Chủ động tiếp xúc với cử tri
EmailPrintAa
08:01 02/06/2016

Gần gũi với cử tri, giữ mối liên hệ với cử tri không chỉ dừng lại ở việc tiếp xúc với cử tri trước và sau các kỳ họp theo định kỳ mà đại biểu cần chủ động lên kế hoạch TXCT cụ thể...

Không dừng lại ở hoạt động định kỳ

Tiếp xúc cử tri (TXCT) là hoạt động thường xuyên và là trách nhiệm của đại biểu dân cử, thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa đại biểu dân cử với cử tri. TXCT không chỉ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, để hiểu những điều cử tri đang nghĩ, đang mong muốn... mà còn để biết việc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật, thực hiện nghị quyết của HĐND các cấp ở cơ sở như thế nào. Từ đó, đại biểu nghiên cứu, tham gia bàn bạc, đề xuất, cùng HĐND quyết định những chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển KT - XH và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri... Đồng thời, yêu cầu chính quyền các cấp, ngành hữu quan chấn chỉnh, điều chỉnh những hạn chế, thiếu sót hoặc yêu cầu xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Đại biểu phải thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri Ảnh: T. Nguyên

Theo các quy định của pháp luật, bên cạnh TXCT định kỳ trước và sau các kỳ họp thường kỳ, đại biểu dân cử có thể tự mình TXCT. Đây là một quy định hay, rất cần thiết để đại biểu dân cử chủ động thực hiện trách nhiệm của mình. Bởi vì: HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại biểu HĐND là thành viên của cơ quan quyền lực được cử tri bầu từ nhiều địa phương, đơn vị. Mỗi đại biểu đại diện cho những ngành nghề, tôn giáo, dân tộc, lứa tuổi, đại diện cho mỗi địa phương, đơn vị khác nhau; mỗi đại biểu ở một cương vị công tác, được đào tạo và am hiểu một lĩnh vực chuyên môn khác nhau, có nhiệm vụ và những mối quan tâm khác nhau; mỗi đại biểu ở những địa phương có đặc thù kinh tế, văn hóa, xã hội… khác nhau. Nếu chỉ dừng lại ở việc TXCT theo tổ đại biểu, theo chương trình mà Thường trực UBMTTQ xây dựng, đại biểu dân cử, nhất là đại biểu kiêm nhiệm sẽ khó có điều kiện nói hết những điều cử tri muốn biết, khó có thể hiểu sâu sắc những lĩnh vực mình quan tâm đang được thực thi thế nào?... Khi chưa hiểu kỹ, sẽ khó giám sát, khó chất vấn, khó có những đề xuất, đóng góp ý kiến thiết thực để từ đó, HĐND có những nghị quyết đúng, sát thực tế.

Cần bồi dưỡng kỹ năng cho đại biểu

 Hoạt động TXCT của cá nhân đại biểu trong các nhiệm kỳ trước ít được quan tâm, do không có quy định cụ thể và do đại biểu chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình đối với cử tri... Cũng còn do cử tri chưa hiểu hết quyền giám sát hoạt động của đại biểu mà mình bầu ra, không có yêu cầu được tiếp xúc với riêng đại biểu dân cử... 

Để hoạt động TXCT có hiệu quả, ngoài việc đại biểu phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về Hiến Pháp, pháp luật, về tình hình thực tế địa phương; đồng thời, phải có những kỹ năng cần thiết như: Kỹ năng trình bày trước đám đông; kỹ năng lắng nghe, xử lý, phân loại thông tin, kỹ năng ghi chép và tổng hợp... Đại biểu HĐND, nhất là những người lần đầu tham gia hoạt động dân cử rất cần được bồi dưỡng kỹ năng xây dựng kế hoạch và TXCT của riêng mình. Bởi vì mục đích, yêu cầu TXCT của riêng đại biểu cũng như đối tượng và phương pháp TXCT của cá nhân đại biểu rất khác với khi đại biểu HĐND đi TXCT theo đoàn.

Cụ thể, khi đại biểu dân cử đi TXCT theo đoàn, nội dung, chương trình đã được UBMTTQ xây dựng theo trình tự: Trước hết, đại biểu báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết HĐND, dự kiến nội dung chương trình kỳ họp sắp tới (nếu là TXCT trước kỳ họp); hoặc báo cáo kết quả kỳ họp, kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri (nếu là TXCT sau kỳ họp). Lắng nghe, giải trình và tiếp thu ý kiến của cử tri. Đại biểu nào có vị trí công tác sẽ là người thực hiện nhiệm vụ này, các đại biểu khác chủ yếu nghe. Vì vậy, có đại biểu cả nhiệm kỳ không phát biểu lần nào trước cử tri vì không có cơ hội. Vai trò của đại biểu dân cử bị mờ nhạt. Còn khi có kế hoạch TXCT của riêng mình, đại biểu sẽ có mục đích và chương trình cụ thể. Đại biểu đến để nghe về vấn đề gì? Nghe ai nói? Nghe ở đâu? Nghe trong thời gian nào? Nghe như thế nào? Nghe để làm gì?...

Như vậy, đại biểu sẽ chủ động gặp gỡ trực tiếp cử tri, đề cập đến những vấn đề mà đại biểu quan tâm và cử tri đang vướng mắc, đang bức xúc... Đại biểu có thể hiểu rõ hơn thực tế ở cơ sở, hiểu những mong muốn, nguyện vọng chính đáng của cử tri. Qua đó, đại biểu có những đề xuất, kiến nghị hoặc có những ý kiến đóng góp thiết thực vào nghị quyết HĐND... Đồng thời, tạo nên sự gắn bó giữa cử tri với đại biểu, làm cho cử tri tin tưởng hơn vào người đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Gần gũi với cử tri, giữ mối liên hệ với cử tri không chỉ dừng lại ở việc TXCT trước và sau các kỳ họp mà đại biểu tự mình có kế hoạch TXCT cụ thể. Muốn thực hiện được điều này, bên cạnh ý thức trách nhiệm và nỗ lực của mỗi đại biểu, rất cần có quy định cụ thể, bắt buộc trong Quy chế hoạt động của HĐND; có kinh phí để đại biểu thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời, cần bổ sung nội dung này trong Quy chế phối hợp hoạt động giữa cơ quan dân cử với UBMTTQ, trên cơ sở đó UBMTTQ phối hợp và tổ chức cho các đại biểu dân cử TXCT theo quy định.


    Ý kiến bạn đọc