Khai mạc kỳ họp thứ 12 (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XVI
EmailPrintAa
08:59 30/01/2015

Sáng ngày 30/1/2015, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức kỳ họp thứ 12 (kỳ họp chuyên đề) khóa XVI, nhiệm kỳ 2011 - 2016 để thảo luận, xem xét và thông qua 03 nghị quyết về việc thông qua các Đề án: Điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh để thành lập mới thị xã Kỳ Anh và 06 phường thuộc thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Hà Tĩnh”; Nghị quyết về quy định mức thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Tham dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Nam Hồng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Võ Kim Cự - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; Thường trực HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố.

Toàn cảnh kỳ họp

Sau phát biểu khai mạc kỳ họp của đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch HĐND tỉnh, các đại biểu đã nghe ông Nguyễn Phi Quang - Giám đốc Sở Nội vụ trình bày Tờ trình Đề án Điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh để thành lập mới Thị xã Kỳ Anh và thành lập 06 phường thuộc Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.


Đồng chí Hoàng Thị Cẩm Tú - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh 

thông qua chương trình kỳ họp

Thực hiện Thông báo Kết luận số 11/TB-VPCP ngày 16/01/2015 của Văn phòng Chính phủ về việc thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ đã thống nhất chủ trương việc điều chỉnh địa giới tăng đơn vị hành chính tỉnh Hà Tĩnh. Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Kỳ Anh và các cơ quan chức năng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời việc lấy ý kiến nhân dân, họp HĐND các cấp thống nhất chủ trương việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh để thành lập mới Thị xã Kỳ Anh và 6 phường thuộc Thị xã. Đây là một chủ trương lớn, đúng đắn, hợp lòng dân và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nên đã tạo được sự đồng thuận cao trong Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh nói chung, huyện Kỳ Anh nói riêng. Việc thành lập Thị xã mới sẽ tạo điều kiện để từng bước thực hiện tốt công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, tổ chức các khu dân cư, các khu chức năng, các công trình kiến trúc phúc lợi; đồng thời tạo điều kiện để công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng đi vào nề nếp ngay từ đầu nhằm xây dựng và phát triển Thị xã Kỳ Anh sớm trở thành một đô thị mới hiện đại, đồng thời thúc đẩy huyện Kỳ Anh phát triển nhanh và bền vững trên các lĩnh vực, trở thành cầu nối giữa khu đô thị nam Hà Tĩnh với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.


Đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại kỳ họp

 

Theo Đề án, việc thành lập mới thị xã Kỳ Anh dựa trên cơ sở điều chỉnh 28.025,03 ha diện tích tự nhiên và 85.508 nhân khẩu của huyện Kỳ Anh (bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của thị trấn Kỳ Anh và 11 xã: Kỳ Hà, Kỳ Ninh, Kỳ Lợi, Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương, Kỳ Nam, Kỳ Hưng, Kỳ Hoa). Trung tâm hành chính thị xã Kỳ Anh sẽ đặt tại khu hành chính huyện Kỳ Anh hiện tại; địa giới hành chính của thị xã Kỳ Anh: phía Đông giáp Vịnh Bắc bộ (Biển Đông), phía Tây và phía Bắc giáp huyện Kỳ Anh, phía Nam giáp huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đề án xây dựng việc thành lập 6 phường trên cơ sở giữ nguyên toàn bộ diện tích, dân số của thị trấn Kỳ Anh và các xã: Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh, Kỳ Long, Kỳ Liên và Kỳ Phương.

Đồng chí Nguyễn Phi Quang - Giám đốc Sở Nội vụ trình bày Đề án điều chỉnh địa giới hành chỉnh thành lập mới thị xã Kỳ Anh

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Hà Tĩnh có 599.730 ha diện tích tự nhiên và 1.249.790 nhân khẩu, có 13 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, thị xã Kỳ Anh và 10 huyện: Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê, Can Lộc, Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh; có tổng số 262 xã, phường và thị trấn, gồm 21 phường 11 thị trấn và 230 xã (tăng 01 đơn vị hành chính cấp huyện). Huyện Kỳ Anh sau khi chia tách còn 21 xã với tổng diện tích đất tự nhiên là 76.161,7 ha, dân số 120.518 nhân khẩu, trung tâm hành chính huyện đặt tại xã Kỳ Đồng…


Đồng chí Nguyễn Trọng Nhiệu - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh 

trình bày báo cáo thẩm tra của Ban

Thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Trọng Sơn - Giám đốc sở Tài chính báo cáo dự thảo tờ trình vê việc đề nghị thông qua Đề án thành lập Quỹ bão lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Hà Tĩnh và Tờ trình về quy định mức thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.


