Điều chỉnh để HĐND hoạt động hiệu quả hơn
EmailPrintAa
14:29 08/02/2012

Để nâng cao hiệu quả thực hiện lời hứa và những kiến nghị giám sát, bên cạnh nỗ lực của Thường trực, các ban và đại biểu HĐND, cần tạo cơ sở pháp lý ràng buộc trách nhiệm của ngành hữu quan; tăng số lượng đại biểu và tỷ lệ hoạt động chuyên trách... Đây là những vấn đề không mới, nhưng cần sớm xem xét, điều chỉnh để HĐND hoạt động hiệu quả hơn

Kết quả đáng ghi nhận trong hoạt động của HĐND tỉnh Lai Châu nhiệm kỳ qua là hầu hết lời hứa, kiến nghị sau các đợt chất vấn, giám sát đã được ngành chức năng, cấp có thẩm quyền chỉ đạo xem xét, giải quyết, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử, đóng góp vào sự phát triển KT–XH của địa phương. Để có được kết quả này, HĐND đặc biệt chú trọng giải quyết lời hứa và những kiến nghị sau chất vấn, giám sát bằng nhiều hình thức phù hợp. Trước hết, dành thời gian thỏa đáng tại kỳ họp cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn, tập trung vào những bức xúc đại biểu và cử tri đặc biệt quan tâm để làm rõ trách nhiệm ngành hữu quan, hướng giải quyết những bất cập thuộc lĩnh vực quản lý. Đặc biệt, để những lời hứa tại phiên chất vấn sớm được thực hiện, Thường trực HĐND tỉnh đã yêu cầu các ban HĐND và bộ máy tham mưu, giúp việc tích cực theo dõi, đôn đốc giải quyết. Trường hợp chưa giải quyết, hoặc giải quyết chưa triệt để, Thường trực HĐND tổng hợp gửi đến đại biểu để tiếp tục truy vấn, yêu cầu phải hứa cụ thể thời gian giải quyết tại kỳ họp tiếp theo. Những kỳ họp gần đây, bên cạnh tổ chức truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi, tăng áp lực từ dư luận xã hội nâng cao ý thức trách nhiệm của đại biểu và lãnh đạo ngành hữu quan, Thường trực HĐND đã chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND ghi âm toàn bộ nội dung phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Trên cơ sở trả lời chất vấn bằng văn bản và gỡ băng ghi âm, Thường trực HĐND tóm tắt nội dung trả lời chuyển đến các ngành chức năng nhắc nhở việc xem xét, giải quyết và gửi cho đại biểu để thường xuyên giám sát việc thực hiện. Vì vậy, nhiều lời hứa của lãnh đạo ngành hữu quan, kiến nghị, kết luận của chủ tọa tại phiên chất vấn cơ bản đã được giải quyết.

Việc theo dõi tình hình thực hiện kiến nghị sau các đợt giám sát, nhất là giám sát chuyên đề cũng được Thường trực HĐND chủ động thực hiện bằng nhiều hình thức như: đôn đốc UBND tỉnh và các cơ quan liên quan chỉ đạo, giải quyết; tổ chức họp với UBND tỉnh và cơ quan chuyên môn, yêu cầu xác định thời gian giải quyết cụ thể, đồng thời phân công bộ phận phụ trách từng lĩnh vực theo dõi để kịp thời báo cáo với Thường trực HĐND. Trường hợp cần thiết, Thường trực HĐND tổ chức tái giám sát để tiếp tục kiến nghị và đeo bám đến khi những nội dung đó được giải quyết thỏa đáng... Cách làm việc trách nhiệm và tận tâm này đã giúp hầu hết kiến nghị sau các đợt giám sát của Thường trực và các ban HĐND được ngành chức năng, cấp thẩm quyền chỉ đạo xem xét, giải quyết. Qua đó, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những sai phạm, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước và nghị quyết của HĐND, góp phần quan trọng hoàn thành những nhiệm vụ phát triển KT–XH của địa phương.

