Thực quyền HĐND: Con đường phía trước
EmailPrintAa
08:59 02/06/2016

HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 sẽ tiên phong thực hiện những thành tựu của cuộc cải cách thể chế cơ quan dân cử với việc bắt đầu hiệu lực của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND 2015, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, Luật Ngân sách nhà nước 2015... Kỳ vọng những đổi mới về “chất” trong hoạt động của HĐND theo hướng thực quyền hơn, tất cả đang ở chặng đường phía trước.

Đưa pháp luật vào đời sống

Việc đầu tiên phải nghĩ đến là HĐND mỗi cấp phải làm gì, làm như thế nào để đáp ứng kỳ vọng của cử tri và Nhân dân. Mặc dù rất tin tưởng đại biểu HĐND các cấp với xấp xỉ 1/3 tái cử cộng với 2/3 đại biểu tham gia HĐND lần đầu, đủ đức, tài, bản lĩnh chính trị… nhưng cũng chưa thể bảo đảm rằng tất cả đã nghiên cứu, quán triệt đầy đủ, sâu sắc nhiệm vụ, quyền hạn, nội dung hoạt động của HĐND theo quy định tại các luật mới ban hành. Chưa kể khó khăn ở một số địa phương mới tái lập cơ quan HĐND sau thời gian dài thí điểm không tổ chức HĐND.

Chính vì lẽ đó, “vạn sự khởi đầu nan” - để có và biến kiến thức thành hành động cần sớm tổ chức nghiêm túc việc nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện các luật mới nói trên cho các đại biểu nhân dân và cán bộ công chức trong hệ thống chính trị, đặc biệt là trong cơ quan Thường trực HĐND các cấp.


Cử tri đồng bào dân tộc Chứt , Hương Khê đi bỏ phiếu bầu những người đại diện xứng đáng

Ảnh: T. Long


Phát huy vai trò “đầu tàu”

Kể từ sau Sắc lệnh đầu tiên về Tổ chức chính quyền địa phương số 63 SL ngày 23.11.1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quá trình thực thi thể chế về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương không ngừng được bổ sung, hoàn thiện bằng các Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 1958, Luật Tổ chức HĐND và UBHC năm 1962, Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1983, 1989, 2003. Trong đó, từ năm 1989, Thường trực HĐND được thành lập ở cấp tỉnh, huyện; từ năm 2003, Thường trực HĐND được thành lập ở cả 3 cấp để giúp HĐND tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND mỗi cấp giữa 2 kỳ họp. Tuy nhiên, Thường trực HĐND chưa được quy định là một cơ quan trong bộ máy nhà nước các cấp. Chính vì vậy, quyền hạn của Thường trực HĐND còn hạn chế, mặc dù trên thực tế, vai trò của Thường trực HĐND có ý nghĩa lớn đối với hiệu quả hoạt động của HĐND.  

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (TCCQĐP) 2015 quy định rõ địa vị pháp lý của Thường trực HĐND làcơ quan thường trực của HĐND; đồng nghĩa xác định Thường trực HĐND có đầy đủ tính chất và đặc điểm của một cơ quan nhà nước, có thẩm quyền do Luật định để thực hiện chức năng của nhà nước ở mỗi cấp hành chính. Do đó, để bảo đảm vị thế chính trị và thực quyền của HĐND, Thường trực HĐND các cấp trong cơ cấu bộ máy nhà nước cần tăng cường xây dựng cơ quan này về mọi mặt, nhất là ở cấp xã.

Phân quyền, phân cấp, ủy quyền phải được bảo đảm bằng nguồn lực

Đây là những phương thức tổ chức quyền lực nhà nước ở các cấp chính quyền, có ý nghĩa quan trọng nhằm mục tiêu xây dựng cơ chế thực hiện hiệu quả quyền lực do nhân dân trao cho, đủ sức ngăn chặn việc lạm quyền hay sử dụng quyền lực trái với lợi ích của Nhân dân. Theo đó, việc phân quyền được quy định trong các luật; việc phân cấp phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước phân cấp; việcủy quyền phải bằng văn bản.

