc phục. Một số đạo luật còn có quy định chưa phản ánh đầy đủ, sát thực nhu cầu cuộc sống nên hiệu quả điều chỉnh và tính khả thi không cao. Một số quy định vẫn còn mang tính nguyên tắc chung nên khi triển khai thực hiện vẫn phải phụ thuộc vào văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành...

Hoạt động giám sát của QH vẫn còn hạn chế, bất cập, trong một số trường hợp, chưa xác định rõ ràng trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đến các vấn đề được giám sát, chưa xác định rõ biện pháp xử lý, chưa có chế tài phù hợp; việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát có lúc, có nội dung chưa thực sự quyết liệt, nên có không ít những vụ việc, vấn đề bất cập còn tồn tại chậm được giải quyết, tiếp tục gây bức xúc trong đời sống xã hội…

* Trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011- 2016, Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho biết, nhiệm kỳ 2011-2015, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song những kết quả và thành tựu Kiểm toán nhà nước đã đạt được là toàn diện và có tầm ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển trong những năm tiếp theo.

Hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước ngày càng hoàn thiện; Năng lực kiểm toán ngày càng được nâng cao, hoạt động chuyên nghiệp hơn; qua đó đã góp phần tăng thu, giảm chi ngân sách và xử lý tài chính khác 101.037 tỷ đồng, bằng 55% số kiến nghị xử lý tài chính trong 21 năm hoạt động của Kiểm toán nhà nước (184.486 tỷ đồng). Đồng thời, 5 năm qua, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 360 văn bản...

Tuy nhiên, hoạt động kiểm toán vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Quy mô kiểm toán hàng năm tuy đã được mở rộng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; việc tham gia vào quá trình xem xét, thẩm tra về dự toán Ngân sách nhà nước, phân bổ Ngân sách Trung ương chất lượng chưa cao...; công tác phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin và thực hiện các quy chế phối hợp với các bộ ngành Trung ương, địa phương chưa thường xuyên, kịp thời...


    Ý kiến bạn đọc