Kết quả sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 47/2012/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh
EmailPrintAa
09:01 27/07/2015

Để phát huy giá trị tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh nhà, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2011 - 2015 “Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển” với “tỷ trọng thương mại, dịch vụ chiếm 40,3% trong cơ cấu kinh tế”, tại Kỳ họp thứ 5 Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 47/2012/ NQ-HĐND ngày 20/12/2012 thông qua Đề án “Một số chính sách phát triển du lịch Hà Tĩnh giai đoạn 2013 - 2020” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 47).

Sau khi Nghị quyết số 47 được ban hành, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch đã có sự chuyển biến, thay đổi nhận thức theo hướng tích cực. Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và thông qua một số nhóm chính sách phát triển du lịch của Nghị quyết số 47, lồng ghép với một số chương trình, dự án kinh tế khác đã góp phần thay đổi bộ mặt một số khu, điểm du lịch như Khu du lịch biển Thiên Cầm, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Khu du lịch biển Xuân Thành, bãi biển huyện Lộc Hà; tạo được điểm nhấn và gây ấn tượng tốt với du khách khi về tham quan, nghỉ dưỡng. Các nhóm chính sách đất đai, thuế, đào tạo nguồn nhân lực đã góp phần phát triển số lượng cơ sở lưu trú lên 189 cơ sở lưu trú với 4500 phòng, tăng 21 cơ sở và 1426 phòng so với năm 2012, trong đó có nhiều cơ sở kinh doanh du lịch có tầm cỡ, chất lượng cao như Khách sạn Mường Thanh Hà Tĩnh; Khu du lịch sinh thái Hải Thượng.  


Đoàn giám sát HĐND tỉnh khảo sát tại bãi biển Thạch Bằng huyện Lộc Hà

 

Có thể nói, tuy thời gian thực hiện Nghị quyết mới hơn 2 năm và do những khó khăn chung về kinh tế - xã hội nên việc bố trí ngân sách thực hiện các nhóm chính sách cụ thể còn thấp, song nếu tính cả phần ngân sách tỉnh đã hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch là khá lớn. Bước đầu đã đạt được một số mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết như thu hút khách du lịch, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm và tiêu thụ được nhiều sản vật có giá trị kinh tế cao của địa phương.

Đi sâu vào kết quả thực hiện một số nhóm chính sách cho thấy có rất nhiều chính sách đã được thực hiện khá tốt như:

Chính sách về đất đai để phát triển du lịch đã được quan tâm và thực hiện khá tốt cùng với các chính sách, quy định chung của tỉnh. Thực tế khảo sát tại Khu du lịch sinh thái Hải Thượng (huyện Hương Sơn); một số dự án du lịch đầu tư trong Khu Kinh tế Vũng Áng; các điểm dừng chân du lịch tại Khu du lịch sinh thái Hải Thượng (Hương Sơn), Khu du lịch sinh thái Bình Mỹ - Sông Nghèn (Can Lộc); Công ty Thương mại Hoàng Anh - Hương Khê, các nhà đầu tư đã được ưu tiên những khu đất có vị trí thuận lợi, diện tích đảm bảo và hưởng nhiều chính sách ưu đãi của tỉnh như: hỗ trợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng; hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực... Trong đó, riêng hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng cho một số doanh nghiệp đầu tư dự án du lịch trên địa bàn huyện Kỳ Anh, Nghi Xuân, Hương Sơn, Thành phố Hà Tĩnh giai đoạn 2013 - 2015 là 547 tỷ đồng, gấp 10 lần nguồn thu từ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch nộp vào ngân sách nhà nước trong hơn 2 năm (2013 - tháng 5/2015).

Về chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, tính chung cho cả giai đoạn 2013-2015, nguồn vốn của Trung ương hỗ trợ về hạ tầng du lịch cho tỉnh Hà Tĩnh thông qua Chương trình hỗ trợ có mục tiêu là 59,8 triệu đồng và nguồn ngân sách địa phương là 58,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, hạ tầng các khu, điểm du lịch nêu trong Đề án gồm: Khu du lịch biển Thiên Cầm, Khu lưu niệm Nguyễn Du, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã được tập trung đầu tư xây dựng nhiều công trình chính góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng chung và tạo cảnh quan khang trang, sạch đẹp. Bên cạnh đó, tại một số di tích lịch sử - văn hóa lớn của tỉnh mỗi năm còn có thêm nguồn kinh phí từ các khoản thu phí, lệ phí, công đức được các Ban Quản lý di tích đưa vào đầu tư tôn tạo. Chính sách phát triển hạ tầng du lịch cộng đồng bước đầu đã được quan tâm, đầu tư xây dựng 01 khu trưng bày và bán sản phẩm tại Khu du lịch biển Thiên Cầm (hoàn thành trong Quý II năm 2015).

