Một số kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề giữa hai kỳ họp của HĐND tỉnh Quảng Trị
EmailPrintAa
17:08 26/08/2015

Xác định giám sát là một trong những chức năng quan trọng được quy định tại Luật Tổ chức HĐND và UBND; giám sát có ý nghĩa sâu sắc, vừa đáp ứng được yêu cầu bức xúc của thực tiễn, vừa đảm bảo thực hiện đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của HĐND có hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng thành công nhà nước pháp quyền XHCN.
Đồng chí Trần Đoàn - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị trình bày tham luận tại Hội nghị

Trong nhiệm kỳ này, HĐND tỉnh Quảng Trị tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề với các hình thức chủ yếu như sau:

Thứ nhất, giám sát chất vấn giữa hai kỳ họp theo hình thức nâng cao trách nhiệm giải trình đối với việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Một số vấn đề còn vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Bảo vệ, phát triển rừng và Nghị quyết HĐND tỉnh về phân ba loại rừng như cắm mốc chỉ giới, giao đất, giao rừng, cấp giấy CNQSD đất rừng, xác định giá trị vốn rừng của doanh nghiệp, thu hồi đất rừng cho thuê đến thời kỳ khai thác, tranh chấp, lấn chiếm, xen canh đất rừng. Liên quan đến những vấn đề trên ngoài doanh nghiệp và người dân còn có các chủ thể BQL rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, UBND các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước về đất, rừng.

Theo chương trình, nội dung, kế hoạch giám sát, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo xây dựng kịch bản phóng sự truyền hình từ thực trạng và những bất cập trong việc thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh về phân ba loại rừng, đến chất vấn, giải trình, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan cần phải giải quyết các hạn chế, bất cập nêu trên và 10 nội dung kết luận tại phiên chất vấn của Thường trực HĐND tỉnh. Sau khi phóng sự được phát trên sóng truyền hình của tỉnh đã thu hút sự quan tâm của khán giả xem truyền hình, Cử tri gửi kiến nghị yêu cầu được phát nhiều lần phóng sự giám sát, tính lan tỏa của phóng sự giám sát nhanh chóng truyền đến các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, công sở thôi thúc các cơ quan chức năng tích cực thực hiện lời hứa, thực hiện 10 nội dung kết luận giám sát. Phiên giám sát chất vấn giữa hai kỳ họp đã trở thành sự kiện nổi bật, góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động của HĐND tỉnh.

Giám sát chất vấn theo hình thức nâng cao trách nhiệm giải trình được thực hiện khá phổ biến tại các kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Song đối với hoạt động giám sát của HĐND thì hình thức này chỉ một vài lần được áp dụng. Tuy về hiệu quả giám sát đã giải quyết cơ bản yêu cầu đề ra, song cũng có những ý kiến trái chiều về mặt pháp lý.

Thứ hai, ban hành nghị quyết kết luận giám sát chuyên đề.

Đối với chuyên đề quản lý và sử dụng đất đai. Kết thúc đợt giám sát, Thường trực HĐND trình HĐND tại kỳ họp ban hành nghị quyết giám sát chuyên đề và yêu cầu UBND tỉnh rà soát 84 tổ chức (doanh nghiệp/dự án) sử dụng đất trong các khu công nghiệp, Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, các cụm công nghiệp và làng nghề, các doanh nghiệp được giao đất trước và sau thời điểm thực hiện Luật Đất đai năm 1999, đồng thời báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết giám sát với HĐND tại các kỳ họp sau đó. Đến nay, UBND tỉnh tổ chức rà soát 84 khu đất trong đó: Thu hồi toàn bộ diện tích của 13 khu đất: 11,27 ha; thu hồi một phần diện tích của 15 khu đất: 231,98 ha; cho phép gia hạn sử dụng đất đối với 33 khu đất. Rà soát lại quy hoạch chi tiết các Khu Du lịch, Khu Công nghiệp, Cụm Công nghiệp - làng nghề để sử dụng đất có hiệu quả; rà soát giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư của các dự án. Thực hiện đấu giá quyền thuê đất, tiền sử dụng đất để chống thất thu nghĩa vụ thuế sử dụng đất. Chỉ đạo, hướng dẫn, ký lại hợp đồng thuê đất. Rà soát và thu vào ngân sách các khoản vi phạm luật đất đai của các tổ chức được thanh tra chuyên ngành, kiểm toán nhà nước kết luận. Chỉ đạo các địa phương lập kế hoạch sử dụng đất đối với quỹ đất đã thu hồi giao quản lý; tiếp tục hoàn thành công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo xây dựng quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020 và kế hoạch sử dụng đất 2011 - 2015 của cấp tỉnh và cấp huyện. Tiếp tục làm việc với các Bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Chỉnh phủ để điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của hai đơn vị trung ương đóng trên địa bàn để thu hồi một phần đất do sử dụng đất không đúng mục đích.

