Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh: tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng thẩm tra, giám sát
EmailPrintAa
11:10 24/01/2014

Trong những năm gần đây, chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh đã từng bước được đổi mới và nâng cao. Một trong các yếu tố quan trọng góp phần vào thành công chính là hiệu quả, chất lượng hoạt động giám sát, thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh; trong đó có sự đóng góp của Ban Kinh tế - Ngân sách

Năm 2013, Ban KTNS HĐND tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng bám sát chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, thực hiện nghiêm quy chế làm việc, chương trình công tác đã phân công, điều hòa, phối hợp của Thường trực HĐND tỉnh, chủ động và tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị và các điạ phương, cơ sở phát huy vai trò của các chuyên gia trong việc tham gia giám sát, thẩm tra và tham mưu các cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong năm Ban đã tổ chức thực hiện giám sát 03 chuyên đề; ban hành 18 báo cáo thẩm tra các Báo cáo, Tờ trình và dự thảo Nghị quyết trình 03 kỳ họp (tăng 02 chuyên đề so với kế hoạch); Thẩm tra giúp Thường trực HĐND cho ý kiến giữa hai kỳ họp theo thẩm quyền 27 văn bản; tổ chức giám sát, khảo sát thường xuyên ban hành 10 văn bản thông báo kết luận; tổ chức các cuộc làm việc, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết HĐND tại các sở, ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp. Thông qua hoạt động thẩm tra, giám sát Ban đã xác định được một số nội dung và các kiến nghị cùng với UBND, các cơ quan, đơn vị liên quan thống nhất điều chỉnh bổ sung, tổ chức thực hiện góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán thu chi NSNN, quản lý vốn đầu tư XDCB, khoa học công nghệ, tài nguyên và môi trường.

Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh làm việc với sở Tài nguyên và Môi trường

 

Kết quả hoạt động của Ban trong năm 2013 đã đạt được khá toàn diện trên các mặt công tác. Trong năm, Ban đã triển khai các cuộc giám sát chuyên đề với khối lượng và nội dung khá sâu rộng trên lĩnh vực Công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới, Đề án Quản lý chất thải rắn, Đề án Phát triển quỹ đất. Ngay từ bước xây dựng kế hoạch, đề cương, Ban đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan nên các nội dung đưa ra đều có tính trọng tâm, trọng điểm và có các bước tiến hành cụ thể. Qua giám sát cho thấy: Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của tỉnh ta đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhiều mô hình phát triển kinh tế được hình thành, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư, bộ mặt nông thôn được cải thiện. Nhưng vẫn còn một số hạn chế như: Kết cấu hạ tầng ở nông thôn nhìn chung chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nông thôn; công tác tuyên truyền chưa thực sự có chiều sâu; một số đồ án quy hoạch chất lượng còn thấp, tính khả thi chưa cao; ngân sách các cấp còn hạn hẹp, kinh phí đối ứng của địa phương và nhân dân cũng gặp khó khăn; công tác tổ chức quản lý đầu tư xây dựng công trình, huy động và bố trí nguồn lực vẫn còn những bất cập, hạn chế...

Trên lĩnh vực bảo vệ môi trường, việc HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 132/2010/NQ-HĐND ngày 13/10/2010 về Đề án Quản lý chất thải rắn đã có tác động tích cực, tạo bước chuyển biến lớn về nhận thức, trách nhiệm, bước đầu đã thực hiện được công tác quy hoạch, kế hoạch, đầu tư một số cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật; xây dựng, củng cố hệ thống tổ chức quản lý, cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư và xã hội hóa công tác quản lý chất thải rắn; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải ngày càng được nâng lên, từng bước nâng cao tỷ lệ rác thải được xử lý triệt để không độc hại đến môi trường. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều tồn tại bất cập như: Tiến độ thực hiện các nội dung mục tiêu, chỉ tiêu của đề án còn chậm; công tác tổ chức thu gom rác thải thiếu đồng bộ với việc quy hoạch, tiến độ xây dựng các điểm thu gom, tập kết, trung chuyển, các khu xử lý còn hạn chế; phương tiện trang thiết bị thu gom, vận       chuyển  chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải còn thấp; rác thải thu gom không được xử lý hoặc xử lý chậm diễn ra trên diện rộng; phân công, phân cấp, phối hợp giữa các ngành các cấp còn chồng chéo, thiếu thống nhất; phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn theo quy định chưa được triển khai; mức thu phí vệ sinh chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác tổ chức thu quản lý sử dụng chưa được hướng dẫn cụ thể, thống nhất; thu nhập của người lao động còn hạn chế...