Về chính sách giá, các cơ sở lưu trú du lịch và các khu, điểm du lịch trên địa bàn thực hiện đầy đủ việc niêm yết giá, công khai giá các loại phí, lệ phí, dịch vụ; áp dụng thống nhất, không có hiện tượng tăng giá đột biến trong các ngày nghỉ lễ, các dịp cao điểm của mùa du lịch, không phân biệt giá cho khách trong và ngoài nước (trừ một cơ sở lưu trú là Khách sạn BMC quy định riêng giá khách trong nước và khách nước ngoài) đã tạo ấn tượng tốt cho du khách về tham quan, nghỉ dưỡng. Giá thuê đất và các ưu đãi đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước được thực hiện thống nhất đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư phát triển.

Chính sách về thuế, ngành Thuế đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch nói riêng như giảm thủ tục hành chính, kịp thời hướng dẫn, tư vấn... Kết quả, trong hơn 2 năm (2013 - tháng 5/2015) số thuế thu từ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch là 54,3 tỷ đồng. Năm 2013 đã có 06 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch được miễn thuế với số tiền là 216 triệu đồng; 14 doanh nghiệp được giảm thuế với số tiền là 905 triệu đồng. Năm 2014, có 05 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch được miễn thuế với số tiền là 1 tỷ 779 triệu đồng; 06 doanh nghiệp được giảm thuế với số tiền là 252 triệu đồng.

Nhóm chính sách phát triển nguồn nhân lực, nhìn chung, chính sách phát triển nguồn nhân lực đã được chú trọng, kinh phí hỗ trợ tuy còn ít nhưng đã được bố trí thực hiện kịp thời một số nội dung như tập huấn, tổ chức hội thi do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì đã thực hiện khá tốt, góp phần bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho đội ngũ quản lý, nhân viên các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng trên địa bàn. Tại một số cơ sở đào tạo như Trường Cao đẳng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Du mặc dù chưa được đầu tư chính thức từ nguồn vốn theo Nghị quyết số 47, song một phần cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo chuyên ngành du lịch đã được bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh và kinh phí của nhà trường. Chất lượng đào tạo của Trường Cao đẳng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Du cơ bản đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và học viên.

Nhóm chính sách về quảng bá, xúc tiến du lịch, nhìn chung nhóm chính sách này được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện khá đầy đủ trên tất cả các nội dung như: phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện giới thiệu quảng bá du lịch Hà Tĩnh. Mặc dù nguồn kinh phí còn ít nhưng một số chính sách đã được quan tâm thực hiện như: ưu tiên vị trí xây dựng các biển quảng cáo... đón tiếp các đoàn báo chí đến viết bài tuyên truyền về du lịch Hà Tĩnh; giới chuyên môn du lịch và các hãng lữ hành trong và ngoài nước đến khảo sát, xây dựng tour du lịch, liên kết du lịch... tham gia các hội thảo, hội chợ, hội nghị du lịch trong nước...

Nhóm chính sách về bảo vệ môi trường phát triển du lịch bền vững, bước đầu đã được quan tâm thực hiện tại các khu, điểm du lịch của tỉnh. Trong đó, việc xây dựng các nhà vệ sinh công cộng đã được quan tâm, đặc biệt tại Khu du lịch biển Thiên Cầm, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du... hệ thống nhà vệ sinh công cộng được xây dựng mới, góp phần cải thiện vệ sinh môi trường, phục vụ du khách tốt hơn.

Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được nêu trên, thì sau hơn 2 năm thực hiện thì nhiều nội dung, chính sách nêu trong Nghị quyết số 47 chưa thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống; chưa được doanh nghiệp, người dân và chính quyền các cấp quan tâm thực hiện một cách đầy đủ, toàn diện, dẫn đến một số tồn tại, hạn chế, cụ thể đó là:

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước còn chậm trễ trong việc thể chế hóa Nghị quyết số 47, đến nay ngành chức năng được Đề án phân công việc triển khai thực hiện các nội dung của Đề án vẫn chưa có kế hoạch hướng dẫn cụ thể. Việc chỉ đạo, lãnh đạo triển khai, thực hiện Nghị quyết số 47 và Quyết định số 1477 của Ủy ban nhân dân tỉnh chưa được các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, mới dừng lại ở việc xây dựng kế hoạch. Công tác tuyên truyền chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả không cao, dẫn đến nhận thức, hành động trong lĩnh vực du lịch chuyển biến chậm. Phân bổ vốn đầu tư trong những năm trước còn dàn trải; các năm 2013 và 2014 đã đầu tư tập trung, khắc phục được sự manh mún và dàn trải nhưng lại đầu tư không đúng trọng điểm được xác định trong đề án. Nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng dùng chung trong du lịch chưa đồng đều ở các cấp ngân sách, hiện chủ yếu dựa vào trung ương, tỉnh còn cấp huyện chưa bố trí. Việc tham mưu, lập dự toán và phân bổ kinh phí hàng năm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thực hiện một số chính sách cụ thể còn chậm. Giữa các Ban quản lý Khu du lịch còn thiếu thống nhất về cách thức tổ chức hoạt động, cơ chế tài chính. Công tác quản lý chủ đầu tư, chất lượng cơ sở dịch vụ trong khu du lịch có biểu hiện buông lỏng; thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh du lịch còn rườm rà. Một số dự án gặp vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ nhưng các cấp chính quyền chưa tập trung giải quyết gây tâm lý không tốt cho các nhà đầu tư.

