Kỳ họp hấp dẫn sẽ tăng hiệu quả hoạt động của HĐND
EmailPrintAa
14:24 04/09/2013

Gần nửa nhiệm kỳ với khoảng tám kỳ họp, HĐND các cấp đã khẳng định vị trí cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Diễn đàn này ngày càng sôi động, hấp dẫn, cuốn hút đông đảo cử tri và nhân dân.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, xác định kỳ họp là hoạt động chủ yếu của HĐND, nhiều địa phương đã tập trung nghiên cứu đề ra các giải pháp đổi mới nội dung, chương trình kỳ họp. Hiệu quả kỳ họp được thể hiện từ diễn biến sống động từng phiên họp cho đến những quyết sách của HĐND. Phiên họp khai mạc ngắn gọn và chặt chẽ. Ngay sau khi chào cờ cử Quốc ca, Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND: “Kính mời Thường trực HĐND chủ tọa kỳ họp” thế là đủ, không còn đọc danh sách từng người trong Thường trực HĐND với đầy đủ ba bốn chức vụ kèm theo như trước đây nữa. Chủ tọa điều hành phiên khai mạc sau khi thông qua chương trình kỳ họp chỉ: “Kính mời Chủ tịch HĐND khai mạc kỳ họp” đủ tôn trọng, đúng nghi thức, không dài dòng. Diễn văn khai mạc mạch lạc, bao quát hết mục đích, yêu cầu và nội dung cơ bản HĐND phải làm việc trong mấy ngày. Vài lời giới thiệu, mấy phút khai mạc kỳ họp, không những Thường trực HĐND biết quý trọng thời gian mà thể hiện sự chỉ đạo điều hành kỳ họp khoa học, tạo ấn tượng ban đầu cuốn hút, hấp dẫn.

Báo cáo hoạt động của HĐND so với trước đây cũng giảm gần 1/3, nhưng đủ để nêu bật những hoạt động chủ yếu của HĐND, Thường trực và các ban HĐND; mối quan hệ giữa Thường trực HĐND với các cơ quan hữu quan. Dù ngắn gọn nhưng Thường trực HĐND cũng kiểm điểm nghiêm túc những yếu kém để HĐND xem xét. Được chỉ đạo quyết liệt, gương mẫu từ Thường trực HĐND và sự thống nhất của các ngành liên quan trong hội nghị liên tịch nên hầu hết các báo cáo trong kỳ họp đều ngắn gọn, súc tích. Riêng báo cáo về tình hình KT - XH được UBND chuẩn bị thêm và trình bày báo cáo tóm tắt. Đặc biệt, báo cáo của các ban HĐND có những đổi mới rõ rệt. Văn bản thẩm tra không còn tình trạng nêu lại nội dung các tờ trình, đề án... mà tập trung vào phản biện, đưa ra được những chính kiến rõ ràng để đại biểu HĐND thảo luận và quyết định. Còn những báo cáo giám sát, nhất là giám sát chuyên đề càng rành mạch, khúc triết nên khi trình bày thu hút sự quan tâm của đại biểu. Những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong báo cáo giám sát được đại biểu HĐND nghiên cứu chọn lọc để bổ sung những câu hỏi chất vấn. Việc đổi mới phương thức điều hành kỳ họp, nâng cao chất lượng các báo cáo không những làm giảm gần 1/3 thời gian trình bày trực tiếp tại kỳ họp, quan trọng hơn tạo được sự hấp dẫn trong nghị trường, thu hút sự theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân.

Những gợi mở của chủ tọa, ý kiến phản biện, chính kiến thuyết phục trong các báo cáo đã làm nóng nghị trường trong phiên thảo luận. Có lẽ trải qua gần chục kỳ họp đã làm cho đại biểu HĐND nhanh chóng tiếp cận thông tin, vững vàng vào cuộc. Không kính thưa, kính chúc dông dài, đại biểu vào thẳng nội dung, diễn đàn phong phú, sôi động, gay cấn làm cho các ngành chuyên môn cũng phải vào cuộc để lý giải, trình bày... Tuy nhiên, đâu đó cũng có địa phương còn những đại biểu dài dòng, kể lể công việc của ngành, đề xuất mang tính cục bộ... buộc chủ tọa phiên họp phải nhắc nhở.

