Thông qua dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề
EmailPrintAa
10:15 04/12/2014

Ngày 02/12/2014, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã tổ chức buổi làm việc để thông qua báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về "Quản lý, sử dụng nguồn vốn một số dự án ODA, NGO" và "Tình hình thu nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh " trên địa bàn tỉnh. Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y - TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo: Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND, các Ban của HĐND tỉnh; thành viên Đoàn giám sát; đại diện lãnh đạo các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh. Đồng chí Nguyễn Trí Lạc - Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

Theo báo cáo kết quả của Đoàn giám sát, hiện trên địa bàn đang thực hiện 22 khoản phí, 15 khoản lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh; giai đoạn 2011-2014, tổng thu các khoản phí, lệ phí nộp vào NSNN do HĐND tỉnh quyết định là 372.416 triệu đồng; trong đó, cơ quan cấp tỉnh thu 240.398 triệu đồng, chiếm 64,5%, các huyện, thành phố, thị xã thu 132.018 triệu đồng, chiếm 35,5%; tổng thu để lại đơn vị quản lý, sử dụng là 66.333 triệu đồng. Về số thu NSNN từ phí, lệ phí trong năm 2011-2013 chiếm khoảng 3,2% trong tổng thu ngân sách nội địa hàng năm, nếu so sánh với tỷ trọng thu NSNN từ phí, lệ phí của cả nước là 4,5% trên tổng thu NSNN thì tỷ trong bình quân của tỉnh thấp hơn; một số khoản phí, lệ phí đạt mức thu khá như phí chợ đạt 42.677 triệu đồng, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt đạt 13.928 triệu đồng, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản còn lại đạt 259.807 triệu đồng...

 Báo cáo giám sát cũng đã chỉ rõ được những tồn tại, hạn chế: Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều bất cập, mức thu, danh mục phí chưa được soát xét để bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; các cơ quan chức năng chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước;cơ chế quản lý sử dụng một số khoản phí chưa rõ, các văn bản còn chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu hưỡng dẫn triển khai; việc tổ chức thực hiện, thu nộp và quản lý sử dụng một số khoản phí, lệ phí còn bất cập; một số khoản phí đã ban hành nhưng chưa triển khai thực hiện hoặc quá trình thực hiện còn gặp khó khăn như phí sử dụng lòng đường tại thành phố Hà Tĩnh, Khu kinh tế Vũng Áng, Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế cầu treo, phí đo đạc lập bản đồ địa chính; phí khai thác và quản lý sử dụng tài liệu đất đai, phí bảo về môi trường đối với nước thải sinh hoạt, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn, phí bảo vệ môi trường khai thác khoáng sản, phí vệ sinh, phí chợ, phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, phí sử dụng đường bộ, phí sử dụng cảng cá; việc quản lý, sử dụng một số loại phí, lệ phí chưa nghiêm; công tác tuyên truyền, phổ biến, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai chưa kịp thời, chưa sâu sát; một số đơn vị thu phí chưa chấp hành tốt nghĩa vụ với NSNN; quy mô, phạm vị, đối tượng, tổng thu các khoản thu chưa được quản lý chặt chẽ... Qua giám sát Đoàn đã nêu lên các kiến nghị cụ thể với Trung ương, với UBND tỉnh, với các sở, ngành, các Ban quản lý và UBND các huyện, thành phố, thị xã.


Đồng chí Nguyễn Trí Lạc - Trưởng ban Kinh tế & Ngân sách HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc

Đối với kết quả giám sát về quản lý, sử dụng nguồn vốn một số dự án ODA, NGO trên địa bàn tỉnh. Theo dự thảo báo cáo: nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA), hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 30 chương trình, dự án với tổng vốn đầu tư 6.511.748 triệu đồng, trong đó ODA vốn vay 4.422.804 triệu đồng, ODA viện trợ không hoàn lại 597.000 triệu đồng. Lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu từ nguồn vốn ODA với các chương trình và dự án là nông, lâm, ngư nghiệp, thủy lợi và phát triển nông thôn kết hợp xóa đói giảm nghèo với tổng giá trị khoảng 2.078 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 1.697 tỷ đồng và các lĩnh vực khác... đã góp phần hỗ trợ phát triển nông nghiệp và cải thiện đời sống nhân dân ở các vùng khó khăn... Đối với nguồn vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO), hiện nay có 38 chương trình, dự án đang triển khai với tổng vốn đạt trên 150.075 triệu đồng, trong đó vốn NGO viện trợ 128.325 triệu đồng; riêng cứu trợ nhân đạo có 11 chương trình, dự án với 10.481 triệu đồng bằng 100% vốn NGO, 27 chương trình, dự án phát triển bền vững với tổng vốn 139.595 triệu đồng, trong đó, vốn NGO là 117.844 triệu đồng...

Tại buổi làm việc, các đại biểu cơ bản thống nhất nội dung báo cáo kết quả giám sát; đồng thời góp ý, bổ sung một số nội dung về bố cục trình bày, nội dung đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế và những kiến nghị, đề xuất.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y - Phó chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả hoạt động giám sát và chuẩn bị nội dung báo cáo làm việc của Đoàn, đồng thời lưu ý một số vấn đề như: bố cục báo cáo cần được chỉnh sủa lại cho phù hợp, ngắn gọn, rõ ràng hơn, các nhận định đưa ra phải chính xác và đặc biệt lưu ý về câu chữ trong báo cáo; về nội dung cần chỉ ra những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, thu nộp, sử dụng phí, lệ phí; chất lượng các công trình dự án được triển khai; hiệu quả đưa lại về mặt kinh tế xã hội; trách nhiệm quản lý nhà nước của các ngành, các địa phương ...

Thay mặt Đoàn giám sát, đồng chí Trưởng Đoàn giám sát xin tiếp thu những ý kiến đóng góp của đại biểu tham dự, Đoàn giám sát sẽ hoàn chỉnh báo cáo và trình Hội đồng nhân dân tỉnh vào kỳ họp tới.


    Ý kiến bạn đọc