Thảo luận tại hội trường: Nhiều giải pháp cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2019
EmailPrintAa
18:52 15/07/2019

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 10, chiều 15/7, dưới sự điều hành của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Nguyễn Thị Nữ Y, Trương Thanh Huyền, Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa XVII đã nghe báo cáo trả lời ý kiến của cử tri; tổng hợp ý kiến thảo luận tại Tổ và tiến hành phiên thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2019; cho ý kiến vào các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết.

Phát biểu đặt vấn đề tại phiên thảo luận tại hội trường, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y đề nghị các vị đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Nhân dân và cử tri tỉnh nhà, phát huy dân chủ, trí tuệ, tập trung nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, đi sâu vào những vấn đề trọng tâm, nhất là đánh giá khách quan những kết quả đạt được, chỉ ra hạn chế, tồn tại, nguyên nhân; phân tích tính khả thi các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, đảm bảo các nghị quyết được thông qua đi vào cuộc sống ngay sau khi ban hành.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y đặt vấn đề phát biểu tại hội trường

Khẳng định những Nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp này sẽ tạo tiền đề quan trọng giúp các địa phương, trong đó có thành phố Hà Tĩnh phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo, song đại biểu Trịnh Văn Ngọc, Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu trên địa bàn thành phố vẫn tỏ ra băn khoăn khi du lịch, dịch vụ chưa phát triển tương xứng với tiềm năng; tiến độ huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt thấp so với kế hoạch; tiến độ một số dự án theo cam kết của các nhà đầu tư chậm thực hiện như Dự án khu du lịch Xuân Giang 2, dự án Bắc Thiên Cầm, dự án Nam Cầu Phủ, dự án Khu công viên Trung tâm thành phố…; chất lượng doanh nghiệp chưa có nhiều cải thiện, số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng kinh doanh và không phát sinh thuế lớn; nhiều dự án được cấp GCN đầu tư, giao đất trong thời gian dài thực hiện không hiệu quả; việc giải quyết TTHC về chuyền nhượng, cấp đổi chậm; một số vướng mắc liên quan đến quản lý, xử lý tài sản xông chưa và chậm tháo gỡ…

Đại biểu Trinh Văn Ngọc, Tổ đại biểu thành phố Hà Tĩnh phát biểu

Liên quan đến lĩnh vực kinh tế: đại biểu Trịnh Văn Ngọc (tổ đại biểu thành phố Hà Tĩnh) đề nghị tiếp tục quan tâm, cụ thể hóa các chính sách để thu hút các nhà đầu tư sớm triển khai các dự án: Đô thị Hàm Nghi, Đô thị Đại học Hà Tĩnh; Khu công viên Trung tâm thành phố Hà Tĩnh. Quan tâm lấp đầy các khu, cụm công nghiệp gắn với đầu tư khu xử lý nước thải tập trung. Rà soát đánh giá hiệu quả sử dụng đất của các cụm công nghiệp trên địa bàn gắn với phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương. Đẩy mạnh, khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn.

Về vấn đề này, đại biểu Trần Hậu Tám (tổ đại biểu huyện Thạch Hà) đề nghị tiếp tục rà soát, cân đối, ưu tiên nguồn lực để thanh toán nợ xây dựng cơ bản, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư công. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ giao đất thông qua đấu thầu cho các dự án. Có giải pháp hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng thực hiện thu hồi đất xây dựng các khu đô thị. Kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất đối với các dự án thực hiện kém hiệu quả hoặc không triển khai thực hiện.

Đề cập đến lĩnh vực văn hóa - xã hội, đại biểu Bùi Nhân Sâm (tổ đại biểu huyện Can Lộc) đề nghị tập trung chỉ đạo giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, đảm bảo tỷ lệ giáo viên theo quy định để thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học. Đối với bậc học Mầm non đề nghị giao kế hoạch phát triển nhóm lớp phù hợp số lượng biên chế giáo viên theo định mức được quy định; thực hiện phân luồng học sinh với tỷ lệ theo Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Hướng dẫn việc thực hiện Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tài trợ xây dựng cơ sở vật chất trong trường học. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 94/2018/NQ-HĐND về sắp xếp tổ chức bộ máy y tế; tăng cường chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cấp xã.

