Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình dự án; thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, đẩy mạnh huy động tổng lực các vốn cho đầu tư phát triển
EmailPrintAa
09:28 18/12/2014

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa XVI, thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh đồng chí Võ Kim Cự - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển năm 2015. Chúng tôi xin trích đăng nội dung chính của báo cáo quan trọng này.

Đồng chí Võ Kim Cự - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội tỉnh năm 2014, phương hướng, nhiệm vụ năm 2015

Những kết quả đạt được

Lĩnh vực kinh tế: Tốc độ tăng trưởng GDP ở mức cao, dự kiến đạt 25,89% so với năm 2013, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,51%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 42,06%, khu vực dịch vụ tăng 22,26%. GDP bình quân đầu người đạt trên 34 triệu đồng.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục được tập trung chỉ đạo quyết liệt, các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực tăng nhanh về quy mô, tổ chức sản xuất theo hướng doanh nghiệp hóa sản phẩm, liên kết hóa sản xuất và xã hội hóa đầu tư, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng.

Tốc độ tăng trưởng toàn ngành ước đạt 6,51%; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (theo giá so sánh 2010) ước đạt 10.522 tỷ đồng; giá trị trên đơn vị diện tích canh tác đạt 65 triệu đồng/ha/năm; tỷ trọng chăn nuôi chiếm 44,17% trong cơ cấu giá trị nông nghiệp; sản lượng lương thực đạt 53,3 vạn tấn; sản lượng thủy sản 44.119 tấn; sản lượng thịt hơi đạt 86.976 tấn, tăng 10,7% so với năm 2013.

Thực hiện tái cơ cấu đàn lợn giống, tạo dòng sản phẩm đồng nhất và chất lượng cao; mở rộng các cơ sở chăn nuôi lợn quy mô lớn; tập trung xây dựng mô hình chăn nuôi lợn quy mô vừa và nhỏ, chăn nuôi bò thịt chất lượng cao liên kết với doanh nghiệp đạt kết quả bước đầu, làm tiền đề chỉ đạo phát triển trên diện rộng. Phát triển nhanh diện tích nuôi tôm thâm canh, công nghiệp, an toàn sinh học; công tác sản xuất, ương dưỡng giống tôm chuyển biến tích cực. Mở rộng sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên vùng đất cát hoang hóa ven biển.

Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, trà lúa Xuân muộn chiếm trên 84% diện tích, đưa nhanh các giống mới, cơ cấu lại bộ giống lúa chủ lực, giảm mạnh số lượng giống trên trà gieo cấy; diện tích sản xuất lúa chất lượng cao đạt 37.500ha, tăng 25%; năng suất lúa bình quân cả năm ước đạt 50,39 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay. Diện tích cam, bưởi Phúc Trạch trồng mới tăng nhanh, chuyển giao thành công tiến bộ kỹ thuật ổn định ra hoa đậu quả cây bưởi trên diện rộng. Phát triển nhanh đội tàu đánh bắt xa bờ, tăng tỷ trọng khai thác hải sản vùng lộng, vùng khơi. Chăm sóc, trồng rừng sản xuất, khoán bảo vệ rừng đạt chỉ tiêu kế hoạch, độ che phủ rừng đạt 52,5%; tập trung đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng, đã hoàn thành đo vẽ bản đồ, lập hồ sơ địa chính, xác định đặc điểm rừng 37.886ha/19.490 hộ, trong đó cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp 1.981ha cho 1.085 hộ gia đình.

Chương trình xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu và đạt kết quả toàn diện hơn. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao được nhân rộng, số lượng hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực nông nghiệp tăng nhanh; trong 11 tháng đầu năm, đã xây dựng mới 1.319 mô hình doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, nâng tổng số mô hình lên 4.018 mô hình. Dự kiến đến hết năm 2014 có 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 08 xã đạt từ 13-18 tiêu chí, 135 xã đạt từ 7-12 tiêu chí và 65 xã đạt dưới 7 tiêu chí.

Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng khá, tăng 22,93% so với năm 2013. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, sản xuất phân phối điện, khí đốt chiếm 89,96%, tỷ trọng công nghiệp khai khoáng giảm, chỉ còn 8,16%. Tập trung chỉ đạo, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Formosa, dự án cấp nước Vũng Áng,.. Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh sau khi nâng công suất, đầu tư dây chuyền bia lon và Nhà máy sản xuất cọc sợi Vinatex đã đi vào sản xuất ổn định, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 đã hoà lưới điện quốc gia tổ máy số 1 tháng 12/2013, tổ máy số 2 vào tháng 11/2014 góp phần vào tăng trưởng công nghiệp năm 2014.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 19,6% so với cùng kỳ. Triển khai quyết liệt nhiệm vụ phát triển dịch vụ du lịch, thương mại giai đoạn 2014-2015 góp phần ổn định thị trường trong tỉnh, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ du lịch và thương mại. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh thương mại, tập trung chỉ đạo thực hiện các chính sách phát triển thương mại nông thôn. Công tác quản lý thị trường được rà soát, chấn chỉnh kịp thời. Tập trung tuyên truyền, kiểm tra và xử lý kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm tra hoạt động của các ban quản l‎ý chợ, hệ thống nhà hàng, khách sạn, hộ kinh doanh, thực hiện niêm yết giá công khai và bán theo giá niêm yết. Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đặc biệt là tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong tỉnh.

Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu và cảng biển trên địa bàn ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2013; xuất khẩu địa phương đạt trên 138,71 triệu USD, tăng 33% so với năm 2013; kim ngạch nhập khẩu địa phương đạt 2,3 tỷ USD, gấp 4 lần so với năm 2013.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn đến ngày 10/12 đạt trên 10.000 tỷ đồng (trong đó: thu nội địa đạt trên 4.000 tỷ đồng, bằng 66% KH HĐND tỉnh giao, bằng 103%KH Bộ giao; thu XNK đạt trên 6.000 tỷ đồng, tăng 5,7 lần so với KH), ước thực hiện năm 2014 trên 12.500 tỷ đồng, bằng 176% kế hoạch HĐND tỉnh giao, 254% kế hoạch Trung ương giao và gấp 2,3 lần số thu năm 2013. Chi ngân sách cơ bản đảm bảo nhu cầu theo kế hoạch, đảm bảo an sinh xã hội cũng như đầu tư phát triển.

Hoạt động tín dụng ngân hàng; Công tác quy hoạch; Đầu tư phát triển; Công tác đổi mới, phát triển doanh nghiệp; Hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại không ngừng được nâng cao về chất lượng và đạt được những hiệu quả tích cực; Khoa học công nghệ và Tài nguyên môi trường; Công tác cải cách hành chính được chú trọng mang lại những chuyển biến tích cực; phòng chống tham nhũng và thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo được đề cao; chất lượng công tác Tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực; hoạt động quản lý nhà nước về tôn giáo được tăng cương, giải quyết kịp thời hợp tình hợp lý.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực; đảm bảo an sinh xã hội; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; Cải cách hành chính tiếp tục được tăng cường; Quốc phòng - an ninh đảm bảo, trật tự an toàn xã hội giữ vững…

Bên cạnh những kết quả đạt được còn một số tồn tại, hạn chế, đó là:

Trên lĩnh vực kinh tế:

- Việc triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương chưa thực sự quyết liệt, hiệu quả, nhiều nơi còn lúng túng. Chưa khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực theo hướng liên kết với doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị gia tăng; chưa phát triển, đa dạng hóa các loại hình liên kết; chưa chủ động được nguồn giống có chất lượng phục vụ phát triển sản xuất. Việc chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn hạn chế, diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả còn lớn. Việc giám sát dịch bệnh ở một số địa phương chưa chặt chẽ, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản còn tái phát; vẫn còn tình trạng sản xuất, kinh doanh giống, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y kém chất lượng; việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, cháy rừng còn xẩy ra.

- Việc nâng cao sức cạnh tranh các doanh nghiệp công nghiệp trong tỉnh dựa trên khai thác lợi thế so sánh của tỉnh còn hạn chế. Ngoài một số doanh nghiệp đầu tư vào các dự án trọng điểm, một số doanh nghiệp lớn còn lại hầu hết doanh nghiệp quy mô nhỏ, năng lực tài chính và khả năng hội nhập kinh tế quốc tế hạn chế; chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia chế biến sâu nông, lâm, thủy hải sản. Tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gian lận thương mại, vi phạm về nhãn mác vẫn còn, nhất là tại địa bàn vùng nông thôn. Việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại các chợ nhiều hộ còn mang tính hình thức, đối phó với cơ quan quản lý nhà nước. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm thực hiện các giải pháp việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm sản xuất trong tỉnh.

