Quốc hội nên thí điểm cơ chế đặc thù vùng kinh tế đối với 6 tỉnh Bắc Miền Trung từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế
EmailPrintAa
09:59 27/10/2021

Sáng 27/10/2021, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến Dự thảo các Nghị quyết về: Một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phát biểu tại nghị trường Quốc hội

Phát biểu tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ Đoàn Hà Tĩnh nhấn mạnh: Ngoài Thành phố Hải Phòng, một trong những động lực tăng trưởng của cả nước, tôi cho rằng cơ chế chính sách đặc thù riêng là hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế là 3/6 tỉnh nằm trong khu vực khu Kinh tế Bắc Trung bộ, ngoài Thừa Thiên Huế có chính sách bảo vệ di sản còn lại các cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách cơ bản tương đồng nhau.

Mặc dù mỗi địa phương có những đặc điểm, thế mạnh đặc thù so với các địa phương khác, song chưa có những cơ chế, chính sách mới tương thích với đặc thù của một tỉnh hội tụ 3 vùng địa lý, chưa thể hiện được vai trò là động lực tăng trưởng quan trọng của Miền Trung như Tờ trình đã nêu.

Để phát huy vai trò của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII với nhiệm vụ trọng tâm là: “phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh” và thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, trong đó nhấn mạnh về giải pháp liên kết vùng, phát triển vùng kinh tế, trong bối cảnh các địa phương trong cả nước đều cần bổ sung nguồn kinh phí để phát triển kinh tế địa phương, để tránh tình trạng rải rác các địa phương trong cả nước lần lượt xin cơ chế đặc thù, dẫn đến các quy định pháp luật về ngân sách, phân bổ ngân sách không còn phát huy tính hiệu lực. Từ đó, đề xuất Quốc hội cho thí điểm cơ chế đặc thù tập trung trước hết cho 01 vùng kinh tế hiện đang có nhiều tiềm năng và động lực phát triển kinh tế, ở đây có 3/6 tỉnh vùng Bắc Trung bộ, nên cơ chế đặc thù áp dụng sẽ chung cho các tỉnh vùng Bắc Trung bộ từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế, giới hạn lại tập trung vào các chính sách phát triển thống nhất về cơ chế đặc thù vùng, để sau 5 năm kết thúc giai đoạn thí điểm nếu thành công có thể điều chỉnh quy định pháp luật và áp dụng cho các vùng địa phương trong cả nước?  Theo đó, Quốc hội giao 3 tỉnh còn lại trong các tỉnh Bắc Trung bộ xây dựng kế hoạch phát triển địa phương mình dựa trên các chỉ tiêu cơ chế đặc thù được thông qua, đề xuất bổ sung thêm chính sách thu hút đầu tư, thu hút nhân tài…

Theo tính toán từ số liệu ước thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, nếu như sử dụng cơ chế đặc thù trên đối với các địa phương còn lại cũng không có ảnh hưởng nhiều đến thu ngân sách nhà nước (ví dụ, về chính sách ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn: Theo tính toán nếu căn cứ vào số dự kiến tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu so với dự toán năm 2021 thì 70% delta tăng thu 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị ở mức 2.509 tỷ, chỉ chiếm 0,22% ước tổng thu, 0,75% ước thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2021 của ngân sách nhà nước).

Qua việc đề xuất chính sách đặc thù trên, thiết nghĩ cần sớm có sự tổng soát và điều chỉnh hệ thống pháp luật về ngân sách nhà nước, chính sách cần phù hợp với đặc trưng của từng vùng, mang tính tổng thể, có phân loại thành các nhóm cho các địa phương, các quy định cần phải được thể chế hoá trong hệ thống pháp luật, tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật đã được ban hành.

BBT

    Ý kiến bạn đọc