Ban Kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính
EmailPrintAa
17:43 20/03/2015

Thực hiện chương trình công tác năm 2015, sáng ngày 20/3/2015, đồng chí Nguyễn Trí Lạc, Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì làm việc với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính về kết quả xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và đầu tư công trung hạn 5 năm (2016-2020); công tác kế toán và khóa sổ, quyết toán NSNN năm 2014; kết quả phân bổ, giao dự toán thu, chi ngân sách năm 2015. Cùng tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Phan Cao Thanh - UV BTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Nguyễn Thị Nữ Y - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo: các Ban HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND và các Sở, ban ngành liên quan.

Đồng chí Nguyễn Trí Lạc - Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh

chủ trì cuộc làm việc

 

Thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg, Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở Kế hoạch - Đầu tư đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản, chỉ thị về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020. Đến nay, trên cơ sở báo cáo của các sở, ban, ngành, địa phương và các mục tiêu của tỉnh đến năm 2020 theo Quyết định 1786/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp, thống nhất các chỉ tiêu đạt được trong giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch phát triển KT-XH, đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020. Theo số liệu tổng hợp từ các đơn vị, tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016 – 2020 của toàn tỉnh là 146.327,012 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách nhà nước 105.263,871 tỷ đồng, vốn ODA 20.939,012 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ 15.490,289 tỷ đồng. Căn cứ vào hướng dẫn của Trung ương, sở Kế hoạch – Đầu tư cũng đã dự kiến nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016 – 2020 với 2 phương án, phương án 1 là 57.883,662 tỷ đồng ( tính tăng 10% bình quân hằng năm và lấy số được giao kế hoạch 2015 làm gốc), phương án 2 là 66.380,812 tỷ đồng ( bám theo định hướng của Monitor, tăng 20% bình quân hằng năm và lấy số hế hoạch giao 2015 làm gốc). Riêng đối với năm 2014, sau khi Luật đầu tư công có hiệu lực, sở Kế hoạch – Đầu tư đã trình thẩm định 97 hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến 3.650 tỷ đồng (trong đó dự kiến nguồn vốn ngân sách Trung ương 2.923 tỷ đồng, số còn lại của tỉnh và các nguồn khác), hiện tại đã tham mưu UBND tỉnh xin ý kiến chấp thuận của HĐND tỉnh 05 dự án để trình Bộ ngành Trung ương thẩm định nguồn vốn …


Đồng chí Phan Cao Thanh - UV BTV, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy

phát biểu tại cuộc làm việc

 

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2020 mục tiêu đề ra là phải xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao, phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người nằm trong nhóm các tỉnh đứng đầu cả nước; giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Về phát triển kinh tế, giai đoạn 2016 - 2020 tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 21,1%/năm; đến năm 2020, GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 97,7 triệu đồng; tỷ trọng nông nghiệp chiếm dưới 10%, công nghiệp chiếm 54,7% và dịch vụ chiếm 32,2%; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 2.000 triệu USD. Về phát triển xã hội, giai đoạn 2016-2020 tốc độ tăng dân số tự nhiên ổn định ở mức khoảng 1,1 - 1,2%/năm; đến năm 2020 quy mô dân số khoảng 1,57 - 1,6 triệu người; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm từ 3 - 4%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%; bình quân mỗi năm tạo việc làm cho trên 3,2 vạn lượt lao động... Về bảo vệ môi trường, đến năm 2020 có 100% hộ gia đình đô thị và 100% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch và nhà vệ sinh; nâng độ che phủ rừng đạt 56%; thu gom và xử lý 100% rác thải công nghiệp, các khu công nghiệp và cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường.