- Hạ tầng phục vụ công nghiệp, thương mại được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ và đáp ứng yêu cầu. Lưới điện hạ áp một số xã nông thôn đã xuống cấp, hạ tầng hệ thống chợ nông thôn, còn bất cập. Công tác chuyển đổi chợ tại một số địa phương triển khai chậm.  Các loại hình thương mại hiện đại đã hình thành nhưng chưa nhiều, chỉ tập trung ở thành phố Hà Tĩnh.

- Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số công trình, dự án còn chậm, có nơi chưa kiên quyết; tình trạng vi phạm cơi nới, lấn chiếm trái phép chưa được xử lý kịp thời. Nhiệm vụ thu ngân sách mặc dù đã chủ động, quyết liệt nhưng kết quả thu nội địa chưa cao, tình trạng nộp không kịp thời và chưa đúng, đủ còn diễn ra. Công tác phối hợp tổ chức quản lý thu ngân sách của một số Sở, ban, ngành chưa thường xuyên, hiệu quả; một số đơn vị chưa thực sự quyết liệt trong thực hiện thu ngân sách.Tiến độ, chất lượng một số công trình XDCB chưa đáp ứng yêu cầu, một số dự án phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần, dẫn đến tiến độ thi công kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng công trình và hiệu quả vốn đầu tư. Công tác chuẩn bị đầu tư, giám sát, đánh giá dự án đầu tư của một số chủ đầu tư chưa được quan tâm đúng mức.

Lĩnh vực văn hoá xã hội:

- Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nên việc sắp xếp, bố trí học tại địa điểm mới khi sáp nhập trường còn gặp khó khăn; chậm bổ sung tăng cường cơ sở vật chất sau khi được công nhận nên hết chu kỳ không được công nhận lại, dẫn đến tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia không đạt KH (đạt 60%/kế hoạch 85%). Tỷ lệ huy động trẻ đến trường từ 3 đến 36 tháng tuổi chưa đạt kế hoạch (đạt 25,7%/KH 35%); vẫn còn tình trạng lạm thu, dạy thêm, học thêm.

- Chất lượng dịch vụ y tế đã có những cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác quản lý hành nghề y - dược tư nhân, công tác giám định y khoa còn hạn chế. Chất lượng đội ngũ cán bộ không đồng đều, thiếu cán bộ có trình độ cao, chuyên sâu, chuyên gia giỏi để phát triển kỹ thuật theo yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao và đa dạng của nhân dân.

- Hoạt động du lịch, dịch vụ chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu; chất lượng dịch vụ , sản phẩm còn hạn chế, giá cả chưa phù hợp; chưa tạo ra những sản phẩm du lịch có thương hiệu mang tính cạnh tranh cao nên lượng khách du lịch đến Hà Tĩnh còn thấp.

- Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm đã có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng nhu cầu lao động. Số lượng tuyển sinh, đào tạo tại một số đơn vị chưa đạt kế hoạch, một số nghề được đầu tư trọng điểm nhưng số lượng đào tạo còn thấp. Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn tổ chức triển khai còn lúng túng, thiếu đồng bộ; một số địa phương chưa thực sự chủ động, thiếu quyết liệt trong tổ chức đào tạo, tỷ lệ đào tạo nghề phi nông nghiệp còn thấp; đào tạo chưa gắn với nhu cầu phát triển kinh tế  xã hội. Kế hoạch thực hiện Chương trình Việc làm, Dạy nghề ở cấp huyện, cấp xã xây dựng chưa cụ thể, chưa gắn với việc phát huy đặc thù, các thế mạnh và mục tiêu phát triển sản xuất ở địa phương nhằm giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động.

- Việc triển khai thực hiện một số chính sách vẫn còn chậm (như việc lập hồ sơ xét tặng, truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng); công tác giải quyết chính sách cho một số đối tượng vẫn còn sai sót, như chế độ thương binh, chất độc da cam...

