Du lịch Hà Tĩnh, những đổi thay từ Nghị quyết 47/2012/NQ-HĐND
EmailPrintAa
15:18 31/05/2016

Ngày 20/02/2012, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành Nghị quyết số 47/2012/NQ-HĐND về việc thông qua Đề án “Một số chính sách phát triển du lịch Hà Tĩnh giai đoạn 2013-2020”. Đây là một văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa hết sức to lớn, nhằm thúc đẩy một cách toàn diện và tích cực diện mạo, chất lượng của toàn hệ thống du lịch Hà Tĩnh.

Sau 02 năm thực hiện chính sách, cơ sở hạ tầng của một số khu, điểm du lịch được quan tâm nâng cấp, đầu tư xây dựng cải tạo như: Thiên Cầm, Xuân Thành, Nguyễn Du, Ngã ba Đồng Lộc... Đặc biệt tại KDL Thiên Cầm, hạ tầng công được đầu tư như: bãi trông giữ xe, nhà vệ sinh, gian hàng giới thiệu sản phẩm địa phương. Bước đầu thực hiện Nghị quyết đã đạt được một số chỉ tiêu chủ yếu như: lượng khách, thu ngân sách và giải quyết việc làm tăng lên. Nếu năm 2013, tổng lượng khách du lịch đến với Hà Tĩnh là hơn 1 triệu lượt người thì năm 2014 là 1,3 triệu lượt và năm 2015 là gần 1,6 triệu lượt người; không chỉ khách quốc tế tăng lên từ gần 18.000 lượt người năm 2013 lên gần 23.000 lượt khách năm 2015 mà khách nội địa cũng tăng nhanh từ hơn 1 triệu khách năm 2013 lên gần 1,6 triệu năm 2015; mức chi tiêu/ ngày của khách cũng tăng lên đáng kể, nếu năm 2013 là 1,2 triệu/ngày/khách thì đến năm 2016 là 1,6 triệu/ngày/khách; doanh thu mỗi năm của ngành du lịch tăng từ hơn 415 tỷ đồng năm 2013 lên 421 tỷ đồng năm 2015. Các chính sách do HĐND tỉnh ban hành đã thúc đẩy ngành du lịch phát triển nhanh và từ đó kéo theo số lao động trong ngành này cũng tăng lên, thu nhập người dân nâng cao và ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Tính đến năm 2015, số lao động thường xuyên trong ngành du lịch của tỉnh nhà là 3.700 lao động năm 2015 so với 3.131 lao động năm 2013.

Chất lượng nhân lực du lịch được nâng lên một bước. Năm 2014, 2015 từ kinh phí chính sách khuyến khích trường Cao đẳng VHTTDL Nguyễn Du đã đào tạo được 185 học viên hệ sơ và trung cấp các du lịch, góp phần bổ sung lực lượng lao động cho các khách sạn trong tỉnh. Ngoài ra, du lịch cộng đồng trong 02 năm qua cũng được quan tâm tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, bán hàng, văn hóa ứng xử. Trong năm 2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trường Cao đẳng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Du tổ chức nhiều Hội thi (Thuyết minh viên, pha chế đồ uống và lễ tân khách sạn). Sau những Hội thi này, chất lượng phục vụ bước đầu được nâng lên đáng kể.

Công tác tuyên truyền quảng bá được quan tâm hơn. Trong 02 năm nhiều ấn phẩm quảng bá du lịch được phát hành, nhiều đoàn Famtrip trong nước và nước ngoài đã đến khảo sát du lịch Hà Tĩnh; Trung tâm QBXTVH-DL tham gia nhiều hội chợ để giới thiệu về du lịch Hà Tĩnh. Một số cụm quảng bá du lịch cũng được triển khai xây dựng.

Tuy nhiên, qua 02 năm thực hiện chính sách khuyến khích phát triển du lịch còn bộc lộ nhiều hạn chế. Kinh phí cấp theo Nghị quyết 47 về thực hiện chính sách còn khiêm tốn, phân bổ dàn trải. Năm 2014 và 2015, kinh phí tỉnh cấp theo Nghị quyết 47 là 08 tỷ đồng. Kinh phí này phân bổ cho công tác tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực, tuyên truyền quảng bá, nâng cao chất lượng, phát triển sản phẩm; nhóm bảo vệ môi trường chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ hỗ trợ được Hợp tác xã môi trường tại khu du lịch Thiên Cầm với số tiền 30 triệu đồng.

Theo báo cáo giám sát chuyên đề kết quả thực hiện Nghị quyết số 47/2012/ NQ-HĐND về việc thông qua Đề án “Một số chính sách phát triển du lịch Hà Tĩnh giai đoạn 2013-2020” có đề cập đến việc thông qua thực hiện chính sách khuyến khích du lịch đã xây dựng được 03 trạm dừng chân, nhưng trên thực tế 03 trạm dừng chân này được triển khai đầu tư trước đó, kinh phí hỗ trợ mỗi trạm từ Nghị quyết 47 chỉ có 100 triệu đồng, so với hàng trăm tỷ đồng do nhà đầu tư bỏ ra. Việc phân bổ kinh phí chính sách khuyến khích phát triển du lịch còn dàn trải, đầu tư cho hạ tầng còn chiếm tỷ trọng khá lớn, thậm chí còn sai cả tiêu chí và đối tượng. Năm 2014, 2015 đầu tư 4.500 triệu đồng/8.000 triệu đồng xây dựng bãi đậu xe, nhà vệ sinh công cộng, gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Thiên Cầm, nhưng thời gian qua các công trình này chưa phát huy tác dụng phục vụ khách du lịch. Trong khi đó kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nguồn nhân lực được bố trí rất ít. Chế độ tiền ăn cho những người không hưởng lương tham dự tập huấn cũng không được bố trí theo quy định của nhà nước. Trong năm 2015 chỉ thực hiện tập huấn được 450 người/10.000 lao động trực tiếp và gián tiếp; kinh phí không có để hợp đồng với giảng viên các trường danh tiếng trong nước về đào tạo du lịch, dẫn tới chất lượng phục vụ chuyển biến còn chậm. Các doanh nghiệp cũng chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi.

Để du lịch Hà Tĩnh có những đổi thay thực sự, từ diện mạo đến chất lượng phục vụ, thiết nghĩ tỉnh cần quan tâm bố trí kinh phí khuyến khích phát triển du lịch đáp ứng được nhu cầu phát triển. Việc phân bổ kinh phí nên tập trung hơn, quan tâm cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho người lao động; công tác tuyên truyền quảng bá, ứng dụng công nghệ, bảo vệ môi trường, ưu tiên hạ tầng “mồi” tại những nơi có tài nguyên du lịch, nhất là nhóm phát triển sản phẩm du lịch và bảo vệ môi trường du lịch. Việc đầu tư xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn tại các khu, điểm du lịch không thể chậm hơn được nữa.


    Ý kiến bạn đọc