Việc thực hiện Nghị quyết số 22/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của HĐND tỉnh về đề án Phát triển quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội còn một số bất cập như: Nghị quyết ban hành nhưng chưa làm rõ được các nội dung, cơ chế chính sách và các giải pháp để tổ chức thực hiện; Cơ chế tài chính để thực hiện đề án còn thiếu đồng bộ giữa những quy định, quyết định mang tính quy phạm pháp luật với những quy định, quyết định mang tính cá biệt; thiếu thống nhất trong việc xác định nguồn thu ngân sách, chi phí đầu tư, bồi thường, GPMB, công tác hạch toán, quyết toán, tỷ lệ phân chia giữa các cấp ngân sách từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất,…; một số huyện, xã không phản ánh đầy đủ tổng nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất vào NSNN làm ảnh hưởng dự toán thu NSNN hàng năm.

Song song với nhiệm vụ giám sát chuyên đề, Ban KTNS tổ chức làm việc với các Sở, ngành, đơn vị về thực hiện các quy định, nhiệm vụ trong quản lý điều hành ngân sách, triển khai dự toán năm 2013, tình hình xử lý hụt thu ngân sách năm 2012 và thu chi chuyển nguồn giữa các niên độ ngân sách; công tác quản lý thuế và tình hình triển khai thu ngân sách năm 2013; về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013, kết quả thực hiện các đề án, chính sách cho nông nghiệp nông thôn, kết quả đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới; về quy định cơ chế hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn; tình hình, kết quả triển khai thực hiện các chương trình dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA và NGO trên địa bàn tỉnh. Ban làm việc với UBND thị xã Hồng Lĩnh, huyện Vũ Quang về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán thu, chi ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, khoa học và công nghệ, tài nguyên và môi trường. Ban tổ chức làm việc với Tổng công ty KS&TM Hà Tĩnh, Công ty Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn về kết quả sản xuất kinh doanh và thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp. Khảo sát kết quả nghiên cứu triển khai khoa học và công nghệ trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2010-2013.

Kết quả hoạt động nổi bật nhất là hoạt động thẩm tra các Báo cáo, Đề án, Tờ trình và dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp theo tinh thần Nghị quyết số 38/NQ-HĐND ngày 24/8/2012 của HĐND tỉnh khóa XVI về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động kỳ họp HĐND tỉnh. Để phục vụ các kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã chủ động phối hợp với UBND tỉnh thống nhất nội dung chuẩn bị cho kỳ họp; giao các cơ quan chuyên môn tham mưu UBND tỉnh chuẩn bị các Báo cáo, Đề án, Tờ trình và dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp.

Đối với các Báo cáo, Tờ trình của UBND tỉnh mang tính chất định kỳ, thường xuyên như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự toán và phân bổ dự toán; báo cáo Quyết toán NSĐP; bảng giá các loại đất… đã được Ban chủ động thu thập thông tin, tổ chức giám sát, khảo sát, làm việc với các ngành, địa phương để có cơ sở thẩm tra ngay từ khi Nghị quyết của HĐND tỉnh có hiệu lực và UBND tỉnh Quyết định    triển khai thực hiện.