Các mục tiêu chủ yếu của năm 2015 là: tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững; thực hiện tốt mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Đa dạng hoá các hình thức thu hút đầu tư và loại hình đầu tư để tập trung phát triển khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Tập trung chỉ đạo quyết liệt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm. Tiếp tục phát triển văn hoá xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng. Đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị- xã hội. Trong đó, các chỉ tiêu chủ yếu là: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 24%; GDP bình quân/người trên 40 triệu đồng. Sản lượng lương thực: trên 51 vạn tấn. Độ che phủ rừng: 52,9%. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt 70 triệu đồng/ha/năm. Tăng thêm 23 xã đạt chuẩn NTM, không còn xã dưới 7 tiêu chí. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 81%. Sản xuất công nghiệp - TTCN dự kiến đạt mức tăng trưởng cao, đột biến, tập trung ở 02 nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước chủ yếu do các nguyên nhân chính: Dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 năm 2015 sẽ phát điện thương mại ổn định cả 02 tổ máy với tổng sản lượng điện sản xuất dự kiến đạt 4 tỷ kwh. Dự án nhà máy gang thép của công ty TNHH Formosa Hà Tĩnh dự kiến đi vào sản xuất từ cuối năm 2015 với sản lượng thép năm 2015 dự kiến đạt 0,4 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn: 285,6 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn: 3,5 tỷ USD, trong đó kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của DN địa phương đạt 3,35 tỷ USD. Thu ngân sách trên địa bàn phấn đấu đạt trên14.500 tỷ đồng, trong đó: Thu thuế nội địa: 7.000 tỷ đồng; Thu thuế xuất nhập khẩu: 7.500 tỷ đồng. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 9,32‰, giảm 0,23‰ so với năm 2014. Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5% - 2%. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 70%. Tạo việc làm cho trên 3,2 vạn lượt người, tỷ lệ lao động qua đào tạo 53%. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới 14%. Đạt 30 giường bệnh trên một vạn dân (tính cả giường bệnh trạm y tế xã). 100% đơn vị đạt tiêu chuẩn cơ sở an toàn làm chủ - sẵn sàng chiến đấu, 100% xã, phường ổn định chính trị.

Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2015, UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới:

Về phát triển kinh tế: Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, tập trung phát triển: Công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch gắn với tái cấu trúc lao động. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, duy trì tốc độ phát triển khu vực nông - lâm - ngư nghiệp. Đẩy mạnh tăng thu ngân sách và chuyển dịch cơ cấu nguồn thu theo hướng tăng thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP đạt 24%.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình dự án; thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, đẩy mạnh huy động tổng lực các vốn cho đầu tư phát triển

Tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án trọng điểm thi công đúng tiến độ cam kết và đảm bảo chất lượng đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án Formosa, phấn đấu đưa nhà máy gang thép Formosa đi vào sản xuất vào cuối năm 2015; đẩy nhanh tiến độ dự án cấp nước Khu kinh tế Vũng Áng, hệ thống thuỷ lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang; tạo điều kiện để nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 phát huy công suất 02 tổ máy, nhà máy chế biến súc sản và Nhà máy dệt may đi vào hoạt động ổn định; hỗ trợ nhà đầu tư khởi công dự án nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2, chuẩn bị đầu tư nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 3, đẩy nhanh khởi công tổ hợp dự án nhà máy may thuộc dự án Trung tâm dệt may tại Cụm công nghiệp Nam Hồng, nâng công suất nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh lên 70 triệu lít/năm; đôn đốc chủ đầu tư giải quyết kịp thời các khó khăn tại dự án Khai thác mỏ sắt Thạch Khê, chỉ đạo thu hút nhà đầu tư có năng lực tài chính và công nghệ hiện đại thực hiện đầu tư Khai thác và chế biến quặng sắt Thạch Khê. Chỉ đạo hoàn thiện hệ thống điện đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất kinh doanh, đặc biệt đảm bảo nguồn điện ổn định tại các dự án công nghiệp trọng điểm.

