Thảo luận sôi nổi tại tổ và ở hội trường về các báo cáo, tờ trình, đề án trình ra kỳ họp
EmailPrintAa
07:53 19/12/2013

Bước sang ngày làm việc thứ hai, ngày 17/12, các đại biểu HĐND tỉnh đã tiến hành thảo luận tại tổ và hội trường về tình hình phát triển KT-XH năm 2013, nhiệm vụ năm 2014, các tờ trình, đề án của UBND tỉnh. Qua thảo luận, các ý kiến đều đánh giá cao kết quả thực hiện các nhiệm vụ năm 2013; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến đề việc thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ năm 2014 đạt được kế hoạch đã đề ra.

Với sự tham gia của 47 vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và 116 vị khách mời; đã có 41 ý kiến phát biểu trực tiếp và 160 ý kiến gửi lại bằng văn bản. Về cơ bản các ý kiến bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với các nội dung báo cáo của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân tỉnh và các ngành liên quan. Tán thành với các tờ trình, đề án của UBND tỉnh và dự thảo Nghị quyết dự kiến thông qua tại kỳ họp lần này. Nhiều ý kiến đánh giá cao chất lượng các báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh. Tại buổi thảo luận ở tổ và hội trường các đại biểu đã tập trung vào các nhóm vấn đề:

Đại biểu Hà Văn Thạch phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Về đánh giá tình hình, kết quả đạt được các ý kiến cho rằng UBND tỉnh cần làm rõ thêm một số vấn đề như: cần đánh giá sâu và cụ thể hơn về quản lý nhà nước trên các lĩnh vực: XDCB, xử lý sai phạm đất đai, công tác quy hoạch. Ngoài ra, đề nghị UBND tỉnh cần báo cáo đánh giá bổ sung trên lĩnh vực diêm nghiệp, công tác đối ngoại, thông tin, báo chí; đánh giá sâu hơn nữa về quy hoạch, nhất là quy hoạch của các địa phương; lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội cần báo cáo rõ một số số liệu về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường.

Đại biểu Đoàn Đình Anh

Về những tồn tại, hạn chế đã nêu trong báo cáo của UBND tỉnh, các đại biểu đã phân tích và đóng góp nhiều ý kiến, tập trung vào những lĩnh vực như:

          Trên lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp - nông thôn: Kinh tế tăng trưởng chưa đồng đều trên các khu vực, chủ yếu tập trung ở khu vực đầu tư phát triển; Sản xuất nông nghiệp mở rộng quy mô, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích nhưng đa số vẫn là sản xuất nhỏ lẻ. Tình trạng một bộ phận nông dân bỏ ruộng, bỏ mùa vụ sản xuất nhưng chưa có đánh giá xác đáng và giải pháp hiệu quả; Vấn đề chất lượng giống, vốn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn do giá cả đầu vào cao trong khi đầu ra còn thấp, thị trường không ổn định; cần có chính sách hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình; Việc phát triển công nghệ chế biến nông lâm thủy sản còn chậm; Các đề án của tỉnh triển khai thiếu hướng dẫn và hiệu quả còn thấp; đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp còn hạn chế, chưa tạo được sức hút đối với các nhà đầu tư; chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế; chưa thường xuyên kiểm tra, rà soát việc thực hiện các dự án theo giấy chứng nhận đầu tư; chưa có biện pháp xử lý dứt điểm các dự án chậm triển khai.

         

Đại biểu Nguyễn Trí Lạc

Trên lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường, Khoa học - Công nghệ: việc giao đất cho các nhà đầu tư, một số dự án bị sử dụng sai mục đích, thậm chí đã phân lô bán nền trái quy định làm thất thu ngân sách và gây bức xúc cho người dân; việc triển khai thực hiện đề án quản lý chất thải rắn theo NQ 132 còn chậm, hiệu quả còn hạn chế; Rác thải, nước thải và ô nhiễm môi trường chưa được xử lý tốt tại một số địa phương, khu kinh tế và thành phố Hà Tĩnh.

          Trên lĩnh vực Văn hóa - Xã hội: Quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao còn chưa tốt, các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở nơi dân cư, xây dựng gia đình văn hóa còn hinhg thức; việc tổ chức các sự  kiện văn hóa, lễ hội, công tác đầu tư thu hút du lịch chưa được quan tâm đúng mức; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát thường xuyên; Việc thực hiện chính sách đối với người có công còn nhiều hạn chế, thiếu sót; công tác giải quyết việc làm nhất là trên lĩnh vực công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ còn chậm.

