Dự án phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh hiệu quả sau 3 năm triển khai
EmailPrintAa
08:14 04/06/2014

Dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh được Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Canada (CIDA) tài trợ bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại với tổng mức đầu tư 11,4 triệu Đô la Canada (CDA) trong đó 10 triệu CDA vốn ODA và 1,4 triệu CDA vốn đối ứng của địa phương. Dự án được triển khai tại 4 đơn vị thuộc Sở NN&PTNT và 13 xã thuộc 3 huyện: Kỳ Anh, Thạch Hà, Đức Thọ, thực hiện trong 5 năm từ 2011 đến 2015 với mục tiêu mở rộng các cơ hội phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nhất là nông thôn nghèo tại tỉnh Hà Tĩnh đi kèm yếu tố bình đẳng giới.

 Các kết quả cụ thể mà Dự án hướng tới là: Tăng cường khả năng cạnh tranh của một số lĩnh vực chủ chốt; Cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp tại 13 xã thuộc vùng Dự án; Nâng cao năng lực các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch, quản lý, triển khai thực hiện kế hoạch và giám sát các chương trình Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn.

Đến nay, sau 3 năm thực hiện dự án đã đạt được những kết quả nhất định trên cả 3 hợp phần, góp phần hỗ trợ phát triển nông nghiệp hàng hóa, gắn kết với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2011-2013, kế hoạch nguồn vốn bố trí là 108.365 triệu VNĐ, đến 31/12/2013 đã giải ngân 88.370 triệu VNĐ, trong đó: CIDA tài trợ 81.194 triệu VNĐ, vốn đối ứng của tỉnh 2.425 triệu VNĐ, đóng góp của người dân 4.749 triệu VND.

Hợp phần 1 chủ yếu tập trung vào công tác tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn gắn với xây dựng các mô hình kinh tế nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó đã tổ chức được: 32 lớp tập huấn cho 1.317 người về khuyến nông, nâng cao năng lực sản xuất giống cây trồng, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, bình đẳng giới trong sản xuất nông nghiệp cho người dân, tập huấn đào tạo giảng viên nòng cốt, quản lý điều hành cho cán bộ hợp tác xã, chủ trang trại...; 13 lớp đào tạo nghề ngắn hạn với 03 loại nghề là Trồng lúa, nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò, cho lợn với 455 học viên là người lao động trực tiếp sản xuất tại địa phương, nhằm nâng cao năng lực về chuyên môn kỹ thuật gắn với ngành nghề họ đang hoạt động; 13 mô hình kinh tế, trong đó 05 mô hình sản xuất thử nghiệm giống lúa mới, 02 mô hình nuôi hươu, 01 mô hình chăn nuôi gà, 02 mô hình cải tạo đàn bò, 01 mô hình thâm canh chè giống mới, 02 mô hình cơ giới hóa.

Kết quả hợp phần 1 đã góp phần đạt được mục tiêu đào tạo, tâp huấn gắn với mô hình sản xuất nâng cao năng lực của người sản xuất và các đối tượng liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn và nhận thức về bình đẳng giới, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Đoàn giám sát kiểm tra thực tế kênh tưới nước Minh Xuân, xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh

Phát triển các công trình kết cấu hạ tầng quy mô nhỏ hỗ trợ phát triển nông nghiệp gắn với nâng cao năng lực cho cán bộ và người dân trong quản lý, đầu tư xây dựng cơ bản thông qua hoạt động tập huấn, xây dựng kế hoạch duy tu bảo dưỡng phát huy hiệu quả công trình khi đưa vào sử dụng là mục tiêu của hợp phần 2. Hoạt động tập huấn đã tổ chức được 07 lớp với 177 người tham gia về mua sắm đầu thầu, giám sát công trình XDCB, duy tu bảo dưỡng công trình… Giai đoạn 2011-2013, đã xây dựng 52 công trình bao gồm 26 công trình thủy lợi với tổng chiều dài kênh mương gần 15km, 24 công trình giao thông nông thôn, nội đồng với tổng chiều dài gần 17km và 2 công trình trạm giống. Tổng mức đầu tư được phê duyệt 71.707 triệu VNĐ, trong đó người dân đóng góp 7.163 triệu VNĐ tương đương 12% giá trị xây lắp.

