Tăng cường giám sát, tái giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri
EmailPrintAa
15:49 13/02/2014

Để các ý kiến, kiến nghị của cử tri được giải quyết thấu đáo, lời hứa sau chất vấn không phải là hứa suông, HĐND cần tăng cường giám sát, đôn đốc việc thực hiện của ngành hữu quan. Khi cần thiết, HĐND nên ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn để buộc các sở, ngành thực hiện lời hứa.

Tiếp thu và giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri là trách nhiệm, là thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc này, HĐND tỉnh Lâm Đồng đã chú trọng đôn đốc việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, bảo đảm trách nhiệm, đúng pháp luật. Ngoài nhắc nhở, yêu cầu UBND các cấp và các ngành chức năng liên quan giải quyết những kiến nghị chính đáng của cử tri, Thường trực HĐND tỉnh đã giám sát việc tiếp thu, giải quyết kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh trên 3 lĩnh vực liên quan: bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với một số công trình, dự án; bảo vệ môi trường, xử lý cơ sở gây ô nhiễm và về chế độ phụ cấp cho cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn. Đây là những vấn đề nổi cộm, bức xúc của đại bộ phận cử tri đã được phản ánh nhiều lần tại các cuộc TXCT của đại biểu HĐND tỉnh.

Kết quả giám sát cho thấy: công tác tiếp thu, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa trở thành nhiệm vụ được theo dõi, chỉ đạo thường xuyên của UBND tỉnh. Một số kiến nghị chỉ mới dừng lại ở báo cáo tiếp thu, giải trình của UBND tỉnh tại các kỳ họp HĐND tỉnh mà không được triển khai thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng kiến nghị bức xúc của cử tri chưa được giải quyết kịp thời, giải quyết chưa đến nơi, đến chốn hoặc trả lời còn chung chung, chưa đi thẳng vào vấn đề, chưa rõ trách nhiệm, giải pháp, thời hạn giải quyết, có vụ việc giải quyết chưa thật thấu tình, đạt lý. Bên cạnh đó, cũng còn một số kiến nghị chưa được phản hồi nên chưa nhận được sự đồng tình của cử tri, ảnh hưởng đến việc vận động nhân dân thực hiện các nghị quyết của Đảng và quyết định của chính quyền trên một số lĩnh vực KT - XH.

Đối với việc thực hiện lời hứa sau chất vấn của UBND và các sở, ngành chức năng, hiện chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm thực hiện lời hứa của đại diện ngành hữu quan; chưa có chế tài xử phạt đối với công chức, những người giữ chức vụ quan trọng trong hệ thống cơ quan nhà nước hứa một đằng làm một nẻo, hoặc hứa rồi để đấy. Do vậy, kết quả thực hiện lời hứa sau các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, chưa tạo được sự chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội…

Qua giám sát, các kiến nghị của Thường trực HĐND tỉnh đã được UBND tỉnh tiếp thu, chỉ đạo giải quyết kịp thời, đặc biệt là việc xử lý các đơn vị, tổ chức sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường đã được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đồng thời, thông qua giám sát đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cơ quan chức năng liên quan trong công tác tiếp thu, giải quyết các ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri.  Tuy nhiên, thực tế nhiều kiến nghị, bức xúc của cử tri liên quan đến việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách chung của tỉnh và của Trung ương về phát triển KT - XH, như việc bồi thường giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất để triển khai các công trình, dự án; việc thực hiện các chế độ, chính sách cho các đối tượng thụ hưởng; về quy hoạch và thực hiện quy hoạch phát triển đô thị… Những nội dung thuộc thẩm quyền, HĐND tỉnh tổ chức giám sát để cùng với cơ quan hữu quan tháo gỡ, điều chỉnh. Những nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cấp, nhiều ngành, của các cơ quan Trung ương, HĐND tỉnh chỉ có thể kiến nghị và bày tỏ quan điểm để Trung ương cho ý kiến, tháo gỡ.

Từ thực tế hoạt động, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, lời hứa sau chất vấn. Đó là: Thường trực HĐND cần thường xuyên chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh theo dõi, đôn đốc, cập nhật đầy đủ việc giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri; kết quả thực hiện lời hứa sau chất vấn của UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn để tổng hợp báo cáo Thường trực HĐND tỉnh kết quả giải quyết. Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND tỉnh có văn bản đôn đốc, nhắc nhở đối với những nội dung chưa được giải quyết, giải quyết chưa đạt yêu cầu, hoặc chuyển thành nội dung chất vấn tại kỳ họp để làm rõ và tiếp tục đôn đốc việc thực hiện. Đối với những vấn đề cử tri phản ánh, kiến nghị nhiều lần chưa được giải quyết, Thường trực HĐND tổ chức giám sát hoặc giao cho các ban HĐND tỉnh giám sát, làm rõ các vướng mắc để có biện pháp pháp gỡ, không để tồn đọng kéo dài, báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

Thường trực, các ban, đại biểu HĐND tăng cường tái giám sát, những kiến nghị đã được trả lời cần kiểm tra lại nội dung đã đúng và rõ chưa, nếu chưa thì tiếp tục đề nghị bổ sung cho đầy đủ; từng bước thực hiện công khai, minh bạch việc giải quyết các kiến nghị của cử tri bằng văn bản trả lời và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo điều kiện để nhân dân theo dõi, giám sát.

Sau mỗi kỳ họp, HĐND cần ban hành nghị quyết về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn hoặc kết luận phiên chất vấn; đồng thời công bố công khai trên trang thông tin điện tử của HĐND tỉnh và tại các buổi TXCT để Thường trực, các ban, đại biểu HĐND và cử tri theo dõi, hoặc tổ chức giám sát khi cần thiết, trên cơ sở đó đánh giá việc thực hiện lời hứa của đại diện ngành hữu quan. Đây cũng là cách xem xét uy tín của lãnh đạo UBND và các sở ngành, nếu họ không thực hiện được lời hứa với cử tri, uy tín đó sẽ bị ảnh hưởng… và nếu liên tục bị tín nhiệm thấp sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết của 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đó là chế tài nghiêm khắc cho việc không nghiêm túc thực hiện lời hứa.

Và để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, Quốc hội cần sớm ban hành Luật Giám sát của HĐND các cấp, trong đó quy định các biện pháp chế tài đầy đủ, rõ ràng khi các cơ quan chức năng không hoặc chậm thực hiện kiến nghị của HĐND. Chỉ khi có công cụ pháp lý rõ ràng, vai trò giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương mới thực sự được phát huy.

 


    Ý kiến bạn đọc