Để thực hiện hiệu quả phân quyền, phân cấp, ủy quyền, quyền hạn HĐND mỗi cấp được tăng thêm so với trước. Trong đó, điểm mới là trao quyền hạn cho HĐND cấp huyện quyết định việc phân cấp cho chính quyền cấp dưới thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cấp mình; quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện. HĐND thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương ngoài quyền hạn như cấp huyện còn có quyềnquyết định quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị trên cơ sở quy hoạch của cấp tỉnh và tương đương để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt; quyết định dự án đầu tư công trình đô thị trên địa bàn; quyết định các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển đô thị, chương trình, kế hoạch xây dựng công trình hạ tầng đô thị, giao thông theo quy định của pháp luật. HĐND cấp xã quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án của cấp mình trong phạm vi được phân quyền (trước đây thuộc thẩm quyền UBND cấp huyện).

Phân quyền, phân cấp, ủy quyền là một xu hướng tất yếu hướng tới nền hành chính phát triển, giảm cơ chế “xin - cho”. Vấn đề quan trọng là sau bầu cử, các cấp chính quyền phải sớm chuẩn bị các điều kiện để thực hiện, như: Năng lực thực thi nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền; phẩm chất chính trị, đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức; hệ thống kiểm soát, chế tài hữu hiệu sau phân cấp, ủy quyền… Trước mắt, có những việc cấp bách như: Phân cấp bảo đảm nguồn lực tài chính để HĐND cấp huyện, cấp xã thực hiện các quyềnquyết định nói trên; hoàn thiện thể chế về phân cấp quản lý tài chính cho chính quyền đô thị; phân cấp, ủy quyền đầy đủ cho cấp huyện thực hiện các thủ tục hành chính về cấp mới, cấp đổi, tách thửa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân…

Thực hiện quyền giám sát của HĐND

Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND 2015 quy định rất rõ về chủ thể, quyền, nội dung, các hình thức giám sát và trình tự, thủ tục quyết định chương trình giám sát; các nội dung ban hành nghị quyết sau giám sát của HĐND. Trong đó, điểm mới là việc ban hành chương trình giám sát hàng năm của HĐND các cấp được thực hiện vào kỳ họp giữa năm trước. Như vậy, Kỳ họp thứ Hai của HĐND các cấp giữa năm 2016 phải ban hành Nghị quyết chương trình giám sát năm 2017. Luật cũng quy định tăng thêm quyền hạn của Thường trực HĐND và một số hình thức hoạt động giám sát mới như: Tổ chức chất vấn và xem xét trả lời chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND; tổ chức các phiên giải trình và yêu cầu thành viên UBND, Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND cùng cấp, các cá nhân liên quan tham gia giải trình vấn đề Thường trực HĐND quan tâm tại phiên họp Thường trực HĐND.

Nhiệm kỳ mới với hệ thống thể chế mới, yêu cầu cao hơn đối với hoạt động của HĐND các cấp. Tuy nhiên, vẫn cần thêm những quy định như quy chế hoạt động của HĐND, quy định tổ chức cơ quan tham mưu, giúp việc cho HĐND cấp huyện… Con đường phía trước còn dài và gian khó nhưng chúng ta có thể tin tưởng, kỳ vọng HĐND sẽ hoạt động hiệu quả hơn, thực quyền hơn, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và ý chí của Nhà nước về cải cách nền hành chính quốc gia.

 Cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã thành công tốt đẹp, bầu chọn được những người đủ đức, đủ tài để thực thi sứ mệnh đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của Nhân dân. Với xấp xỉ 99% trong số hơn 69 triệu cử tri cả nước đi bầu cử đã khẳng định sức mạnh đoàn kết và ý chí tự cường, ý thức tham gia vào đời sống chính trị của Nhân dân ta; khẳng định giá trị của nền dân chủ cộng hòa hiện hữu ở nước ta. Tới đây, HĐND các cấp họp Kỳ họp thứ Nhất để bầu các chức danh của HĐND và UBND. Sau đó, chuẩn bị Kỳ họp thứ Hai để HĐND xem xét, thực hiện quyền quyết định, quyền thông qua, quyền phê chuẩn những nội dung quan trọng thuộc nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định. Đây cũng là lúc khởi đầu thực hiện lời hứa và chương trình hành động của đại biểu HĐND với cử tri.

 


    Ý kiến bạn đọc