Hình thức kết luận giám sát báo cáo tại kỳ họp và đưa vào nghị quyết để chỉ đạo thực hiện và kết quả thực hiện phải được báo cáo tại kỳ họp tiếp theo. Cách làm này đòi họp phải dành nhiều thời gian tại kỳ họp cho báo cáo giám sát, chất vấn theo chuyên đề. Vì vậy, trước kỳ họp, Thường trực HĐND đã đề nghị các tổ đại biểu họp tổ để thảo luận các nội dung trình tại kỳ họp. Đối với các huyện thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND thì tổ đại biểu làm việc thống nhất với cấp uỷ, UBND huyện về một số nội dung mà địa phương quan tâm hoặc kiến nghị với HĐND tỉnh và gửi văn bản về văn phòng để tổng hợp, nhờ đó đã giảm ¾ thời gian đọc báo cáo tại hội trường để dành thời gian cho giám sát, chất vấn theo chuyên đề.

Thứ ba, kết luận giám sát chuyên đề đưa vào nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội để UBND tỉnh triển khai thực hiện. Theo hình thức này, Thường trực HĐND tỉnh giám sát chuyên đề về biên chế và thực hiện các chính sách, chế độ đối với giáo viên; giám sát thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về Quy hoạch, kế hoạch phát triển thương mại - du lịch, về nông nghiệp, Chương trình xây dựng nông thôn mới và kinh tế tập thể. Đối với chuyên đề thực hiện chế độ và chính sách của giáo viên, qua giám sát, HĐND tỉnh đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Cơ sở vật chất và trang thiết bị đối với các cấp học, ngành học còn thiếu; một số chế độ hỗ trợ cho giáo viên vùng có kiều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn chưa được các cấp chính quyền và cơ quan chức năng quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Thực hiện chính sách luân chuyển giáo viên từ vùng khó về vùng thuận lợi, thực hiện tuyển dụng biên chế giáo viên còn nhiều bất cập, tình trạng thừa, thiếu giáo viên giữa các vùng, giữa các cấp học chậm được khắc phục. Tại thời điểm giám sát, toàn ngành có 989 biên chế chưa được tuyển dụng, trong khi đó các địa phương vẫn tiếp tục hợp đồng 1.923 giáo viên để giảng dạy. Việc tuyển giáo viên mầm non theo nghị quyết của HĐND tỉnh chưa kịp thời, sau khi ưu tiên tuyển số giáo viên và nhân viên đủ tiêu chuẩn và có thời gian hợp đồng đủ 3 năm trở lên, một số địa phương không thực hiện việc xét tuyển bình thường đối với các trường hợp khác mà giữ biên chế để tiếp tục chờ những người đủ 3 năm.

Những hạn chế, yếu kém trên đây được Thường trực HĐND kiến nghị với HĐND tỉnh đưa vào nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội để UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện. Đặc biệt về biên chế: Đề nghị HĐND tỉnh không giao thêm biên cho những đơn vị còn biên chế mà không tuyển dụng đủ; những nơi thừa giáo viên: Ưu tiên cho tuyển đối với những giáo viên đã hợp đồng (trong số 1.923 hợp đồng) có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của nhà nước và có thời gian hợp đồng từ đủ 3 năm trở lên để tuyển đủ 989 biên chế chưa tuyển dụng. Số hợp đồng còn lại tiếp tục đăng ký xét tuyển bình thường. Chấm dứt các hình thức hợp đồng giáo viên từ nguồn ngân sách nhà nước.

Thứ tư, hình thức giám sát của Tổ đại biểu tại đơn vị ứng cử được phát huy.

Trong số đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân gửi đến Thường trực HĐND tỉnh có một số đơn thư khiếu nại kéo dài, mang tính phổ quát hẹp, trong phạm vị một địa phương thì Thường trực HĐND tỉnh giao cho Tổ đại biểu HĐND giám sát.

