Xây dựng cơ chế quản lý tài chính minh bạch, hiệu quả
EmailPrintAa
20:34 30/10/2024

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 30/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo đối tác công tư, Luật Đấu thầu và dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh điều hành phiên thảo luận Tổ gồm ĐBQH các tỉnh: Lai Châu, Cà Mau, Lâm Đồng, Hà Tĩnh.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tham gia thảo luận tổ sáng 30/10

Đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Thảo luận tại tổ, các đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết việc xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo đối tác công tư và Luật Đấu thầu nhằm tháo gỡ khó khăn về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh và đấu thầu.

ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) đề nghị rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo đối tác công tư, Luật Đấu thầu

Các đại biểu đề xuất làm rõ cơ sở và quy trình rút gọn khi điều chỉnh quy hoạch, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cần quy định các tiêu chí và điều kiện đảm bảo chất lượng, tính thống nhất và sự liên kết của hệ thống quy hoạch.

Đối với việc thành lập Quỹ sử dụng nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp là vấn đề chưa có tiền lệ. Do đó, cần có cơ chế quản lý tài chính minh bạch, hiệu quả với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng. Các đại biểu đề xuất làm rõ cơ chế kiểm tra, giám sát, đặc biệt trong lĩnh vực mua sắm đấu thầu y tế, nhằm ổn định nguồn thuốc và vật tư y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh.

ĐBQH Phan Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng và tài sản trong các vụ án hình sự. Đồng thời đề nghị chuyển quy định tại điểm b, khoản 7, Điều 3 dự thảo Luật về biện pháp xử lý các tài sản và vật chứng… phải có sự thống nhất của các cơ quan tiến hành tố tụng sang Điều 5, dự thảo Luật; bổ sung quy định về việc xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố xét xử

Giảm thiểu tiêu cực, xáo trộn trong hoạt động tố tụng hình sự

Về xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử một số vụ án hình sự, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm giải quyết những khó khăn trong quá trình xử lý các vụ án, tạo nền tảng pháp lý để hoàn thiện hệ thống pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự; nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội.

ĐBQH Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) đề nghị mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng, quy định rõ hình thức thống nhất các cơ quan tiến hành tố tụng

Các đại biểu đề xuất việc rà soát các quy định phải đảm bảo tuân thủ nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự; xem xét kỹ lưỡng việc giải quyết hậu quả từ các quyết định xử lý vật chứng, tài sản ở từng giai đoạn tố tụng cũng như việc bồi thường thiệt hại; mở rộng quyền nộp tiền bảo đảm thi hành án, giúp người bị buộc tội có thể nộp số tiền tương ứng với mức phạt hoặc bồi thường để tránh việc thu giữ, phong tỏa tài sản, ảnh hướng đến sản xuất, kinh doanh.

. ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng tùy vào điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng,miền, từ đó chia sẻ rủi ro phù hợp

Cũng có đại biểu đề xuất việc thí điểm chỉ nên áp dụng với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực theo dõi. Điều này giúp giảm thiểu tác động tiêu cực và tránh xáo trộn lớn trong hoạt động tố tụng hình sự.

Q uy định rõ trách nhiệm quản lý, khai thác tài sản , đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Tham gia thảo luận, Trưởng đoàn Hoàng Trung Dũng và các đại biểu Đoàn Hà Tĩnh thống nhất cao việc sửa đổi các luật và ban hành nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản. Các đại biểu đề nghị bổ sung quy định về bãi bỏ quy hoạch, phân cấp thẩm quyền quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, bổ sung chế tài nhằm gắn trách nhiệm xử lý vi phạm, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả khi triển khai thực hiện. Đề nghị áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu đối với một số lĩnh vực đặc thù; nghiên cứu thêm tiêu chí và điều kiện đấu thầu đối với các gói thầu dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, hàng hóa và xây lắp. Điều này giúp giảm thiểu tình trạng đấu thầu lại, tiết kiệm chi phí và ngân sách Nhà nước.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng phát biểu kết thúc buổi thảo luận tổ

Đối với dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng và tài sản trong các vụ án hình sự, các đại biểu Đoàn Hà Tĩnh đề nghị quy định cho phép người quản lý tài sản được khấu trừ các khoản chi phí quản lý, khai thác tài sản trước khi nộp tiền khai thác để thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Cần quy định hình thức bán đấu giá tài sản để ngăn ngừa việc tẩu tán tài sản thông qua chuyển nhượng và giảm thiểu tiêu cực trong quá trình thực hiện.

Dự thảo cần quy định rõ ràng trách nhiệm trong quản lý và khai thác tài sản, nghĩa vụ nộp lợi tức khai thác để đảm bảo thực hiện thi hành án. Cần phân hóa trách nhiệm của các cơ quan và người có thẩm quyền trong quá trình tố tụng, đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật trong quản lý và khai thác tài sản.

Hữu Quý - Thúy An

    Ý kiến bạn đọc