Sự sôi nổi, hấp dẫn của kỳ họp được đẩy lên cao trào tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Không còn tình trạng trầm lắng, chủ tọa phải mời các ngành trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri... Trước phiên họp đại biểu HĐND đã gửi đến thư ký nhiều phiếu chất vấn. Chủ tọa kỳ họp tổng hợp, phân loại, dự kiến các ngành sẽ trả lời trực tiếp để xin ý kiến HĐND. Trong quá trình trả lời của ngành hữu quan, đại biểu tiếp tục chất vấn trực tiếp theo phương pháp đối thoại, làm cho nghị trường nóng lên, thật hấp dẫn và cuốn hút. Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, chủ tọa có kết luận yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc tổ chức thực hiện những nội dung đã hứa trước HĐND và báo cáo kết quả đến Thường trực HĐND. Có địa phương đã ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn làm cơ sở quan trọng để những vấn đề hậu chất vấn sớm được giải quyết.

Kỳ họp vừa qua, HĐND các địa phương đã thực hiện một hình thức giám sát trực tiếp quan trọng hơn theo Nghị quyết 35 của QH: lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ do HĐND bầu. Lần đầu tiên đại biểu HĐND thực hiện quyền hạn chính trị lớn lao và đã đạt được kết quả tốt đẹp. Mức độ tín nhiệm của đại biểu HĐND đối với các chức danh khá khách quan. Ở đây chỉ so sánh các chức vụ của HĐND thấy rất rõ sự công tâm, trách nhiệm của đại biểu. Mức độ hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao phản ánh ở tỷ lệ tín nhiệm đối với từng chức danh. Không những trong phạm vi một HĐND mà nhìn rộng ra các địa phương, nơi nào hoạt động HĐND có nhiều đổi mới, hiệu quả, hiệu lực được khẳng định thì các chức danh ở HĐND đó có tỷ lệ tín nhiệm cao nhiều hơn.

Đại biểu đánh giá hoạt động của HĐND thông qua những chức vụ ở HĐND do mình bầu ra rất chính xác, chuyển đến từng chức danh thông điệp rõ ràng. Tuy nhiên, việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu nên đại biểu HĐND không tránh khỏi có những băn khoăn, suy nghĩ. Giá như, phiên họp lấy phiếu tín nhiệm diễn ra sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn có lẽ hợp lý và logic hơn. Mặt khác thực tế nhiều địa phương, Trưởng các ban HĐND hoạt động kiêm nhiệm, còn Phó trưởng ban thì hoạt động chuyên trách. Hơn nữa, ai cũng hiểu và thừa nhận công việc của các ban HĐND đều tập trung ở Trưởng hoặc Phó ban hoạt động chuyên trách. Hiệu quả, hiệu lực hoạt động của HĐND có sự đóng góp rất lớn của cán bộ chuyên trách. Vì vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh của HĐND nên mở rộng: Chánh hoặc Phó văn phòng HĐND kiêm thư ký kỳ họp, Phó trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách. Được như vậy, chắc chắn hoạt động của HĐND sẽ hiệu quả hơn nhiều.

HĐND thực hiện chức năng quyết định bằng việc thông qua các nghị quyết. Ý thức được điều đó, Thường trực và các ban HĐND không những chú trọng các báo cáo thẩm tra mà còn tập trung tham gia từ khi các cơ quan hữu quan chuẩn bị dự thảo nghị quyết. Với trách nhiệm, quyền hạn của mình trong quá trình thảo luận, đại biểu HĐND đã có nhiều ý kiến buộc cơ quan trình nghị quyết phải giải trình, tiếp thu và chỉnh sửa lại dự thảo. Thế nhưng, có nhiều nơi khi thông qua nghị quyết cơ quan trình không báo cáo tiếp thu nên đại biểu HĐND tiếp tục thảo luận, yêu cầu sửa đổi để hoàn chỉnh hơn. Vì vậy, nên quy định: trước khi trình dự thảo nghị quyết trước HĐND phải có báo cáo tiếp thu giải trình, để các nghị quyết của HĐND ban hành được chặt chẽ, đúng yêu cầu của đại biểu, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.

Có thể khẳng định, hoạt động của HĐND tại kỳ họp đã kế tục, đúc rút kinh nghiệm của những nhiệm kỳ trước, đặc biệt Thường trực và các ban HĐND học hỏi rất nhiều phương pháp tổ chức, điều hành các kỳ họp của QH. Từ đó đã tập trung nghiên cứu, mạnh dạn cải tiến, đổi mới để các kỳ họp của HĐND ngày càng trở thành diễn đàn dân chủ, trí tuệ, nhanh chóng cuốn hút, hấp dẫn đại biểu và cử tri, khẳng định và từng bước nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của cơ quan dân cử địa phương.

 

 


    Ý kiến bạn đọc