Nâng cao hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri của Đại biểu HĐND tỉnh
EmailPrintAa
15:14 19/01/2015

Bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y – Phó chủ tịch HĐND tỉnh tại Hội nghị giao ban các tỉnh Bắc Trung bộ lần thứ 8

Đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y - Phó chủ tịch HĐND tỉnh trình bày tham luận tại hội nghị

Tiếp xúc cử tri (TXCT) là một trong những hình thức hoạt động rất quan trọng của người đại biểu HĐND, là cầu nối giữa đại biểu HĐND với cử tri và cơ quan nhà nước. Thông qua hoạt động TXCT, cử tri trình bày tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình, kiến nghị với Đảng, Nhà nước những vấn đề bức xúc diễn ra ở từng địa phương, đơn vị. Qua TXCT, đại biểu HĐND báo cáo kết quả hoạt động của mình, tình hình kinh tế, xã hội của địa phương cũng như các vấn đề mà cử tri quan tâm … Điều 39, Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 quy định: “Đại biểu HĐND phải liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri...”.

      Về bản chất, việc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND đặt ra hai vấn đề:

      Thứ nhất: Cử tri chủ động trực tiếp chuẩn bị những kiến nghị đề xuất của mình phản ánh tới đại biểu HĐND, đại biểu HĐND lắng nghe những ý kiến, kiến nghị phản ánh của cử tri và tổng hợp, tiếp thu có chọn lọc những ý kiến đó.

       Thứ hai: Đại biểu HĐND chủ động chuẩn bị những nội dung cần tiếp xúc để tiếp xúc với cử tri, cử tri nghe người đại biểu của mình báo cáo.

      Hai vấn đề trên liên quan chặt chẽ với nhau thể hiện mối quan hệ giữa đại biểu HĐND với cử tri. Đồng thời, nó cũng thể hiện rõ quan hệ giám sát giữa người đại biểu HĐND với cử tri . Đại biểu HĐND là chiếc cầu nối giữa cử tri với cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác tiếp xúc cử tri, trong những năm qua HĐND tỉnh Hà Tĩnh luôn xem đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của đại biểu HĐND, hoạt động tiếp xúc cử tri được thực hiện nghiêm túc, ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri được tiếp thu nghiêm túc, tổng hợp và chuyển tới cấp có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết. Từ đầu nhiệm kỳ 2011 - 2016 đến nay, HĐND tỉnh đã có nhiều nỗ lực, chủ động đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh, nhất là việc đổi mới trong tiếp xúc cử tri. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 38/2012/HĐND ngày 24/8/2012 về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động kỳ họp của HĐND tỉnh; Hướng dẫn số 204/HD-HĐND ngày 28/5/2013 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về việc đổi mới và nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh. Tại kỳ họp cuối năm 2014, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND các cấp tỉnh Hà Tĩnh, trong đó giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri là một trong những nội dung quan trọng nghị quyết đặt ra.

Chính vì vậy, thời gian qua hoạt động tiếp xúc cử tri được thực hiện thường xuyên, kịp thời trước và sau các kỳ họp thường lệ hàng năm. Sự phối hợp giữa các tổ đại biểu và các đại biểu với UBMTTQVN các cấp và chính quyền địa phương trong hoạt động tiếp xúc cử tri ngày càng chặt chẽ, phương thức tiến hành ngày được cải tiến khoa học và hiệu quả hơn. Đa số ý kiến, kiến nghị của cử tri được các cơ quan chức năng và đại biểu đối thoại, giải trình đầy đủ, có phương hướng giải quyết cụ thể tại hội nghị TXCT, số còn lại được tiếp thu tổng hợp kịp thời, đầy đủ và báo cáo tại kỳ họp HĐND. Sau hội nghị TXCT các tổ đại biểu HĐND tỉnh đã tổ chức làm việc với lãnh đạo huyện để nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, an ninh-quốc phòng của địa phương và thống nhất thông qua ý kiến, kiến nghị của cử tri, lựa chọn nội dung chất vấn gửi đến kỳ họp.

Bên cạnh việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp theo luật định, HĐND tỉnh đã tổ chức được 15 cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề để tham vấn ý kiến nhân dân về các đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp. Một số đại biểu HĐND cũng chủ động tiếp xúc cử tri bằng cách gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với cử tri ở nơi công tác, nơi cư trú, nơi làm việc... qua đó tổng hợp, kiến nghị với HĐND và các cơ quan chức năng có thẩm quyền để giải quyết. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức TXCT 239 cuộc ở 12 huyện, thị xã, thành phố, với trên 17.600 lượt cử tri tham gia, tập hợp trên 162 nhóm ý kiến, kiến nghị của cử tri. Việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri được báo cáo đầy đủ tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, đồng thời được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh để cử tri nghiên cứu, nắm bắt... Nhìn chung hoạt động TXCT được cử tri và các cấp, các ngành đánh giá cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động TXCT của đại biểu HĐND tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn một số hạn chế, như:

- Hình thức tổ chức TXCT chưa phong phú, đa dạng, chủ yếu chỉ mới tổ chức TXCT định kỳ theo tổ đại biểu trước và sau kỳ họp; tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri chủ yếu là ”đại cử tri” (cán bộ lãnh đạo UBND, các tổ chức đoàn thể cấp xã).