Theo hình thức này Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Hướng Hoá giám sát theo đơn kiến nghị của cử tri và tập thể mặt trận khu dân cư thuộc thị trấn Lao Bảo về việc giải tỏa, thu hồi đất của hộ gia đình để xây dựng các công trình phúc lợi. Sau khi thu hồi, chính quyền huyện không xây dựng công trình phúc lợi theo quy hoạch mà giao cho doanh nghiệp thuê quyền sử dụng đất phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tổ đại biểu HĐND huyện Hướng hóa tổ chức làm việc đối thoại với cử tri, chủ các dự án, chính quyền và các tổ chức của mặt trận thị trấn để làm rõ vấn đề sau đó báo cáo kiến nghị với Thường trực HĐND tỉnh ra thông báo kết luận, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết. Trước khi diễn ra kỳ họp HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã triệu tập UBND huyện Hướng Hóa và các đơn vị liên quan làm việc và thống nhất ra quyết định thu hồi quyền sử dụng đất của doanh nghiệp, đồng thời yêu cầu UBND huyện Hướng Hoá sử dụng đất tại công viên đúng quy hoạch được phê duyệt, rút kinh nghiệm nghiêm túc trong quản lý, sử dụng đất đai.

Cũng cách làm này, Tổ đại biểu HĐND huyện Gio Linh giám sát giải quyết đơn kiến nghị làm thủ tục khám thương tật để làm chế độ thương binh gần 10 năm chưa được giải quyết. Tổ đại biểu HĐND huyện Cam Lộ giám sát giải quyết đơn tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình với các quyết định của UBND xã, UBND huyện, UBND tỉnh. Sau giám sát, đối thoại các tổ đại biểu gửi văn bản đến Thường trực HĐND tỉnh ra thông báo kết luận, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết có thời hạn, làm cho quá trình giải quyết nhanh chóng, kịp thời hơn và chấm dứt khiếu nại kéo dài.

Giám sát của Tổ đại biểu, dưới góc độ là đại diện cử tri tại địa bàn sẽ có nhiều  thuận lợi trong việc tìm hiểu, nắm bắt thông tin đa chiều, kết hợp với nghiên cứu các quy định của pháp luật và có cách giám sát phù hợp từ đó đề xuất giải quyết vừa hợp tình, vừa hợp lý, vừa phát huy được vai trò, trách nhiệm của người đại biểu dân cử với cử tri nơi mình ứng cử, đây cũng là cách làm linh hoạt, phù hợp với những địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện.

Thứ năm, phối hợp với các tổ chức phi chính phủ khảo sát ý kiến đánh giá của người dân và doanh nghiệp qua điện thoại di động về chất lượng các dịch vụ công (Viết tắt M-Score). Đây là sáng kiến chung của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị, Tổ chức Oxfam, Trung tâm Phân tích và Dự báo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Sáng kiến Việt Nam thuộc Đại học Indiana (Hoa Kỳ) và Viettel, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Sáng kiến dân chấm điểm M-score giúp lượng hóa được chất lượng của dịch vụ công, qua đó hỗ trợ việc đánh giá, so sánh chất lượng dịch vụ công được rõ ràng hơn.

Sáng kiến Dân chấm điểm M-score dự kiến được thực hiện trong 3 năm (từ năm 2014 đến năm 2016) tại Quảng Trị, trong năm đầu tiên được triển khai ở 9 Bộ phận một cửa cấp huyện đang thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đối với 7 thủ tục hành chính (Đăng ký kinh doanh, chứng thực, hộ tịch, đất đai, lao động thương binh và xã hội, xây dựng nhà ở, cấp phép đầu tư xây dựng cơ bản) và các năm tiếp theo sẽ được mở rộng sang các lĩnh vực khác như dịch vụ công trong giáo dục, y tế… sau khi kết thúc Sáng kiến có kết quả tốt, hy vọng sẽ trao đổi kinh nghiệm nhân rộng ra các địa phương khác.

Để triển khai thực hiện được sáng kiến này, bước đầu tiên là thu thập số điện thoại của người dân khi họ đến giao dịch tại Bộ phận một cửa. Khi người dân đã hoàn thành giao dịch, Viettel gọi điện và nhắn tin vào điện thoại di động của người dân để họ đánh giá chất lượng mà họ sử dụng, đánh giá về “sự hài lòng” của người dân đối với dịch vụ công. Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị sử dụng kết quả này để khuyến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã điều chỉnh, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về cải cách hành chính theo cơ chế một cửa. Kết quả được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và các cuộc họp giao ban của tỉnh.