          Trên lĩnh vực Quốc phòng - an ninh, xây dựng chính quyền: các sai phạm trong quản lý đầu tư

Ông Nguyễn Đức Tới,Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy QS Tỉnh

XDCB, đất đai, y dược tư nhân, ngân sách nhà nước, tài chính công chậm được khắc phục; ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện các văn bản quản lý nhà nước của các doanh nghiệp, đơn vị và một bộ phận người dân còn hạn chế; tệ nạn xã hội gia tăng, nhất là tệ đánh bạc nhưng biện pháp xử lý chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe; công tác cải cách hành chính kết quả còn hạn chế; tỷ lệ cán bộ công chức xã chưa đạt chuẩn còn nhiều; chưa chỉ đạo quyết liệt trong mở rộng địa giới hành chính thị xã Hồng Lĩnh; việc khiếu kiện đông người liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng dự án mở rộng QL 1A, 8A gây mất ổn định tình hình an ninh chính trị.

          Về các chỉ tiêu cụ thể năm 2014, các đại biểu cho rằng: năm 2014 việc đặt chỉ tiêu 13 xã về đích nông thôn mới là quá cao, trong đó cần đặc biệt cân nhắc đối với các huyện miền núi có xuất phát điểm thấp như Vũ Quang, Hương Sơn sẽ gặp nhiều khó khăn nếu đặt chỉ tiêu 01 xã về đích. Việc đánh giá thực chất, không gò ép các chỉ tiêu về đích nông thôn mới cần thực chất. Những xã về đích nông thôn mới cần khống chế chỉ tiêu nợ ngân sách; tính toán lại chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 23% có phù hợp với thực tế hay không ?

          Các đại biểu cũng đã tập trung phân tích thêm về các giải pháp để thực hiện năm 2014 như: Tiếp tục bổ sung các chính sách, cơ chế đầu tư cho phát triển nông nghiệp - nông thôn - nông dân và chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, nhất là hỗ trợ đầu tư hạ tầng cơ sở giao thông nông thôn và thủy lợi nội đồng, trong đó chú trọng quan tâm đầu tư cho nhóm xã chuẩn bị về đích và nhóm các xã  khó khăn; nêu danh sách cụ thể các xã đặt mục tiêu về đích năm 2014; cần điều chỉnh cơ chế hỗ trợ xi măng cho giao thông nông thôn và thủy lợi nội đồng một cách phù hợp vì cơ chế như hiện nay là khó thực hiện; đề nghị tập trung cao hơn khai thác thế mạnh của các vùng trung du miền núi vùng biển, quản lý và sử dụng có hiệu quả tài nguyên rừng và đất rừng; chú trọng hơn việc đầu tư đội tàu đánh bắt xa bờ khai thác và chế biên hải sản; có các giải pháp đồng bộ triển khai thực hiện đề án chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm chủ yếu của ngành nông nghiệp làm tăng chuỗi giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người nông dân; cần có giải pháp cụ thể hơn cho 3 đột phá chiến lược đã được tỉnh xác định, đặc biệt đối với tỉnh ta là đầu tư xây dựng hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực...

         

Đại biểu Nguyễn Thị Hà Dương

Các đại biểu đã có nhiều ý kiến thảo luận về các dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh trình tại kỳ họp, đa số đại biểu nhất trí với việc đánh giá kết quả thu, chi ngân sách; bố trí vốn đầu tư phát triển năm 2013 và dự thảo Nghị quyết về phân bổ dự toán thu, chi ngân sách và bố trí vốn đầu tư phát triển năm 2014 và đóng góp thêm về phần hạn chế, tồn tại như: Nhiều bất cập nảy sinh trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ xi măng giao thông nông thôn thủy lợi nội đồng. Việc giải ngân đạt thấp do các địa phương không cân đối được ngân sách; Tiến độ các dự án, công trình còn chậm gây lãng phí và thất thoát ngân sách nhà nước; đầu tư còn dàn trải, chất lượng công trình chưa được quan tâm đúng mức, còn thất thoát trong đầu tư XDCB; công tác quyết toán vốn đầu tư còn chậm; cần rà soát lại chính sách trừ tiết kiệm trong công tác đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu theo đúng quy định…

          

Chủ tọa kỳ họp

Về tờ trình và dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung một số phí, lệ phí, đa số ý kiến nhất trí với Tờ trình và dự thảo Nghị quyết, một số ý kiến bổ sung như:

Đối với bổ sung thu phí tham quan Ngã ba Đồng Lộc, nhiều ý kiến cho rằng không nên thu phí tham quan tại di tích Ngã ba Đồng Lộc. Thay vào đó nên cho phát triển một số hoạt động du lịch khác để thu phí nhằm bù đắp các chi phí hoạt động của Ban Quản lý di tích và kinh phí trùng tu xây dựng công trình. Đối với phí trông giữ phương tiện tại di tích này cần phải lựa chọn thời điểm thích hợp sau khi đầu tư đầy đủ hạ tầng liên quan. Trước mắt, tập trung kiện toàn, củng cố Ban quản lý khu di tích theo hướng nâng cao chất lượng hoạt động du lịch dịch vụ (tránh phục vụ bao cấp như hiện nay), sau đó mới quy định thu phí. Cần nghiên cứu kỹ, tham khảo thêm ý kiến của Ban Bí thư Trung ương Đoàn trước khi quyết định; Về tỉ lệ điều tiết nên để lại 90% cho đơn vị thu, 10% dành cho ngân sách huyện chứ không điều tiết về ngân sách tỉnh như trong Tờ trình và dự thảo Nghị quyết; Có ý kiến đề nghị HĐND tỉnh xem xét, đồng ý thu phí tham quan và để lại một phần cho Ban quản lý Khu di tích để trang trải các chi phí phục vụ hoạt động. Đồng thời giao UBND tỉnh xây dựng lộ trình cụ thể để tổ chức thu vào thời điểm cụ thể, phù hợp nhất.

          Đề nghị tỉnh quan tâm và ban hành quy định hướng dẫn quản lý tiền công đức ở các đền chùa và tiền giữ xe ở các điểm công cộng; xem lại tính khả thi của việc ban hành quy định thu phí đỗ xe đối với một số tuyến đường trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh; Quy định mức thu đối với phí xử lý nước thải sinh hoạt là quá cao, chỉ nên thu 2000 đồng/m3; sớm ban hành quy định các loại phí liên quan đến bảo vệ môi trường và xử lý rác thải

                   Về Đề án và dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung phân vùng thăm dò khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2015, một số ý kiến bổ sung như sau: đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ban KTNS đã chỉ rõ những nội dung  cần cân nhắc trong quy hoạch các mỏ khoáng sản. Việc bổ sung Quy hoạch điều chỉnh phải bám sát Quy hoạch phân vùng, tránh làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, đời sống dân cư, hạ tầng nông thôn và các di tích lịch sử; Việc cấp mỏ khai thác đá tại núi Nam Giới là không hợp lý, vừa ảnh hưởng đến quần thể di tích danh thắng Quỳnh Viên Đền Chiêu Trưng Vương Lê Khôi, vừa ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và du lịch biển; Không mở rộng thêm quy hoạch khai thác đất, đá trong Khu kinh tế Vũng Áng mà chỉ giữ nguyên số đã cấp và khảo sát là 401,3 ha (Đã cấp 41 mỏ với 260,3 ha, đã khảo sát 141 ha). Đưa ra khỏi quy hoạch 134,7 ha tại 5 xã tái định cư KKT Vũng Áng; Thu hồi các điểm mỏ khai thác vật liệu xây dựng đã được cấp phép nhưng thuộc danh mục đưa ra khỏi Quy hoạch. Rà soát thêm các mỏ đá, đất ở ven núi Hồng Lĩnh để xây dựng lộ trình tiến tới đóng các mỏ này. Trước mắt cần đóng triệt để các mỏ ở sát những di tích đã được xếp hạng; Cần đánh giá sâu hơn công tác quản lý thực hiện và chấp hành quy hoạch của chính quyền cơ sở. Chấn chỉnh tình trạng cấp phép tràn lan không kiểm soát khai thác mà không cấp nào chịu trách nhiệm; Tính toán, khảo sát trữ lượng cát trên các tuyến sông (Sông Ngàn Sâu, Sông La, Sông Lam) để bổ sung điểm quy hoạch khai thác cát phục vụ xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

          Các đại biểu cũng đã đóng góp ý kiến về các đề án, tờ trình do UBND tỉnh trình; các Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết chuyên đề và giám sát chuyên đề năm 2014 của HĐND tỉnh; Các báo cáo khác của UBND tỉnh; Các báo cáo của HĐND tỉnh; Báo cáo của VKSND, TAND tỉnh, Cục Thi hành án Dân sự năm 2013, nhiệm vụ năm 2014.

Thay mặt chủ tọa kỳ họp, đồng chí Thiều Đình Duy- Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh xin tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu và giải trình thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm.


    Ý kiến bạn đọc