Đối với các Tờ trình, Đề án chuyên đề về một số lĩnh vực do UBND tỉnh trình kỳ họp. Theo chương trình xây dựng Nghị quyết năm của HĐND tỉnh, Ban chủ động xây dựng kế hoạch và đề cương, định hướng Báo cáo thẩm tra; thu thập thông tin, nghiên cứu tài liệu; tiến hành giám sát, khảo sát, làm việc trong quá trình các cơ quan chuyên môn chuẩn bị nội dung. Sau khi các ngành hoàn thiện nội dung dự thảo, UBND tỉnh đã họp và có tài liệu chính thức, Ban củng cố lại đề cương, rút ra các nhiệm vụ trọng tâm cần thẩm tra, làm rõ và tiến hành thẩm tra và xây dựng dự thảo báo cáo thẩm tra. Tiếp đó, Ban mời Đại diện Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, các cơ quan liên quan họp thẩm tra các Báo cáo, Đề án, Tờ trình nhằm giải trình rõ các vấn đề quan tâm, từ đó đi đến thống nhất trở thành Báo cáo thẩm tra chính thức của Ban để trình kỳ họp. Nội dung thẩm tra của Ban tập trung vào các vấn đề về nội dung Tờ trình và dự thảo Nghị quyết như: Sự phù hợp giữa nội dung Tờ trình với dự thảo Nghị quyết; quy trình, thủ tục xây dựng dự thảo văn bản; tính cấp thiết và thẩm quyền ban hành; tính khoa hoạc và tính thống nhất với hệ thống pháp luật; sự phù hợp với đường lối chủ trương của Đảng và tình hình điều kiện thực tế của tỉnh; Thời điểm có hiệu lực và tính khả thi của Nghị quyết;... Mặc dù nội dung cần thẩm tra tại mỗi kỳ họp có khối lượng lớn và ngày càng tăng nhất là tại kỳ họp cuối năm, trong đó có nhiều nội dung không nằm trong chương trình ban hành nghị quyết chuyên đề, thời gian để thẩm tra không nhiều nhưng Ban vẫn thực hiện đảm bảo quy trình thủ tục và chất lượng, được Thường trực, đại biểu HĐND đánh giá cao. Đối với những nội dung trong quá trình thẩm tra còn nhiều ý kiến đa chiều thì Ban ghi nhận, làm rõ và báo cáo tại kỳ họp để đại biểu có căn cứ thảo luận và quyết định. Bên cạnh đó trong quá trình chuẩn bị, một số ít đơn vị vẫn phối hợp chưa tốt, chuẩn bị chưa kỹ, chưa cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan, chưa tiếp thu ý kiến phản biện của Ban nên chất lượng một số Tờ trình và Nghị quyết chưa cao nhất là đối với một số nội dung đề án không có trong chương trình ban hành nghị quyết chuyên đề từ đầu năm.

Cùng với việc thực hiện chức năng giám sát, thẩm tra theo chương trình công tác và phục vụ các kỳ họp của HĐND tỉnh, giữa hai kỳ họp theo sự phân công của Thường trực HĐND, Ban KTNS đã thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, thẩm tra, đề xuất giúp Thường trực HĐND tỉnh giải quyết những vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh theo đề nghị của UBND tỉnh. Đây là hoạt động hết sức quan trọng, vừa phải đảm bảo tính tuân thủ pháp luật, vừa đảm bảo tính thực tiễn cũng như yêu cầu kịp thời xử lý trong quá trình điều hành của UBND tỉnh. Trong năm, Ban đã thẩm tra, đề xuất giúp Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến giữa hai kỳ họp theo thẩm quyền 27 văn bản đảm bảo kịp thời, chính xác và hiệu quả để UBND tỉnh triển khai thực hiện.

Kết quả hoạt động thẩm tra, giám sát khá toàn diện của Ban Kinh tế - Ngân sách là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, UBND và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội của bộ máy chính quyền địa phương. Có được như vậy trước hết là Ban đã thường xuyên nêu cao quan điểm xây dựng, cùng phát triển vì nhiệm vụ chung, mặt khác trong quá trình hoạt động Ban đã nhận được sự chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự ủng hộ của các vị đại biểu HĐND tỉnh; sự cố gắng nỗ lực, tinh thần trách nhiệm, đoàn kết của tập thể các thành viên trong Ban; sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan; sự đóng góp tích cực của Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh và bộ phận tham mưu, giúp việc trực tiếp của Ban.


    Ý kiến bạn đọc