Cần đánh giá thường xuyên việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát
EmailPrintAa
15:40 18/03/2014

Giám sát là một trong hai chức năng cơ bản, giữ vị trí quan trọng trong hoạt động của các cơ quan dân cử nói chung. Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân được tiến hành thường xuyên, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định. Tuy vậy, có một thực tế diễn ra trong thời gian qua là việc các kiến nghị sau giám sát chậm được cơ quan chức năng tiếp thu, xem xét, xử lý một cách nghiêm túc, dứt điểm. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh nói chung, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh nói riêng. Để làm rõ những nguyên nhân cũng như góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã tổ chức Hội thảo đánh giá việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Ban từ đầu nhiệm kỳ (2011-2016) đến nay. Đây được xem như một cuộc giám sát lại tất cả các cuộc giám sát của Ban đã thực hiện

Từ đầu nhiệm kỳ (2011-2016) đến nay, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã tổ chức 17 cuộc giám sát. Kết hợp với nhiều kênh thu thập thông tin khác như: kiểm tra thực tế cơ sở; nội dung các phiên làm việc với các địa phương, đơn vị liên quan; các tài liệu, báo cáo thu thập được từ các cuộc giám sát, làm việc, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã tổng hợp ban hành 17 văn bản thông báo kết luận, đưa ra 159 nhóm nội dung kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết từ Trung ương đến chính quyền địa phương các cấp. Trong đó, có 75 nhóm kiến nghị đề xuất thuộc thẩm quyền giải quyết của 14 sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh là: Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lao động - Thương binh và Xã hội; Thông tin và Truyền thông; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nội vụ; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Bảo hiểm xã hội tỉnh; Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh; Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh; Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh.

 

Đ/c Đoàn Đình Anh - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh  phát biểu tại Hội thảo

Theo dõi việc giải quyết các kiến nghị của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh thể hiện qua công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh; kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các sở, ngành, đơn vị liên quan từ đầu nhiệm kỳ (2011-2016) đến nay, Ban nhận thấy có 63 nội dung đã và đang được xử lý (chiếm tỷ lệ 84%). Một số nội dung kiến nghị của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đến nay đã được xem xét, giải quyết cơ bản như: công tác quản lý tài chính trong ngành giáo dục; chấn chỉnh hoạt động huy động đóng góp trong các cơ sở giáo dục đào tạo; chất lượng các công trình cấp nước tập trung; bố trí sắp xếp và chính sách cho đội ngũ làm công tác dân số cơ sở; chấn chỉnh hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn; kịp thời giải quyết và bảo đảm chế độ cho các đối tượng chính sách, cựu TNXP; các vấn đề liên quan đến lĩnh vực BHXH…

Kết quả này cho thấy các kiến nghị, đề xuất của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đều đã đảm bảo được tính hợp hiến, hợp pháp và đúng với chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị được Ban kiến nghị. Nội dung các kiến nghị đều liên quan, gắn bó chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của sở, ngành, đơn vị nên việc giải quyết kiến nghị vừa góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vừa tạo điều kiện thuận lợi hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của mình.

Bên cạnh 63 kiến nghị đã được giải quyết thì còn 12 nội dung chưa được xem xét, xử lý hoặc xử lý chậm, chưa dứt điểm (chiếm tỷ lệ 16%). Một số nhóm nội dung và nội dung kiến nghị đến nay mới chỉ xử lý, thực hiện được một phần như: vấn đề dôi dư giáo viên, điều chuyển giáo viên nội bộ ở một số địa phương chưa thực hiện đúng quy định, gây ảnh hưởng tâm lý giáo viên và chất lượng giảng dạy; vấn đề xét duyệt làm nhà ở cho số đối tượng hộ nghèo đặc biệt khó khăn chưa được rà soát chặt chẽ và có phương án tổ chức thực hiện khoa học; vấn đề đào tạo, giải quyết việc làm cho người lao động chưa đạt hiệu quả như mong muốn; vấn đề xử lý vi phạm quy định công tác dân số; vấn đề luân chuyển, tăng cường cán bộ theo Đề án 1816 của ngành Y tế; vấn đề tìm giải pháp tháo gỡ nợ đọng BHXH để đảm bảo quyền lợi cho người lao động; vấn đề quản lý nhà nước tại một số di tích lịch sử văn hóa như Đền Chợ Củi; chính sách hợp lý cho đội ngũ cán bộ phụ trách CNTT… Nguyên nhân chủ yếu của các nội dung chưa được xem xét, xử lý hoặc xử lý chậm, chưa dứt điểm là do các nguyên nhân khách quan như việc thực hiện nội dung kiến nghị cần sự phối hợp thực hiện của nhiều địa phương, đơn vị liên quan; cần nhiều điều kiện về nguồn lực, thời gian để tổ chức thực hiện v.v...

Với việc đánh giá bước đầu kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát còn cho thấy: nếu sở, ngành, đơn vị nào quan tâm tổ chức thực hiện tốt nội dung các Thông báo, Báo cáo kết luận giám sát của Ban VH - XH. Thể hiện qua công tác lưu trữ hồ sơ, văn bản nội dung kết luận giám sát của Ban; tinh thần tiếp thu nghiêm túc và xử lý, gửi văn bản, báo cáo phản hồi thì kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát kịp thời và hiệu quả. Còn đơn vị, địa phương nào chưa làm tốt công tác lưu trữ hồ sơ, văn bản; chưa quan tâm đúng mức, chậm tổ chức thực hiện các Thông báo, Báo cáo kết luận giám sát của Ban thì việc xử lý hoặc xử lý các kiến nghị sau giám sát chưa dứt điểm.

 Để việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát trong thời gian tới đạt kết quả tốt thì các đơn vị, địa phương được giám sát sau khi nhận được văn bản kết luận giám sát cần tiếp tục quan tâm công tác tiếp nhận, lưu trữ văn bản nội dung các kiến nghị được Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh gửi đến; phân công hoặc giao nhiệm vụ cụ thể cho cá nhân hoặc bộ phận liên quan nghiên cứu để tham mưu, đề xuất phương án xử lý và có kế hoạch kiểm tra, giám sát tiến độ xử lý; tăng cường công tác phối hợp và thực hiện tốt chế độ cung cấp thông tin, báo cáo tiến độ kết quả thực hiện, giải quyết các kiến nghị của địa phương, đơn vị mình về cơ quan ban hành kiến nghị.

Về phía Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng cần thường xuyên tổ chức đánh giá việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Ban để rút kinh nghiệm, cải tiến đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động giám sát, trong đó có việc xem xét các nội dung kiến nghị sau giám sát phải đảm bảo tính hợp Hiến, hợp pháp, đúng chức năng, thẩm quyền, không “gây khó” cho đơn vị, địa phương được kiến nghị. Có như vậy hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh nói chung và Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh nói riêng ngày càng đam bảo hiệu lực, hiệu quả.


    Ý kiến bạn đọc