Đoàn giám sát làm việc về chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn Nghi Xuân
EmailPrintAa
06:44 05/11/2017

Ngày 03/11, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã đi khảo sát thực tế và làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Nghi Xuân về kết quả công tác chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn huyện. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo Sở Công thương, lãnh đạo Văn phòng HĐND tỉnh, Thường trực HĐND huyện, đồng chí Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc.

Trước khi làm việc, đoàn đã đi khảo sát thực tế tại một số chợ trên địa bàn như: Chợ thị trấn Xuân An, chợ Giang Đình, chợ Hôm xã Xuân Hội, chợ Đón xã Xuân Hải, chợ Bơ xã Xuân Đan, chợ Cầu xã Xuân Yên.

Kiểm tra thực tế tại khu việc chợ Giang Đình (thị trấn Nghi Xuân)

Theo báo cáo, hiên nay trên địa bàn huyện Nghi Xuân có 10 chợ phải chuyển đổi. Trước khi chuyển đổi các chợ hầu hết đều xuống cấp, đặc biệt là công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, hệ thống phòng chống cháy nổ, vệ sinh công cộng, các nhiệm vụ khác như bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp cơ sở hạ tầng còn bỏ ngỏ, chưa thực hiện. Đến nay đã có 10/10 chợ hoàn thành công tác đánh giá tài sản và tài chính, 9/10 chợ đã hoàn thành công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ như chợ Xuân Thành, chợ Hôm xã Xuân Hội, chợ Chiều xã Xuân Trường, chợ Đón xã Xuân Hải, chợ Cổ Đạm, chợ Bơ xã Xuân Đan, chợ Cầu xã Xuân Yên, chợ Cương Gián. Chợ đang triển khai thực hiện là chợ thị trấn Xuân An. Tính đến nay đã có 7 chợ sau khi chuyển đổi đã hoàn thành việc đầu tư nâng cấp xây dựng các hạng mục công trình và đã thực sự phát huy hiệu quả, đảm bảo tiêu chí về NTM, sắp xếp đúng quy hoạch các vị trí kinh doanh, ngành hàng, công tác vệ sinh môi trường, an toàn chống cháy nổ được đảm bảo và nhận được sự đồng tình của nhiều bà con tiểu thương và người tiêu dùng

Đồng chí Trần Văn Kỳ, Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp phát biêu

Phát biểu tại cuộc làm việc, các đại biểu đều cho rằng, nhìn chung các chợ cơ bản đã được xây dựng và hoạt động phù hợp với quy hoạch phát triển chợ của UBND tỉnh và quy hoạch xây dựng nông thôn mới; sau chuyển đổi các chợ được bàn giao cho doanh nghiệp và hợp tác xã quản lý, mọi hoạt động quản lý chợ thực hiện theo các luật liên quan. Tuy nhiên, do tình hình kinh doanh hàng hóa, dịch vụ các chợ chưa sôi động, số hộ kinh doanh ít, phần lớn các chợ họp theo phiên nên nguồn thu từ chợ thấp, nên việc triển khai tổ chức quản lý chợ chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Các đại biểu cũng đã đề nghị huyện giải trình làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến: Tình trạng hoạt động và quản lý các chợ tạm; công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo chợ sau chuyển đổi; việc phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc chuyển đổi mô hình, kinh doanh, hoạt động của chợ…

 Bà Nguyễn Thị Thúy Nga - Phó TB KT-NS HĐND tỉnh kết luận buổi làm việc

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Bà Nguyễn Thị Thúy Nga - Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng và đồng thời chia sẻ những khó khăn của huyện trong việc chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn. Đồng thời đề nghị huyện tiếp tục quan tâm công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho các hộ kinh doanh; tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị quản lý chợ và kiểm soát các hoạt động kinh doanh thương mại, xử lý nghiêm các vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo điều kiện để nhà đầu tư sớm xây dựng chợ Giang Đình theo quyết định đầu tư của UBND tỉnh; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các HTX theo quy định… 


    Ý kiến bạn đọc