Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động đại biểu HĐND
EmailPrintAa
07:04 11/08/2014

Là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, có thẩm quyền quyết định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, giám sát các cơ quan trong bộ máy nhà nước và công dân chấp hành Hiến pháp, pháp luật.

Thực tiễn những năm qua bên cạnh các đại biểu phát huy tốt vai trò người đại biểu của mình trong việc tham gia thảo luận, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tại địa phương; tích cực tham gia các hoạt động giám sát theo phân công, thông qua tiếp xúc với nhân dân đã phát hiện những vấn đề bức xúc, nỗi cộm, bất cập để đề nghị Thường trực, các ban HĐND tổ chức giám sát, làm rõ. Qua tiếp xúc cử tri đại biểu đã làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, các nghị quyết đến tận nhân dân, giải thích, thuyết phục những vấn đề mà nhân dân chưa rõ, chưa thông suốt để tạo sự đồng thuận trong nhân dân về thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, thì vẫn còn không ít các vị đại biểu chưa dành nhiều thời gian cho hoạt động của người đại biểu; khi tham gia kỳ họp ít thảo luận hoặc thảo luận chung chung, né tránh, nể nang, chiếu lệ, nữa nhiệm kỳ không đề xuất một câu chất vấn hay một kiến nghị xác đáng nào.

Nguyên nhân của tình trạng trên có nguyên nhân khách quan như thẩm quyền thì quan trọng nhưng tính chất công việc không cho phép tiếp cận nhiều... còn nguyên nhân chủ quan vẫn là do đại biểu chưa dành thời gian thỏa đáng cho nhiệm vụ của mình hoặc khả năng, trình độ, kỹ năng của đại biểu còn hạn chế, bản thân đại biểu còn ngại va chạm, cơ quan quản lý cũng chưa tạo điều kiện để đại biểu nâng cao năng lực, trình độ...

Từ thực tế hoạt động và nhận thức trên theo tôi để góp phần nâng cao năng lực người đại biểu cần nghiên cứu, vận dụng một số giải pháp sau:

Trước hết, mỗi đại biểu phải nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của mình là người đại diện cho ý chí nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân và trách nhiệm chính trị với nhân dân và cử tri nơi bầu cử, cấp bầu cử để không ngừng học tập trau dồi trình độ về mọi mặt, bản lĩnh, tâm huyết trong hoạt động.

Thứ hai, trong việc tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri Thường trực HĐND và MTTQ nên đổi chéo các đại biểu ở các đơn vị bầu cử để đại biểu có cái nhìn tổng quan, sắp xếp để các đại biểu đều được rèn luyện kỹ năng báo cáo nội dung, đối thoại, trao đổi, tiếp thu giải trình trước cử tri. Trong điều hành phần thảo luận tại các phiên họp, Thường trực nên dành thời gian và gợi ý yêu cầu để các đại biểu chủ động đăng ký phát biểu, thảo luận, nhất là chất vấn.

Thứ ba, trong giao ban định kỳ cần chú ý việc trao đổi kinh nghiệm tốt, cách làm hay; tăng cường học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau giữa các địa phương và giữa bản thân các vị đại biểu; chọn lọc, chuẩn bị tốt các điều kiện từ tài liệu, giảng viên, để tổ chức tốt việc tập huấn các chuyên đề có tính thiết thực cho các đại biểu.

Thứ tư, Thường trực phải chủ động chỉ đạo  để UBND và các cơ quan chuyên môn chuẩn bị sớm tài liệu các kỳ họp gửi đến các đại biểu đảm bảo thời gian; là cơ quan chuyên trách Thường trực HĐND cũng cần gợi ý các nội dung trọng tâm cần thảo luận, phân tích trong các báo cáo, đề án, tờ trình; mở rộng cung cấp thông tin cho đại biểu, trước hết là “Báo Đại biểu nhân dân” “Báo Hà Tĩnh”… để đại biểu có điều kiện tiếp cận thông tin, nâng cao trình độ.

Để nâng cao được chất lượng người đại biểu HĐND đòi hỏi nhiều giải pháp tổng thể từ bầu cử đến thể chế thực thi, điều kiện đảm bảo... nhưng trong khuôn khổ hiện tại tôi thiết nghĩ vận dụng linh hoạt các giải pháp trên phù hợp với đặc điểm, điều kiện mỗi địa phương tin tưởng chắc chắn chất lượng người đại biểu thể hiện ở chất lượng các nghị quyết, các cuộc giám sát sẽ được nâng lên.


    Ý kiến bạn đọc