Đồng chí Nguyễn Trọng Sơn - Giám đốc sở Tài chính, thay mặt UBND tỉnh báo cáo dự thảo tờ trình tại kỳ họp

Đối với đề án thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Hà Tĩnh là một tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc UBND tỉnh Hà Tĩnh, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Quỹ có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có bảng cân đối tài chính, con dấu riêng; được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp trong nước đóng trên cùng địa bàn. Vốn hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng được hình thành từ các nguồn sau:Vốn điều lệ ban đầu của Quỹ là: 40 tỷ đồng; Vốn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân (bao gồm cả vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA) trong và ngoài nước cho mục tiêu phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Vốn bổ sung từ kết quả hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định; Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật hiện hành… Về Nghị quyết điều chỉnh phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn trên địa bàn Hà Tĩnh: thực hiện Nghị định số 174/2007/NĐ-CP ngày 29/11/2007 của Chính phủ quy định về phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn và Thông tư số 39/2008/TT-BTC ngày 19/5/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 174/2007/NĐ-CP, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 85/2014/NQ-HĐND ngày 16/7/2014 về việc sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số loại phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Trên cơ sở đó UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 47/2014/QĐ-UBND ngày 20/8/2014 quy định về mức thu, chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn trên địa bàn Hà Tĩnh (Đối tượng chịu phí quy định tại Quyết định số 47/2014/QĐ-UBND ngày 20/8/2014 là chất thải rắn thông thường, chất thải rắn nguy hại phát sinh từ quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc các hoạt động khác; mức thu phí bảo vệ môi trường quy định đối với chất thải rắn thông thường là 40.000 đồng/tấn, đối với chất thải rắn nguy hại là 6.000.000 đồng/tấn). Thời gian qua trên địa bàn Hà Tĩnh đang có các dự án hoạt động nạo vét, khơi thông luồng lạch cửa sông, cửa biển, đặc biệt là Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa trong quá trình xây dựng cảng Sơn Dương đã triển khai hoạt động nạo vét, hút cát san lấp mặt bằng và nổ mìn phá đá khơi thông luồng lạch. Một khối lượng lớn bùn thải và đá thải phát sinh trong quá trình nạo vét không đủ tiêu chuẩn san nền và đá từ nổ mìn khơi thông luồng lạch đã đổ thải trực tiếp xuống biển mà chưa qua xử lý; lượng bùn thải, đá thải này là đối tượng chịu phí theo quy định tại Quyết định số 47/2014/QĐ-UBND ngày 20/8/2014 của UBND tỉnh…


Đồng chí Nguyễn Trí Lạc - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh trình bày báo cáo thẩm tra của ban

Sau Báo cáo các dự thảo Tờ trình của UBND tỉnh, kỳ họp đã nghe đồng chí Nguyễn Trong Nhiệu - Trưởng ban Pháp chế, đồng chí Nguyễn Trí Lạc - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thông qua báo cáo thẩm tra của các ban về các nội dung trên.


Đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại kỳ họp

 

Tại kỳ họp các đại biểu tiếp tục thảo luận sôi nổi, cơ bản nhất trí thông qua việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh, thành lập thị xã Kỳ Anh, thành lập 06 phương thuộc thị xã Kỳ Anh và Đề án thành lập Quỹ bão lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Hà Tĩnh; Tờ trình về quy định mức thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Riêng đối với tên gọi của phường Kỳ Anh thuộc thị xã Kỳ Anh, các đại biểu đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo huyện Kỳ Anh và Ban chỉ đạo chuyên trách thành lập thị xã mới tổ chức lấy ý kiến nhân dân để  đặt tên cho phù hợp.

Các đại biểu đã biểu quyết thông qua nghị quyết kỳ họp

Các đại biểu đã biểu quyết thông qua các nghị quyết và tiến hành bế mạc kỳ họp.


    Ý kiến bạn đọc