Liên quan đến các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp, bên cạnh cơ bản đồng tình, các đại biểu cũng đã phân tích, mổ xẻ nhiều vấn đề bất cập, khó khăn khi được ban hành và thực hiện trong thực tiễn, kiến nghị HĐND xem xét, cân nhắc, điều chỉnh. Cụ thể:

Đại biểu Bùi Nhân Sâm, Tổ đại biểu huyện Can Lộc

Dự thảo Nghị quyết bổ sung một số chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn toàn tỉnh: Đại biểu đề nghị ban hành Quyết định mới thay thế Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của TTCP về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015. Cần có chính sách hỗ trợ thẻ BHYT cho các đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo (không có thẻ BHYT) theo danh mục bệnh hiểm nghèo tại quy định của Chính phủ có giấy xác nhận của cơ sở y tế từ tuyến tỉnh trở lên.

Dự thảo Nghị quyết quy định một số chế độ, chính sách về phát triển bóng đá Hà Tĩnh đến năm 2030 và những năm tiếp theo, đề nghị  bổ sung vào chính sách phát triển thể thao thành tích cao hoặc bổ sung chính sách cho việc phát triển bóng đá mang tính phong trào quần chúng;

Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh về phát triển giáo dục mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo: Đề nghị thay cụm từ “tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3” bằng “trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 trở lên”; sửa đổi Điểm b, Khoản 1, Điều 3, Nghị quyết 96/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018: Từ 90% trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia, xuống 80% trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

Đại biểu Trần Hậu Tám, Tổ đại biểu huyện Thạch Hà

Dự thảo Nghị quyết sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố tại một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, đại biểu đề nghị tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền vân động để tao sự đồng thuận cao trong nhân dân mà trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên đặc biệt là cán bộ đảng, viên ở cơ sở. Ngoài các chính sách của nhà nước tỉnh cần có chế độ chính sách đặc thù hỗ trợ cho cán bộ dôi dư để họ yên tâm, bảo đảm thêm ngân sách những năm đầu cho các xã mới sát nhập.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng bày tỏ những lo lắng về tình hình an ninh, trật tự nói chung vẫn đang còn tiềm ẩn, đặc biệt là các loại tội phạm và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp; tình hình vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy rừng, biến đổi khí hậu, dịch tả lợn Châu phi đang xảy ra ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất chăn nuôi và đời sống của nhân dân. Đề nghị tỉnh cần tiếp tục có các giải pháp phù hợp để khắc phục những nội dung trên.

Ngày mai (16/7), Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa XVII tiếp tục thảo luận tại Hội trường và tiến hành Phiên chất vấn & trả lời chất vấn. Chúng tôi tiếp tục thông tin nội dung của kỳ họp trong các bản tin tiếp theo.

Trước khi thảo luận tại hội trường , Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền đã báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại các tổ đại biểu HĐND tỉnh về kinh tế - xã hội , các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp . Theo đó, từ ngày 10-12/7, HĐND tỉnh đã tổ chức thảo luận tổ tại các địa phương nơi đại biểu được bầu với sự tham gia của trên 400 đại biểu , gồm các vị đại biểu HĐND tỉnh , Trưởng, Phó các Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cấp huyện, Thường trực cấp ủy, Chủ tịch , các Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân , lãnh đạo UBND, UBMTTQ , Trưởng, Phó các Ban Hội đồng nhân dân , Trưởng các phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, Chủ tịch UBND một số xã, phường , thị trấn. Đã có 203 ý kiến phát biểu đóng góp vào nội dung các báo cáo, đề án, chính sách trình HĐND tỉnh ban hành tại kỳ họp lần này .

Nhóm PV

    Ý kiến bạn đọc