Thực hiện đồng bộ các giải pháp, quyết tâm phấn đấu hoàn thành trước 1 năm các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra
EmailPrintAa
09:17 14/07/2014

Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVI, thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh đồng chí Nguyễn Thiện - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2014. Chúng tôi xin trích đăng nội dung chính của báo cáo quan trọng này.

… Về kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2014:

Trên lĩnh vực kinh tế, Tổng sản phẩm trong tỉnh GDP 6 tháng đầu năm 2014 (theo giá so sánh 2010) tăng 12,10% so với cùng kỳ năm 2013 (cao nhất so với các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ), trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 13,34%, khu vực dịch vụ tăng 16,58%.


Đồng chí Nguyễn Thiện - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh báo cáo tại kỳ họp

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực tăng nhanh cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả. Chương trình xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu và đạt kết quả cao hơn.

Chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu mùa vụ, tăng diện tích trà Xuân muộn chiếm trên 84% tổng diện tích gieo cấy; nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về giống, biện pháp thâm canh được đưa vào sản xuất diện rộng; diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao tăng 2,5 lần so với vụ Xuân 2013, năng suất đạt cao nhất từ trước đến nay (56,06 tạ/ha).

Thực hiện thành công mô hình sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên cát ven biển, xác định được một số giống thích ứng và có hiệu quả cao, đạt năng suất từ 52-58 tấn/ha, giá trị thu nhập 250-300 triệu đồng/ha, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân.

Chăn nuôi tiếp tục có bước phát triển khá, tổng đàn bò, lợn, hươu, gia cầm và sản lượng thịt hơi tăng. Tiếp tục phát triển cơ sở chăn nuôi lợn quy mô lớn, tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ liên kết với doanh nghiệp thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác. Triển khai mô hình sản xuất thử, xây dựng Đề án phát triển đàn bò thịt chất lượng cao; phát triển hình thức nuôi bò Zêbu gia trại, nuôi hươu thâm canh.

Công tác quản lý, bảo vệ, chăm sóc, PCCC rừng được quan tâm chỉ đạo thực hiện; tập trung triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án giao đất, giao rừng, đến nay, đã hoàn thành việc rà soát ranh giới, bàn giao được 20.982,6/22.320 ha rừng và đất lâm nghiệp thu hồi chuyển về địa phương

Phát triển nhanh diện tích nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao; giảm mạnh đội tàu khai thác ven bờ, tăng nhanh đội tàu đánh bắt xa bờ gắn với hình thành các tổ, đội, nghiệp đoàn nghề cá.

Các mô hình sản xuất, kinh doanh trong xây dựng nông thôn mới gắn với Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được nhân rộng. Trong 6 tháng đầu năm phát triển thêm 350 mô hình có thu nhập trên 100 triệu đồng, nâng tổng mô hình có hiệu quả lên 2.648 mô hình. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư xây dựng, chỉnh trang và nâng cấp.

Công nghiệp - TTCN tiếp tục tăng trưởng ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổ chức làm việc với chủ đầu tư các dự án công nghiệp trọng điểm xử lý một số khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện: Dự án Formosa, Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh, Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Dự án hệ thống cấp nước cho KKT Vũng Áng, Dự án luyện thép của Công ty CP gang thép Hà Tĩnh,... Hoàn thành và đưa vào vận hành chạy thử thành công giai đoạn 1 dự án lắp đặt dây chuyền giết mổ gia súc... Công tác khuyến công được quan tâm trên cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, ưu tiên hỗ trợ lĩnh vực chế biến sản phẩm nông sản, đã lựa chọn một số dự án, mô hình để khuyến khích, hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương. Công tác quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp được tăng cường; công tác kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm được tiến hành thường xuyên.

Điện năng được cung ứng an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt; 6 tháng đầu năm, ngân sách các cấp đầu tư 115 tỷ đồng nâng cấp hạ tầng điện trên địa bàn.

Thương mại - dịch vụ: Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 6 tháng tăng 20,39% so với cùng kỳ năm 2013. Đề án tăng cường quản lý thị trường, chống buôn lậu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và Đề án phát triển thương mại nông thôn được quan tâm,  đẩy mạnh và ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện chính sách phát triển thương mại nông thôn.

