“Bỏ HĐND huyện, quận, phường” - Cần chứng lý thuyết phục
EmailPrintAa
14:27 08/08/2012

Từ khi bắt đầu thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, thậm chí trước đó, đã có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh ý tưởng này. Điều làm nhiều người thấy không thuyết phục là cái cách người ta muốn đạt được mục tiêu bỏ HĐND các cấp nói trên. Để “lái” người nghe theo hướng ủng hộ bỏ, người ta đưa ra những lý lẽ, con số rất “buồn cười”, không thể đứng vững được trong mọi trường hợp. Ngay cả mới đây, một nghiên cứu mặc dù được gọi là “độc lập”, với những tên tuổi có vẻ như có uy tín đã được công bố, nhưng một số kết luận trong đó (qua bản tiếng Việt) vẫn khiến cho người đọc nghi ngờ sự xác thực của chúng

Cả làng đều thế, đâu phải mỗi mình em

Thứ nhất, từ trước tới nay, lý do lớn nhất người ta đưa ra để biện hộ cho việc bỏ HĐND cấp huyện, quận, phường vì các cơ quan này hoạt động hình thức, không thực hiện được vai trò giám sát, bỏ đi cho bớt rườm rà, hay như nghiên cứu độc lập nói trên diễn đạt là “bớt một khâu gật đầu”. Lý lẽ này lập tức gặp phải sự phản đối, vì nói chung, HĐND ở tất cả các cấp đều hoạt động hình thức; hay là ngay cả một vị Thủ tướng cũng từng công nhận rằng, ông không có quyền nhiều trong việc bổ nhiệm và cách chức, đó có lẽ cũng là sự hình thức. Cả làng đều thế, sao các bác lại chỉ chê có mỗi mình em?

Hơn nữa, không thực hiện được quyền, sao không tìm cách làm cho HĐND các cấp này mạnh lên để không hình thức nữa, mà lại nhất quyết bỏ đi. Lâu nay trong bộ máy nhà nước ai cũng biết, chỗ nào khó bố trí cán bộ thì đưa sang HĐND, và điều này cũng được nhắc đến tại hội nghị tổng kết thí điểm bỏ HĐND huyện, quận, phường. “Kể cả về con người và điều kiện vật chất của cơ quan dân cử đều ở thế thấp”. Thế nhưng, trớ trêu thay, như những người trong cuộc biết rõ, không ít vị cho rằng, “HĐND mạnh vừa thôi, nếu mạnh quá thì UBND khó làm việc”. Nghĩa là các vị đó không muốn HĐND mạnh lên, còn HĐND thì UBND còn né, còn sợ, không còn HĐND sẽ dễ dẫn tới sai phạm, độc đoán, khi đã phân cấp rất nhiều cho cấp huyện.

Điều hành nhanh hơn, nhưng chắc gì sẽ tốt hơn

Thứ hai, người ta nói, cần bỏ bớt HĐND cấp huyện, quận,  phường để điều hành được nhanh hơn. Rồi người ta bảo, từ ngày thí điểm bỏ HĐND, các nghị quyết của HĐND cấp tỉnh xuống đến UBND cấp huyện, phường nhanh hơn, vì không qua HĐND cùng cấp nữa. Nhưng ngay cả trong trường hợp này, nhanh hơn cũng không đồng nghĩa với tốt hơn. Bởi lẽ xuống với UBND huyện nhanh hơn, nhưng không có nghĩa là xuống với dân nhanh hơn, chứ chưa nói đến tốt hơn, vì nó hoàn toàn có thể nằm kẹt ở ngăn kéo của ai đó mà lại không có một cơ quan quyền lực cùng cấp nhắc nhở, thúc giục.

Bên cạnh đó, ở mỗi huyện, quận, phường, dù với lượng dân cư, diện tích, đặc điểm kinh tế - xã hội như thế nào chăng nữa thì vẫn có nhiều quan hệ, nhiều nhu cầu và nhiều vấn đề phát sinh cần được thể chế hóa ngay tại chỗ bởi một cơ quan có thẩm quyền - đó là HĐND. Nếu bỏ HĐND huyện, quận, phường, tất cả đều phải chờ cấp tỉnh, thành phố quyết định thì sự chậm trễ là khó tránh khỏi. Trong trường hợp này, sự điều hành nhanh nhạy chắc gì đã bù lại được việt quyết định chậm trễ.