Triển khai thực hiện tốt Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn; hoàn thành việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 đảm bảo yêu cầu, chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Tiếp tục rà soát các hạng mục dự án đầu tư chưa thực sự cấp bách để cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ để đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Quan tâm chỉ đạo, thực hiện tốt công tác di dời, giải phóng mặt bằng, tái định cư xây dựng các dự án. Chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư và xây dựng trong tất cả các khâu từ chuẩn bị dự án đến công tác giám sát chất lượng công trình, đánh giá dự án đầu tư. Thường xuyên kiểm tra tình hình triển khai các dự án đầu tư, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai dự án trên địa bàn, đặc biệt là các dự án lớn nhằm phát huy tốt nguồn lực của doanh nghiệp, nhất là các dự án FDI. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực ngoài Nhà nước cho đầu tư phát triển, khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng và các công trình dịch vụ công cộng. Triển khai các dự án đầu tư cung cấp dịch vụ theo hình thức đối tác công-tư (PPP), đẩu tư theo hình thức BOT, BOO, BT... Phấn đấu năm 2015 huy động vốn đầu tư xã hội đạt trên 91.434 tỷ đồng, trong đó FDI khoảng 69.300 tỷ đồng (3,3 tỷ USD).

Ưu tiên các nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Tập trung cao chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, của tỉnh. Khuyến khích phát triển mạnh các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, nhất là các sản phẩm có lợi thế lớn của tỉnh (lợn, bò, hươu, tôm, rau củ quả, cam, bưởi), tạo chuyển biến rõ nét về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, theo phương châm doanh nghiệp hóa sản phẩm, liên kết hóa sản xuất và xã hội hóa đầu tư, đồng nhất về giống, công nghệ sản xuất, để tạo sự đồng nhất về sản phẩm, tăng quy mô và chất lượng, xây dựng thương hiệu, nâng cao lợi thế cạnh tranh.

Tiếp tục khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn; đồng thời, tổ chức lại chăn nuôi nông hộ theo hướng công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, liên kết với doanh nghiệp thông qua HTX, THT; tập trung chỉ đạo xây dựng mới các cơ sở sản xuất lợn giống, đủ cung cấp cho phát triển liên kết sản xuất quy mô vừa và nhỏ. Triển khai có hiệu quả Dự án phát triển đàn bò thịt chất lượng cao, trọng tâm đẩy mạnh Zê bu hóa đàn bò, tạo đàn nái nền cho lai tạo đàn bò giống ngoại chuyên thịt. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm giống hươu, nhân rộng mô hình nuôi hươu thâm canh. Tăng cường công tác quản lý an toàn dịch bệnh, kiểm soát hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm; phát huy hiệu quả nhà máy chế biến súc sản Mitraco. 

Tập trung chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, mở rộng quy mô liên kết sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên cát ven biển, vùng bãi bồi, mở rộng diện tích cam, bưởi Phúc Trạch, phát triển liên kết sản xuất ngô làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi; cơ cấu lại cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả để nâng cao giá trị gia tăng, hạn chế tình trạng bỏ hoang diện tích. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ công nghệ mới về giống, quy trình sản xuất thâm canh, cơ giới hóa vào sản xuất; phát triển đa dạng hóa các loại hình liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn theo Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuyên truyền, chỉ đạo chấp hành, tuân thủ nghiêm lịch thời vụ, kỹ thuật sản xuất, làm tốt công tác dự tính, dự báo; tăng cường công tác quản lý về chất lượng giống, vật tư nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Xây dựng hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản; tháo gỡ hiệu quả những vướng mắc trong giao, cho thuê đất; phát triển mạnh các loại hình nuôi trồng thuỷ sản tập trung thâm canh công nghiệp, đặc biệt nuôi trên cát công nghệ cao, nuôi trong ao đất lót bạt, vỗ bờ xi măng; liên kết chuyển giao công nghệ nuôi cá mú, cá bơn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trại sản xuất tôm giống tại Nghi Xuân. Tiếp tục đóng mới, cải hoán, phát triển đội tàu xa bờ lên trên 200 chiếc, gắn với thành lập các tổ đội sản xuất trên biển, nghiệp đoàn nghề cá; triển khai hiệu quả Chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