Công tác quản lý thị trường được rà soát, chấn chỉnh kịp thời; thực hiện bình ổn giá, đưa hàng Việt Nam về nông thôn và vùng sâu, vùng xa, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng và tăng giá đột biến, chống hàng giả, hàng lậu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và quyền lợi người tiêu dùng. Tổ chức tuyên truyền, kiểm tra và xử lý kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như tổ chức bộ máy hoạt động các Ban quản l‎ý chợ trên địa bàn toàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm sản xuất trong tỉnh; quy hoạch mạng lưới xăng dầu; ban hành quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện.

Chú trọng củng cố các tour, tuyến du lịch đã có, đồng thời xây dựng và khai trương tua, tuyến mới trong tỉnh và khu vực, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, quảng bá thương hiệu du lịch Hà Tĩnh. Tổ chức kiểm tra hệ thống nhà hàng, khách sạn, hộ kinh doanh về vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá công khai và bán theo giá niêm yết nhằm phát triển du lịch, dịch vụ.

Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu và cảng biển trên địa bàn 6 tháng tăng gần 30% so cùng kỳ, đạt 1.805,9 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu địa phương tăng 4,49% so với cùng kỳ, đạt 78,35 triệu USD. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu có sự chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng các loại hàng thủy hải sản, cao su, nông sản, giảm tỷ trọng hàng khoáng sản; trong đó xuất khẩu thuỷ sản tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu địa phương 6 tháng đầu năm đạt 699,04 triệu USD, gấp 8,7 lần so với cùng kỳ năm trước.

Thu ngân sách 6 tháng đạt 4.309 tỷ đồng, bằng 60,6% kế hoạch HĐND tỉnh giao, cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ; trong đó: Thu ngân sách nội địa đạt 2.100 tỷ đồng; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 2.209 tỷ đồng. Chi ngân sách cơ bản đảm bảo nhu cầu theo kế hoạch, chi thường xuyên, chi an sinh xã hội và chi đầu tư phát triển. Chi thực hiện các đề án, chính sách, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với số tiền 687,716 tỷ đồng, đạt 53,34% kế hoạch.

Hoạt động tín dụng ngân hàng; Công tác quy hoạch; Đầu tư phát triển; Công tác đổi mới, phát triển doanh nghiệp; Hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại không ngừng được nâng cao về chất lượng và đạt được những hiệu quả tích cực; Khoa học công nghệ và Tài nguyên môi trường; Công tác cải cách hành chính được chú trọng mang lại những chuyển biến tích cực; phòng chống tham nhũng và thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo được đề cao; chất lượng công tác Tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực; hoạt động quản lý nhà nước về tôn giáo được tăng cương, giải quyết kịp thời hợp tình hợp lý.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực; đảm bảo an sinh xã hội; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; Cải cách hành chính tiếp tục được tăng cường; Quốc phòng - an ninh đảm bảo, trật tự an toàn xã hội giữ vững

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là: một số địa phương việc chấp hành lịch thời vụ và các quy định quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp chưa nghiêm, đặc biệt còn xảy ra tình trạng kinh doanh, cung ứng giống lúa kém chất lượng (giống VTNA2). Một số đơn vị chưa nghiêm túc chấp hành chủ trương bỏ trà Xuân sớm, hạn chế Xuân trung nên năng suất lúa còn thấp. Tiến độ xây dựng, phê duyệt phương án giao đất, giao rừng tại một số huyện còn chậm, vấn đề xử lý tài sản hình thành trên đất rừng gặp nhiều khó khăn. Một số đơn vị chủ rừng còn để xảy ra tình trạng cháy rừng; khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Công tác kiểm soát vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm có nơi còn buông lỏng, dịch bệnh còn  xảy ra, phát triển chăn nuôi tại một số nơi chưa đảm bảo vệ sinh môi trường. Thực hiện quy hoạch chi tiết nuôi tôm trên cát gặp vướng mắc về thủ tục cho thuê đất, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. Việc chỉ đạo xây dựng nông thôn mới một số địa phương chưa thực sự sâu sát, sáng tạo, kết quả đạt được còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ chỉ đạo của tỉnh.

