Các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm đặc biệt đến giải pháp phát triển du lịch
EmailPrintAa
13:52 16/12/2022

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh khóa XVIII, sáng 16/12/2022, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bùi Xuân Thập đã trả lời rõ các chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bùi Xuân Thập trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII.

Đối với vấn đề Xây dựng Đề án tăng cường và nâng cao chất lượng hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án bảo vệ, quản lý, phát huy tốt giá trị văn hóa truyền thống, giá trị các di sản văn hoá, đặc biệt là các di sản văn hóa được UNESCO vinh danh. Chính sách về quản lý, sử dụng nguồn lực trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn ở tỉnh Hà Tĩnh, Giám đốc Sở cho biết: Sở đã tích hợp 05 chính sách và bổ sung 01 chính sách hiện có trên lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và bổ sung những nội dung liên quan đến Chính sách “Quản lý, sử dụng nguồn lực trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trên địa bàn tỉnh” vào dự thảo Nghị quyết “Quy định một số chính sách phát triển văn hóa thể thao và du lịch Hà Tĩnh giai đoạn 2023-2025”. Hiện nay, dự thảo Nghị quyết đã trình Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII thông qua.

Về việc ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới; ông Bùi Xuân Thập cho biết, hiện nay đã xây dựng đề cương Đề án, dự kiến cuối tháng 12 năm 2022 sẽ hoàn thành dự thảo Đề án xin ý kiến góp ý các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan và các nhà nghiên cứu văn hoá trong tỉnh. Thời gian tới, Sở sẽ chủ trì, phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn hoàn thành dự thảo Đề án đảm bảo tiến độ và chất lượng; đặc biệt, sẽ xin ý kiến và tiếp thu góp ý các nhà nghiên cứu văn hoá trên địa bàn tỉnh để hoàn thiện Đề án gửi xin ý kiến Ban Cán sự UBND tỉnh trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong quý I, năm 2023.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng ; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ chủ tọa kỳ họp.

Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra; ông Bùi Xuân Thập đã đề xuất 7 nhóm giải pháp, gồm: tuyên truyền nâng cao nhận thức; trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành du lịch sẽ rà soát, đánh giá, bổ sung quy hoạch các khu, vùng du lịch trọng tâm, trọng điểm, triển khai thực hiện các nhiệm vụ về quy hoạch du lịch, định hướng, tạo điều kiện khuyến khích phát huy các sản phẩm du lịch có lợi thế cạnh tranh; tăng cường thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tạo động lực thúc đẩy xã hội hoá lĩnh vực du lịch, phát triển các cơ sở thương mại, dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, phục vụ du lịch; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, liên kết hợp tác phát triển du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; xác định rõ hai sản phẩm du lịch chủ lực, mũi nhọn để tập trung đầu tư, khai thác trong nhiệm kỳ này là du lịch biển tại các khu điểm Thiên Cầm, Cửa Sót, Xuân Thành; Khai thác du lịch văn hóa, tâm linh tại khu du lịch Chùa Hương Tích, khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du và du lịch sinh thái sức khoẻ nghỉ dưỡng tại Hương Sơn.

Đại biểu Đào Thị Anh Nga...

Nhận một phần trách nhiệm vì thiếu quyết liệt trong công tác tham mưu các giải pháp để có thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng Bảo tàng tỉnh sau 30 năm tái lập tỉnh; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bùi Xuân Thập cho biết thêm: Để xây dựng được bảo tàng và đảm bảo hoạt động hiệu quả là việc khó do đặc thù chuyên ngành, cần hội tụ đủ nhiều điều kiện: Kinh phí, hiện vật trưng bày, chuyên gia bảo tàng, tư vấn thiết kế kiến trúc xây dựng; tư vấn thiết kế nội thất trưng bày. Thời gian tới, Sở sẽ tích cực phối hợp với chủ đầu tư và các sở ngành liên quan để triển khai thi tuyển phương án kiến trúc và các bước tiếp theo, phần đấu khởi công bảo tàng vào cuối năm 2023, dự kiến với tổng mức đầu tư là 334 tỷ đồng.

Về việc phát huy 5 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Hà Tĩnh có hệ thống di sản văn hóa khá phong phú và đa dạng, trong đó, về văn hóa vật thể có 535 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 86 di tích cấp quốc gia và 2 di tích quốc gia đặc biệt; về văn hóa phi vật thể có Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Ca trù là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ, Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản tư liệu Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 93/2018/NQ-HĐND về Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Ca trù, Truyện Kiều, Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng Hoa sứ trình đồ, giai đoạn 2018 - 2025 và những năm tiếp theo... Từ sự quan tâm của tỉnh nên hiện nay có 176 Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm, 2 CLB Ca trù và 3 CLB Trò Kiều cấp xã; 3 Nghệ nhân nhân dân, 22 Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Các di sản của Làng Trường Lưu được nhiều nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước tìm đến nghiên cứu, khai thác, tìm hiểu.

...Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt...

Trong thời đại văn hóa, khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ hiện nay thì các hình thức diễn xướng văn hóa truyền thống như Dân ca Ví, Giặm, Ca trù, trò Kiều ngày càng bị lấn át. Các di sản văn hóa đã được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ghi danh tại làng Trường Lưu cũng chỉ hấp dẫn đối với một số ít cơ quan, nhà khoa học trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tìm hiểu. Mặc dù đã được quan tâm nhưng nguồn ngân sách của tỉnh dành cho công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa này cũng chưa thực sự đáp ứng nhu cầu.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng và ban hành chính sách về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản một cách có khoa học. Tiếp tục điều tra, nghiên cứu, sưu tầm, số hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá và văn hoá phi vật thể; các loại hình nghệ thuật, dân ca dân vũ của từng địa phương. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, cho lực lượng nghệ nhân nắm giữ tri thức về văn hóa dân gian. UBND huyện Can Lộc hoàn thành quy hoạch để kịp thời xây dựng Trung tâm văn hóa Trường Lưu, huyện Can Lộc thành địa điểm hoạt động văn hóa du lịch nhằm quảng bá, phát huy các giá trị của Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ, Văn bản Hán Nôm và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của làng Trường Lưu. Tích cực ứng dụng công nghệ để số hóa các di sản trên địa bàn; tuyên truyền nâng cao ý thức của toàn dân trong công tác gìn giữ, bảo vệ, tuyên truyền, phát huy giá trị di sản.

Để quan tâm đầu tư cho Bóng chuyền thời gian tới để phát triển bộ môn bóng chuyền nói chung và cải thiện điều kiện sinh hoạt, tập luyện, thi đấu, chế độ đãi ngộ vận động viên thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách để thực hiện việc thu hút, chiêu mộ, chuyển nhượng vận động viên trong nước và vận động viên người nước ngoài, thuê huấn luyện viên giỏi, có năng lực; nghiên cứu, tham mưu phương án đảm bảo số lượng vị trí việc làm huấn luyện viên cho bộ môn bóng chuyền nói riêng và thể thao thành tích cao của tỉnh Hà Tĩnh; bố trí kinh phí đảm bảo trang thiết bị, dụng cụ tập luyện, phương tiện di chuyển (xe ô tô) cho Đội tuyển Bóng chuyền nam Hà Tĩnh; tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tạo cơ chế chính sách, hành lang pháp lý để kêu gọi nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho Đội tuyển Bóng chuyền nam Hà Tĩnh nói và  lĩnh vực thể thao thành tích cao nói chung.

Trách nhiệm, tâm huyết với phát triển du lịch của tỉnh nhà, đại biểu Đào Thị Anh Nga đề nghị làm rõ nguyên nhân vì sao sau 10 năm được Chính phủ đưa vào định hướng phát triển khu du lịch quốc gia (Quyết định 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng) nhưng hiện nay khu du lịch Thiên Cầm vẫn chưa có nhiều thay đổi. Giải pháp, quy hoạch, kế hoạch để khai thác, phát huy thế mạnh du lịch của danh thắng Hồ Kẻ Gỗ gắn với bảo vệ, phát huy giá trị khu di tích đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẫn. Đại biểu Nguyễn Văn Tuấn đề nghị làm rõ những giải pháp để phát triển du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới trong thời gian tới. Trong Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định vùng Bắc Trung Bộ có vai trò và vị trí rất quan trọng của cả nước tuy nhiên kết quả liên kết phát triển du lịch của tỉnh còn hạn chế, do đó đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt đề nghị làm rõ những giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong liên kết vùng trong phát triển du lịch, góp phần phát triển ngành công nghiệp không khói của Hà Tĩnh. Đại biểu Trần Văn Kỳ cho rằng, một trong bảy giải pháp ngành đã nêu ở trên thì giải pháp tuyên truyền ở vị trí đầu tiên nhưng hiện nay công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh thực tiễn còn có những hạn chế cần khắc phục, đề nghị ngành cần làm rõ hơn các giải pháp để phát huy tối đa hiệu quả công tác tuyên truyền trong phát triển du lịch. Đại biểu Thái Văn Sinh cho rằng, hiện nay việc xây dựng các không gian đặc thù để các di sản văn hóa đặc trưng của tỉnh phát huy hết giá trị, gắn với phát triển du lịch còn nhiều hạn chế do đó đại biểu đề nghị Ngành trả lời cụ thể những giải pháp để các di sản được UNESCO ghi danh phát huy hiệu quả, góp phần phát triển du lịch tỉnh nhà. Đồng thời, đại biểu Thái Văn Sinh cũng bày tỏ băn khoăn với bảy giải pháp mà ngành đã nêu để phát triển du lịch nhưng trong dự thảo Nghị quyết trình lần này thì lĩnh vực du lịch chỉ có 02 chính sách về quảng bá và đào tạo, tập huấn, chưa có tính toàn diện, chưa tạo đột phá và đề nghị cần có các giải pháp về chính sách mạnh mẽ hơn.

