Thảo luận về dự toán Ngân sách nhà nước và Đầu tư công
EmailPrintAa
15:40 29/10/2018

Sáng nay 29/10 Quốc hội tiếp tục phiên làm việc tại hội trường thảo luận về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017. Đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020. Tham gia thảo luận, Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cơ bản thống nhất với các Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài Chính Ngân sách, đồng thời đề nghị bổ sung hai nội dung về dự toán Ngân sách nhà nước và Đầu tư công như sau:
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu thảo luận về dự toán Ngân sách nhà nước và Đầu tư công tại hội trường

Thứ nhất, về dự toán thu NSNN theo các cam kết song phương và đa phương về thương mại mà Việt Nam tham gia thì nhiều mặt hàng nhập khẩu sẽ được cắt giảm thuế suất, điều này sẽ có tác động mạnh đến nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu. Dự toán thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2019 tăng không đáng kể và tổng dự toán thu cân đối NSNN năm 2019 tăng 3,9% so với ước thực hiện 2018 cũng là yếu tố thuận lợi cho việc hoàn thành dự toán thu từ khu vực này. Tuy nhiên Đại biểu băn khoan vì theo Thông tư Số: 54/2018/TT-BTC ngày 8/6/2018 của Bộ Tài chính về việc Hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2019 – 2021, Điều 10, Xây dựng dự toán thu NSNN quy định: Dự toán thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức và lợi nhuận sau thuế) năm 2019 bình quân chung cả nước tăng tối thiểu 12-14% so với đánh giá ước thực hiện năm 2018 . Mức tăng thu cụ thể tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân tối thiểu 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2018 .

Tuy nhiên Dự toán NSNN năm 2019 lại không được xây dựng theo hướng dẫn của Thông tư trên? Dự toán NSNN năm 2019 xây dựng thu nội địa tăng 5,8% và thu cân đối từ hoạt động XNK tăng 0,1% so với năm 2018? Như vậy không rõ dự toán NSNN 2019 được xây dựng dựa trên căn cứ nào?

T hách thức của việc chấp hành dự toán thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh nội địa.

Trong dự toán thu NSNN theo lĩnh vực năm 2019, dự toán thu từ khu vực DNNN tăng 10%, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13%, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 13,3%  so với năm 2018. Trong khi đó, năm 2018 số thu từ 3 khu vực này lại đạt thấp: thu từ khu vực DNNN giảm 4,9 nghìn tỷ đồng, thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 33,64 nghìn tỷ đồng (tương đương 15,1%), thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm 4,85 nghìn tỷ đồng so với dự toán. Như vậy, mức xây dựng dự toán thu từ các khu vực doanh nghiệp trên liệu có đạt được?

Qua phân tích trên, Đại biểu đề nghị: Dự toán thu NSNN năm 2019 phải được xây dựng theo đúng chính sách, chế độ hiện hành, trên cơ sở đánh giá sát khả năng thực hiện thu NSNN năm 2018 đảm bảo việc xây dựng dự toán có khả năng thực hiện được cao; đồng thời phân tích, dự báo tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế, đặc biệt là những nhân tố tác động làm thay đổi tình hình đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh và hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu năm 2019; tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện các biện pháp cải cách, hiện đại hoá công tác quản lý thu, đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử, tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, quản lý chặt chẽ giá tính thuế, phát hiện và ngăn chặn các hành vi chuyển giá, trốn lậu thuế; tăng cường xử lý nợ đọng thuế; rà soát các khoản thu từ các dự án đầu tư đã hết thời gian ưu đãi.

Thứ hai, Đối với chi đầu tư phát triển (đối với kế hoạch đầu tư công) nhiều quy định tại Luật Đầu tư công và các Nghị định của Chính phủ, Thông tư các Bộ, ngành chưa phù hợp và sát với thực tế thực hiện: quy định tất cả các dự án khởi công mới phải phê duyệt trước 30/10 năm trước năm kế hoạch; dự án cải tạo, sửa chữa và dự án thuộc chương trình Mục tiêu Quốc gia theo cơ chế đặc thù phải phê duyệt trước khi phân bổ vốn.

Quy trình thủ tục kéo dài vốn đầu tư công hàng năm còn rườm rà, nhiều thủ tục; mặt khác việc quy định vốn đầu tư công năm kế hoạch được kéo dài thời hạn thanh toán đến 31/12 năm sau đã tạo nên tâm lý ỷ lại cho chủ đầu tư (BQL) dự án, và đó là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân.

Một số vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện như GPMB, thay đổi tổng mức đầu tư, thời gian, thẩm quyền phê duyệt dự án. Trong thực tế đã xảy ra rất nhiều tình trạng thay đổi tổng mức đầu tư do điều chỉnh giá, làm cho các chi phí được điều chỉnh theo và một số chi phí phát sinh không phải chi trả cho các đối tượng chi phí mà sẽ do nhà thầu hưởng lợi. Ví dụ như chi phí nhân công, chi phí máy thi công nhà thầu đã chi trả hoặc thỏa thuận mua bán,… bên cạnh đó tình trạng ứng vốn đầu tư cho công trình nhưng công trình chưa được thực hiện do mặt bằng chưa được giải phóng xong, làm cho dòng tiền đầu tư chưa phát huy hiệu quả cao.

Vì vậy, Đại biểu  có một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất  đề nghị sửa đổi quy trình lập, thẩm định phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm theo hướng đơn giản về thủ tục, đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cho các bộ, ngành và địa phương, bỏ quy định kéo dài thời gian thanh toán kế hoạch đầu tư hàng năm như hiện nay để hạn chế tâm lý ỷ lại của các cấp có thẩm quyền và chủ đầu tư trong thực hiện kế hoạch. Đặc biệt về phương án giao kế hoạch vốn chỉ nên giao tổng mức vốn và giao theo nhiệm vụ, có thể ủy quyền cho các địa phương, việc điều chỉnh kế hoạch vốn từng dự án công trình trong năm do địa phương quyết định.

Thứ hai là có cơ chế kiểm soát chặt chẽ hợp đồng, kiểm soát chính sách điều chỉnh dự toán do thay đổi chính sách, chế độ của nhà nước (bù giá nhân công, máy thi công) đối với nhà thầu tư nhân (hợp đồng theo thời vụ,...).

Cuối cùng  đối với tạm ứng các gói thầu xây lắp, cần có quy định trước khi tạm ứng chủ đầu tư phải có văn bản hoàn thành bàn giao giải phóng mặt bằng và theo tiến độ thực hiện. Quy định như vậy sẽ phù hợp với thực tế thực hiện, tiến độ quản lý gói thầu, hạn chế tình trạng vốn tạm ứng nhưng chưa sử dụng (chưa có nhu cầu sử dụng, chưa có mặt bằng để thi công...) để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công./.


    Ý kiến bạn đọc