Công tác giải phóng mặt bằng, di dời tái định cư còn chậm, có nơi còn ách tắc, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án. Tiến độ, chất lượng một số công trình XDCB chưa đáp ứng yêu cầu, một số dự án phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần dẫn đến tiến độ thi công kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng công trình và hiệu quả vốn đầu tư. Một số chủ đầu tư, đơn vị chưa chú trọng công tác chuẩn bị đầu tư, chủ yếu giao cho đơn vị tư vấn. Công tác giám sát, đánh giá dự án đầu tư và quyết toán vốn đầu tư chưa được quan tâm đúng mức. Thời gian qua tỉnh đã tập trung huy động, bố trí vốn đầu tư trả nợ XDCB, tuy nhiên nợ XDCB vẫn còn lớn, đặc biệt là các công trình, dự án cấp xã làm chủ đầu tư.

Một số địa phương chưa tập trung quyết liệt chỉ đạo, thực hiện công tác thu ngân sách trên địa bàn, kết quả đạt thấp so với kế hoạch như: Kỳ Anh, Thạch Hà, thị xã Hồng Lĩnh; thành phố Hà Tĩnh có nhiều doanh nghiệp không phát sinh kê khai thuế,..

An ninh trật tự trên địa bàn còn nhiều tiềm ẩn phức tạp, công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn sơ hở. Việc nắm tình hình, tham mưu xử lí còn hạn chế. Công tác giải quyết một số vấn đề nổi lên tại một số địa bàn còn bị động, lúng túng; vẫn còn xuất hiện khiếu kiện đông người, vượt cấp gây phức tạp về an ninh trật tự. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhận thức chưa đầy đủ, còn có biểu hiện chủ quan, mất cảnh giác, để các đối tượng tội phạm lợi dụng làm mất an ninh trật tự, nổi lên là vụ việc ở Bắc Sơn - Thạch Hà và vụ 14/5 ở Khu Kinh tế Vũng Áng. Công tác nắm, dự báo tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng có lúc, có nơi chưa kịp thời, chặt chẽ. Tai nạn, tệ nạn xã hội tiếp tục diễn biến khó lường, các loại tội phạm sử dụng bạo lực có chiều hướng tăng. Tai nạn giao thông tuy đã giảm so với cùng kỳ 2013 nhưng chưa bền vững. Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông còn hạn chế; chưa huy động được sự tham gia rộng rãi, tích cực của các tổ chức quần chúng, các cơ quan, doanh nghiệp và công dân vào công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông…

Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2014, UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới:

Thực hiện đồng bộ hệ thống các giải pháp để đạt được các mục tiêu chủ yếu của năm 2014. Quyết tâm phấn đấu hoàn thành trước 1 năm tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, khóa XVII, nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra, đến năm 2015 Hà Tĩnh cơ bản trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển. Phấn đấu hoàn thành vượt mức 2 chỉ tiêu đặc biệt quan trọng năm 2014 là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 23%; Thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 8.500 tỷ đồng, tăng 19,5% so với Nghị quyết HĐND tỉnh giao. Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn.

Triển khai hiệu quả 5 đề án, kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững (Đề án tái cơ cấu nông nghiệp; Kế hoạch thực hiện Chương trình việc làm - dạy nghề năm 2014 và định hướng những năm tiếp theo; Kế hoạch nhiệm vụ phát triển dịch vụ du lịch - thương mại tỉnh Hà Tĩnh năm 2014-2015; Kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông năm 2014 và những năm tiếp theo; nhiệm vụ chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm soát giết mổ, vệ sinh an toàn thực phẩm- PV); Tập trung triển khai có hiệu quả giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường

Đẩy mạnh các biện pháp huy động nguồn thu trên địa bàn, phấn đấu thu ngân sách năm 2014 trên 8.500 tỷ đồng, đảm bảo nhiệm vụ chi ngân sách; Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung huy động tối đa các nguồn vốn, tổng nguồn lực, tranh thủ ngân sách Trung ương, nguồn vốn ODA, NGO khuyến khích các cơ chế thu hút nguồn vốn doanh nghiệp, dân cư, tổ chức tín dụng,... để đầu tư các công trình, dự án.

Mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác toàn diện với một số tỉnh của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, tổ chức xúc tiến đầu tư tại Singapore, mở rộng thúc đẩy hợp tác thương mại với các tỉnh Đông Bắc Thái Lan và Lào; Nâng cao chất lượng hoạt động các lĩnh vực văn hóa - xã hội; tăng cường công tác xã hội hoá, giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc; Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí; Tăng cường nhiệm vụ quốc phòng an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế...


    Ý kiến bạn đọc