Đối với thiết chế thể thao cơ sở, di tích, thể thao chuyên nghiệp, đại biểu Thái Văn Sinh đề nghị cho biết nguyên nhân và giải pháp quản lý đối với hiện tượng các sân thể thao đóng cửa không sử dụng trong khi người dân không có sân chơi, phải đi thuê tư nhân hoặc đá ở lòng lề đường. Đại biểu Hoàng Trung Dũng đề nghị báo cáo rõ hơn về công tác xếp hạng di tích trên địa bàn tỉnh; giải pháp để môn bóng đá, bóng chuyền được xếp thứ hạng cao trong thời gian tới.

...Đại biểu Thái Văn Sinh...

Tiếp tục trả lời các vấn đề chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bùi Xuân Thập cho biết thêm: từ năm 2015 đến nay, đã tổ chức nhiều chương trình hoạt động liên kết du lịch về quảng bá xúc tiến du lịch, liên kết phát triển sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, cho đến nay, việc khai thác phát triển du lịch Vùng Bắc Trung bộ vẫn còn thiếu tầm nhìn tổng thể nên sản phẩm du lịch còn ít, trùng lặp, chưa thực sự hấp dẫn và chưa thể hiện rõ nét được sản phẩm đặc thù, đặc trưng của vùng. Sản phẩm du lịch Bắc Trung Bộ chưa có được sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh, các nguồn tài nguyên phân tán hiệu quả chưa cao, chưa có thương hiệu sản phẩm du lịch Vùng Bắc Trung Bộ. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo tăng cường liên kết, hợp tác, phối hợp trong hoạt động du lịch nói chung và xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù nói riêng giữa các ngành ở địa phương, giữa các địa phương trong vùng. Có cơ chế, chính sách hợp lý, phù hợp với tình hình phát triển để khuyến khích các doanh nghiệp du lịch, cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình đa dạng hóa sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch. Kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư lớn để đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù và khai thác tối đa tiềm năng du lịch của từng địa phương trong vùng. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch hướng tới mục tiêu khắc phục hạn chế tính thời vụ. Mở rộng các hình thức, phương thức quảng bá, tuyên truyền; đẩy mạnh chuyên nghiệp hóa hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, ưu tiên tập trung xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh nói riêng và của vùng nói chung, tạo thương hiệu du lịch vùng. Tăng cường hợp tác và liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn nghề quốc gia và khu vực.

Về phát triển khu du lịch biển Thiên Cầm, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục rà soát để quy hoạch phù hợp thực tiễn; xử lý các vấn đề tồn đọng liên quan đến hạ tầng giao thông, hệ thống điện chiếu sáng, việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt. Đối với việc phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa cơ sở, Giám đốc Sở cho biết hiện nay việc duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, duy trì các hoạt động các sân thể thao cơ sở còn gặp nhiều khó khăn; việc đầu tư các thiết chế văn hóa thể thao cơ sở cũng còn nhiều hạn chế do đó nên chưa phát huy hết hiệu quả.

…Và đại biểu Nguyễn Văn Tuấn chất vấn.

Đối với phát huy giá trị dân ca, ví giặm, ông Bùi Xuân Thập cho rằng: Mỗi loại hình di sản có đặc điểm riêng, đời sống riêng, môi trường trình diễn riêng. Cho rằng Dân ca ví giặm chưa phát huy đúng tầm của giá trị di sản phi vật thể là thực sự chưa chính xác và khẳng định: trong thời gian qua, tỉnh đã làm được rất nhiều việc để bảo tồn và phát huy tốt giá trị di sản văn hóa này.  Việc xếp hạng các di tích trên địa bàn hiện nay được thực hiện với quy định chặt chẽ, đảm bảo quy định.

Đối với phát triển môn bóng đá, bóng chuyền chuyên nghiệp, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng cần tiếp tục có sự phối hợp, hỗ trợ từ ngành, đầu tư ngân sách thỏa đáng và tăng cường xã hội hóa huy động nguồn lực đầu tư phát triển các môn này. Hiện nay, các môn này đang gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị phục vụ tập luyện cho các huấn luyện viên, vận động viên.

Sau phần trả lời chất vấn của ông Bùi Xuân Thập; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng cho rằng thời gian tới Ngành cần tiếp tục, nỗ lực, cố gắng để phát triển du lịch Hà Tĩnh phát huy hết tiềm năng, lợi thế; tiếp tục có giải pháp tạo đột phá, kích cầu phát triển du lịch để thực hiện 01 trong 05 chương trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX đã đề ra là “Phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Trương Liên - Lưu Thành

    Ý kiến bạn đọc