Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Đoàn đại biểu cấp cao Hoa Kỳ thăm cấp nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ)
|
Nhận biết được sau khi Mỹ rút quân thì vấn đề nan giải nhất là tù nhân và người Mỹ mất tích. Với truyền thống nhân ái, bao dung, vượt lên nỗi đau của chính mình, chỉ sau 2 tuần khi Hiệp định Pari được ký kết, Chính phủ Việt Nam đã thành lập “Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích” để chủ động và chủ trì giải quyết vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam (MIA). Trước việc Chính phủ Mỹ mang nặng hội chứng chiến tranh, liên tiếp cả mấy đời Tổng thống (J.Carter, R.Reagan, G.Bust) phản đối mọi bước đi của Việt Nam, bất chấp điều đó, trong thập kỷ 80 của thế kỷ XX Việt Nam đã tìm kiếm và trao trả cho Mỹ 302 bộ hài cốt.
Chính nhờ từ thực tế đó, với nỗ lực và thiện chí, với lòng nhân ái cao cả của Việt Nam mà Hoa Kỳ đã chịu cùng Việt Nam ký Thỏa thuận chung (25/9/1988) về việc tổ chức hoạt động hỗn hợp, xác nhận hoạt động của MIA ở 6 tỉnh phía Bắc. Đến năm 1991 Văn phòng MIA được thành lập, chính thức trở thành cơ quan đầu tiên của chính quyền Hoa Kỳ hợp tác với Việt Nam về tìm kiếm người Mỹ mất tích. Tính đến nay sau 35 năm 2 nước đã hoàn tất 156 lượt hoạt động hỗn hợp, tiến hành 160 đợt trao trả hài cốt, bàn giao 734 quân nhân Mỹ mất tích sau chiến tranh.
Chính nỗ lực của Việt Nam trong vấn đề MIA đã trở thành khởi nguồn mối quan hệ hợp tác hai nước, tạo điều kiện để Tổng thống Mỹ B.Clintơn tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại Việt Nam (3/2/1994), tiến tới hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao (12/7/1995).
Từ hoạt động tìm kiếm quân nhân mất tích đã mở rộng sang lĩnh vực rà phá bom mìn cũng như về trách nhiệm của Mỹ đối với hậu quả chất độc da cam và người bị ô nhiễm điôxin tại Việt Nam. Hoa Kỳ đã chịu trách nhiệm và phối hợp với Việt Nam triển khai một số dự án do hậu quả chất độc da cam, trong đó có các dự án lớn như tẩy độc điôxin tại sân bay Đà Nẵng, tiếp tục triển khai ở sân bay Biên Hòa; dự án hỗ trợ cải thiện chất lượng sống cho người tàn tật do nhiễm chất độc da cam; dự án truyền thông về khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh…
Có thể nói sau 50 năm Mỹ rút quân khỏi Việt Nam và 28 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, trải qua bao thăng trầm, nhưng bằng thiện chí và đường lối đối ngoại linh hoạt, độc đáo mà Việt Nam và Hoa Kỳ đã từng bước từ bình thường hóa quan hệ ngoại giao, tiến tới đối tác toàn diện vào năm 2013 và sau 10 năm đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Đó là kết quả mà như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Quan hệ hai nước đã phát triển năng động, liên tục và ngày càng sâu rộng, trải qua nhiều dấu mốc phát triển quan trọng”.
Cho đến nay dấu mốc quan trọng nhất là chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ Joe.Biden (tháng 9/2023) với việc lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ đã ra Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình hợp tác và phát triển bền vững. Trong tình hình hiện nay có thể nói đây là minh chứng hùng hồn cho ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh hai nước sẽ “hợp tác đầy đủ” và sự phát triển của tư duy ngoại giao Việt Nam đồng bộ, tổng thể với ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.