 Hoàn thành công tác giao đất, cho thuê đất, gắn giao rừng, cho thuê rừng, cấp GCNQSD đất lâm nghiệp; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới với phương châm vừa “diện” vừa “điểm”, “tất cả cùng tiến bộ và phát triển”, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức độ phát triển giữa các địa phương, vùng miền. Xây dựng và nhân rộng các mô hình mẫu theo các tiêu chí, mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu, mô hình có tính đột phá. Huy động, lồng ghép các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu; quan tâm hơn các vấn đề về môi trường, văn hóa, an ninh trật tự nông thôn. Phấn đấu đến cuối năm 2015 toàn tỉnh có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới và không còn xã đạt dưới 7 tiêu chí; mỗi xã có tối thiểu: 2 HTX, 5 tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả, 2-3 doanh nghiệp, 2-3 mô hình lớn, 5 mô hình vừa, 15 mô hình nhỏ và 10-15% hộ sản xuất có liên kết.

Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ

Thực hiện tái cơ cấu công nghiệp, tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh phát triển các cụm ngành trọng điểm trên địa bàn tỉnh như dệt may, sắt thép, chế biến lúa gạo, chế biến sản phẩm nông sản, cụm ngành thương mại hậu cần,... ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp khai thác chế biến sắt thép, nhiệt điện và dịch vụ công nghiệp. Đẩy mạnh tái cơ cấu nội ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng ngành công nghiệp, chuyển từ sơ chế, gia công sang chế biến sâu. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản. Thu hút đầu tư các dự án công nghiệp có sử dụng công nghệ hiện đại tiên tiến, khuyến khích các doanh nghiệp hiện có đầu tư theo chiều sâu, đổi mới công nghệ sản xuất. Triển khai Đề án phát triển logistics trên địa bàn, huy động nguồn lực xây dựng Trung tâm Logistic Vũng Áng.

Đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp phụ trợ, các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng, công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ hải sản, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ trong các cụm công nghiệp; các dự án sử dụng nhiều lao động, phát triển khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tăng cường quản lý thị trường, phát triển thương mại dịch vụ, thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu

Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm sản xuất trong tỉnh. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ đối với sản xuất, kinh doanh, sử dụng các mặt hàng có điều kiện. Tập trung chỉ đạo triển khai Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường đến năm 2020; thực hiện bình ổn giá, dự báo cung - cầu hàng hóa, đảm bảo thị trường ổn định, lành mạnh, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý nghiêm các vi phạm. Phát triển mạnh mẽ các hoạt động thương mại điện tử.

Tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi các cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển doanh nghiệp; nhất là các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn, mặt bằng sản xuất kinh doanh; giải quyết nợ xấu theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ và theo Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 29/3/2013 của UBND tỉnh. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất để các hộ kinh doanh cá thể thành lập doanh nghiệp, mở rộng quy mô các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch trong thủ tục hành chính và thông tin doanh nghiệp.

Thu chi ngân sách và tín dụng ngân hàng

Tập trung chỉ đạo, tăng cường các biện pháp chống thất thu, phấn đấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 14.500 tỷ đồng. Đảm bảo vững chắc cân đối thu chi ngân sách, ưu tiên chi ngân sách cho đầu tư phát triển, chi an sinh xã hội. Thực hiện tốt các biện pháp tiết kiệm chi, phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Đẩy mạnh huy động vốn và mở rộng tín dụng đầu tư, tập trung vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư cho các dự án lớn, trọng điểm có tính quyết định trong việc thay đổi cơ cấu kinh tế. Phấn đấu tổng nguồn vốn huy động và quản lý tăng 20%, tổng dư nợ tín dụng tăng 13-15% so với cuối năm 2014; tỷ lệ nợ xấu dưới 3% dư nợ cho vay. Tiếp tục kiểm tra, đối chiếu các khoản nợ cho vay để đảm bảo thu hồi vốn đủ và đúng hạn, giảm thấp số nợ xấu tồn đọng. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất theo Quyết định số 07/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Thực hiện tốt chính sách cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm cùng các hình thức cho vay khác đối với các hộ chính sách nhằm tích cực góp phần vào tiến trình xoá đói giảm nghèo của tỉnh...


    Ý kiến bạn đọc