Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận |
Bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên
Đại biểu Quốc hội, Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh - Phan Thị Nguyệt Thu cho rằng cần quy định tách vụ án hình sự có người bị buộc tội là người chưa thành niên và người đã thành niên để giải quyết độc lập, nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên.
Theo đại biểu, thực tế người chưa thành niên đồng phạm với vai trò giúp sức trong các tội đánh bạc, đua xe trái phép, trộm cắp, gây thương tích, cướp tài sản, phần lớn các em đang là học sinh phạm tội thường do hoản cảnh, nhận thức còn hạn chế, dễ bị lôi kéo dụ giỗ, kích động.
Đồng thời, nếu phải chờ kết thúc điều tra, truy tố, xét xử cùng người đã thành niên mà trong vụ án có nhiều người, hành vi, ở nhiều địa phương khác, thậm chí ở nước ngoài, các em sẽ mất đi cơ hội học tập, việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý khi phải áp dụng biện pháp ngăn chặn của các cơ quan trong thời gian dài.
Xây dựng hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em
Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, ĐBQH Đoàn Hà Tĩnh - Phan Thị Nguyệt Thu |
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu cho rằng việc tách vụ án nhằm thực hiện hiệu quả các thủ tục tố tụng thân thiện. Khi xét xử, Hội đồng là người am hiểu, có kinh nghiệm, hiểu tâm lý của người chưa thành niên; sẽ có thành phần Đoàn thanh niên, giáo viên và xét xử tại phòng xét xử thân thiện; người chưa thành niên không bị còng tay được ngồi cạnh người đại diện, bảo vệ và Trợ giúp pháp lý để hỗ trợ các em khai báo… nếu không tách vụ việc giải quyết độc lập thì chính sách ưu việt, nhân văn cho người chưa thành niên không được thực hiện.
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo “mọi điều riêng tư của trẻ em phải được tôn trọng trong mọi giai đoạn tố tụng” theo Công ước về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên; bản án xử người chưa thành niên không được công khai; phiên tòa có người bị hại là người chưa thành niên bị xâm hại tình dục, bị mua bán, bạo hành phải xử kín.
Chánh án TAND tỉnh khẳng định việc tách vụ án để giải quyết riêng đảm bảo xác định sự thật vụ án khách quan, hiệu quả và bảo vệ lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên; đồng thời bảo đảm việc đánh giá, thống kê chính xác tình hình tội phạm, từ đó có giải pháp phòng ngừa hạn chế tội phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên và không lãng phí nguồn lực của đất nước.
Quy định nhân văn, đặc thù bảo vệ người chưa thành niên
Bày tỏ quan điểm thống nhất cao về quy định hình phạt (từ Điều 107 đến Điều 119), đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu cho biết việc giữ nguyên hệ thống hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội như Bộ luật Hình sự hiện hành gồm: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn. Không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình đối với người chưa thành niên.
Ngoài ra, bổ sung quy định về hình phạt cảnh cáo cho người chưa thành niên khi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do vô ý và có tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt. Giảm thời gian thử thách khi được hưởng án treo xuống không quá 03 năm; giảm hình phạt tù đối với tội ít nghiêm trọng, tăng hình phạt tù đối với các tội nghiêm trọng là khả thi và phù hợp với thực tiễn.
Tại phiên thảo luận, đại biểu nhấn mạnh cần mở rộng đối tượng người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu có tài sản riêng cũng có thể áp dụng hình phạt tiền hoặc cha mẹ, người thân thích có tài sản và tự nguyện thực hiện, mức tiền phạt không quá một phần ba mức tiền phạt mà điều luật quy định.
Cuối phiên thảo luận, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu./.
Tin mới cập nhật
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bế mạc kỳ họp thứ 8 ( 01/12)
- Bế mạc kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV ( 30/11)
- ĐBQH Hà Tĩnh - Nỗ lực làm tròn trọng trách người đại biểu dân cử ( 30/11)
- Đảm bảo hiệu lực, hiệu quả đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ( 29/11)
- Ông Lê Quang Tùng làm Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ( 29/11)
- Ông Lê Quang Tùng làm Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ( 28/11)