Hơn nữa, “nhanh” hơn không có nghĩa là “nhạy” hơn – tức là phản ứng kịp thời và hiệu quả trước những nhu cầu, nguyện vọng của người dân và những vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Thực tiễn nhiều năm qua có quá nhiều câu chuyện mà ở đó bộ máy công quyền còn chậm chạp, thậm chí ù lỳ, vô cảm trước những vấn đề như thế. Đặc biệt, trong điều kiện phân cấp mạnh như hiện nay, câu chuyện ở Tiên Lãng đầu năm 2012 càng cho thấy, chính quyền huyện có thể thao túng đến mức nào với những quyền hành lớn như vậy. Chỉ có làm cho HĐND mạnh lên, có một thiết chế giám sát, thúc đẩy, mới bảo đảm được phẩm chất nhanh nhạy của bộ máy công quyền và giảm lạm quyền.

Bước lùi về quyền dân chủ và giám sát của người dân

Thứ ba, “việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường không những không ảnh hưởng đến quyền dân chủ của người dân mà còn tạo thuận lợi hơn cho nhân dân khi trực tiếp tham gia quản lý hành chính nhà nước”- ông cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ từng khẳng định như vậy.

Vậy thì chúng ta hãy nghe người dân nói gì. Ông Nguyễn Xuân, một người dân đã lớn tuổi ở Ninh Bình bảo: “Chuyện này tôi không hiểu. Tôi đã già. Nhưng nếu tôi muốn gặp ông Chủ tịch huyện, quận, phường là không dễ. Có thể tôi sẽ phải mua thêm vài cái gậy để lỡ mòn cái này còn có cái khác mà chống tiếp đi gặp. Khác với việc tôi đi dự tiếp xúc cử tri. Khác xa lắm”. Thậm chí, như ông Lê Quang Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH nhận xét, “khi không tổ chức HĐND cấp huyện, thiết chế dân chủ có chỗ nào đó hình như lùi, chứ không phải tăng cường”.

HĐND tỉnh không thể gánh được khối công việc của HĐND huyện, quận, phường bỏ lại, ít nhất là vì lâu nay HĐND tỉnh đã ngập trong công việc của chính mình rồi. Lâu nay giám sát, tiếp xúc cử tri mỗi ngày HĐND cấp huỵện chỉ đi khoảng 20 - 30km, nay HĐND tỉnh xuống cơ sở phải đi 100 - 200km trong ngày. Chưa kể ở những tỉnh miền núi địa hình khó khăn, có những đại biểu HĐND huyện phải đi xe ôm hơn 10 cây số, sau đó đi bộ tiếp hơn 10 cây số nữa. Vậy HĐND tỉnh liệu còn thời gian bao nhiêu để tìm hiểu, lắng nghe tiếng nói của dân, gần dân hay ngày càng xa dân hơn?

Còn về lý lẽ rằng, bỏ HĐND thì có MTTQ và các Hội thành viên giám sát chính quyền, ông Nguyễn Văn Pha, Phó chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam lên tiếng: Giám sát của Mặt trận khác với giám sát của HĐND. HĐND được quyền đình chỉ, được quyền bãi bỏ, còn giám sát của Mặt trận chỉ có quyền kiến nghị. Ông Pha cho biết, “thực tế, trong triển khai nhiệm vụ giám sát khi không còn HĐND, chúng tôi cũng lúng túng”. Hơn nữa, như trong vụ Tiên Lãng, tất cả các đoàn thể ở huyện đều không thể hiện được vai trò giám sát của mình.

Nói về quyền dân chủ và giám sát của người dân thông qua HĐND, một trong những nguyên tắc tổ chức chính quyền trên thế giới là ở đâu có cơ quan điều hành thì ở đó phải có cơ quan đại diện cho dân giám sát. Bỏ HĐND mà vẫn giữ UBND là trái với nguyên tắc này, bỏ đi một thiết chế để giám sát quyền lực, tạo điều kiện cho sự lạm quyền xảy ra. Điều này càng không nên làm khi hiện nay Việt Nam đang sửa đổi Hiến pháp với một trong những định hướng lớn là kiểm soát quyền lực, chế ước, cân bằng quyền lực lẫn nhau trong các cơ quan nhà nước với nhau.

Tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách? Xin thưa, không phải đâu

Thứ tư, Báo cáo của Chính phủ còn dẫn ra các số liệu chứng minh việc không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường đã tinh gọn bộ máy, giảm nguồn ngân sách chi cho tổ chức và hoạt động của HĐND huyện, quận, phường nhưng vẫn bảo đảm hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn. Người ta ước tính, ngân sách tiết kiệm được 85 tỷ đồng/năm do không tổ chức HĐND huyện, quận, phường.

Trước con số “tiết kiệm” này, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH từng bác bỏ: “Xin thưa, không phải đâu. Dự toán ngân sách đối với quản lý hành chính vẫn tăng. Anh giảm của HĐND cấp huyện thì sẽ tăng tiền của huyện ủy và UBND lên, làm sao tiết kiệm được vì tổng số không thay đổi”. Là người đứng đầu một Ủy ban quá quen thuộc với việc thẩm tra dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm, trong đó có ngân sách địa phương, lại đã từng là Bí thư huyện ủy kiêm Chủ tịch HĐND huyện, có lẽ có thể tin lời của ông Hiển.

Xin bổ sung: nếu không còn HĐND huyện, quận, phường giám sát, dù còn hình thức, thì rủi ro tham nhũng, lãng phí vẫn cao hơn nhiều. Chỉ cần ở một huyện, một công trình hoặc một dự án để xảy ra thất thoát, lãng phí thôi thì trên cả nước, thất thoát, lãng phí sẽ là bao nhiêu? Nhìn trong lợi ích chung của ngay trong huyện, chứ chưa nói trên cả nước, cách tính toán tiết kiệm được 85 tỷ này rõ ràng không thuyết phục. Mục tiêu bỏ HĐND có phải là để tiết kiệm mấy tỷ đâu. Vậy những nơi không bỏ HĐND người ta giám sát tốt, làm lợi cho dân, cho nước hàng chục tỷ đồng lại chưa ai tính được.

Giảm biên chế ư? Còn nhớ, một số tỉnh/thành, rồi báo cáo của Chính phủ, khi tổng kết thí điểm đã “trưng” ra những con số giảm được từng này, từng kia biên chế, nghe mà buồn cười- vừa “buồn” vừa “cười”. Bởi lẽ, những người viết báo cáo, phê duyệt báo cáo, đọc báo cáo trước hội nghị đều biết rõ, trong số vài chục đại biểu HĐND huyện, quận, chỉ có vài người hoạt động chuyên trách, tức là thuộc biên chế của HĐND, còn lại đều kiêm nhiệm, thuộc biên chế của nơi công tác chính. Còn ở HĐND phường, chỉ có 01 vị Phó chủ tịch HĐND là đại biểu chuyên trách. Nghĩa là chỉ giảm biên chế ở mỗi huyện, quận vài người, ở phường giảm một người. Hơn nữa, những người này sẽ được bố trí công việc khác trong biên chế nhà nước, cho nên thực ra biên chế chung của huyện, phường không hề giảm đi chút nào. Đấy là chưa nói, có nhiều nơi, bộ máy các cơ quan hành chính, các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng phình ra.

Những gì ẩn giấu bên trong chiếc áo dài?

