Thấy rõ thành tựu, thấy rõ khuyết điểm để nhân dân tin tưởng
EmailPrintAa
10:10 13/10/2014

Cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015, UBTVQH cơ bản tán thành với những đánh giá nêu trong các Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính-Ngân sách. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị trong các báo cáo cần bám sát hơn mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, từ đó đưa ra đánh giá sát thực hơn. Bởi lẽ, chúng ta không tô hồng, nhưng cần thấy rõ thành tựu, khuyết điểm để tạo sự tin tưởng cho nhân dân.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Phải đánh giá làm rõ những thành tựu, kết quả đáng mừng đạt được, tạo bầu không khí phấn khởi để bước vào năm sau dự báo còn khó khăn 
 
Về hình thức và nội dung các báo cáo, tôi thấy, Chính phủ, các bộ đã làm rất nghiêm túc, quá trình làm cũng vất vả, các báo cáo đã có sự tích lũy và lắng nghe nhiều ý kiến tại các cuộc thảo luận có liên quan. Ngân sách được làm kỹ đến từng ngành, từng cấp. Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước cũng vậy. Công tác chuẩn bị của ta như thế là rất tốt.

Tôi đề nghị báo cáo ra QH viết ngắn, đừng kê khai tỷ mỷ số lượng. Chúng ta bám sát mục tiêu, chỉ tiêu chính của Trung ương, của Quốc hội để phân tích. Điều quan trọng là mình thấy một năm đạt nhiều kết quả tốt, khá toàn diện cả quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế - xã hội. Riêng về mặt xã hội phải đánh giá để thấy được tinh thần của nhân dân có phấn khởi không, đời sống vật chất, tinh thần có được nâng lên không. Những chỉ tiêu này cần cố gắng phân tích cho rõ, từ đó tính ra kinh tế ổn định, tăng trưởng duy trì và có chiều hướng tăng lên, lạm phát kiềm chế được ở mức hợp lý hay không hợp lý. Tôi thì thấy hợp lý: tăng trưởng 5-6%, lạm phát 4-5%. Trong báo cáo phải nói được câu chuyện ấy. An sinh xã hội, 3 trụ cột chính sách chúng ta làm được, đời sống vật chất của nhân dân được cải thiện hơn, đời sống tinh thần của nhân dân được nâng cao hơn, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được giữ vững. Nếu phân tích bối cảnh năm 2014 với tình hình trong nước và ngoài nước như vậy thì mình đạt được kết quả là đáng mừng. Đây là nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, của đội ngũ doanh nghiệp và đặc biệt là công tác điều hành, chỉ đạo vừa sát, năng động, giải quyết có bài bản, giải quyết cụ thể của Chính phủ và các cấp, các ngành. Đảng ta có chủ trương, Quốc hội ta có chủ trương và quyết định những vấn đề quan trọng, đặt ra mục tiêu, đặt ra nhiệm vụ đúng hướng và kịp thời giải quyết các vấn đề pháp luật để Chính phủ điều hành. Qua chất vấn, giám sát, Quốc hội đưa ra yêu cầu rất rõ đối với Chính phủ, các Bộ trưởng. Bây giờ cần đánh giá để thấy rõ điều hành quyết liệt thế nào, năng động thế nào, phối hợp thế nào trong, ngoài để chúng ta đạt được kết quả như vậy. Đây là điều cần phải làm rõ, báo cáo cho toàn dân nghe, không phải chỉ có ĐBQH. Tôi thấy cần phải đánh giá làm rõ những thành tựu, kết quả đáng mừng đạt được, tạo bầu không khí phấn khởi để bước vào năm sau dự báo còn khó khăn.

Trong các báo cáo cũng cần chỉ ra những tồn tại, yếu kém, những chỉ tiêu yếu kém, những cân đối yếu kém. Ví dụ, về kinh tế cũng còn nhiều điểm yếu kém như cơ cấu kinh tế chưa thật tốt; năng suất, chất lượng, hiệu quả còn thấp; sức cạnh tranh còn yếu... Nợ công là một mối đe dọa, cân đối ngân sách chưa tích cực. Năng suất lao động xã hội rất thấp. Sản phẩm chủ lực và cái mà ta gọi là mô hình kinh tế để có những sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh làm còn chậm và yếu...

Năm 2014, tôi đề nghị phải đánh giá thêm những mặt được để nhân dân phấn khởi. Mặt hạn chế, nhất là các lĩnh vực xã hội, phải đánh giá rõ, đi thẳng vào đời sống vật chất, tinh thần của dân có lên không? Vật chất là ăn, mặc, ở. Tinh thần là đời sống, giáo dục, chữa bệnh, văn hóa và an toàn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm. Người dân cuộc sống có yên bình không, hay vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc. Chỗ này tôi thấy phải đánh giá, từ đấy mới suy nghĩ đến năm 2015 sẽ giải quyết thế nào.