Tổ chức TXCT để báo cáo kết quả sau kỳ họp nhìn còn hình thức, chủ yếu là dự và báo cáo kết quả tại kỳ họp HĐND cấp huyện. Nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn cử tri đã nắm được thông tin về kết quả kỳ họp thông qua theo dõi báo chí, phát thanh, truyền hình nên nhu cầu của việc tiếp xúc để nghe báo cáo kết quả kỳ họp không cao, cử tri ít mặn mà.

- Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, các ý kiến đóng góp vào chương trình nghị sự của kỳ họp HĐND tỉnh còn ít, mà chủ yếu nêu ý kiến, kiến nghị mang tính cục bộ địa phương, đơn vị, hoặc những vấn đề thuộc đời sống, sinh hoạt hàng ngày. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do các tổ đại biểu chưa tổ chức TXCT theo chuyên đề (TXCT chuyên đề đang chủ yếu do Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh tổ chức), vì vậy chưa thể hướng các ý kiến, kiến nghị vào những vấn đề trọng tâm theo chủ định.

- Việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri ở một số lĩnh vực chưa được quan tâm đúng mức, thiếu kịp thời. Một số ý kiến được UBND giao cho các cơ quan, đơn vị giải quyết chưa thực sự khách quan; công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc UBND, các ngành, địa phương, đơn vị giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri chưa thường xuyên. Việc tổ chức các hoạt động giám sát trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa được nhiều. Bên cạnh việc văn bản quy phạm pháp luật chưa có chế tài cụ thể đối với trách nhiệm các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri thì Thường trực HĐND và các đại biểu HĐND tỉnh cũng chưa có các giải pháp để các ý kiến trả lời của cơ quan chức năng đảm bảo chất lượng, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri....

Từ thực tiễn hoạt động TXCT thời gian qua, để khắc phục những hạn chế, bất cập và nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác tiếp xúc cử tri trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:

  Thứ nhất, cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu HĐND tỉnh. Tổ chức tập huấn về kỹ năng tiếp xúc cử tri cho đại biểu HĐND như: kỹ năng chuẩn bị báo cáo, kỹ năng thuyết trình, lắng nghe, kỹ năng tổng hợp giải trình, tiếp thu... để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đại biểu dân cử.

Thứ hai, thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri của đại biểu và các tổ đại biểu HĐND. Thường trực HĐND phối hợp tốt với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri cho đại biểu HĐND thật sự khoa học, bám sát các yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả tiếp xúc cử tri. Nâng cao ý thức và trách nhiệm của các cơ quan có nhiệm vụ tổ chức và phối hợp tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri, trong đó chú trọng vai trò tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan cấp tỉnh, huyện và cơ sở để thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp thu và giải trình các nội dung liên quan tới địa phương.

Thứ ba, mở rộng các hình thức TXCT phù hợp, bảo đảm để đại biểu HĐND tiếp xúc với cử tri ở đơn vị bầu cử, nơi cư trú, nơi công tác; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu HĐND quan tâm. Đại biểu HĐND dành thời gian tiếp xúc, thâm nhập đời sống nhân dân, nắm bắt, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri ở địa bàn ứng cử. Ngoài việc tiếp xúc cử tri theo kế hoạch của HĐND, đại biểu cần chủ động tiếp xúc, giữ mối liên hệ với cử tri bằng các hình thức khác theo hướng đối thoại trực tiếp với nhân dân.

Thứ tư, tăng thời gian, số điểm tiếp xúc cử tri, mở rộng tiếp xúc cử tri về tận thôn xóm, hạn chế thủ tục hành chính, tiếp xúc “đại cử tri”. Bố trí hợp lý thành phần chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri.

Thứ năm, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị các báo cáo trước cử tri. Nội dung báo cáo trước cử tri phải được các đại biểu HĐND chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng; báo cáo với cử tri những nội dung cụ thể mà kỳ họp sẽ quyết định; khắc phục tình trạng báo cáo chung chung, không định hướng, gợi mở được những vấn đề cần cử tri phát biểu. Sau hội nghị tiếp xúc cử tri, các tổ đại biểu HĐND tổ chức làm việc với lãnh đạo địa phương để thống nhất các nội dung về ý kiến, kiến nghị của cử tri và lựa chọn nội dung chất vấn gửi đến Kỳ họp.  

Trong thời gian diễn ra Kỳ họp, tổ chức tốt việc trực và tiếp nhận thông tin của cử tri thông qua đường dây nóng để thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp.

 Thứ sáu, nâng cao chất lượng công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Thực hiện nghiêm túc việc trả lời và thực hiện nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Hơn nữa, không chỉ “ghi nhận” và chuyển kiến nghị tới các cơ quan hữu quan, đại biểu phải đeo bám, giám sát để đôn đốc cho đến khi vấn đề được giải quyết thỏa đáng để trả lời cử tri trong những cuộc tiếp xúc sau; vấn đề nào đòi hỏi thời gian hoặc chưa có điều kiện giải quyết, cần giải thích rõ, không từ chối, né tránh. Đây là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động TXCT.

 


    Ý kiến bạn đọc