Ngoại trừ 2 công trình trạm giống do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư và 12 công trình xây dựng sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng nặng của lũ lụt năm 2010 đó các xã làm trực tiếp làm chủ đầu tư, các công trình còn lại do các tiểu ban QLDA cấp xã trực tiếp quản lý vốn đầu tư xây dựng, quản lý thi công công trình. Đây là đơn vị kế toán độc lập, thực hiện chế độ kế toán của chủ đầu tư và chế độ tài chính trực tiếp cho Ban QLDA, không gắn với hoạt động tài chính của đơn vị xã. Tất cả các xã đều đã thành lập và phát huy vai trò của Ban giám sát cộng đồng trong việc giám sát tiến độ và chất lượng công trình cũng như việc bảo vệ môi trường do nhà thầu và chủ đầu tư cam kết.

Đến nay cơ bản các công trình đã hoàn thành và bàn giao cho các hợp tác xã nông nghiệp, các thôn để quản lý, vận hành, bảo dưỡng. Đồng thời, Ban QLDA tỉnh cũng đã hoàn thành việc xây dựng kế hoạch duy tu bảo dưỡng cho 12 công trình hoàn thành đầu năm 2013, đang lập kế hoạch cho các công trình còn lại.

Hợp phần 3 với các hoạt động chính là tập huấn, đào tạo, hội thảo, xây dựng hệ thống giám sát và hỗ trợ thiết bị kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong việc triển khai chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Dự án đã tổ chức được 44 lớp tập huấn cho 1.958 lượt cán bộ các sở, ngành, các tổ chức hội cấp tỉnh, huyện tập trung vào các nội dung về công tác lập kế hoạch, quản lý tài chính, quản lý dự án và theo dõi ngân sách, lồng ghép vấn đề giới vào hoạt động dự án và đào tạo giảng viên nòng cốt về giới...; 2 lớp đào tạo nâng cao năng lực tiếng Anh cho 60 lượt cán bộ; 03 cuộc hội thảo nhân rộng mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ với sự tham gia của 210 người; 13 cuộc tọa đàm giới cho 770 lượt cán bộ các cơ quan ban ngành, đoàn thể ở cấp xã và người dân tại 13 xã dự án.

Ngoài ra hợp phần còn tổ chức các chuyến tham quan học tập kinh nghiệm mô hình phát triển nông nghiệp bền vững trong và ngoài nước. Phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư tại Hàn Quốc vào Hà Tĩnh.

Xây dựng 01 hệ thống giám sát và đánh giá bao gồm Khung giám sát và các mẫu biểu thu thập dữ liệu, mẫu biểu báo cáo có phân theo giới và lồng ghép môi trường. Đã xây dựng và tập huấn phần mềm kế toán chủ đầu tư cho Ban QLDA và các tiểu ban QLDA đã giúp kiểm soát tốt hơn thu chi và các hoạt động tài chính kế toán của dự án.

Cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật thông qua mua sắm và bàn giao 181 tài sản cố định, công cụ, dụng cụ trị giá 8,4 tỷ VNĐ phục vụ cho hoạt động quản lý và nâng cao năng lực kỹ thuật công nghệ của một số đơn vị như Đoàn điều tra quy hoạch nông lâm nghiệp, Ban QLDA tỉnh, các Tiểu ban và xã thuộc vùng dự án.

Dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh là một trong các dự án về hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn đang được triển khai trên địa bàn tỉnh, tuy nguồn kinh phí không lớn nhưng nhờ xác định đối tượng đầu tư phù hợp, phương pháp tiếp cận, tổ chức quản lý và tiến hành có những điểm mới nên dự án đã từng bước đạt được các mục tiêu đề ra. Thành công bước đầu của Dự án không chỉ dừng lại ở những công trình, những mô hình mà còn quan trọng hơn là việc nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước về quản lý đầu tư công trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao năng lực, nhận thức của người dân gắn liền với các mô hình sản xuất, công trình hạ tầng quy mô nhỏ, từ đó sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh Hà Tĩnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện dự án cần tiếp tục quan tâm chấn chỉnh, khắc phục một số hạn chế, bất cập như: Trên cả 3 hợp phần kinh phí dành cho hoạt động tập huấn tương đối lớn, thời gian một lớp tập huấn thường kéo dài; Chi phí bình quân cho một khóa tập huấn khá cao; việc thuê các chuyên gia ngoại tỉnh làm tăng chi phí đào tạo; công tác khuyến nông còn thiếu sự phối hợp với các phòng chuyên môn cấp huyện; một số nội dung về hồ sơ của công tác đào tạo nghề chưa tuân thủ các quy định và hướng dẫn hiện hành;...

Một số mô hình sản xuất được tổ chức thực hiện thành công nhưng không có khả năng nhân rộng, nhất là các mô hình về sản xuất và thử nghiệm giống lúa mới; mô hình hỗ trợ máy cày đa năng chưa làm rõ quy mô diện tích, trách nhiệm liên kết hỗ trợ thúc đẩy cộng đồng tham gia từng bước đẩy nhanh cơ giới hóa có sự liên kết và hình thành dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp;...

Trong quá trình thi công, một số hạng mục công trình vẫn để xảy ra sai sót về kỹ thuật; hồ sơ chất lượng, bản vẽ hoàn công thể hiện chưa đầy đủ; công tác lập quyết toán công trình hoàn thành còn chậm, chưa công khai tại cơ sở và không phản ánh được vào sổ sách kế toán đơn vị xã;...

Tiến độ thực hiện dự án cơ bản đảm bảo kế hoạch được phê duyệt nhưng việc xây dựng kế hoạch và dự toán hàng năm còn chậm, nhiều hoạt động phải chuyển tiếp; việc lựa chọn và tổ chức áp dụng hình thức kế toán còn bộc lộ nhiều bất cập; quản lý các khoản đóng góp của người dân chưa được phản ánh đúng quy định vào sổ sách tài chính kế toán; chưa có văn bản quy định rõ trách nhiệm và mức đóng góp của người dân; nợ đọng xây dựng cơ bản phần vốn đối ứng tương đối lớn do các xã gặp khó khăn trong huy động đóng góp của người dân;...

Mặc dù Văn kiện quy định khá chi tiết nhưng các thiết chế, hệ thống giám sát đánh giá của dự án chưa tuân thủ, chậm hoàn thiện. Ban chỉ đạo dự án còn thiếu một số thành phần theo quy định của Văn kiện. Sổ tay hướng dẫn hoạt động dự án đã xây dựng các khung, tiêu chuẩn đánh giá và các mẫu điều tra khảo sát đánh giá kết quả thực hiện các hợp phần, nội dung công việc nhưng việc triển khai chưa hiệu quả. Bên cạnh, giám sát nội bộ thường xuyên của Ban QLDA, nhà tài trợ đã thực hiện giám sát độc lập thường niên, Kiểm toán Nhà nước hàng năm đã tiến hành kiểm toán Dự án, Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã giám sát tiến độ, kết quả    triển khai thực hiện giai đoạn 2011-2013, thanh tra các sở ngành đã quan tâm nhưng vai trò giám sát của HĐND, UBND và các cơ quan quản lý ngân sách liên quan ở cấp huyện, xã còn hạn chế;...

Trong thời gian tới để phát huy tối đa mục tiêu đề ra, Dự án cần tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo dự án; tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án; kịp thời khắc phục các hạn chế, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện dự án theo kiến nghị của cơ quan giám sát; tiếp tục chú trọng công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, nhất là các tiểu ban về nghiệp vụ quản lý dự án, giám sát đầu tư, quy trình đấu thầu, tài chính kế toán nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của chương trình; tập trung ưu tiên xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá; chủ dự án và các sở ngành liên quan cần thực hiện tuân thủ chế độ báo cáo, phối hợp tăng cường vai trò giám sát của các bên liên quan, nhất là của HĐND các cấp.


    Ý kiến bạn đọc