Tuy nhiên, do đa số đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm, chưa dành nhiều thời gian cho hoạt động của cơ quan dân cử, nhất là khâu hậu giám sát nên vẫn còn một số cuộc giám sát chưa đeo bám, tổ chức tái giám sát đến khi kiến nghị được giải quyết thỏa đáng. Mặt khác, việc giải quyết kiến nghị sau giám sát liên quan đến nhiều cấp, ngành, nhưng lại chưa có quy định rõ ràng về cơ chế phối hợp nên vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, hoặc không xem xét, giải quyết triệt để. Một số cơ quan, đơn vị còn coi nhẹ việc giải quyết kiến nghị sau giám sát của HĐND; trả lời chiếu lệ, đôi khi không hồi âm kiến nghị của Đoàn giám sát; việc trả lời chất vấn của đại biểu, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng còn chung chung...

Kết quả thực hiện những yêu cầu của đại biểu và lời hứa của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị hữu quan là khâu then chốt quyết định hiệu quả giám sát của HĐND. Kinh nghiệm của HĐND tỉnh Lai Châu cho thấy, để nâng cao tỷ lệ kiến nghị được giải quyết, kết luận sau giám sát phải rõ ràng, kiến nghị cụ thể, tránh những đề xuất chung chung, gây khó cho các cơ quan hữu quan trong quá trình giải quyết. Kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, cơ quan nào phải chuyển đến đúng đơn vị, địa phương đó. Đặc biệt, sau giám sát, Thường trực, các ban HĐND phải tích cực đeo bám việc giải quyết bằng những hình thức phù hợp. Cần thiết, tổ chức làm việc với UBND tỉnh và các ngành liên quan, các cơ quan được giám sát để yêu cầu xem xét, giải quyết những tồn tại, thiếu sót. Tranh thủ sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong các cuộc họp liên tịch. Sau khi có văn bản yêu cầu giải quyết hoặc sau cuộc họp với UBND và các ngành chức năng, Thường trực HĐND cần giao nhiệm vụ cho các ban HĐND theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, nhất là những vấn đề đang gây bức xúc trong cử tri và nhân dân. Nếu chậm được giải quyết, hoặc giải quyết chưa triệt để, nên tổ chức tái giám sát để tiếp tục đôn đốc thực hiện.

Để phiên chất vấn tại kỳ họp ngày càng chất lượng, hiệu quả, Thường trực HĐND cần tổng hợp những kiến nghị của cử tri, lời hứa của cơ quan hữu quan tại phiên chất vấn của kỳ họp trước chưa được xem xét, giải quyết, hoặc giải quyết không đúng tiến độ để đại biểu nghiên cứu, tiếp tục chất vấn tại kỳ họp tiếp theo. Ngoài xem xét việc trả lời của các ngành chức năng (trong đó có trả lời trực tiếp tại kỳ họp và trả lời bằng văn bản), chủ tọa cần định hướng để lãnh đạo các cơ quan này phải hứa trước đại biểu và cử tri về kế hoạch giải quyết những vấn đề bức xúc đại biểu đã chất vấn; ghi âm nội dung đã trả lời và có biên bản gửi các cơ quan liên quan và đại biểu, nhấn mạnh nội dung cần giải quyết, đồng thời yêu cầu đại biểu thường xuyên theo dõi việc thực hiện. Cần thiết, HĐND tổ chức giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, thực hiện lời hứa tại phiên chất vấn, nhất là những vấn đề cử tri đã kiến nghị nhiều lần và những lời hứa chưa được thực hiện nghiêm túc.

Bên cạnh nỗ lực của Thường trực, các ban và đại biểu HĐND, cần có cơ sở pháp lý ràng buộc trách nhiệm của ngành hữu quan trong việc thực hiện những kiến nghị sau giám sát của HĐND. Vì vậy, phải sớm ban hành Luật Giám sát của HĐND các cấp, trong đó quy định rõ thẩm quyền của HĐND và chế tài đối với những cơ quan có trách nhiệm nhưng không giải quyết, hoặc cố tình kéo dài thời gian giải quyết các kiến nghị sau giám sát và thực hiện lời hứa tại phiên chất vấn của HĐND. Mặt khác, cần tăng số lượng đại biểu và tỷ lệ hoạt động chuyên trách ở mỗi cấp... Đây là những vấn đề không mới, nhưng cần sớm xem xét, điều chỉnh để HĐND khóa mới hoạt động hiệu quả hơn


    Ý kiến bạn đọc