Để tăng phần thuyết phục, người ta dẫn ra những con số như: kết quả điều tra tại TP.HCM cho thấy 70,37% ý kiến đồng ý không nên tổ chức HĐND cấp này; còn tại Nam Định, 51,6% ý kiến đánh giá tốt hơn, 37,9% đánh giá vẫn giữ nguyên như cũ, chỉ có 1,9% ý kiến đánh giá kém hơn khi thí điểm bỏ HĐND huyện, quận, phường; hay như mới đây, ở Đà Nẵng, “78% ý kiến cho rằng việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã tạo thuận lợi rõ nét cho việc chỉ đạo, điều hành của UBND cùng cấp”. Nhìn vào những con số này, lại nhớ đến loạt bài của GS Nguyễn Văn Tuấn đăng trên một vài tờ báo phân tích cách người ta “làm xiếc” với những con số. GS Tuấn ví von, các con số như chiếc áo dài, những gì nó tiết lộ thì thú vị đấy, nhưng những gì nó giấu giếm mới là quan trọng. Chúng ta không biết, các cuộc khảo sát này đã hỏi những ai, tỷ lệ các nhóm người được hỏi như thế nào, các câu hỏi có khách quan không, rõ ràng không, hay là “mớm lời”, mập mờ, rồi thế nào là tốt hơn, kém hơn v.v... Nghĩa là những con số đó gây nghi ngờ, không đáng tin cậy.

Về nghiên cứu độc lập nêu trên, theo bản tiếng Việt được trích dẫn trên báo chí, các tác giả cho rằng, ở các tỉnh/thành phố đang thí điểm bỏ HĐND huyện, quận, phường, khả năng người dân phải đưa hối lộ ở bệnh viện công giảm 12%, hối lộ để có sổ đỏ giảm 13%, để có việc làm trong cơ quan nhà nước giảm 24%. Để đi đến kết luận này, các tác giả sử dụng phương pháp so sánh hai nhóm qua thời gian trên những chỉ số đầu ra quan trọng, cũng như tham khảo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), tập trung vào trải nghiệm của chính người dân trong quan hệ với các cơ quan công quyền, rồi bắc cầu qua HĐND. Ô hay nhỉ! Bỏ một thiết chế giám sát quyền lực đi thì khả năng giảm tham nhũng là sao?

Chắc rằng những người làm ở HĐND rất buồn lòng khi nghe như vậy, vì lâu nay điều kiện hoạt động đã quá khó khăn, bị lép vế so với UBND, bây giờ người ta lại còn bảo, nhờ các ông/bà thôi làm hội đồng nên tham nhũng giảm đấy. Không những thế, logic này khiến người đọc phải nghi ngờ. Bởi lẽ các chỉ số nêu trên được cải thiện là nhờ những yếu tố khác, chứ có phải nhờ bỏ HĐND đâu. Khổ quá, các ông, bà hội đồng có quyền hành gì đâu mà bảo là bỏ HĐND đi thì có khả năng giảm tham nhũng.

Quyết sách cần dựa trên chứng lý

Hiện nay, liên quan đến quá trình ra quyết sách của chính quyền, có khái niệm  quá trình ban hành chính sách dựa trên chứng lý (evidence - based policy making). Đó là một quá trình mà những người có quyền quyết định về chính sách được cung cấp những chứng lý tốt nhất hiện có; chứng lý được coi là tâm điểm của quá trình ban hành chính sách. Trong quá trình này, các chứng lý được chuyển thành các phương án chính sách để các nhà quyết định chính sách lựa chọn.

Ngược với cách làm nói trên là ban hành chính sách dựa trên quan điểm, có nghĩa là dựa nhiều vào những quan điểm chủ quan chưa được kiểm chứng của những cá nhân, nhóm người thường chịu ảnh hưởng của giáo điều, thành kiến hoặc vì mục đích riêng; hoặc nếu có chứng lý thì cũng phiến diện, được chọn lọc nhằm mục đích sai lệch. Trong trường hợp thí điểm bỏ HĐND huyện, quận, phường, để thuyết phục, người ta cũng đã đưa ra những chứng cứ, lý lẽ, con số. Thế nhưng, như đã đối chiếu, phân tích ở trên, hầu hết chúng có tính chất ngụy biện, gượng ép, được chọn lọc hoặc diễn giải không chính xác nhằm mục đích khác núp dưới những lời lẽ đẹp đẽ như “đột phá cải cách hành chính”, “tăng cường quyền làm chủ”, “phát triển kinh tế - xã hội” v.v... Kiểu ra quyết sách một cách ngụy biện như thế cần phải nhanh chóng dứt bỏ. Mọi quyết sách đều phải dựa trên những chứng lý thực sự, xuất phát từ lợi ích chung tối thượng.


    Ý kiến bạn đọc