Thật là hiếm có và cho đến nay chưa có được sự kiện nào trên thế giới như là sự kiện Tổng thống Mỹ nhận lời mời của Tổng Bí thư Đảng cộng sản một nước nhỏ đã lãnh đạo cuộc kháng chiến đánh thắng mình để đến thăm với cấp Nhà nước. Xét về mặt nào đó thì thủ tục này cũng đặc biệt, vì Tổng thống của một nước phải tương ứng với Tổng thống hoặc Chủ tịch của nước khác, chứ đâu phải là Tổng Bí thư của Đảng dù đó là Đảng cầm quyền. Hơn thế nữa là hai đoàn đại biểu hai nước tiến hành hội đàm ra Tuyên bố chung tại Văn phòng của Trung ương Đảng. Sự kiện này tiếp nối sự kiện năm 2015 Tổng thống Mỹ mời Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam sang thăm và tiếp tại Nhà trắng là độc đáo, có thể bổ sung vào lý luận xây dựng Đảng của Đảng cộng sản về sự đối thoại, hợp tác kênh Nhà nước “phá lễ” sang kênh Đảng - Nhà nước.
Cho đến nay mới chỉ có 4 nước đó là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Mỹ là nước thứ 5 đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam (trong số 31 nước đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện). Chuyến thăm và ký Tuyên bố chung giữa Tổng thống Mỹ và Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam vào dịp 2 nước kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đôi tác toàn diện, một lần nữa Hoa Kỳ khẳng định tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam, tôn trọng và thừa nhận sự lãnh đạo độc tôn của Đảng cộng sản Việt Nam, tôn trọng nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; tiếp tục xử lý những khác biệt trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
Nội dung nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện có sự tiếp nối một quá trình và phát triển trong hoàn cảnh mới:
1. Quan hệ đối tác về chính trị. Từ năm 2000 đến nay hai bên đã có 16 chuyến thăm cấp cao, mỗi chuyến thăm đều đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sự quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Đơn cử như năm 2013 Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang thăm Hoa Kỳ hai nước đã ra Tuyên bố chung thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với 9 lĩnh vực hợp tác mà điều cốt lõi là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ khẳng định tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam. Vào tháng 7/2015, nhân dịp hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ, đánh dấu sự hoàn tất một chương sử hai bên bình thường hóa quan hệ “toàn diện đầy đủ”. Từ đây hai bên cùng nhau tích cực triển khai các cơ chế đối thoại, tham vấn, từng bước đi vào các vấn đề sâu và cụ thể hơn như là vấn đề liên quan đến Biển Đông; tiểu vùng Sông Mê Công; ứng phó với biến đổi khí hậu; coi trọng và phối hợp với Việt Nam giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế quan trọng khác...
2. Hợp tác kinh tế - thương mại đầu tư được đánh giá là lĩnh vực thành công nhất, kim ngạch thương mại song phương từ 25 tỷ USD năm 2012 lên 139 tỷ USD năm 2022 (tăng 300 lần so với 1995 là 450 triệu USD). Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ. Mỹ luôn là một trong những nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam (FDI); năm 2022 có gần 1.200 dự án lớn nhỏ đang hoạt động với số vốn 11,4 tỷ USD. Đáng chú ý là Việt Nam cũng đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư sang Mỹ với số vốn hàng tỷ USD.
3. Hợp tác Quốc phòng - An ninh có những bước tiến cụ thể. Tháng 9/2011 hai bên ký bản Ghi nhớ về hợp tác quốc phòng. Tiếp đến tháng 5/2016 Hoa Kỳ chính thức gỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương, cung cấp trang thiết bị hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực phòng thủ nhất là trên biển, phát triển công nghệ quốc phòng; ký kết triển khai một số thỏa thuận mới về hợp tác quốc phòng.
4. Hợp tác giáo dục đào tạo coi là điểm sáng trong quan hệ hai nước và là lĩnh vực mà Hoa Kỳ ưu tiên dành cho Việt Nam. Hiện nay có trên 25.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Mỹ (đứng thứ 5 thế giới). Nhiều trường đại học Mỹ đã ký hợp tác với trường đại học Việt Nam. Mỹ cũng đang xúc tiến việc mở trường đại học Mỹ tại Việt Nam cùng với việc hợp tác đào tạo nguồn nhân lực nhất là trên lĩnh vực công nghệ cao.
5. Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh. Hai bên dành nhiều nguồn lực cho hoạt động tìm kiếm, xác minh hài cốt của bộ đội Việt Nam hy sinh trong chiến tranh; chất độc điôxin; rà phá bom mìn; hỗ trợ người khuyết tật do hậu quả chiến tranh. Đồng thời Việt Nam sẽ tiếp tục tìm kiếm và xác định để trao trả hài cốt của quân nhân Mỹ mất tích.
6. Hợp tác về khoa học công nghệ, y tế, du lịch… Đây là lĩnh vực Mỹ có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu. Về khoa học - công nghệ hai bên mở rộng hợp tác về một số lĩnh vực mang tầm chiến lược như hạt nhân, vũ trụ, công nghệ bán dẫn, công nghệ số… Về y tế, hai bên đẩy mạnh hợp tác y tế cộng đồng và một số lĩnh vực mới, phối hợp nghiên cứu triển khai chương trình an ninh y tế toàn cầu, những tiến bộ về phòng chữa bệnh… Về hợp tác du lịch từ năm 2012 lượng khách tăng nhanh, sau đại dịch Covid-19 có chững lại. Nhận thấy có nhu cầu lớn cần được tiếp tục mở rộng hợp tác trên lĩnh vực này.
Quan hệ hai nước từng phát triển tốt đẹp nhưng trong bối cảnh mà hòa bình, hợp tác dù vẫn là xu thế chủ đạo ở khu vực và trên thế giới, nhưng còn tiềm ẩn nhiều biến động phức tạp thì quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ vẫn cần quan tâm đến những tồn tại do có tính chất khác biệt, xuất phát từ thể chế chính trị, sự chênh lệch về trình độ phát triển, đặc biệt trước sự chống phá của các thế lực thù địch và âm mưu “diễn biến hòa bình”. Hiện nay vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, đa nguyên, đa đảng vẫn là những lĩnh vực nhạy cảm đang gây cản trở trong quan hệ song phương. Bên cạnh đó lòng tin chiến lược giữa hai bên tuy có được tăng cường song chưa cao, chưa thật bền vững; vẫn có những khác biệt nhất là trước sự biến động nhanh, hết sức phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực tác động không nhỏ đến hai nước có thể chế và chế độ chính trị khác nhau.
Để mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng phát triển ổn định và đi vào thực chất trước mọi diễn biến của tình hình, cách thức tốt nhất là hai bên tiếp tục đối thoại một cách xây dựng và thẳng thắn, phấn đấu vượt qua những khác biệt, tồn tại, ứng xử linh hoạt để không ảnh hưởng đến sự phát triển. Đặc biệt cần có lộ trình triển khai thật thực chất và hiệu quả Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên đối tác chiến lược toàn diện, phát triển quan hệ song phương theo thứ tự ưu tiên hợp tác. Xem các lĩnh vực kinh tế, thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo là trọng tâm đột phá chiến lược và ưu tiên hàng đầu; quốc phòng - an ninh là động lực nhằm thúc đẩy, giữ gìn hòa bình và ổn định trong quan hệ hai nước cũng như khu vực và thế giới.
Với thiện chí của hai bên, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng lịch sử, tiếp tục củng cố lòng tin chiến lược, gạt bỏ khác biệt phương hại đến lẫn nhau để cùng hướng về phía trước. Tin tưởng với tiềm năng và vị thế của Việt Nam sẽ cùng với Hoa Kỳ hợp tác song phương trong một thế giới đa cực nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước trước mọi diễn biến của tình hình ở khu vực và quốc tế./.
Tin mới cập nhật
- Các trung tâm cần tiếp tục chăm sóc tốt cho các thương, bệnh binh ( 20/01)
- Nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo ( 20/01)
- Hà Tĩnh phát động hưởng ứng Giải Diên Hồng lần thứ 4 ( 18/01)
- Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ( 13/01)
- Lập Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Hạ Vàng, tỷ lệ 1/2.000 ( 09/01)
- Điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2030 ( 09/01)