Sáng kiến Dân chấm điểm M-score được tiến hành khảo sát từ tháng 10 năm 2014, sau 9 tháng tiến hành khảo sát, tổng đài dân chấm điểm đã tiếp cận được 6.225 người dân, chiếm 56% số người đến làm thủ tục tại Bộ phận một cửa của 9 huyện, thành phố, thị xã, trong đó số trường hợp phỏng vấn thành công là 30%, có gần 1.500 ý kiến đóng góp nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ công và ý kiến đánh giá về sáng kiến Dân chấm điểm. Theo đánh giá chung của người dân tham gia khảo sát, từ khi có sáng kiến dân chấm điểm M-score, dịch vụ tại Bộ phận một cửa đã có tiến bộ, thời gian giải quyết được rút ngắn, giảm bớt số lần đi lại của người dân từ 6,9 lần trong quý IV năm 2014 xuống 1,4 lần trong 5 tháng đầu năm 2015, tỷ lệ hồ sơ trả sớm và đúng hẹn tăng lên, đặc biệt trong tháng 4 năm 2014 tỷ lệ trả sớm hẹn đạt 60%, so với tỷ lệ 20%  của tháng 10 năm 2014, tinh thần, thái độ làm việc của công chức Bộ phận một cửa đã cải thiện hơn trước, chất lượng và tinh thần của cán bộ, công chức trong việc ghi chép sổ sách và cập nhật thông tin kịp thời, chính xác hơn.

Như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn Sáng kiến Dân chấm điểm M-score đã có tác động tích cực đáng ghi nhân, đó là, đã thu hút được sự quan tâm của người dân và tạo được sự kỳ vọng trong dân đối với vai trò của Sáng kiến trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ công ở địa phương. Sáng kiến Dân chấm điểm M-score đã trở thành một nhân tố thúc đẩy cho những thay đổi tích cực trong thời gian qua về nhân sự, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan chuyên môn, thúc đẩy ban hành quy chế tổ chức và hoạt động ở Bộ phận một cửa của một số huyện, thành phố, thị xã. Đồng thời Sáng kiến đã hỗ trợ việc giám sát của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị trong việc thực hiện công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, giúp các cơ quan chính quyền thấy được tính cần thiết của việc hiện đại hóa Bộ phận một cửa trong tình hình hiện nay.

Cũng một dự án phi chính phủ khác với tên gọi Dự án “Thúc đẩy công khai, minh bạch và sự tham gia của người dân vào quản lý ngân sách nhà nước” (Viết tắt BTAP) do Liên minh Châu Âu (EU) và Oxfam tài trợ. Các đơn vị thực hiện bao gồm: Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI); Trung tâm Trung tâm nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM); Trung tâm hành động Phát triển vì Cộng đồng (ACDC); Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị và Hội Liên Hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị. Thời gian triển khai: 3 năm (2015-2018).

  Mục tiêu tổng thể của dự án là góp phần gia tăng tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân vào quản lý ngân sách nhà nước (BTAP). Với mục tiêu này, trước tiên chúng tôi triển khai Dự án bằng cách hội thảo với chuyên gia và các cơ quan chức năng xây dựng bộ tiêu chí chấm điểm trọng số mức độ ưu tiên các dự án đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020. Bộ tiêu chí này được tổ chức hội thảo, sau đó trình Thường trực HĐND thống nhất để triển khai thực hiện ở 03 cấp độc lập xã, huyện, tỉnh trên 04 nội dung với tổng số điểm là 100, trong đó cấp tỉnh: Mức độ phù hợp của công trình, dự án và khả năng thực thi 40 điểm; bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế cân đối với mục tiêu an sinh xã hội và bền vững môi trường 30 điểm; tỷ lệ dân cư được hưởng lợi và sự đồng thuận của các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng xấu của công trình, dự án 20 điểm; bảo đảm công bằng trong thụ hưởng kết quả của công trình, dự án đối với các nhóm yếu thế trong xã hội 10 điểm.

  Về cách làm, chúng tôi có thể trưng cầu ý kiến cho điểm ưu tiên đối với các công trình, dự án đầu tư công của các tổ chức bao gồm Ủy ban nhân dân cấp huyện, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp, các tổ chức xã hội có ảnh hưởng tại địa phương, Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật… Kết quả cho điểm sẽ được thống kê và chuyển cho Hội đồng nhân dân các cấp như một thông tin để tham khảo. Đồng thời là một kênh thông tin để Ban Kinh tế Ngân sách thẩm tra, trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định đầu tư công tại địa phương (đối với công trình do HĐND tỉnh quyết định).

  Thực hiện Dự án “Thúc đẩy công khai, minh bạch và sự tham gia của người dân vào quản lý ngân sách nhà nước” giúp Hội đồng Nhân dân từ cấp xã đến tỉnh hoạt động hiệu quả hơn trong vai trò giám sát các quá trình ngân sách, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân; tạo không gian cho các tổ chức đoàn thể xã hội, các tổ chức cộng đồng tham gia một cách thiết thực vào quá trình xây dựng ngân sách nhà nước và giám sát ngân sách Nhà nước trên địa bàn.

Về kiến nghị, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị kiến nghị với Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chính quyền địa phương để các tỉnh chủ động triển khai thực hiện.


    Ý kiến bạn đọc