Tôi không đề nghị các cơ quan phải tô hồng. Nhưng cần đánh giá để một là thấy thành tựu rõ, hai là thấy khuyết điểm đã rõ và ba là thấy nhiệm vụ để giải quyết khuyết điểm. Nhân dân ủng hộ, tin tưởng thì nhân dân làm.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước: Đưa ra một chính sách vĩ mô phải tính đến nguồn lực quốc gia có đáp ứng được hay không?

Báo cáo của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khá rõ bức tranh tổng thể về KT-XH, ngân sách của năm 2014; đưa ra được những dự báo và dự kiến phát triển trong năm 2015. Tuy nhiên, trước hết, tôi đề nghị, phải nói rõ vai trò quản lý, điều hành của chúng ta trong năm 2014 như thế nào. Tôi thấy, vấn đề này trong các báo cáo còn hạn chế. Về khách quan thì rõ, những yếu tố, nhân tố này đã rõ nhưng vai trò quản lý, điều hành của chúng ta có vấn đề gì? Ví dụ, bây giờ, yêu cầu là phải tăng nguồn lực để tăng tổng đầu tư toàn xã hội. Nhưng thực tế, thu ngân sách giảm, có rất nhiều trường hợp không thu được vì lách thuế, trốn thuế, gian lận thuế. Ở đây có vấn đề về mặt chủ quan trong quản lý, điều hành của chúng ta. Hay vấn đề quản lý, bảo vệ rừng cũng vậy. Liên tục mấy ngày nay, chúng ta thấy có những nơi chặt gần hết rừng, gỗ giấu trên rừng chờ thời cơ là đem xuống. Tôi muốn nói rằng, công tác quản trị quốc gia của chúng ta đang có vấn đề. Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ KT-XH, ngân sách trình QH, tôi đề nghị phải nói rõ trách nhiệm quản lý, điều hành của chúng ta.

Hai là, theo các báo cáo thì nông nghiệp, nông thôn và nông dân là dư địa rất lớn của chúng ta. Lực lượng lao động trong khu vực này tính đến năm 2015 chiếm khoảng 47% trong tổng số hơn 55 triệu người lao động. Mặc dù tiềm năng, lợi thế của khu vực này rất nhiều nhưng đóng góp GDP cho quốc gia thì rất thấp. Theo báo cáo năm 2013 thì giá trị bình quân trên 1 ha của chúng ta mới đạt hơn 78 triệu đồng, trong khi ở nhiều vùng của chúng ta hiện nay đạt trên 100 triệu đồng/ha nhưng tản mát. Kinh tế nông nghiệp của chúng ta đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng chuyên canh lớn nhưng điểm yếu nhất là tính tự phát rất nặng. Từ Bắc tới Nam, từ miền núi đến đồng bằng đều bị tình hình này. Vậy vai trò quản lý của Nhà nước ở đây như thế nào để giảm dần tính tự phát này?

Cuối cùng, tôi muốn nói nhiều là giảm tỷ lệ hộ nghèo. Chúng ta dự kiến năm tới sẽ áp dụng chỉ số nghèo theo tư duy mới là nghèo đa chiều. Khi tôi còn tham gia Chính phủ, chúng tôi đã tính đến quan điểm nghèo đa chiều nhưng lúc đó khả năng của chúng ta không bảo đảm được. Lần này, tôi đề nghị cũng phải cân nhắc vì khi đưa ra là phải kèm theo chính sách, kèm theo nguồn lực. Mà đã nói đến chính sách dành cho nhóm yếu thế thì nguồn lực chính vẫn phải từ ngân sách nhà nước, không thể nói là từ nguồn đóng góp xã hội được, nguồn từ đóng góp xã hội chỉ là khuyến khích. Vậy, khả năng chúng ta tới đâu? Tôi đề nghị phải tính toán, cân nhắc rất kỹ, nếu tính khoảng 2 USD/ngày là chết dở, phấn đấu mệt, mấy chục năm cũng không xong. Ta phải có lộ trình từng bước và phù hợp với khả năng, hoàn cảnh của đất nước ta. Năm tới còn giải quyết vấn đề lương, chưa nói tới đây còn giải quyết một loạt vấn đề về chính sách bảo hiểm xã hội... Cho nên, khi xây dựng những chính sách vĩ mô là phải tính đến khả năng nguồn lực của quốc gia. Trong khi chúng ta hay góp ý với nhau là làm dàn trải nguồn lực thì ngay cả trong chính sách chúng ta cũng phải xem, không khéo lại cũng dàn trải nguồn lực.

Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Đến thời điểm này nên có nhận định Việt Nam đã cơ bản định hình xong hệ thống chính sách an sinh xã hội... tuy nhiên chất lượng an sinh xã hội còn phải tiếp tục phấn đấu

Riêng các lĩnh vực do Ủy ban Về các vấn đề xã hội phụ trách, tôi đánh giá rất cao Chính phủ trong điều kiện khó khăn của ngân sách đã cố gắng bảo đảm thực hiện các chính sách xã hội. Về cơ bản, chúng tôi thấy như vậy là cố gắng hết mức rồi. Tuy nhiên, tôi đề nghị, Báo cáo của Chính phủ về phần xã hội nên có đánh giá những vấn đề mới trong năm 2014, đề xuất 2015, không nên liệt kê theo kiểu đều đều. Cụ thể, có mấy điểm như sau:

Một là, về an sinh xã hội, có thể, đến thời điểm này, chúng ta nên có nhận định là cơ bản Việt Nam đã định hình xong hệ thống chính sách an sinh xã hội, bao gồm 3 nhóm chính sách: nhóm chính sách phòng ngừa, chính là chính sách việc làm; nhóm chính sách giảm thiểu rủi ro với hai trụ cột là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và chính sách giảm nghèo; nhóm chính sách khắc phục, chính là chính sách bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, chất lượng an sinh xã hội cũng còn là vấn đề, phải tiếp tục phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn. Vai trò chủ đạo của Nhà nước cần phải được đánh giá sâu sắc hơn. Nhà nước tham gia rất mạnh vào việc thực hiện hệ thống an sinh xã hội và quan trọng nhất là, những năm gần đây, chúng ta bắt đầu thu hút được người dân tham gia vào mạng lưới an sinh để tự bảo đảm an sinh cho mình. Việc chúng ta thiết kế xong một mạng lưới an sinh mà trong đó, Nhà nước là chủ đạo, Nhà nước và người dân cùng tham gia là rất quan trọng. Cần đánh giá sâu sắc hơn vấn đề này. 

Hai là, về thị trường lao động việc làm. Có mấy đánh giá trong Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tôi chưa đồng tình. Ví dụ, đánh giá lương tối thiểu được nâng lên và cải thiện được đời sống của người lao động. Lương tối thiểu chỉ bảo vệ cho nhóm lao động thu nhập thấp và yếu thế, còn toàn bộ lao động trên thị trường này thì lương phải theo thị trường lao động và chính là giá cả sức lao động. Vì vậy, lương tối thiểu này là một trong những điểm yếu, không phải là điểm mạnh. Ở đây, có con số về tỷ lệ thất nghiệp đã làm dấy lên một cuộc tranh luận trong dư luận xã hội gần đây. Hơn 1 tháng trước, Tổng cục Thống kê có đưa ra con số tỷ lệ thất nghiệp 1,8 triệu người. Hôm nay, anh Bùi Quang Vinh đưa ra con số cuối cùng là 3,48 triệu người. Những con số này bấy lâu nay vẫn nhập nhèm thế này. Trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị phải xem xét lại việc này, tỷ lệ này chưa đồng bộ với tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế mấy năm gần đây đang giảm thì vẫn tạo ra được khoảng 1,6 triệu việc làm. Trong khi đó có công thức rồi, cứ tăng trưởng 0,34% thì tăng được 1% việc làm. Chỗ này chưa khớp nhau, tôi đề nghị Chính phủ quan tâm thêm một số chỉ tiêu sau đây: chỉ tiêu liên quan đến tỷ lệ thiếu việc làm, tỷ lệ lao động phi chính thức, vấn đề năng suất lao động, tỷ lệ lao động nghèo, tỷ lệ lao động dễ bị tổn thương, lao động nông nghiệp, lương bình quân trên thị trường. Có lẽ tất cả những chỉ số này mới nói lên được chất lượng việc làm của thị trường lao động nước ta. Nếu dùng một tỷ lệ thất nghiệp thì Tổ chức Lao động quốc tế khuyến cáo rồi, những nước đang phát triển dùng tỷ lệ thất nghiệp để phản ánh sự phát triển của nền kinh tế là không chuẩn, có khả năng làm cho mình hiểu sai lệch vấn đề liên quan giữa lực lượng lao động trên thị trường và phát triển nền kinh tế. Vì vậy, đối với nước ta, cần phải bổ sung thêm một số chỉ số để phản ánh được chất lượng thực sự của việc làm trên thị trường lao động. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế là đúng. Những người lao động trong khu vực chính thức khi có vấn đề khó khăn, cú sốc kinh tế người ta chuyển sang khu vực phi chính thức rất nhanh. Vì sinh kế người ta dễ dàng chấp nhận những việc làm thiếu ổn định, chất lượng thấp và lương thấp. Đây là những vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu để làm rõ chất lượng việc làm trên thị trường lao động nước ta.


    Ý kiến bạn đọc