        Về kết quả thực hiện thu, chi ngân sách 2014, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 11.578 tỷ đồng, bằng 162% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 235% dự toán Trung ương giao, trong đó: thuế XNK đạt 6.427 tỷ đồng, bằng 612% dự toán trung ương và địa phương giao và thu nội địa đạt 5.151 tỷ đồng, bằng 85% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 133% so với dự toán trung ương giao. Tổng chi NSĐP đạt 12.184 tỷ đồng, bằng 91% dự toán HĐND tỉnh giao, cụ thể: chi đầu tư phát triển đạt 4.983 tỷ đồng, bằng 158% dự toán; các nhiệm vụ chi thường xuyên đạt 7.195 tỷ đồng, bằng 104% dự toán; chi thực hiện các đề án, chính sách phát triển KTXH đạt 969 tỷ đồng, bằng 74% dự toán; hụt thu 1.302 tỷ đồng... Về công tác khóa sổ, quyết toán, chuyển nguồn năm 2014, sở Tài chính hiện đang phối hợp với KBNN rà soát, tổng hợp, tiếp tục xử lý các khoản tạm thu, tạm chi; các khoản ghi thu - ghi chi vốn nước ngoài… Năm 2015, tính đến ngày 28/02/2015, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 2.114 tỷ đồng, bằng 21.6% dự toán trung ương giao và bằng 14,5% dự toán HĐND tỉnh giao (gồm thu nội địa đạt 528 tỷ đồng, bằng 7,5% dự toán HĐND tỉnh giao; thuế XNK đạt 1.453 tỷ đồng, bằng 19,3% dự toán HĐND tỉnh giao). Tổng chi ngân sách địa phương đạt: 2.289 tỷ đồng, bằng 16,2% dự toán HĐND tỉnh giao (gồm chi đầu tư phát triển đạt 1.217 triệu đồng, bằng 42% dự toán; chi thường xuyên đạt 1.027 tỷ đồng, bằng 13,5% dự toán giao; chi thực hiện các nhiệm vụ, đề án, chính sách phát triển KT-XH của tỉnh đạt 45 tỷ đồng/KH 1.560 tỷ đồng)…

 

Đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y - Phó chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương cân nhắc, soát xét lại tình hình phân bổ vốn đầu tư để thực hiện hợp lý các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020

 

Tại buổi làm việc các đại biểu đã đánh giá cao tầm quan trọng của việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, do vậy quá trình xây dựng kế hoạch phải được tính toán kỹ lưỡng về các lĩnh vực đầu tư, về các danh mục đầu tư cụ thể; phải xác định rõ nhóm dự án nào thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của HĐND tỉnh; các ngành cần phải đánh giá kết qủa thực hiện 5 Đề án UBND tỉnh đã ban hành; đánh giá lại mục tiêu, nhiệm vụ các ngành, các huyện, thị, thành phố sau khi có Quy hoạch tổng thể của Monitor; làm rõ thêm về nguồn trả nợ vốn vay của Bộ Tài chính trên một số lĩnh vực; xem xét lại việc cân đối nguồn vốn trên lĩnh vực văn hóa - xã hội như xây dựng Bảo tàng tỉnh, bệnh viện Sản – Nhi … Phát biểu kết thúc buổi làm việc, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng, nổ lực của các Sở trong việc triển khai thực hiện Luật Đầu tư công, trong công tác quản lý, điều hành ngân sách trong thời gian qua. Đồng thời lưu ý: đối với sở Kế hoạch - Đầu tư, việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 phải căn cứ vào thực trạng kinh tế - xã hội của tỉnh, vào quy hoạch đã được phê duyệt và dựa trên một hệ thống các tiêu chí khoa học để xây dựng; quá trình xây dựng cũng phải được xem xét, đánh giá trong xu thế phát triển chung của khu vực và của cả nước. Về kế hoạch đầu tư công trung hạn phải phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế của tỉnh; bảo đảm tính công khai, minh bạch; bảo đảm thực hiện các mục tiêu, định hướng theo quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt; kế hoạch phải làm rõ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; làm rõ nguồn vốn, nhu cầu đầu tư, khả năng của các cấp ngân sách; trong quá trình thực hiện cần phối hợp chặt chẽ với các ngành để có số liệu đầu tư cụ thể, các danh mục đầu tư thiết thực, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của tỉnh. Đối với sở Tài chính cần làm rõ số liệu ngân sách chuyển nguồn; xác định rõ nguồn vốn cho đầu tư phát triển dự kiến cho giai đoạn 2016 – 2020; có giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ các loại phí, lệ phí tránh thất thu cho ngân sách. Đối với Cục Thống kê  tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các ngành để phân tích, đánh giá các số liệu, các chỉ tiêu kinh tế bảo đảm chính xác, khách quan, khoa học.

 


    Ý kiến bạn đọc