Công tác quản lý quy hoạch tại một số khu du lịch biển còn thiếu chặt chẽ; tình trạng công trình xây dựng kiên cố, thiết kế không đúng với quy hoạch chi tiết như việc cho các hộ thuê đất làm dịch vụ tại bãi biển Lộc Hà nhưng lại xây nhà cao tầng song Ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà không xử lý dứt điểm, đặc biệt việc xây dựng Quảng trường ở Thiên Cầm trùng lên đường giao thông đã được quy hoạch để nối khu Bắc - Nam Thiên Cầm làm ảnh hưởng đến cảnh quan, quy hoạch chung của khu du lịch. Khu du lịch nước sốt Sơn Kim tuy có nhiều lợi thế song nhiều năm qua, nhà đầu tư không có kế hoạch triển khai xây dựng đúng tầm cỡ nên chưa thu hút được du khách tham quan, nghỉ dưỡng; khu du lịch ngày càng xuống cấp, diện tích đất được giao nhiều nhưng để hoang, sử dụng không hiệu quả.

Môi trường ở nhiều điểm, khu du lịch tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao, việc xử lý rác và hệ thống nước thải sinh hoạt, nước thải từ dịch vụ du lịch chưa được chú trọng.

- Về nội dung và việc triển khai các chính sách quy định tại Đề án nhìn chung chưa đồng bộ, toàn diện, còn thiếu các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách một cách cụ thể. Có 2/9 nhóm chính sách chưa thực hiện bất kỳ nội dung nào Nhóm chính sách về nghiên cứu, ứng dụng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch (VII) và các nhóm hỗ trợ khác (IX). Một số chính sách quan trọng nhưng chưa được thực hiện như chính sách nghiên cứu, ứng dụng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch nên chưa tạo ra các sản phẩm du lịch mới để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch; chính sách thu hút chuyên gia, nghệ nhân có tay nghề, nhân viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch; chính sách vay vốn từ chi nhánh Ngân hàng Phát triển chưa được hướng dẫn, cung cấp thông tin đầy đủ nên doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn vay. Cá biệt có chính sách còn trái với quy định của cấp trên như chính sách quy định các dự án đầu tư vào các lĩnh vực du lịch được Ngân hàng chính sách xã hội ưu tiên cho vay vốn. Chưa có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành đầu tư phương tiện để tổ chức các tuor du lịch nội tỉnh cũng như phối hợp, liên kết với các công ty lữ hành ngoại tỉnh đón khách về Hà Tĩnh, đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh chưa có xe ôtô chuyên dụng cho lữ hành du lịch. 

- Về công tác quản trị kinh doanh và nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn yếu và thiếu tính chuyên nghiệp, nhất là trong quản lý điều hành và kỹ năng giao tiếp, phục vụ. Phần lớn doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn chưa chú trọng phối hợp với các cơ sở đào tạo để tuyển dụng đội ngũ nhân viên có nghiệp vụ du lịch mà chủ yếu sử dụng nguồn lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nên chất lượng phục vụ du lịch chưa cao, chưa tạo được ấn tượng của du khách về văn hóa du lịch, văn hóa địa phương.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả Nghị quyết số 47, góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hoạt động du lịch, hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, thời gian tới chính quyền các cấp, các ngành chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch; thể chế hóa cụ thể hơn các nội dung Nghị quyết số 47; khẩn trương nghiên cứu, tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực du lịch, rà soát các nhóm chính sách còn thiếu, chưa sát hoặc không phù hợp. Trên cơ sở đó, xác định lại giải pháp trọng tâm thực sự thúc đẩy phát triển được tiềm năng du lịch của tỉnh nhà.

Tiếp tục ưu tiên đầu tư nguồn lực lớn hơn cho chính sách khuyến khích phát triển du lịch. Tập trung bố trí nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các điểm, khu du lịch đã được phê duyệt quy hoạch tổng thể tại Quyết định số 2145/QĐ-UBND ngày 16/7/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh, trong đó ưu tiên những điểm, khu du lịch có giá trị khai thác lớn, tạo được hiệu ứng quảng bá du lịch tốt cho địa phương; hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải, không đúng trọng tâm, trọng điểm, gây lãng phí ngân sách. Hàng năm bố trí kinh phí thực hiện các chính sách phát triển du lịch cụ thể, cần theo nguyên tắc chi tiết, trực tiếp đến tận từng đối tượng thụ hưởng chính sách.

Các ngành chức năng, chính quyền địa phương các cấp thực hiện xây dựng, thu hút nhà đầu tư theo đúng quy hoạch; thực hiện tốt công tác cải cách, thủ tục hành chính; tư vấn, hướng dẫn các nhà đầu tư vào hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn, đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi, đúng chính sách pháp luật.

 


    Ý kiến bạn đọc